Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5: 11, 12; I Cô-rinh-tô 9: 24-26; Phi-líp 3: 12-14; Khải Huyền 22: 12
Khi đi học, hay đi làm, chúng ta đều cố gắng học thật tốt, làm thật giỏi, và mong ước đạt được giải thưởng cao thì lòng rất vui mừng.
Còn nhớ hồi nhỏ, khi học lớp Ba trường làng, cuối năm học, tôi được giải thưởng nhất. Đứng trước lớp nhận phần thưởng là những quyển tập và thước, bút mới tinh, kèm theo là một Bảng Vàng Danh Dự mà thấy hãnh diện vô cùng về thành quả đạt được. Cái cảm giác vui mừng, sung sướng ấy cho đến nay, vẫn... không quên.
Năm học sau đó, đúng ra tôi học lớp Bốn, nhưng vì lớp Năm ít học sinh quá, nên Nhà Trường đã xét cho một số em học sinh giỏi của lớp Ba, được tuyển thẳng lên lớp Năm để học. Và thế là, tôi... bỏ qua lớp Bốn, để lên học lớp Năm. Đỡ bớt đi một năm học. Thật là vui mừng làm sao!
Cũng còn nhớ ngày Lễ Tốt Nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hòa Khánh, Đà Nẵng (Mùa Hè năm 1987), Khóa Văn hồi ấy có 100 Giáo Sinh ra trường, Sinh Viên Nguyễn Ngọc Mẫn (Người Tiên Phước) đậu Thủ Khoa, tôi Á Khoa được nhận phần thưởng. Và một điều bất ngờ với tôi, là Giáo Sư Khoa Trưởng Nguyễn Khắc Sính lại chọn tôi để viết một bài Hịch kêu gọi học tập và đọc trong buổi Lễ để khích lệ tinh thần học hỏi của các Giáo Sinh. Có lẽ vì tôi là người lớn tuổi hơn hết trong 100 Giáo Sinh thì phải?
Đấy cũng là một... vinh dự đáng nhớ trong cuộc đời!
Đó là... chuyện xưa kể lại cho vui hầu quý bạn đọc gần xa của tôi!
...
Còn bây giờ là chuyện... mới xảy ra đây, và là chuyện của... người ta chứ không phải của tôi!
Cách đây mấy ngày, báo chí và truyền thông rầm rộ loan một tin vui về người Việt chúng ta.
Ấy là Nữ Văn Sĩ Việt Nam Dương Thu Hương, vừa được trao giải thưởng văn học Cino del Duca World Prize 2023 bởi Viện Hàn Lâm Pháp, với số tiền thưởng lên tới 200,000 euro (tương đương với 222,000 USD) vào Ngày 21 Tháng 4, “để bày tỏ lòng kính trọng đối với một nhà văn có tác phẩm và nhân cách đặc biệt mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại.” Lễ trao giải cho Nhà Văn Dương Thu Hương dự kiến sẽ được tổ chức vào Ngày 21 Tháng 6 sắp tới tại trụ sở Viện Hàn Lâm Pháp.
Nhà Văn Dương Thu Hương sinh năm 1947, ở Tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Hiện cư ngụ tại Pháp.
Trước Nhà Văn Dương Thu Hương, vào năm 2012, Khoa Học Gia kiêm Nhà Văn Trịnh Xuân Thuận là người Việt Nam đầu tiên được vinh dự nhận giải thưởng này. Ông hiện đang là Giảng Viên tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ.
Với trị giá giải thưởng là 200,000 euro, Cino del Duca World Prize có thể được xem là giải thưởng Văn Chương có số tiền lớn thứ nhì, chỉ sau giải Văn Chương Nobel mà thôi.
Cino-Del-Duca được ví như một... phòng chờ của giải Nobel Văn Chương vậy. Một số nhà văn đã được trao giải nầy trước khi được nhận giải Nobel Văn Chương như nhà văn Peru, Mario Vargas Llosa (năm 2008), nhà văn Pháp Patrick Modiano (năm 2010)...
Biết đâu, trong một tương lai không xa, Nhà Văn Dương Thu Hương sẽ là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Nobel Văn Chương danh giá nhất hành tinh?
Hãy đợi đấy!
Giải thưởng Cino-Del-Duca được doanh nhân người Pháp Simone Del Duca sáng lập vào năm 1969 để tôn vinh những tác gia người Pháp hoặc người nước ngoài có công trình văn chương hay khoa học truyền tải thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại.
...
Mới đây, chúng ta cũng được biết, Quan Kế Huy, một Tài Tử người Mỹ gốc Việt, vừa đoạt giải nam diễn viên phụ hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 95 ở Los Angeles Ngày 12 Tháng 3.
Nam Diễn Viên 51 tuổi nầy đã trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được trao giải danh giá này nhờ vai Waymond Wang trong phim “Everything Everywhere All at Once.”
Quan Kế Huy sinh năm 1971 tại Sài Gòn. Năm 1978, Huy cùng gia đình vượt biên, rồi được nhập cư vào Hoa Kỳ năm 1979.
Trong buổi Lễ trao giải, sau khi hôn bức tượng bằng vàng, Huy đã vui mừng tột độ bày tỏ lời cám ơn thân mẫu mình, đang xem buổi trao giải thưởng từ nhà, qua ti-vi.
“Mẹ ơi, con thắng giải Oscar rồi!”
Xin được chúc mừng Nhà Văn Dương Thu Hương, và Diễn Viên Quan Kế Huy!
Giải thưởng danh giá nhất hành tinh cho đến nay là giải thưởng Nobel. Người nhận được giải Nobel, sẽ nhận được số tiền với giá trị chừng 1, 1 triệu USD, gấp chừng 5 lần giải Cino-Del-Duca. Được giải thưởng Nobel là một vinh dự vô cùng to lớn cho người nhận nó. Không biết đến chừng nào thì sẽ có người Việt Nam chúng ta được trao giải thưởng Nobel?
...
Trên đây là một số những giải thưởng danh giá... ở dưới đất nầy. Và giải thưởng danh giá nhất là giải Nobel.
Dầu có danh giá như thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể nào so sánh được với... giải thưởng ở trên trời.
Chính Chúa Giê-su đã phán: “Nầy, Ta đến mau chóng và đem phần thưởng theo với Ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Sách Khải Huyền, chương 22, câu 12)
Đấng trao giải thưởng không phải là một con người nào của thế gian nầy, cho dù đó có là Tổng Thống của nước Mỹ đi nữa, mà là chính Chúa Giê-su, Đấng có cả quyền bính trên trời và dưới đất trong tay (Sách Ma-thi-ơ, chương 28, câu 18), và là Đấng đang cầm chìa khóa của sự chết và Âm Phủ (Sách Khải Huyền, chương 1, câu 18).
Có thể nói không còn gì sung sướng, phước hạnh cho bằng khi một người được nhận phần thưởng vô cùng cao quý nầy.
Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su cũng phán: “Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 5, câu 11, 12)
Một khi ai đó vì danh Chúa mà bị bắt bớ, mắng nhiếc, bị vu oan, giá họa, thì người đó sẽ được phước và được phần thưởng lớn lắm ở trên trời.
Nhận biết được điều đó, nên Sứ đồ Phao-lô đã tuyên bố: “Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được; vì chính tôi đã được Đức Chúa Giê-su Christ giựt lấy rồi. Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lững sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ.” (Sách Phi-líp, chương 3, câu 12-14)
Mục đích cuộc đời của Phao-lô sau khi đã được Chúa cứu rồi là... chạy đua thuộc linh (tức phục vụ Chúa, hầu việc Ngài hết lòng hết sức) để được nhận phần thưởng mà Chúa Giê-su sẽ đem theo để trao cho từng người.
Một chỗ khác, Phao-lô cũng nhắc lại việc nhận phần thưởng vinh dự nầy: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát.” (Sách I Cô-rinh-tô, chương 9, câu 24-26)
...
Được Chúa cứu là một phước hạnh vô cùng to lớn; và được Chúa thưởng là một vinh dự cao quý tuyệt vời trong Thiên Đàng.
Xin Chúa giúp cho mỗi một con dân Ngài nhận biết được điều đó để trung tín theo Ngài và hết lòng hầu việc Ngài, hầu cho ngày mỗi chúng ta gặp mặt Chúa, ai trong chúng ta cũng đều nhận được phần thưởng từ chính tay “Đấng yêu thương chúng ta” trao tặng cho mỗi chúng ta.
California, Cuối Tháng 4/ 2023!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu