Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 306

Nhân Ngày Của Mẹ, Nghĩ Đến Những Thành Ngữ Nói Về... Sự Sanh Đẻ Của Người Mẹ

(Kính tặng tất cả những người Mẹ ở khắp mọi nơi!)

Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 3: 16; Thi-thiên 127: 3; Giăng 16: 21; Ê-phê-sô 6: 1-3

Ngày của Mẹ năm nay đến với chúng ta nhằm vào Chúa Nhật 14 Tháng 5.

Tại khắp các cửa hàng, siêu thị ở Mỹ, ngay cả tại nơi thành phố nhỏ nơi tôi đang ở đây, người ta đã chưng bày hoa và bong bóng rất nhiều và rất đẹp cùng nhiều quà tặng khác ngay từ Chúa Nhật đầu tháng Năm, để sẵn sàng... bán cho người mua tặng cho Mẹ và người thân nhân ngày Lễ Mẹ sắp đến.

Đứng ngắm nhìn những gian hàng hoa và bong bóng xinh tươi và đáng yêu ấy, tôi thấy lòng mình cũng... hạnh phúc lây, vì không khí của Ngày Lễ Mẹ đang... tràn về đầy ắp mới ấm áp làm sao. Và rồi, tự nhiên, tôi thấy... nhớ về Mẹ tôi đang ở... trên Thiên Đàng tuyệt vời bên Chúa kính yêu, và Mẹ đã sinh ra “nhà có tóc” của tôi đang ở tại quê nhà Việt Nam, cách xa chúng tôi đến... nửa vòng trái đất.

Ôi, nhớ Mẹ thật nhiều và thương Mẹ biết bao nhiêu!

...

Nhân Ngày của Mẹ, xin mời bạn cùng tôi nghĩ về những câu thành ngữ nói về sự sanh đẻ của người Mẹ rất... thấm thía, rất ý nghĩa của người Việt Nam mình.

Thành ngữ là những câu nói ngắn gọn, hàm súc, giàu hình ảnh, và mang tính biểu cảm cao.

+ Thành ngữ “Mang nặng đẻ đau”: Nói đến quá trình mang thai và sinh đẻ đầy khó nhọc của người Mẹ.

Trước khi sinh được một người con, thì người Mẹ phải mang thai đến... 9 tháng 10 ngày. Thử tưởng tượng, bạn chỉ cần mang một chiếc ba lô chừng 2-3 ký lô trên vai trong vòng một vài ngày thôi là đã thấy muốn... bỏ chiếc ba lô ra cho khỏe, cho nhẹ người rồi, vì đã thấy nằng nặng trên vai. Ở đây, Người Mẹ phải mang đứa con cũng cỡ chừng đó ký lô trong lòng mình đến... 9 tháng, 10 ngày. Rồi sau đó, còn sinh đẻ đầy đau đớn nữa.

Tại sao người Mẹ phải... mang nặng đẻ đau?

Kinh Thánh cho biết lý do rất rõ ràng: “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi sẽ xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 3, câu 16)

Đó chính là hình phạt mà Đức Chúa Trời đã phán với người Mẹ đầu tiên của cả loài người là Ê-va, khi vợ chồng A-đam và Ê-va phạm tội không vâng lời Ngài trong vườn Ê-đen xưa. Theo đó, tất cả những người Mẹ theo sau Ê-va đều phải “lãnh” sự đau đớn mỗi khi sanh con, như Ê-va đã phải... lãnh vậy.

Thành ngữ “mang nặng đẻ đau” của người Việt Nam ta nói về người Mẹ mỗi khi sanh con là khá... chính xác theo như lời Kinh Thánh đã dạy.

Cho nên để sanh được một người con, thì người Mẹ phải... mang nặng đến 9 tháng 10 ngày, và khi đẻ rất là đau đớn.

Đức Chúa Trời đã... set up (đặt để) cho người Mẹ phải mang thai con mình đến 9 tháng 10 ngày, ấy là vì trong khoảng thời gian đó, thai nhi mới phát triển đầy đủ, để sau đó cho ra đời một... tuyệt tác vậy.

Mẹ tôi đã mang thai 6 lần, với tổng thời gian là 56 tháng (tức 4 năm 8 tháng). Mẹ của “nhà có tóc” của tôi đã mang thai đến 10 lần, với tổng thời gian là 93 tháng 10 ngày (tức 7 năm 10 tháng 10 ngày). Mẹ của các con tôi mang thai 4 lần với tổng thời gian là 37 tháng 10 ngày (tức 3 năm 1 tháng 10 ngày). Và Mẹ của các cháu nội tôi đã mang thai 3 lần với tổng thời gian là 28 tháng (tức 2 năm 4 tháng)...

Có rất nhiều người Mẹ đã có những thời gian mang thai như thế trong cuộc đời. Tính tỉ mỉ ra như thế mới thấy hết được tình yêu thương và sự kiên nhẫn, cũng như sự chịu thương, chịu khó của những người Mẹ trên thế gian nầy to lớn là dường nào.

Thật đáng khâm phục cho sự kiên nhẫn và chịu đựng của người Mẹ biết bao nhiêu!

Ca dao đã nhắc nhở ta về sự mang nặng đẻ đau của người Mẹ để chúng ta biết ơn người Mẹ, và hiếu thảo với Cha Mẹ, vì công sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ thật là lớn lao, vô tận như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn vậy.

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.

Khi nghĩ đến sự mang nặng đẻ đau của người Mẹ như thế, những người con cần phải biết thương yêu Mẹ của mình nhiều hơn, và biết ơn Mẹ thật là nhiều, nhất là khi Mẹ mình còn sống với mình.

...

+ Thành ngữ “Mẹ tròn con vuông”:

Tại sao phải “Mẹ tròn con vuông” mà không phải “Mẹ tròn con tròn”? hay “Mẹ vuông con vuông”? Lý do là từ quan niệm của người xưa để lại.

Cha ông ta ngày xưa cho rằng, đất là một nền phẳng hình vuông (địa phương) và ở trên nó là bầu Trời tròn (thiên viên) như cái lồng bàn úp xuống. Cho nên, gọi là “Thiên viên địa phương” (trời tròn, đất vuông), chỉ về sự hòa hợp viên mãn, trọn vẹn giữa trời và đất. Từ đó, người ta có câu thành ngữ “Mẹ tròn con vuông” để nói về sự sanh đẻ được bình an, trọn vẹn của người Mẹ.

Chúa Giê-su đã nói về niềm vui của người Mẹ sau khi sanh con như sau: “Người đàn bà, lúc sanh đẻ thì đau đớn, vì giờ mình đến rồi. Song khi đứa con đã lọt lòng, người không còn nhớ sự khốn khổ mình nữa, mừng rằng mình đã sanh ra một người trong thế gian.” (Sách Giăng, chương 16, câu 21)

Người Mẹ dù phải mang thai rất nặng nề, và khi đẻ thì rất đau đớn; nhưng sau khi sanh được con rồi, thì sự vui mừng đó làm người Mẹ như... quên đi hết sự đau đớn trước đó mình đã chịu. Vì đứa con như... phần thưởng của Ông Trời ban cho người Mẹ.

Chẳng thế mà Vua Sa-lô-môn ngày xưa đã nói: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra. Bông trái của tử cung là phần thưởng.” (Sách Thi-thiên, chương 127, câu 3)

...

+ Thành ngữ: “Một con sa bằng ba con đẻ”: Ý nói đến sự nguy hiểm và những tổn hại khi người Mẹ bị sẩy thai.

Nếu người Mẹ lỡ bị sẩy thai thì sự tổn hại của nó gấp đến ba lần so với người Mẹ sinh được “Mẹ tròn con vuông”. Và người Mẹ bị sẩy thai cần phải được bồi bổ gấp... ba lần so với người Mẹ sinh bình thường, vì mất rất nhiều sức lực, và bị ảnh hưởng tâm lý không ít.

...

+ Thành ngữ: “Ba tháng còn sảy, bảy tháng còn sa”: Thành ngữ nầy nhấn mạnh đến những thời điểm... nguy hiểm của người Mẹ khi mang thai mà người Mẹ cần chú ý.

Đó là vào tháng thứ ba và tháng thứ bảy của thai kỳ. Vì vào hai thời điểm nầy, nếu người Mẹ vô ý bất cẩn một chút là rất dễ bị sẩy thai và nguy cơ thai bị chết lưu như chơi. Mỗi lần người Mẹ bị hư thai, sẩy thai là mỗi lần người Mẹ bi tổn hại rất lớn về tinh thần và sức lực. Tâm lý bị chấn động một thời gian dài mới ổn định trở lại.

...

+ Thành ngữ: “Sinh được một con mất một hòn máu”: Thành ngữ nầy nói đến những hy sinh, mất mát mà người Mẹ phải chấp nhận khi sinh con. Mỗi lần sinh con, người Mẹ bị mất rất nhiều máu, và đối mặt với những rủi ro về tính mạng không lường trước được.

Nói như vậy để những người con hiểu được sự hy sinh cao cả của những người Mẹ mà thêm lên lòng yêu thương, kính trọng Mẹ của mình.

...

Trên đây là một số những thành ngữ nói về những hy sinh, chịu đựng, những rủi ro, mất mát của người Mẹ mỗi khi sanh con. Cho nên, là những người con, ta cần phải biết tỏ lòng hiếu thảo với Cha Mẹ của mình, biết ơn bậc sinh thành, và sống làm vui lòng Cha Mẹ. Đó là điều Đức Chúa Trời đẹp lòng. Kinh Thánh dạy: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” (Sách Ê-phê-sô, chương 6, câu 1-3)

Kính chúc tất cả những người Mẹ Ngày Lễ Mẹ được nhiều hạnh phúc bên gia đình và người thân yêu!

Cầu xin Đức Chúa Trời ban phước dồi dào cho những người Mẹ!

Mừng Ngày Lễ Mẹ 2023!

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu