Kinh Thánh: Ê-phê-sô 4: 32; Cô-lô-se 3: 12, 13; I Giăng 4: 7, 8 (*)
Kính chào quý độc giả,
Cứ mỗi khi có một ai đó qua đời, đi về... bên kia thế giới, chúng ta thấy có nhiều người đến viếng thăm, chia buồn cùng gia đình và tang quyến. Kèm theo sự viếng thăm, thường có những vòng hoa để tiễn đưa người quá cố đến nơi... an nghỉ cuối cùng.
Mỗi khi đi dự tang lễ và chia buồn cùng một gia đình nào đó, tôi thường hay... để ý đến những dòng chữ ghi trên các vòng hoa.
Hầu hết những dòng chữ được ghi trên các vòng hoa đều có những ý rất hay, với những tình cảm tốt đẹp nhất dành cho người quá cố. Có thể kể những dòng chữ thường dùng nhất mà ta thường thấy như: “Vô cùng thương tiếc!”, “Thành kính phân ưu!”, “Thương nhớ thật nhiều!”...
Những người tin Chúa Giê-xu như chúng tôi thì thường hay ghi trên vòng hoa viếng người quá cố cùng niềm tin ngoài những dòng chữ trên, còn có những dòng chữ sau: “Về Trước Miền Vinh Hiển!”, “Vui Về Nước Chúa!”, “Về Miền Phước Hạnh!”, “Yên Nghỉ Trong Chúa!”, “Ngủ Yên Trong Chúa!”, “Chờ Ngày Sống Lại!”, “Về Chốn Vĩnh Sinh!”, “Yên Nghỉ Trong Bình An!”...
Dù là người tin Chúa Giê-xu hay người theo các tôn giáo khác, khi đặt vòng hoa đi viếng người quá cố, chúng ta đều ghi trên vòng hoa những lời trang trọng với những tình cảm tốt đẹp nhất dành cho người vừa mới qua đời đi về... bên kia thế giới. Có thể nói đó là một nét đẹp văn hóa và thể hiện tình cảm cao quý dành cho người thân yêu không còn ở bên mình nữa của người Việt chúng ta.
Cứ mỗi khi xem những dòng chữ trang trọng với tình cảm tốt đẹp trên vòng hoa viếng người quá cố, nhất là những dòng chữ thường hay dùng như: “Vô cùng thương tiếc!”, “Thành kính phân ưu!”, là lòng tôi rộn lên nhiều cảm xúc với nhiều nghĩ suy buồn vui lẫn lộn...
Có không ít người khi sống với người thân yêu, với anh em, bè bạn, bà con hàng xóm thì không ra gì cả, tranh giành hơn thua từng chút một, nói xấu nhau không chừa một chỗ nào; thậm chí nhiều khi còn đói xử với nhau như... kẻ thù không đội trời chung nữa; ấy vậy mà khi một người qua đời, thì người kia lại ghi trên vòng hoa viếng người quá cố là “Vô cùng thương tiếc!”, “Thành kính phân ưu!” hay “Thương nhớ thật nhiều!”
Người ta nói “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên dù khi sống có đối xử với nhau không ra gì, sống tệ bạc với nhau; nhưng khi qua đời, cũng nên dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất. Đó cũng là một điều... hay(!?) Nhưng giá mà, khi còn sống mà dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất, yêu thương nhau, tôn trọng nhau một cách phải lẽ, thì có phải tốt hơn không, ý nghĩa hơn không, và giá trị hơn không?
Khi sống, đối xử với nhau không ra gì, tranh giành, hơn thua nhau từng chút một, thì khi chết dù có dành cho nhau những lời tốt đẹp như thế nào đi chăng nữa, thì người quá cố cũng chẳng thể nào cảm nhận được những tình cảm quý báu đó của chúng ta. Và như vậy thì những lời tốt đẹp dành cho nhau khi đã chết liệu phỏng có ích gì?
Đó là một điều... vô lý nơi con người chúng ta vậy!
Trong Kinh Thánh, Chúa dạy chúng ta cần phải biết sống yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, cần phải biết nhường nhịn nhau; thậm chí cần phải... chịu đựng nhau nữa ngay khi Chúa cho còn sống trong thân xác nầy.
Thánh Phao-lô khuyên con cái Chúa rằng: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Sách Ê-phê-sô, chương 4, câu 32)
Một chỗ khác, Phao-lô cũng bày tỏ: “Hãy mặc lấy sự khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.” (Sách Cô-lô-se, chương 3, câu 12, 13)
Cũng đồng một tâm tình như Phao-lô, sứ đồ Giăng cũng đã từng viết: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” (Sách Giăng thứ nhất, chương 4, câu 7, 8)
Hãy dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất, nhất là tình yêu thương và sự tôn trọng nhau khi còn sống, chứ không phải là khi... đã chết bạn nhé!
Những lời tốt đẹp và tình cảm quý báu dành cho nhau khi còn sống có ý nghĩa bao nhiêu thì những lời tốt đẹp và tình cảm quý báu dành cho nhau khi... đã chết chẳng có ý nghĩa bấy nhiêu.
Có nhiều người khi còn sống không thể hiện tình yêu dành cho nhau, để rồi khi đã chết lại bày tỏ lòng thương tiếc, hối hận; nhưng tất cả đều đã muộn màng, không còn ý nghĩa gì nữa hết!
Sự chết có thể đến với bất cứ ai trong chúng ta vào bất cứ lúc nào, chúng ta không biết được, chỉ có Đức Chúa Trời biết; cho nên hãy sống với nhau trong yêu thương, tha thứ và tôn trọng nhau ngay hôm nay, đừng... giữ sổ thù hận với nhau làm chi trong cuộc sống ngắn ngủi nầy.
Hãy hết lòng yêu thương nhau, tôn trọng nhau khi còn sống hơn là... “vô cùng thương tiếc!”, “Thành kính phân ưu!” khi đã chết! Khi còn sống không yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, không kính trọng nhau, thì khi đã chết mà... “vô cùng thương tiếc!”, “Thành kính phân ưu!” thì chỉ là... chót lưỡi đầu môi.
Những dòng chữ “Vô cùng thương tiếc!”, “Thành kính phân ưu!” trên vòng hoa viếng người quá cố chỉ có ý nghĩa khi chúng ta đối xử với người ấy lúc còn sống một cách nhân từ, yêu thương, độ lượng và tôn trọng; thì khi họ qua đời, chúng ta mới... “vô cùng thương tiếc!”, mới “Thành kính phân ưu!” vì không còn có cơ hội để bày tỏ tình cảm yêu thương, kính trọng được với người ấy nữa!
Bạn có đồng ý như thế không?
Cầu xin Đức Chúa Trời ban ơn và giúp đỡ cho mỗi một chúng ta biết sống nhân từ, yêu thương nhau, đối xử với nhau thật tốt và tôn trọng nhau ngay khi còn sống; để khi có người thân yêu nào của chúng ta qua đời, chúng ta sẽ thấy lòng mình thanh thản, không còn có gì phải ân hận hay tiếc nuối, vì đã đối xử tệ bạc với người đã ra đi. A men!
California, Tháng 11/ 2021
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)