Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 253

Ngày Tết, Nghĩ Về Chuyện... Cầu An, Cầu Tự

Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 30: 1, 2; Thi-thiên 127: 3; Giăng 14: 27

Kính chào quý độc giả,

Thường thì những ngày Xuân, ngày Tết, rất nhiều người Việt Nam mình đi đến các chùa chiền, miếu vũ để... cầu an, cầu tự (cầu xin con cái).

Một trong những nơi mà nhiều người ở miền Nam thường đến để cầu an, cầu tự mỗi khi Xuân về Tết đến là Miếu Bà Chúa Xứ ở Thành Phố Châu Đốc, Tỉnh An Giang.

Báo chí cho biết Tết năm nay, có hàng ngàn người đến thăm viếng, cúng bái và cầu khẩn... Bà.

Vì quá đông người đến cầu an, khấn vái, nên nhiều người không vào được bên trong, đành phải đứng từ xa cúng bái Bà Chúa Xứ, để cầu may mắn, bình an cho mình và cho gia đình mình.

Theo Nhà Văn Sơn Nam: “Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó "Bà Chúa Xứ" là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy...”(1)

Người ta cho rằng, nếu có lòng khấn vái bà với sự thành tâm, thì bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành(!)

Tại Sài Gòn, dịp Tết nầy cũng có cả ngàn người đổ về chùa P.H ở Quận 1 để thắp nến cầu duyên và cầu tự (cầu xin cho có con cái)

Theo một tờ báo trong nước dẫn lời một phụ nữ đến cầu khẩn tại chùa nầy cho biết: “Chồng tôi cũng cho rằng sinh con gái năm Dần sẽ khổ nhưng tôi lại nghĩ khác. Nhiều gia đình hiện tại cũng đang hiếm muộn nên chỉ cần có con là vui rồi. Tôi không quá tin chuyện sinh năm Dần. Năm ngoái tôi cũng tới chùa để cầu con, năm nay tôi tới đây để lễ tạ cũng như cầu con tiếp.”(2)

Tại miền Bắc, dịp Tết Nguyên Đán, cũng có hàng ngàn người kéo về Bắc Ninh đi lễ đền Bà Chúa Kho với mong muốn cầu an, vay tiền nhân ngày đầu năm Âm Lịch.

Tương truyền, Đền thờ Bà Chúa Kho chính là nơi thờ một người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp đã có công trông nom kho tàng lương thực quốc gia trong thời kỳ Lý Thường Kiệt chống quân phương Bắc nhà Tống. Bà đã bị giặc giết chết, nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân thương tiếc bà, lập đền thờ ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là Bà Chúa Kho.(3)

...

Đi đến các chùa chiền, miếu vũ để dâng lễ vật cầu an, cầu tự cho mình và cho gia đình mình vào dịp đầu năm là một việc làm mà có rất nhiều người dân Việt Nam từ Nam chí Bắc thường làm trải từ đời ông bà, cha mẹ đến con cháu. Cứ thế và cứ thế! Thế hệ sau cứ bắt chước theo thế hệ trước mà làm theo, theo kiểu “xưa bày nay làm”; mà hầu như không có ai chịu để tâm trí suy tư, ngẫm nghĩ việc làm ấy có... hữu lý không, có đúng không? Những “pho tượng” ấy, những “bà chúa” ấy có thật sự linh thiêng, quyền năng để ban cho con người sự bình an hay ban cho họ con cái được chăng?

Theo như Nhà Văn Sơn Nam cho biết ở trên, thì Bà Chúa Xứ lúc đầu chỉ là là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị lãng quên lâu đời trên núi Sam. Người ta đưa tượng vào miễu, điểm phấn tô son lại , từ đàn ông, biến trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó, bà... biến thành vị thần linh thiêng, có quyền thế lớn, ai cũng phải... kính nể.

Còn Bà Chúa Kho thì cũng chỉ là một phụ nữ trông coi kho lương thực cho nhà Vua và cuối cùng bị quân phương Bắc nhà Tống giết khi sang xâm lấn nước ta. Sau đó, người ta tôn bà lên thành... Bà Chúa linh thiêng để thờ phượng và cầu xin.

...

Xét về... các Bà Chúa nầy, một cách công tâm mà nói, thì ta thấy các bà đã chết và chết luôn, không hề có ai sống lại sau khi chết cả. Một khi đã không thắng hơn được sự chết thì cũng không thể nào có quyền năng gì được đâu. Cũng như các triết gia, các giáo chủ của các tôn giáo trên thế gian nầy, dù có đạo cao đức trọng thế nào đi nữa, khi chết mà chết luôn, thì cũng không một ai có quyền năng gì đáng để tôn thờ hay để chúng ta cầu xin được điều gì.

Chỉ có Chúa Giê-xu mới là Đấng đáng cho mọi người tin nhận và tôn thờ, vì chính Ngài đã chết thay cho tội lỗi của chúng ta và sau khi chết, Ngài đã chiến thắng sự chết và sống lại sau ba ngày nằm trong phần mộ, và sống mãi mãi. Ngài mới chính là Đức Chúa Trời quyền năng cao cả, có quyền ban phước, giáng họa cho con người mà thôi.

Tôi cảm tạ Chúa, vì Ngài đã thương xót và cứu tôi, ban cho tôi được làm con cái của Ngài, nên tôi không tin theo kiểu “xưa bày nay làm” nữa, mà tôi đặt đức tin nơi Chúa và Kinh Thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời.

Đối tượng đức tin của người tin Chúa thật rõ ràng, ấy chính là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa toàn năng, Đấng đã dựng nên vũ trụ và con người chúng ta. Đấng có toàn quyền trên cả vũ trụ, kiền khôn nầy, không ai có quyền năng giống như Ngài.

Kinh Thánh cho biết, chính Đức Chúa Trời là Đấng có quyền ban cho con người con cái:

Ra-chên thấy mình chẳng sanh con cho Gia-cốp, thì đem lòng ghen ghét chị, nói cùng Gia-cốp rằng: Hãy cho tôi có con, bằng không, tôi chết. Gia-cốp nổi giận cùng Ra-chên mà rằng: há ta được thay quyền Đức Giê-hô-va, mà không cho ngươi sanh sản sao?” (Sách Sáng Thế Ký, chương 30, câu 1, 2).

Con cái là cơ nghiệp bởi Chúa ban cho, chứ không ai có quyền đó cả: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra. Bông trái của tử cung là phần thưởng.” (Sách Thi-thiên, chương 127, câu 3)

Một câu Kinh Thánh khác: “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi. Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.” (Sách Thi-thiên, chương 139, câu 13)

Kinh Thánh cũng cho biết, chính Đức Chúa Trời mới là Đấng có quyền ban bình an cho con người: “Ấy chính Ta là Đấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối tăm, làm ra sự bình an và dựng nên sự tai họa; chính Ta, là Đức Giê-hô-va, làm mọi sự đó.” (Sách Ê-sai, chương 45, câu 7)

Chúa Giê-xu cũng đã từng phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi, ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Sách Giăng, chương 14, câu 27)

Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có quyền ban cho con cái, và Ngài cũng là Đấng duy nhất sở hữu sự bình an. Ngài là nguồn của sự bình an.

Vậy thì, con người rất đáng phải chạy đến với Ngài tin nhận Ngài và cầu xin con cái hoặc sự bình an từ nơi Ngài; chứ không phải chạy đến với bất kỳ thần thánh nào hay bà hoàng, bà chúa nào cả.

Khi bạn chưa gặp được Chúa Giê-xu, thì bạn còn khao khát tìm kiếm Bà Chúa nầy, Bà Chúa nọ; pho tượng nầy, pho tượng kia để cầu an, cầu tự, cầu duyên cho mình... Nhưng một khi bạn đã tin nhận Chúa Giê-xu rồi, thì bạn sẽ cảm nhận được một sự thỏa lòng, mãn nguyện tuyệt đối, không còn cần phải chạy chỗ nầy, chỗ kia để cầu an, cầu tự, cầu duyên nữa. Vì chính Chúa có quyền ban cho chúng ta có đủ mọi thứ ơn đầy dẫy.

...

Khi xem trên báo chí, hay trên internet, tôi thấy người ta rất thành kính với lễ vật dâng cúng cho các bà chúa, cho các pho tượng ở các chùa, các miễu. Và tôi cũng thấy người ta rất dễ quỳ mọp người xuống để bái lạy tượng các bà chúa hoặc các tượng khác được thờ trong các chùa, miễu; trong khi những đối tượng đó thực sự ra chẳng hề có quyền năng, hay linh thiêng gì để ban cho họ bất cứ điều gì cả.

Thấy mà thương làm sao!

Tôi cầu nguyện và mong ước cho dân tộc mình với lòng thành kính vốn có đó sẽ sớm được đặt đúng chỗ, đúng đối tượng đáng tôn thờ, đáng cầu xin duy nhất; đó chính là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật và con người; đó chính là Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng đã chết thay cho tội lỗi của con người trên thập tự giá, đã được chôn trong mồ mả ba ngày, và đã sống lại từ trong kẻ chết, và sống mãi mãi; thì không còn gì phước hạnh hơn.

Khi sự thờ phượng và lòng thành kính của con người được đặt đúng đối tượng, thì người ta sẽ nhận được sự bình an và phước hạnh thật chẳng sai.

Cầu xin Đức Chúa Trời thương xót lấy dân tộc chúng con mà cứu dân tộc chúng con ra khỏi nơi tối tăm, đưa họ đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài! Amen!

Những Ngày Tết Nguyên Đán 2022!

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu

(1): wikipedia.org/wiki/Miếu_Bà_Chúa_Xứ_Núi_Sam

(2): dantri.com.vn/tet-2022/nguoi-dan-sai-gon-tap-nap-den-chua-xin-con-trong-ngay-dau-nam-20220204124752031.htm

(3): wikipedia.org/wiki/Đền_Bà_Chúa_Kho_(Bắc_Ninh)