Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 370

7 Điều Yên Ủi




2 Cô-rinh-tô 1:7, "Sự trông cậy của chúng tôi về anh em thật vững vàng; vì biết rằng bởi anh em có phần trong sự đau đớn, thì cũng có phần trong sự yên ủi vậy."

Trong thư Cô-rinh-tô thứ nhì chương 1, sứ đồ Phao-lô nhắc đến những chữ "đau đớn", "khốn nạn", "hoạn nạn", "nhận án xử-tử", "đến nỗi gần chết" trong 2 Cô-rinh-tô 1:8-9, "Vả, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si, và chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống. Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử tử, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại. Ấy chính Ngài đã cứu chúng tôi khỏi sự chết lớn dường ấy, và sẽ cứu chúng tôi; phải, chúng tôi còn mong Ngài sẽ cứu chúng tôi nữa."

Chính sứ đồ Phao-lô, một nhà truyền giáo vĩ đại của Chúa, đã trải qua không biết bao nhiêu hoạn nạn, thử thách, bắt bớ, chẳng những từ những người chống Chúa, mà ngay cả những tín hữu từ trong Hội Thánh mà ông đã giúp xây dựng nên, như là Hội Thánh Cô-rinh-tô! Trong 2 Cô-rinh-tô 1:7a, sứ đồ Phao-lô cho những tín hữu biết rằng, ông không bỏ rơi họ; cũng không nản lòng vì những lời chỉ trích của một số người; ông nói, "Sự trông cậy của chúng tôi về anh em thật vững vàng" (2 Cô-rinh-tô 1:7a). Lý do là vì ông biết họ cũng "có phần trong sự đau đớn" (2 Cô-rinh-tô 1:7b). Những tín hữu cũng chịu thử thách, hoạn nạn, đau đớn khi họ tin theo Đấng Christ, giống như sứ đồ Phao-lô đã trải qua; và họ "cũng có phần trong sự yên ủi" (2 Cô-rinh-tô).

Mặc dù đã trải qua rất nhiều thử thách lớn, sứ đồ Phao-lô (bởi ơn Đức Chúa Trời) vẫn có thể viết ra một bức thư đầy sự yên ủi. Bí quyết của sứ đồ Phao-lô, để vượt qua mọi gian nan thử thách, chính là tin cậy Đức Chúa Trời. Ông đã học được bí quyết này, và ông viết lại trong phân đoạn của thư 2 Cô-rinh-tô 1:3-7, để nâng đở, khích lệ, yên ủi những tín hữu hãy vững tin vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. Trong thư tín này, một trong những từ ngữ quan trọng, đó là “yên ủi"; có 19 lần cụm từ "yên ủi" được nhắc đến trong thư 2 Cô-rinh-tô. Khi chúng ta kính yêu Chúa và làm theo Lời Ngài, tức là chúng ta từ bỏ đời sống cũ thuộc về thế gian, để trở thành con người mới trong Đấng Christ, thì chúng ta sẽ gặp hoạn nạn, bắt bớ, khó khăn, sỉ nhục, đau lòng, từ mọi phía – không chỉ người ngoài mà còn người trong Hội Thánh nữa! Tuy nhiên, trong mọi sự, tại mọi nơi, chúng ta sẽ có 7 điều yên ủi sau đây.
_Thứ nhất, chúng ta được Đức Thánh Linh yên ủi, "Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi" (Giăng 14:26).
_Thứ hai, chúng ta nhận được sự yên ủi từ Lời Chúa, "Lời Chúa làm cho tôi được sống lại, ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn" (Thi-thiên 119:50). Hãy đọc Lời Chúa thường xuyên mỗi ngày!
_Thứ ba, chúng được thoát khỏi quyền tối tăm và được làm con yêu dấu của Chúa, "Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài" (Cô-lô-se 1:13).
_Thứ tư, chúng ta được yên ủi khi biết rằng, sau khi đã vượt qua hoạn nạn, thử thách, thì Chúa đã dạy cho chúng ta những bài học cá nhân, hay những trải nghiệm riêng, mà chúng ta có thể dùng chúng để giúp đỡ, khích lệ cho những người khác, khi họ lâm vào cùng hoạn nạn. "Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhơn sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp" (2 Cô-rinh-tô 1:4).
_Thứ năm, chúng ta còn nhận được sự yên ủi từ những anh chị em Cơ Đốc, giống như sứ đồ Phao-lô đã nhận được sự giúp đỡ từ Hội Thánh Phi-líp, "Nhưng anh em giúp tôi cơn hoạn nạn, thì đã làm điều thiện" (Phi-líp 4:14).
_Thứ sáu, chúng ta được yên ủi vì được làm người kế tự của Chúa đời đời trên Thiên Đàng, như sứ đồ Phao-lô viết, "…nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài. Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta" (Rô-ma 8:17-18).
_Thứ bảy, chúng ta "trông cậy sự sống đời đời, là sự sống mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ muôn đời về trước" (Tít 1:2).

"Rốt lại, hỡi anh em, hãy mừng rỡ; khá theo đến sự trọn lành; hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em" (2 Cô-rinh-tô 13:11 ). Hãy hết lòng tin cậy Chúa, hãy nghĩ đến tương lai vinh hiển. Cảm tạ Chúa luôn ở cùng chúng con; xin Thánh Linh Ngài thêm sức, giúp chúng con luôn trung tín, chịu khổ đi theo Chúa, vững lòng bền chí cho đến khi Ngài trở lại; xin giúp chúng con sống làm sáng Danh Chúa, bày tỏ tình yêu đời đời và Ân Điển vô biên của Đấng Christ cho những người chung quanh! Amen!

Vững tin, nương cậy Thánh Linh Chúa,
Là Đấng bên ta trọn tháng ngày,
Bày tỏ yêu thương, vô cùng tận,
Ôi hồng ân Chúa, mãi không phai!
Tương lai Thiên Quốc, nơi ta đến,
Được sống thỏa vui, ở cạnh Ngài,
Chẳng có gian nan, thử thách nữa,
Vui mừng khen ngợi, Chúa thánh thay!

Ngọc Huỳnh Bích

Ghi-chú:
Trong chuyến truyền giáo lần thứ hai, sứ đồ Phao-lô đã đến thành Cô-rinh-tô lần thứ nhất, vào khoảng năm 51 SCN; ông đã ở lại đây khoảng 1 năm rưỡi (Công-vụ 18:11). Sứ đồ Phao-lô đã làm nghề may trại với vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin, và rao giảng Tin Lành trong nhà hội; Si-la và Ti-mô-thê từ xứ Ma-xê-đoan đến đây và hiệp sức với ông để truyền giảng Tin Lành; và ông đã thành lập Hội Thánh Cô-rinh-tô. Khi người Do Thái không muốn nghe lời ông giảng, họ đưa ông ra tòa án để xử; cho nên, sau đó sứ đồ Phao-lô rời Cô-rinh-tô, tiếp tục chuyến truyền giáo lần thứ 3, ông trở lại thành Ê-phê-sô (khoảng năm 52 SCN), và ở đây khoảng 2 năm rưỡi (Công-vụ 19:8-10). Tại Ê-phê-sô, ông viết thư 1 Cô-rinh-tô (1 Cô-rinh-tô 16:8, vào khoảng năm 55 SCN) để trả lời những thắc mắc của những tín hữu. Sau đó, Tít cho ông biết có những giáo sư giả đang hoạt động tại Cô-rinh-tô; họ đến để phá rối công việc của các sứ đồ và chấp vấn thẩm quyền của đầy tớ Đấng Christ của sứ đồ Phao-lô. Vì vậy, mà thư Cô-tinh-tô thứ hai được viết ra (sau khi sứ đồ Phao-lô rời Ê-phê-sô, vào khoảng năm 55-56 SCN), để giải bày nỗi lòng của ông và để giải thích chức vụ và khuyên bảo tín hữu tại Cô-rinh-tô cần phải sống theo Lời Chúa. Sứ đồ Phao-lô đã giải bày nhiều hơn về bản thân và chức vụ của ông trong bức thư này hơn những bức thư khác; do đó mà nhiều người gọi bức thư này là lời chứng của sứ đồ Phao-lô.