Kinh Thánh: Thi-thiên 50: 14, 23; 103: 2-5; Mác 6: 41; Cô-lô-se 3: 15, 17
Kính chào quý độc giả,
Tháng Mời Một lại về, có nghĩa là Mùa Tạ Ơn đã đến với chúng ta.
Ngay từ đầu tháng 11, không khí của Lễ Tạ Ơn và Lễ Giáng Sinh đã rộn ràng nhiều nơi trên đất Mỹ làm ấm lòng nhiều người, dù bên ngoài thời tiết lạnh giá đã phủ bao.
Nhân Mùa Tạ Ơn năm nay, xin kính mời quý độc giả cùng tôi học cách Tạ Ơn của người xưa trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh là một quyển sách bày tỏ về chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-xu Christ. Kinh Thánh cũng là quyển sách nói nhiều đến lòng biết ơn, nói nhiều về sự Tạ Ơn.
Lòng biết ơn là điều mà chính Đức Chúa Trời đã đặt để trong tâm hồn con người ngay từ khi Ngài sáng tạo nên họ.
Khi đọc các Thi-thiên, ta thấy các Thi Sĩ thường dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng mà họ đang tôn thờ và hầu việc.
Hãy nghe các Thi Sĩ cảm tạ Chúa:
+ Nhà Thơ A-sáp đã kêu gọi mọi người kính sợ Đức Chúa Trời hãy dâng lên cho Ngài sự cảm tạ như một của lễ với lòng trân trọng, thành kính. Một khi chúng ta dâng lên cho Chúa sự cảm tạ như một của lễ là chúng ta đang tôn vinh Ngài vậy:
“Hãy dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Đức Chúa Trời. Và trả sự hứa nguyện ngươi cho Đấng Chí cao... Kẻ nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh Ta.” (Thi-thiên 50: 14, 23)
+ Tác giả Thi-thiên 100 đã bày tỏ lòng cảm tạ của mình với Chúa thật sâu sắc:
“Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài. Hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài. Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài. Vì Đức Giê-hô-va là thiện, sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi. Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời.” (Thi-thiên 100: 4, 5)
Lý do cảm tạ Chúa ở đây vì Ngài là Đấng thiện lành, Đấng nhân từ và Đấng thành tín. Sự thiện lành, sự nhân từ và sự thành tín của Ngài còn có đời đời mãi mãi, không bao giờ qua đi, vì Ngài là Đấng đời đời, mãi mãi.
+Nhà Vua kiêm Đại Thi Hào Đa-vít thì cảm tạ Chúa như sau:
“Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chớ quên các ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi. Chữa lành mọi bịnh tật ngươi.
Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát. Lấy sự nhân từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi. Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon. Tuổi đang thì của người trở lại như của chim phụng hoàng.” (Thi-thiên 103: 2-5)
Cảm tạ Chúa vì Ngài đã tha thứ các tội lỗi cho chúng ta; chữa lành mọi bịnh tật của chúng ta, Ccu chuộc mạng sống chúng ta. Đối xử với chúng ta bằng sự nhân từ và sự thương xót, chứ không luôn luôn bắt tội chúng ta. Ban cho chúng ta những vật ngon để thưởng thức, và ban cho chúng ta tuổi tác và sức khỏe để sống và làm việc.
Những ơn lành của Ngài làm cho chúng ta nhiều như thế làm sao chúng ta không cảm tạ Chúa cho được phải không bạn?
+ Tác giả Thi-thiên 118 thì cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài là Đức Chúa Trời của chính tác giả. Và theo tác giả, một khi cảm tạ Chúa là ta đã tôn cao Ngài trong đời sống của mình:
“Chúa là Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ cảm tạ Chúa. Chúa là Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ tôn cao Chúa.” (Thi-thiên 118: 29)
...
Trong Tân Ước, Chúa Giê-xu và các người thánh của Ngài cũng luôn luôn cảm tạ Chúa và nhắc nhở chúng ta cảm tạ Ngài.
Chúa Giê-xu, dù Ngài cũng là Đức Chúa Trời, nhưng trên cương vị một con người khi ở trần gian, Ngài cũng luôn luôn tạ ơn Đức Chúa Cha trong chức vụ của Ngài. Ngài tạ ơn Đức Chúa Cha trước khi hóa bánh nuôi đoàn dân đông:
“Đức Chúa Giê-xu lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn, rồi bẻ bánh ra mà trao cho môn đồ, đặng phát cho đoàn dân; lại cũng chia hai con cá cho họ nữa.” (Mác 6: 41)
Ngài tạ ơn Đức Chúa Cha khi thiết lập Lễ Tiệc Thánh:
“Khi đương ăn, Đức Chúa Giê-xu lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể Ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết Ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” (Ma-thi-ơ 26: 26-28)
Chúa Giê-xu thật là một tấm gương tuyệt vời để chúng ta noi theo trong sự tạ ơn trong cuộc đời của mình.
...
Học theo Chúa Giê-xu, các sứ đồ của Ngài, đặc biệt là Phao-lô, luôn luôn tạ ơn Ngài trong cuộc đời của mình.
Trong các thư tín của Phao-lô, chúng ta thấy ông luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn, sự tạ ơn Đức Chúa Trời. Lời tạ ơn đầy tràn trong các thư tín của ông:
+ “Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời là Cha chúng ta.” (Ê-phê-sô 5: 20)
+ “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4: 6)
+ “Hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ, và hãy dư dật trong sự cảm tạ.” (Cô-lô-se 2: 7)
+ “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Cô-lô-se 3: 17)
+ “Phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào.” (Cô-lô-se 4: 2)
+ “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; ví ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với anh em là như vậy.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5: 18)
Qua những câu Kinh Thánh trên, chúng ta thấy một điều từ lời Chúa dạy, ấy là sự tạ ơn phải luôn đi đôi với lời cầu nguyện, cầu xin của chúng ta: “Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta (tức là cầu nguyện), vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời là Cha chúng ta.” “Nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn... ” “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu (tức là cầu nguyện) mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.”
Lý do là vì Chúa biết chúng ta thường hay cầu xin nhiều mà tạ ơn ít hoặc... quên tạ ơn.
Chúng ta thường... dư lời cầu xin, và thường... thiếu lời tạ ơn. Đó cũng là một trong những lý do khiến chúng ta thiếu đi phước hạnh của Ngài, và niềm vui ở trong Ngài vậy!
Cho nên chúng ta cần nhớ: “Hãy dư dật trong sự cảm tạ.”, và phải “Phải thêm sự tạ ơn vào.”
Xin lời Chúa nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng sự tạ ơn luôn luôn đi đôi với lời cầu nguyện. Phải chăng đó là... bí quyết để chúng ta nhận được ơn phước và sự thỏa vui từ Chúa?
Còn nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh dạy về lòng biết ơn, sự tạ ơn Đức Chúa Trời nữa, nhưng chúng ta không có đủ thì giờ để bày tỏ trong bài viết ngắn ngủi nầy. Hy vọng một dịp khác, chúng ta sẽ được học hỏi nhiều hơn.
Xin Chúa ban cho mỗi một chúng ta học cách tạ ơn Đức Chúa Trời trong đời sống của mình qua những người xưa trong Kinh Thánh, hầu đời sống chúng ta thiếu gì thì thiếu, nhưng từ nay trở đi, sẽ không thiếu sự tạ ơn Đức Chúa Trời, để đời sống chúng ta được phước và có nhiều niềm vui trên linh trình theo Chúa và hầu việc Ngài.
Kính chúc mọi người một Mùa Lễ Tạ Ơn đầy tràn niềm vui từ Đấng “có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giàn và đầy sự nhân từ” (Thi-thiên 103: 8) ban cho chúng ta. A men!
Mùa Tạ Ơn 2022
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu