Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 238

Chuyện... Khôn Khéo

Kinh Thánh: II Sa-mu-ên 12: 1-9; Thi-thiên 119: 169; Ê-phê-sô 5: 15; Phi-lê-môn 9-21 (*)

Kính chào quý độc giả,

Khôn khéo, tinh tế là một điều ai cũng thích, cũng muốn có được trong cuộc sống của mình; nhưng để có được sự khôn khéo trong cách cư xử với nhau trong cuộc sống cũng như trong công việc thì có lẽ trước hết, đó là điều... Ông Trời ban cho, và thứ đến là chúng ta phải học hỏi từ trong sách vở, hoặc từ những người đi trước mình.

Có ai đó đã nói rằng: “Người ta chỉ cần hai năm để học nói, nhưng lại cần tới vài chục năm để biết cách ứng xử.” Điều đó cho thấy cách ứng xử của một con người trong cuộc sống như thế nào là rất quan trọng.

Tục ngữ, ca dao Việt Nam có những câu như sau:

+ Vụng chèo khéo chống
+ Khéo bán, khéo mua vẫn thua người khéo nói.
+ Canh suông khéo nấu thì ngon
+ Mẹ già khéo nói thì con đắt chồng
...

Tôi cũng đọc được đâu đó một câu cũng rất hay:

“Nhịn được điều người khác không thể nhịn, tha thứ được điều người khác không thể tha, phải là một người bao dung hơn người, hiểu biết hơn người, điềm tĩnh hơn người mới làm được.”

Khôn khéo là khôn ngoan và khéo léo trong cách cư xử với nhau giữa người với người trong cuộc sống hướng đến những lợi ích lâu dài và tốt đẹp cho người cũng như cho mình.

Ngược lại, khôn vặt, hay khôn lỏi là chỉ chú tâm đến những gì có lợi cho mình trước mắt không kể là người khác có bị thiệt hại hay không. Nếu khôn khéo được xem là một nét tính cách tốt (phẩm tính), thì khôn lỏi hay khôn vặt lại là một tính cách xấu (thói xấu).

Những câu tục ngữ, hay những câu nói sau đây thể hiện khá rõ thói khôn vặt đó:

+ Mượn gió bẻ măng
+ Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau
+ Ông thò chân giò, bà thò chai rượu
+ Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm việc bình thường, chơi là chính
...

Học giả Trần Trọng Kim trong quyển sách nổi tiếng của mình “Việt Nam Sử Lược” đã có nhận xét về một số... thói xấu của người Việt khá xác đáng, dù có phần... chua chát khi nghe đến: “Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác.”

Nhà Nghiên Cứu Phê Bình Văn Hóa, Văn Học Vương Trí Nhàn, sau khi nghiên cứu về... thói xấu của người Việt, thì đi đến một... kết luận mà theo tôi là... rất chính xác: “Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình.”

Bạn cũng như tôi chắc không thích mình là người khôn vặt, khôn lỏi, mà chỉ thích sống một lối sống khôn ngoan, khéo léo trong cuộc đời.

Trong Kinh Thánh có để lại nhiều câu chuyện về lối sống khôn ngoan, khéo léo đáng để chúng ta suy ngẫm và học đòi làm theo. Xin được trích ra đây hai câu chuyện, một trong Cựu Ước và một trong Tân Ước:

+ Sau khi vua Đa-vít phạm tội tà dâm và tội sát nhân, Chúa sai Tiên tri Na-than đến để... vạch tội Đa-vít. Na-than đến không... vạch mặt Đa-vít liền, mà ông kể một câu chuyện khiến đánh động lương tâm Đa-vít:

Đức Giê-hô-va sai Na-than đến cùng Đa-vít. Vậy, Na-than đến cùng người mà rằng: Trong một thành kia có hai người, người nầy giàu, còn người kia nghèo. Người giàu có chiên bò rất nhiều; nhưng người nghèo, nếu chẳng kể một con chiên cái nhỏ mà người đã mua, thì chẳng có gì hết. Người nuôi nó; nó cùng lớn lên với con cái người tại nhà người, ăn đồ người ăn, uống đồ người uống, và ngủ trên lòng người; nó như một con gái của người vậy. Vả, có người khách đến người giàu; người giàu tiếc không muốn đụng đến chiên bò của mình đặng dọn một bữa ăn cho người khách đã đến, bèn bắt con chiên con của người nghèo và dọn cho kẻ khách đã đến thăm mình. Đa-vít bèn nổi giận lắm cùng người ấy, và nói cùng Na-than rằng: Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết! Hắn phải thường bốn lần giá chiên con, vì đã làm như vậy, và vì không có lòng thương xót. Bấy giờ, Na-than nói cùng Đa-vít rằng: Vua là người đó! Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ. Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao vào tay ngươi các vợ của chủ ngươi, lập ngươi làm vua của nhà Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, và nếu điều đó không đủ, ắt ta sẽ thêm cho ơn khác nữa. Cớ sau ngươi đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va, mà làm điều không đẹp lòng Ngài? Ngươi đã dùng gươm giết U-ri, người Hê-tít, lấy vợ nó làm vợ ngươi, còn nó thì ngươi đã giết bởi gươm của dân Am-môn.” (Sách 2 Sa-mu-ên, chương 12, câu 1-9, BTT)

Sau lời... vạch tội khôn khéo của Na-than, Đa-vít đã ăn năn tội của mình trước mặt Chúa, và Ngài đã tha tội cho ông.

Nếu Na-than đến mà chỉ tay... vạch tội Đa-vít liền, thì không chừng, Đa-vít nổi trận lôi đình lên mà... cho người chém đầu Na-than liền cho bỏ tức cũng nên.

Tiên tri Na-than quả là một con người được Chúa ban cho một sự khôn ngoan, khéo léo thật tuyệt vời trong việc xử lý vấn đề.

+ Thánh Phao-lô trong sách Phi-lê-môn của mình, dù là một sách ngắn, nhưng qua đó để lại cho chúng ta một cách xử sự rất khôn khéo của ông, khiến Phi-lê-môn là bạn của ông không những không giận Ô-nê-sim là một đầy tớ của mình đã làm một điều gì đó buồn lòng chủ, nên đã bỏ trốn, và gặp Phao-lô, Phao-lô đã làm chứng cho Ô-nê-sim tin Chúa. Ô-nê-sim được Chúa biến đổi cuộc đời trở nên tốt đẹp. Sau đó, Phao-lô gởi Ô-nê-sim về lại cho Phi-lê-môn. Phi-lê-môn đã nhận lấy lại Ô-nê-sim với một niềm vui chân thành, chứ không phải bị bắt buộc. Và Phi-lê-môn đã coi Ô-nê-sim như người anh em yêu dấu trong Chúa chứ không coi như là tôi mọi nữa. Phao-lô viết những lời khôn khéo như sau:

Tôi, Phao-lô, đã già rồi, hiện nay lại vì Đức Chúa Giê-xu Christ chịu tù nữa, tôi vì con tôi đã sanh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh; ngày trước người không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ ích lắm, và cũng ích cho tôi nữa: tôi sai người về cùng anh, người như lòng dạ tôi vậy. Tôi vốn muốn cầm người ở lại cùng tôi, đặng thế cho anh mà giúp việc tôi trong cơn vì Tin Lành chịu xiềng xích. Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, hầu cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, bèn là bởi lòng thành. Vả, có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi mãi, không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu, nhứt là yêu dấu cho tôi, huống chi cho anh, cả về phần xác, cả về phần trong Chúa nữa. Vậy nếu anh coi tôi là bạn hữu anh, thì hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy. Nhược bằng người có làm hại anh hoặc mắc nợ anh điều chi, thì hãy cứ kể cho tôi. Tôi, Phao-lô, chính tay tôi viết điều nầy: sẽ trả cho anh, còn anh mắc nợ tôi về chính mình anh thì không nhắc đến. Phải, hỡi anh em, ước chi tôi được nhận sự vui vẻ nầy bởi anh trong Chúa; anh hãy làm cho tôi được thỏa lòng trong Đấng Christ. Tôi viết cho anh, đã tin chắc anh hay vâng lời, biết anh sẽ làm quá sự tôi nói đây.” (Sách Phi-lê-môn, câu 9-21)

Thật là một cách ứng xử tuyệt vời của Phao-lô!

...

Tôi cũng nhớ một cách ứng xử khéo léo của Nhạc Phụ tôi (cố Mục Sư BP) cách đây mấy chục năm về trước, khi người còn sống:

Số là gần Nhà thờ mà Nhạc Phụ tôi đang Chủ tọa (tức Quản Nhiệm), có một thanh niên dù đã tin Chúa, nhưng vẫn còn tính hay ăn trộm vặt trong xóm. Chung quanh Nhà thờ lúc bấy giờ, Hội Thánh có trồng nhiều dừa để làm bóng mát và ăn trái. Dừa rất cao và sai trái. Một hôm, vào buổi chiều trời chập choạng tối, anh H (tên người có tính hay ăn trộm vặt) leo lên hái dừa trộm, và Nhạc Phụ tôi đi công việc về bắt gặp, ông dừng lại và nói: “Con hái dừa đó hả H, coi trái nào già thì hái ăn cho ngon nghe con. Hái xong, từ từ xuống cẩn thận kẻo té con nhé.” Nói xong, Nhạc Phụ tôi đi vô nhà.

Ông kể lại cho gia đình nghe. Mấy người con hỏi, ba có la nó một trận cho bỏ cái tật ăn trộm vặt đó không? Nhạc Phụ tôi nói: “Một vài trái dừa không bao nhiêu tiền mấy con ạ. Mình mà la lớn lên làm nó hoảng sợ, lỡ rớt xuống chết người thì mình mang tội. Cho nên, ba chỉ nói nhè nhẹ rồi vô nhà, để cho nó yên tâm mà leo xuống cho an toàn.”

Tôi thầm cảm phục cách xử sự khôn khéo của Người trong một trường hợp dễ... bực bội mà la lớn lên như thế!

Đó là sự khôn ngoan mà Chúa ban cho Nhạc Phụ của tôi vậy!

Cảm tạ Chúa!

...

Mỗi khi tôi đi đến tiệm hớt tóc, trước khi cạo râu cho tôi, người thợ lấy cây cọ thấm nước rồi quẹt qua bộ râu một vài lần cho ướt chân râu rồi mới cạo, để cho tôi không bị rát da, hay rướm máu. Mỗi khi người thợ làm như thế tôi thấy dễ chịu vô cùng, vì nghe được những âm thanh dao cạo nghe rạo rạo mới... đáng yêu làm sao, và sau đó là cái cằm nhẵn bóng, đẹp khỏi chê luôn!

Người thợ hớt tóc ấy có thể không cần phải quẹt nước qua bộ râu trước khi cạo, vẫn có thể cạo râu cho tôi được; nhưng có thể sau lần cạo râu đó, khách sẽ... một đi không trở lại nữa, vì sợ đau rát mỗi khi cạo râu. Họ sẽ đi tìm một người thợ khôn khéo khác biết cách cạo râu không đau để hớt tóc cho mình.

Đó là một sự khôn khéo của một người thợ hớt tóc biết chìu khách và biết cách làm cho khách cảm thấy được an toàn và thích thú khi đến tiệm của mình.

...

Muốn có được một lối xử sự khôn khéo, thiết nghĩ chúng ta cần học lời Chúa mỗi ngày và xin Chúa Thánh Linh ban cho sự khôn ngoan trong đời sống thì chắc chắn Ngài sẽ ban cho chúng ta.

Thi Sĩ Cơ-đốc Ngọc Huỳnh Bích có bài suy gẫm “Mưu Sĩ Khôn Ngoan” rất ý nghĩa như sau:

“... Chúa là Mưu Sĩ đáng tin cậy; Ngài là Chúa toàn tri – hiểu biết sâu rộng hơn mọi người, vì Chúa đã tạo dựng nên loài người. Hãy tin cậy và tìm sự khuyên bảo tốt nhất nơi Chúa cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Hãy từ bò sự kiêu ngạo, hãy hạ mình, nhận biết chính mình bất toàn, và cần giúp đỡ từ Chúa, qua Lời của Ngài, và những mưu sĩ Chúa ban cho. Hãy hiệp một trong Hội Thánh, lắng nghe lời khuyên, cùng nhau bàn luận và đi đến quyết định tốt nhất theo ý Chúa. "Hỡi Đức Giê-hô-va, nguyện tiếng kêu của tôi thấu đến Ngài. Xin hãy ban cho tôi sự thông sáng tùy theo lời Chúa" (Thi-thiên 119:169).Nguyện xin Thánh Linh Chúa giúp chúng con có lòng khôn ngoan, tìm kiếm ý Chúa trước tiên, suy gẫm Lời Ngài mỗi ngày, để chúng con được thông sáng, nương cậy quyền năng tuyệt đối của Ngài, tham khảo lời khuyên bảo từ những vị cố vấn Cơ Đốc Chúa ban; hầu cho chúng con biết được Ý Chúa và làm theo, để chúng con không bị sai lạc, nhưng đi đúng theo đường lối Ngài! Amen!

Khôn Ngoan quý giá ai ơi,
Quý hơn châu ngọc giữa nơi thế trần,
Là điều quý báu rất cần,
Ta nên tìm kiếm, đến gần cầu xin,
Chúa nghe, ban xuống cho mình,
Khôn Ngoan dạy dỗ công bình, thẳng ngay,
Tránh xa kiêu ngạo đời này,
Đi trong đường lối, chẳng sai lạc lầm,
Khôn Ngoan thánh hóa trong tâm,
Linh hồn trong sạch, giữ cầm Lời Cha!”

Kinh Thánh dạy: “Vậy, hãy giữ cho khéo về ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan.” (Sách Ê-phê-sô, chương 5, câu 15)

Nguyện xin Chúa ban sự khôn ngoan cho chúng ta để biết xử lý mọi sự trong cuộc sống một cách khéo léo, tốt đẹp, nhờ lời của Ngài, hầu danh Chúa được vinh hiển! Amen!

Tháng 10/ 2021

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)