Cách đây hơn hai ngàn năm, có một vụ án ly kỳ đã xảy ra. Ly kỳ không phải vì đây là vụ án không thủ phạm mà án được xử công khai và phạm nhân bị hành hình trước mặt mọi người. Điều bí ẩn nằm ở chỗ là người ta không rõ ai là nạn nhân, ai là thủ phạm.
Đó là vụ án xét xử Chúa Giê-xu tại thành Giê-ru-sa-lem, thuộc xứ Do Thái. Chúa Giê-xu đã bị xét xử một cách sơ sài, qua loa, sai nguyên tắc, và bị kết án tử hình vội vã với tội danh hết sức mập mờ. Khi một tội nhân bị kết án tử hình, thì người ta cho rằng hẳn người đó đã làm nhiều điều đại ác, gây hại cho nhiều nạn nhân. Nhưng trong vụ án của Chúa Giê-xu, tòa án không chứng minh được Chúa đã gây hại cho ai.
Trong ba năm thi hành chức vụ, Chúa Giê-xu đi khắp xứ Do Thái, rao Tin Mừng cứu rỗi cho dân chúng, thi hành những điều lạ lùng để minh chứng quyền năng của Ngài, chữa lành mọi tật bệnh, an ủi kẻ khốn cùng, nâng đỡ kẻ bi thương và đổi mới biết bao cuộc đời tuyệt vọng. Chúa Giê-xu luôn cứu giúp mọi người. Chúa không hại ai ngoài nói ra sự thật trong lòng những kẻ giả hình. Chúa Giê-xu không có nạn nhân. Ngài chính là nạn nhân của lòng ganh ghét và sự bất công của con người. Dù vậy, con người không thể hãm hại Chúa đến nỗi phải chết khổ hình trên thập tự. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời thành người. Nếu Ngài không tự nguyện phó thân, thì con người không làm gì Ngài được. Chúa đến thế gian để cho con người một cơ hội. Chúa đã thử thách con người bằng một biện pháp cuối cùng. Hơn hai ngàn năm qua vẫn luôn có người muốn nắm bắt cơ hội này, là cơ hội được biết Chúa, đến với Chúa, và nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế của mình. Có người thành công. Có người thất bại. Bạn thuộc trong nhóm người nào?
Ai là thủ phạm tra tay giết Chúa? Có phải là Tổng trấn Phi-lát, Vua Hê-rốt hay thầy tế lễ thượng phẩm, hoặc người Do Thái, những người gieo chứng gian, người lính La Mã, hay ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, một môn đệ đã phản bội Thầy của mình?
Tổng trấn Phi-lát là người xét xử cuối cùng để phán quyết xem có định tội tử hình cho Chúa Giê-xu không? Qua xét xử, ông Phi-lát xác nhận Chúa vô tội, nhưng vì sợ áp lực của đám đông và thầy tế lễ nên ngoảnh mặt làm ngơ, đành lòng giao phó người vô tội cho kẻ ác. Nếu chúng ta đã từng sợ áp lực của ai đó, hoặc trên phương diện nào đó, để ngoảnh mặt làm ngơ cho điều ác hoành hành, thì chúng ta cũng là đồng phạm.
Vua Hê-rốt là một người gian ác, tham quyền cố vị, không quan tâm đến đạo đức và tâm linh, vì vậy, dù có cơ hội gặp Chúa Giê-xu nhưng ông đã đặt mình trong phe thất bại khi không tìm kiếm sự cứu rỗi cho mình. Nếu chúng ta không sợ tội, đã làm điều gian ác, đã tham quyền cố vị, vì vật chất mà bán lương tâm, xem thường đạo đức, bỏ qua tâm linh, khinh rẻ sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời, thì chúng ta cũng là đồng phạm.
Thầy tế lễ thượng phẩm là người lãnh đạo tôn giáo tối cao của người Do Thái thời ấy. Ông đại diện Đức Chúa Trời để chỉ dạy và dẫn đắt dân sự đi theo đường lối Chúa. Trong vụ án này, thầy tế lễ thượng phẩm không tìm được tội danh nào để kết án Chúa ngoài lòng ganh ghét của ông dành cho Chúa, vì Chúa đã chỉ ra những tội lỗi sâu kín trong lòng của hàng giáo phẩm, vì Chúa đã đụng đến cốt lõi tôn giáo giả hình của họ và chạm đến quyền lợi của họ, nên họ sẵn sàng bịt mắt, bịt tai trước chân lý, đành lòng tiêu diệt Đấng đến từ Đức Chúa Cha. Nếu chúng ta chỉ đội lốt tôn giáo, sống giả dối, giảng đạo mà không hành đạo, và đã làm điều ác vì lòng ganh ghét và bỏ qua lời răn dạy của Chúa, chúng ta cũng là đồng phạm.
Tâm lý của người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem xem ra khá phức tạp. Họ từng nghe sự giảng dạy của Chúa với tất cả hứng thú. Họ từng chứng kiến nhiều dấu kỳ phép lạ từ Chúa. Họ đã ùn ùn đến với Chúa để nghe giảng dạy và được chữa lành. Họ đã nhiệt tâm hoan nghênh Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem vì mong muốn Chúa là Vua cai trị họ. Thế tại sao trong giờ phút quyết liệt, họ nghe lời xui giục của giới lãnh đạo tôn giáo, xin Tổng trấn Phi-lát tha mạng cho tên trộm Ba-ra-ba, và đóng đinh Chúa Giê-xu trên thập tự giá? Nếu chúng ta đã từng bị áp lực của đám đông hay quyền thế để làm điều ngược lại với lương tâm, nếu chúng ta từng nhắm mắt hùa theo phong cách của con người, từ chối chân lý, trở mặt khi hoàn cảnh đổi thay, chúng ta cũng là đồng phạm.
Các thầy tế lễ không thể buộc tội Chúa mà không có chứng cớ. Và thật sự, vì họ không thể tìm được chứng cớ nên họ mua chuộc những người cáo chứng gian để buộc tội Chúa. Những người này, vì tiền bạc, lợi lộc, hay sợ hãi, đã khai chứng gian tạo cơ hội cho người ta tuyên án tử cho Chúa. Nếu chúng ta từng khai gian vì tiền bạc, lợi lộc hay sợ hãi, chúng ta cũng là đồng phạm.
Những người lính La Mã dường như vô can với vụ án. Họ chỉ thi hành mệnh lệnh. Trong giờ hấp hối trên thập tự, Chúa Giê-xu cầu xin Đức Chúa Cha tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. Dù vô tình, họ cũng là người gián tiếp góp phần vào sự chết của Chúa. Nếu chúng ta từng vô tình, vô tâm tuân thủ những mệnh lệnh ngược lại với công lý của Chúa, chúng ta cũng là đồng phạm.
Ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là người môn đệ đã bán Chúa bị muôn đời nguyền rủa. Hắn từng theo Chúa khắp nơi. Ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với Chúa. Hắn nghe những lời giảng dạy, thấy những phép lạ, và cũng chính hắn đã từng rao giảng Phúc Âm cho dân chúng. Thế nhưng chúng ta không hiểu vì sao ông Giu-đa lại phản Người Thầy yêu dấu của mình. Nếu chúng ta đã từng theo Chúa nhưng rồi phản Ngài qua lời nói, hành động, tư tưởng của mình, vì danh, lợi, quyền, vì “sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời,” chúng ta cũng là đồng phạm có trách nhiệm trong sự chết của Chúa.
Những thủ phạm và đồng phạm đã dự phần trực tiếp hay gián tiếp vào vụ án của Chúa Giê-xu, khiến Đấng vô tội phải chịu hình, sẽ gánh phần trách nhiệm của mình. Hôm nay là cơ hội để chúng ta xét lòng mình. Nếu trong chúng ta đã từng có suy xét của Tổng trấn Phi-lát, có hành động như Vua Hê-rốt, có ý tưởng như thầy tế lễ thượng phẩm, có thái độ như đoàn dân, từng làm chứng gian, đã dửng dưng như lính La Mã, hay có động cơ như ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, hãy ăn năn và quay trở lại. Điều bí ẩn trong vụ án của Chúa Giê-xu đã qua rồi. Sự bí ẩn bây giờ thuộc về mỗi chúng ta. Ẩn số của vụ án đang nằm trong lương tâm của mỗi người. Tội lỗi của chúng ta là nguyên nhân khiến Chúa chịu chết. Chúa chịu đau khổ không phải để chúng ta tiếp tục sống nhởn nhơ tự tại ngoài vòng pháp luật của Chúa. Vì yêu thương chúng ta, Chúa đã bằng lòng trả giá đắt bằng mạng sống của Ngài, “hầu cho ai tin sẽ được cứu.” Chúng ta cũng là đồng phạm trong sự chết của Chúa. Sự ăn năn sẽ khiến chúng ta được tha thứ và nếm trải niềm vui của người vô tội.
Vụ án của Chúa Giê-xu không dừng lại tại phiên tòa bất công, thập giá khổ hình, hay phần mộ tối đen. Vụ án thật sự được kết thúc vào buổi sáng Phục Sinh, khi Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết, sau khi đã trả giá tội lỗi cho nhân loại. Từ giây phút vinh quang đó, Chúa luôn dang tay chờ đón những người đau đớn và mệt mỏi vì gánh nặng tội lỗi đè nặng trên cuộc sống. Ước mong niềm vui Phục Sinh sẽ chạm đến chính tâm hồn Bạn hôm nay.
Bình Minh