Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 294

Chuyện... Cong Quẹo Và... Ngay Thẳng

Kinh Thánh: Thi-thiên 125: 4, 5; 146: 9; Châm Ngôn 15: 8; Gia-cơ 4: 8, 9

Kính chào quý độc giả,

Cong quẹo hay ngay thẳng là nói đến loại hình dạng của cái cây hay con đường, hoặc một sự vật nào đó.

Cong quẹo hay ngay thẳng cũng còn nói đến tâm tính hay tính cách của một con người.

Bạn thuộc hạng người có tính cách nào? Cong quẹo hay ngay thẳng? Dù không nói ra, nhưng tôi tin chính bạn và tôi tự trong lòng mình, mình biết là mình có tính cách nào.

Bạn thích người cong quẹo hay ngay thẳng?
Một câu hỏi không dễ trả lời phải không bạn?

Người cong quẹo nhiều khi... dễ chơi hơn người ngay thẳng. Người ngay thẳng ngó vậy mà không... dễ chơi với họ. Chơi với người cong quẹo thấy... dễ chịu hơn chơi với người ngay thẳng nhiều. Vì chơi với người ngay thẳng dễ bị họ... sửa lưng lắm. Còn chơi với người cong quẹo thì... sao cũng được, thẳng hay cong với họ không thành vấn đề.

Xin mời quý vị cùng thưởng thức một số câu ca dao, tục ngữ của cha ông ta nói về tính cong quẹo và ngay thẳng:

+ Thẳng mực thì đau lòng gỗ.
+ Thẳng như ruột ngựa.
+ Thuốc đắng giã tật - Sự thật mất lòng
+ Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành.
+ Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng.
+ Người gian thì sợ người ngay.

Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo.

+ Cây (cong) vạy hay ghét mực tàu.
+ Cây thẳng bóng ngay, cây cong bóng vẹo.

+ Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt. Lỗi lầm luồn lách lại lên lương.

...

Có một câu chuyện về tính ngay thật với tựa đề “Hạt thóc giống” được kể như sau:

“Ngày xưa có một ông vua cao tuổi mà không có con cái nên muốn tìm người nối ngôi. Vua ra lệnh phát cho mỗi người dân một thúng thóc về gieo và giao hẹn: Ai gieo mà thu hoạch được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi và ai không có thóc sẽ bị trừng phạt.

Ở làng nọ, có chú bé tên là Chôm mồ côi cha mẹ. Cậu cũng đi nhận thóc về và cố chăm sóc mà không một hạt thóc nào nảy mầm. Đến mùa thu hoạch, mọi người chở thóc về kinh đô giao nộp cho nhà vua với vẻ mặt... hớn hở. Chôm cũng về kinh đô, nhưng đầy lo lắng trong lòng, chàng đến trước vua quỳ tâu:

- Tâu bệ hạ! Con cũng gieo thóc của nhà vua, nhưng sao nó không nảy mầm được bất cứ hạt nào? Con xin chịu trừng phạt ạ!

Mọi người sững sờ trước lời thú tội của Chôm, phen này sẽ bị phạt nặng nhưng nhà vua đã đỡ chú bé dậy, ôn tồn nói:

- Trước khi phát thóc giống, ta đã cho luộc kỹ hết rồi, nên không thể nào chúng còn nảy mầm được nữa? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta.

Rồi nhà vua dõng dạc tuyên bố:

- Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này.”

Câu chuyện thật ý nghĩa và sâu sắc, đáng nhớ phải không bạn?

...

Kinh Thánh đề cập đến sự cong queo và ngay thẳng khá nhiều:

Đức Giê-hô-va bảo hộ khách lạ, nâng đỡ kẻ mồ côi và người góa bụa; nhưng Ngài làm cong quẹo con đường kẻ ác.” (Sách Thi-thiên 146: 9)

Con đường kẻ ác là con đường xấu xa, độc ác. Và Đức Chúa Trời sẽ làm cho cong quẹo con đường của chúng.

Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy làm điều lành cho người lành, và cho kẻ có lòng ngay thẳng.

Còn những kẻ trở đi theo đường cong quẹo, Đức Giê-hô-va sẽ dẫn chúng nó đi ra chung với kẻ làm ác. Nguyện bình an giáng trên Y-sơ-ra-ên!” (Sách Thi-thiên125: 4, 5)

Người có lòng ngay thẳng sẽ được Đức Chúa Trời ban ơn lành, còn những kẻ đi theo con đường cong quẹo, thì kết cuộc của nó sẽ thật là đáng sợ. Nó sẽ đi chung đường với kẻ làm ác, tức là con đường dẫn vào chốn trầm luân hư mất đời đời.

Của tế lễ kẻ gian ác lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, song lời cầu nguyện của người ngay thẳng được đẹp lòng Ngài.” (Sách Châm Ngôn15: 8)

Người có lòng gian ác, cong quẹo dù có dâng của tế lễ cũng sẽ không bao giờ được Đức Chúa Trời chấp nhận, trái lại, Ngài còn gớm ghiếc của tế lễ ấy nữa. Nhưng người sống ngay thẳng được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Ai ăn ở cách ngay thẳng sẽ được cứu rỗi, còn ai đi theo hai lối cách cong vạy sẽ sa vào một trong hai lối ấy.” (Sách Châm Ngôn 28: 18)

Sống ngay thẳng (tức tin thờ Đức Chúa Trời) sẽ được sự cứu rỗi, còn những kẻ sống hai lòng, đi theo hai lối cong vạy (chối từ Đức Chúa Trời) sẽ sụp vào một trong hai lối ấy, không thể nào thoát khỏi được.

Nhưng nầy là điều ta tìm được: Đức Chúa Trời đã dựng nên người ngay thẳng; nhưng loài người có tìm kiếm ra lắm muu kế.” (Sách Truyền Đạo 7: 29)

Đức Chúa Trời là Đấng chân thật, ngay thẳng, nên Ngài dựng nên người ngay thẳng. Nhưng khi con người bất tuân mạng lệnh của Ngài, nghe theo mưu chước của Sa-tan, sa vào tội lỗi thì họ tìm kiếm ra lắm mưu sâu kế hiểm, để rồi cuối cùng tự đưa mình vào chỗ xa cách sự sống của Đức Chúa Trời và dẫn vào chỗ chết.

...

Sống cong quẹo có thể... qua mặt được con người, vì con người chỉ có thể nhìn thấy được bên ngoài; nhưng không thể nào... qua mặt được Đức Chúa Trời, vì Ngài nhìn thấy tận trong lòng của mỗi một con người (Sách 1 Sa-mu-ên16: 7). Và “lời chưa ở trên lưỡi mình, Chúa cũng đã biết hết rồi.” (Sách Thi-thiên 139: 4)

Nếu chúng ta đang sống hai lòng, đi giẹo theo hai đường lối, thì hãy sớm ăn năn, từ bỏ để được Đức Chúa Trời thương xót và ban phước.

Vua Sa-lô-môn đã được Chúa dùng để khuyên dạy chúng ta: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra. Con hãy dẹp ra sự gian tà của miệng, Và bỏ cách xa con sự giả dối của môi. Mắt con hãy ngó ngay trước mặt, Và mí mắt con khá xem thẳng trước mặt con. Hãy ban bằng cái nẻo của chân con đi, Và lập cho vững vàng các đường lối con. Chớ xây qua bên hữu hay bên tả; Hãy dời chân con khỏi sự ác.” (Sách Châm Ngôn 4: 23-27)

Thánh Gia-cơ cũng nhắc nhở chúng ta: “Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình., có ai hai lòng hãy làm sạch lòng đi. Hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn.” (Sách Gia-cơ 4: 8, 9)

Xin Chúa giúp đỡ cho bạn và tôi biết sống trung thực, ngay thẳng hầu đẹp lòng Ngài.

Hãy nhìn xem Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin chúng ta mà bước đi theo Ngài suốt linh trình từ đất cho đến Thiên Đàng vinh hiển trong tương lai.

Đừng sống cong quẹo theo con đường kẻ ác, sống vô thần, chối từ Đức Chúa Trời mà sẽ bị Ngài đoán phạt chẳng sai.

Tháng 11/ 2022

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.