MS Peter The Van Le
• Kinh thánh: Giô-ên 1: 13-20
• Câu gốc: “Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Đức Chúa Trời các ngươi; vì Ngài nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ” (Giô-ên 2: 13).
Là người Việt Nam, cho dù đang sống trong nước hay ngoài nước, chắc hẳn trong mỗi lòng chúng ta đều hồi hộp, rộn rã chuẩn bị mọi thứ để đón Tết Nguyên Đán. Tết có từ bao giờ không ai biết rõ, nhưng nó đã trở thành truyền thống lâu đời ăn sâu bám rễ trong tâm tư của mỗi người dân Việt.
Ở nơi thôn dã, trước Tết hai ba tuần, người ta đã bắt đầu làm bánh nổ, bánh in, báng tráng và những loại bánh có thể để lâu được. Cận kề những ngày Tết, người ta lo quét dọn nhà cửa, chuẩn bị những bữa ăn Tất Niên để vợ chồng, con cháu có dịp ngồi lại với nhau để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Trước Tết vài ngày, thì người ta thường thanh toán những món nợ trong năm, để cho tâm trí thảnh thơi mà ăn Tết. Cũng vào dịp này, đầu trên, xóm dưới trong làng người ta cũng thường được nghe tiếng heo kêu la, rên- siết khi bị người ta chọc huyết. Những chú gà mập mạp, xinh đẹp cũng cùng chung số phận kết thúc những ngày sống ngắn ngủi trên đất, xuất hiện trên bữa ăn của nhiều gia đình cùng với những mâm xôi.
Nơi thành thị, cuộc sống phồn vinh và khá giả hơn những làng quê, người ta thường tổ chức hội chợ để bày bán nhiều thứ, tranh ảnh, cây cảnh, đồ gỗ cũng như tổ chức những trò chơi có thể kiếm tiền được. Trước Tết hai tuần, người ta đã bắt đầu chen nhau đi mua hoa đào, hoa cúc, cam quật, và những loại bông-sai đắt tiền để trang trí trong nhà, hoặc biếu tặng người thân. Nói chung, dù thành thị hay thôn quê, người ta thường dốc hết sức lực đã dành dụm được trong năm để chi tiêu vào những ngày trọng đại này. Trong ngày đầu năm con cháu ưu tiên dành thì giờ đi viếng mồ mả ông bà, sau đó là đi thăm viếng chúc Tết người thân. Đặc biệt trong dịp này, người nghèo hay giàu cũng thường ăn mặc đẹp đẽ, ngôn ngữ nhã nhặn, lễ độ rất dễ thương. Trẻ nhỏ thường vòng tay, cúi đầu chào người lớn. Người lớn cũng sẵn sàng tấm lòng rộng mở trao cho các cháu những bao “lì xì” gọi là “chút quà may mắn đầu năm.”
Tuy nhiên, trên thực tế của cuộc sống không phải chỉ có những tập tục tốt đẹp ấy không thôi, mà còn đan xen bao tệ nạn đáng buồn trong những trò chơi đỏ đen, cờ bạc, rượu chè, gái gú thâu đêm. Chính những tiêu cực này tạo nên bao bi kịch làm cho nhiều người bỏ mạng vì say rượu lái xe, vì ăn thua gian lận, hay những thói kênh kiệu của những kẻ quyền thế, giàu có hống hách khắp mọi nơi từ trong những ngõ hẻm cho đến ngoài đường phố! Đó là bức tranh tổng quát thường diễn ra trong những ngày Tết của người dân Việt trong nhiều năm trước đây. Còn hiện nay, hoàn cảnh của người Việt nói chung trong nước hay hải ngoại cùng đang đối đầu với những thách thức và khó khăn về kinh tế; cũng như những đau thương vì dịch bệnh covid làm cho ly tán bao nhiêu gia đình. Những vết cắt rỉ máu khó lành khi tiễn đưa cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân về thế giới bên kia trong những chiếc xe chở xác đến lò hỏa thiêu trong những đêm tối lạnh lùng. Trong hoan cảnh nghiệt ngã đầy tang tóc như hiện nay, liệu mọi người có sung sướng đón Tết hay không?
Chủ đích của bài viết này là câu hỏi đặt ra cho con dân Chúa: Chúng ta đã và sẽ chuẩn bị gì cho Tết Âm Lịch, cho đức tin và cho sự vinh hiển Danh Chúa?
Lời Chúa trong sách Giô-ên: 1:13-20 “Hỡi các thầy tế-lễ, hãy nịt lưng và than khóc. Hỡi các người là kẻ làm việc ở bàn thờ, hãy thở than. Hỡi kẻ chức dịch của Đức Chúa Trời ta, hãy đến mặc áo bao gai mà nằm cả đêm! Vì của lễ chay và của lễ quán không được vào trong nhà Đức Chúa Trời các ngươi! Khá định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể, nhóm các trưởng lão và hết thảy các dân cư trong đất lại nơi nhà Đức Giê-hô-va! Ôi, ngày ấy! Ngày Đức Giê-hô-va đã gần. Nó đến như một tai vạ thả ra bởi Đấng Toàn Năng. Lương thực há chẳng phải đã dứt khỏi trước mặt chúng ta, và sự vui mừng hớn hở há chẳng phải đã dứt khỏi nhà Đức Chúa Trời chúng ta hay sao? Kìa, súc vật rên- siếc! Kìa, bầy bò bối rối. Ấy là tại chúng nó không có đồng cỏ nữa! Những bầy chiên cũng khốn khổ. Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi kêu cầu Ngài, vì lửa đã nuốt những đám cỏ nơi đồng vắng, ngọn lửa đã thiêu cây cối ngoài đồng. Thật, những thú đồng cũng thở dốc cho Ngài, vì các dòng nước đã khô, lửa đã nuốt những đám cỏ nơi đồng vắng.”
Lời của Chúa đã ứng nghiệm từng hồi, từng lúc đúng y hệt như hoàn cảnh của thế giới hôm nay. Nào động đất liên tục xảy ra trong những ngày qua, nào nạn cháy rừng, nào kinh tế của những nước giàu có cũng đang đứng trên bờ vực, giá cả leo thang chưa từng thấy trong gần 20 năm qua như tại Mỹ chẳng hạn. Nào bệnh dịch với những biến thể mới như delta, omicron lây lan như những cơn lốc xoáy đã đổ vào Hoa Kỳ trong tháng qua cướp đi nhiều mạng sống. Nào các nước đang ráo riết đua nhau phô trương những hỏa tiễn tầm xa có khả năng hủy diệt nhân loại trong chớp mắt, vv...
Đứng trước tình trạng nguy cấp này, là các bậc trưởng lão trong Hội Thánh, là những chức sắc lãnh đạo mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho quý vị; phải làm gì để bảo vệ con dân Chúa tránh khỏi những tai vạ sắp đến vì ngày của Chúa đã gần. Con thạnh nộ của Ngài sẽ trút xuống trên “những con bạn nghịch”, là những kẻ chống Chúa, những người theo Chúa xa xa, “hữu danh vô thực”! Tôi ước ao hầu hết các Hội Thánh của Đức Chúa Trời nên nghe theo sự nhắc nhở của Lời Ngài; mà tổ chức cho bằng được những thì giờ biệt riêng ra; để con dân Chúa có cơ hội cùng nhau quỳ gối ăn năn, kêu xin, van nài với Chúa bằng tất cả những tấm lòng tan vỡ cầu xin. Tôi hoàn toàn tin rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lời và thay đổi những hoàn cảnh từ buồn khổ trở nên vui mừng, từ than khóc khổ đau trở nên phước hạnh và không ngớt lời ngợi ca Chúa, Đấng nhân từ, chậm giận và hay làm ơn cho những ai thật lòng trông cậy nơi Ngài.
“Và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu họ khỏi tai vạ. Bấy giờ mắt ta sẽ đoái xem, lỗ tai ta sẽ lắng nghe lời nào cầu nguyện tại nơi này; vì bây giờ ta đã chọn và khiến cái nhà này ra thánh, hầu cho danh ta ngự nơi đó đời đời, mắt và lòng ta sẽ ở đó luôn luôn” (2 Sử ký 7: 14 16).
Cầu xin Chúa tha thứ cho mỗi chúng con về sự yếu đuối của bản thân, xóa hết mọi vi phạm của chúng con để chúng con có đủ ơn mà kêu gọi, thúc giục dân sự của Ngài biệt riêng thì giờ để cùng nhau quỳ gối trong đền thờ của Ngài mà kêu cầu, van xin với Chúa, ăn năn những lỗi lầm và vấp phạm với Chúa trong suy nghĩ, lời nói, hành động trong những ngày đầu năm. Cầu xin Chúa ban cho con dân của Ngài sức sống mới đầy dẫy Thánh Linh; đến với Chúa với tất cả tấm lòng tan vỡ như chủ đề của bài viết, “ Hãy xé lòng, đừng xé áo!”
Mục sư Peter The Van Le