Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 252

Ngày Tết, Nhớ... Câu Hỏi Của Ông Đồ

Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 2: 7; Truyền Đạo 12: 7; Công Vụ Các Sứ Đồ 16: 31

Kính chào quý độc giả,

Chúng ta đang bước vào những ngày Tết Nguyên Đán thật vui tươi và phước hạnh trong sự ban cho của Đức Chúa Trời.

Cứ mỗi lần mùa Xuân đến là tôi không quên nói lời cảm tạ Đức Chúa Trời, vì chính Ngài đã ban mùa Xuân tuyệt đẹp cho con người chúng ta được hưởng, mà một trong những điều làm cho mùa Xuân trở nên tuyệt đẹp đó chính là các loài hoa.

Đấng đã ban mùa Xuân cũng chính là Đấng đã tạo nên các loài hoa tuyệt đẹp ấy cho con người được thỏa sức ngắm nhìn và thưởng thức. Chỉ có Đấng Tuyệt Mỹ mới có thể tạo nên được mùa Xuân đẹp với những loài hoa tuyệt vời như thế mà thôi phải không bạn?

Khi nói đến hoa của mùa Xuân, thì ta đều biết hai loài hoa đặc trưng của mùa Xuân ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam, đó chính là hoa mai và hoa đào.

Nếu mùa Xuân ở miền Nam (cũng như ở miền Trung) không thể thiếu vắng hoa mai, thì mùa Xuân ở miền Bắc chắc chắn phải có hoa đào.

Hoa mai, hoa đào, mỗi loài hoa đẹp một vẻ “mười phân vẹn mười”, khó có thể nói loài hoa nào đẹp hơn loài hoa nào được.

Tôi là người miền Trung, nên tôi rất yêu hoa mai mỗi khi mùa Xuân về.

Còn nhớ những năm tháng làm lính chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia đầy ác liệt hơn bốn chục năm trước; khi đóng quân giữa rừng sâu, mỗi khi mùa Xuân về, chúng tôi thường hát ca khúc “Xuân nầy con không về” của Nhạc Sĩ Trịnh Lâm Ngân cho đỡ nhớ nhà, nhớ quê hương. Trong bài hát đó, Nhạc Sĩ có nhắc đến hai loài hoa Tết đặc trưng của hai miền Nam Bắc:

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai, đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa... ”

Có thể nói Trịnh Lâm Ngân đã để lại cho đời một ca khúc về mùa Xuân thật hay, thật xúc động lòng người.

...

Mỗi khi nhớ đến hoa đào mùa Xuân, là tôi nhớ đến bài thơ “Ông Đồ” nổi tiếng của Nhà Thơ Vũ Đình Liên.

Ngày từ khi mới... ra đời (1936), “Ông Đồ” đã được bạn đọc gần xa đón nhận một cách nồng nhiệt, vì tứ thơ lạ, ý thơ hay và đầy tâm trạng của tác giả.

Chỉ với năm khổ thơ ngắn ngủi, mỗi khổ bốn câu, với lối thơ năm chữ mới lạ lúc bấy giờ, “Ông Đồ” đã làm... ngẩn ngơ bao tấm lòng yêu văn thơ từ thời ấy cho đến tận bây giờ.

Hai khổ thơ đầu nói đến thời huy hoàng của Ông Đồ (tức người làm nghề dạy học thời phong kiến ở nước ta). Cứ mỗi khi hoa đào nở báo hiệu mùa Xuân đến là người ta thấy hình ảnh Ông Đồ ngồi bên đường phố viết câu đối, liễng bán cho người ta đem về chưng trong nhà để đón Xuân, vui Tết. Người đến thuê viết câu đối, liễng cũng nhiều, và người đến để thưởng thức đôi bàn tay tài hoa “như phượng múa rồng bay” của Ông Đồ cũng nhiều không kém.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng baỵ

Hai khổ thơ tiếp theo nói đến... thời suy tàn của Ông Đồ. Nếu thời huy hoàng, có bao nhiêu người thuê viết, bao nhiêu người tấm tắc ngợi khen, nể phục sự tài hoa của đôi bàn tay như thôi miên người khác của Ông Đồ; thì nay đến thời... suy tàn, người thuê viết không còn nữa, và người đến để thưởng thức đôi bàn tay tài hoa của Ông Đồ cũng... đi chỗ khác xem luôn. Giấy đỏ, mực đen cũng... buồn, cũng... sầu theo với chủ của nó. Ông Đồ vẫn ngồi bên phố xưa khi hoa đào nở; nhưng giờ chẳng ai thèm đoái hoài đến ông cả (Qua đường không ai hay); bởi vì thời... hoàng kim của Ông Đồ giờ đã qua rồi, như lá cây úa vàng, tàn tạ rơi rớt giữa trời mưa bụi bay buồn thê lương vậy:

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi baỵ

Cái gì cũng có kỳ của nó, có kỳ huy hoàng, và có kỳ... suy tàn, như Vua Sa-lô-môn đã viết: “Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định. Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng; Có kỳ giết, và có kỳ chữa lành; có kỳ phá dỡ, và có kỳ xây cất; có kỳ khóc, và có kỳ cười; có kỳ than vãn, và có kỳ nhảy múa; có kỳ ném đá, và có kỳ nhóm đá lại; có kỳ ôm ấp, và có kỳ chẳng ôm ấp; có kỳ tìm, và có kỳ mất; có kỳ giữ lấy, và có kỳ ném bỏ; có kỳ xé rách, và có kỳ may; có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra; có kỳ yêu, có kỳ ghét; có kỳ đánh giặc, và có kỳ hòa bình.” (Sách Truyền Đạo, chương 3, câu 1-8)

Thời Nho học (Ông Đồ) đã qua, nhường chỗ cho thời..Tân học (chữ Quốc Ngữ) ngự trị.

Tôi đặc biệt thích khổ thơ cuối của bài thơ:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Đào vẫn nở mỗi khi Xuân về, Tết đến, nhưng Ông Đồ thì không thấy nữa, vì đã... xưa rồi Diễm ơi!

Nhà Thơ kết luận bài thơ bằng một câu hỏi tu từ nghe thật chạnh lòng và xót xa:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Hỏi có nghĩa là đã trả lời. Hình ảnh Ông Đồ bây giờ đã... lùi vào dĩ vãng xa xăm, đã... biệt tăm, không còn ai biết đến nữa. Có còn chăng là trong ký ức của những người yêu Nho Học một thời? Có còn chăng là trong lòng những ai yêu mến bài thơ “Ông Đồ” đầy chất hoài niệm nầy của Nhà Thơ Vũ Đình Liên mà thôi.

...

Nhân câu hỏi... hóc búa trong bài thơ nầy, tôi nhớ đến Kinh Thánh cho biết con người được Đức Chúa Trời tạo nên có thể xác và có linh hồn. Thể xác được Chúa nắn nên từ bụi đất, và linh hồn là hơi sống của Đức Chúa Trời phú vào trong thể xác bụi đất bất động đó để bụi đất thể xác ấy trở nên một loài sanh linh (một loài có linh hồn sống động):

Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 7)

Vì linh hồn đến từ Đức Chúa Trời, nên sẽ trở về cùng Đức Chúa Trời sau khi con người qua đời.

Cũng lời Kinh Thánh dạy: “bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh (linh hồn-nv) trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Sách Truyền Đạo, chương 12, câu 7)

...

“Hồn ở đâu bây giờ?” là một câu hỏi quan trọng mà mỗi một con người cần phải biết trước khi lìa đời nầy?

Nếu mình không biết linh hồn mình sẽ đi về đâu sau khi qua đời, thì quả là đáng thương biết bao!

Nếu không biết chắc linh hồn mình sẽ đi đâu sau khi chết có nghĩa là chắc chắn linh hồn mình sẽ đi đến một nơi mà mình không muốn bao giờ. Nơi đó không đâu khác hơn là hỏa ngục đau khổ đời đời mà Đức Chúa Trời dành sẵn để đoán phạt ma quỷ cùng những kẻ không thờ phượng Đức Chúa Trời, không tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa cho cuộc đời mình.

Kinh Thánh khẳng định: “Hãy tin Đức Chúa Giê-xu, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi.” (Sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 16, câu 31)

Có hai nơi mà linh hồn con người sẽ đi đến ở một trong hai nơi ấy. Đó là Thiên đàng phước hạnh dành cho những ai tin nhận Chúa Giê-xu, và hỏa ngục đau khổ đời đời dành cho những kẻ không tin nhận Ngài. Không có một nơi trung gian thứ ba nào cả.

Nếu bạn đã tin nhận Chúa Giê-xu, thì bạn yên tâm về nơi ở của linh hồn mình sau khi qua đời, không còn cần phải lo sợ và hỏi “Hồn ở đâu?” nữa.

Xin mời những độc giả là những người chưa tin Chúa Giê-xu, hãy sớm đặt lòng tin nơi Ngài ngay hôm nay để không còn cần phải băn khoăn, lo lắng về: “Hồn ở đâu?” như Vũ Đình Liên đã từng một thời... băn khoăn, lo lắng!

Xin trân trọng kính mời!

Mồng Một Tết Nguyên Đán 2022!

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.