Từ khi còn nhỏ, mỗi người Việt Nam đều được học nhiều điều. Trong nhiều điều đó, có một điều quan trọng không thể thiếu được, đó là học hiếu kính Ông Bà, Cha Mẹ. Trong chúng ta, không ai chịu được cảnh:
"Nhà kia lỗi đạo, con khinh bố." (Tú Xương).
Nếu nói về ơn nghĩa trên đời thì ơn Cha, nghĩa Mẹ là điều mà ai cũng nhận thấy. Thật rõ ràng:
"Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra." (Ca dao).
Vì "nương nhờ ơn nuôi dưỡng của hai vị Từ-phụ và Bi-mẫu cho nên tất cả các con trai, gái đều được an vui. Thế là ơn cha cao như núi chúa, ơn mẹ sâu như bể cả."[3] Câu kinh này nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ rằng công Cha thật to lớn và nghĩa Mẹ thật bao la. Người xưa có nói: "Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phụ mẫu sinh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hiệu thiên, võng cực."[4] (Xin dịch là: Cha đã sanh ta, mẹ đã nuôi ta. Thương thay Cha mẹ sinh ta khó nhọc. Muốn báo ơn sâu trời cao chẳng dứt). Cho nên, nếu ai "ngỗ nghịch bất hiếu, Trời đất nào dung cho."[5] Ðiều quan trọng, mà một người con không thể quên là: “Làm con trước phải đền ơn sanh thành." (Nguyễn Du).
Trong Kinh Thánh, Xuất Ê díp tô ký 20:1-17 có ghi Mười điều răn của Chúa như sau:
I. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.
II. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó.
III. Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Ðức Giê-hô-va chẳng kể là vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.
IV. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.
V. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho.
VI. Ngươi chớ giết người.
VII. Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
VIII. Ngươi chớ trộm cướp.
IX. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.
X. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.
Trong Mười điều răn đó thì điều răn Thứ Nhất đến Thứ Tư nói đến bổn phận của con người đối với Ðức Chúa Trời; còn điều răn Thứ Năm đến điều răn Thứ Mười dạy về bổn phận con người đối với con người. “Con người” đầu tiên được nhắc đến là Cha Mẹ. Ðức Chúa Trời dạy mỗi người phải hiếu kính Cha Mẹ. Cho nên là những người con của Chúa, vâng theo Lời dạy của Ðức Chúa Trời, chúng tôi phải hiếu kính Ông Bà, Cha Mẹ. Nhưng tại sao chúng tôi không làm bàn thờ, không cầu khẩn, không cúng cho Ông Bà, Cha Mẹ, khi Ông Bà, Cha Mẹ đã qua đời?
A.- Việc thờ Ông Bà Cha Mẹ:
Nếu thờ, thì chúng tôi không thể thờ hết tất cả Ông Bà, Cha Mẹ, Tổ tiên. Ví dụ, chúng tôi thờ Cha, Ông Nội, Ông Cố, Ông Sơ..., thế còn mười, hoặc hai ba chục đời bên trên, và cao hơn nữa.... thì sao? Không ai biết bên trên mình có bao nhiêu đời. Nhưng chúng tôi biết rằng Ðấng Tạo Hóa là Ðức Chúa Trời đã tạo dựng Tổ tiên chúng tôi. Chúng tôi tôn thờ Ngài. Ngài bao gồm tất cả Cha Mẹ, Ông Bà, Tổ tiên của chúng tôi.
Mỗi chúng ta phải có hiếu với Bậc sanh thành. Bậc sanh thành lớn nhất của chúng ta là Ðấng Tạo Hóa. Vì vậy, mỗi chúng ta phải tôn thờ Ngài. Nếu không tôn thờ Ngài chúng ta mang tội bất hiếu với Ngài.
B.- Việc cầu khẩn với Cha Mẹ, Ông Bà.
Ông Bà, Cha Mẹ lúc nào cũng yêu thương con cháu. Nhưng Ông Bà, Cha Mẹ là loài người, không có quyền năng “ban phước hay giáng họa” ngay lúc còn sống cũng như sau khi qua đời. Vì nếu có quyền “ban phước hay giáng họa” thì tất cả con cháu của Ông Bà, Cha Mẹ đều xinh đẹp, đỗ đạt giàu sang. Nhưng thật ra, họa và phước ở trong tay Ðức Chúa Trời là Ðấng đã phán: "Chính Ta là Ðấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối tăm, làm ra sự bình an và dựng nên sự tai họa." (Kinh Thánh, Ê-sai 45:7). Vì vậy, chúng tôi chỉ cầu khẩn với Ðức Chúa Trời. Ngài là Ðấng Toàn năng và cũng là Ðấøng Toàn quyền định đoạt mọi sự.
C.- Việc cúng tế cho Ông Bà, Cha Mẹ.
Chúng tôi tin rằng Ông Bà, Cha Mẹ sau khi qua đời không thể ăn uống được. Sách Minh Tâm Bảo giám có chép: "Trước linh sàng cúng vái, đâu sống lại ăn được."[6] Vì vậy chúng tôi không cúng tế cho Ông Bà, Cha Mẹ.
D.- Việc nhắc nhở về Ông Bà Cha Mẹ.
Còn việc nhắc nhở ngày Ông Bà, Cha Mẹ qua đời: Việc này tốt. Ðến ngày kỷ niệm Ông Bà, Cha Mẹ qua đời, chúng tôi có thể mời những người thân, bạn hữu đến dùng bữa cơm thân mật. Trong dịp này, chúng tôi nhắc lại những công đức và những gương tốt của Ông Bà, Cha Mẹ lúc còn sống, để chúng tôi và con cháu noi theo.
Ðức Chúa Trời dạy chúng tôi phải hiếu kính và vâng lời Ông Bà, Cha Mẹ. Việc này phải được vâng giữ mỗi ngày, và kéo dài suốt cả đời của chúng tôi. Khi Ông Bà Cha Mẹ còn sống, chúng tôi hết lòng phụng dưỡng Ông Bà Cha Mẹ như lo cơm ăn, áo mặc, thuốc than và vâng lời Ông Bà Cha Mẹ theo sự dạy dỗ của Chúa để Ông Bà Cha Mẹ vui lòng. Khi Ông Bà Cha Mẹ qua đời, chúng tôi lo tang chế và mồ mả Ông Bà Cha Mẹ với tất cả khả năng có thể được của chúng tôi.
Là con dân của Chúa, chúng tôi bày tỏ lòng hiếu kính Ông Bà, Cha Mẹ theo sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh Thánh. Trong Ngài không những chúng tôi khỏi bị đoán phạt nhờ sự cứu rỗi của Ngài, mà còn được Ngài chỉ dạy cách tôn thờ Ðức Chúa Trời và hiếu kính Ông Bà, Cha Mẹ đúng theo ý Chúa như Thánh Kinh đã dạy. Chúng tôi nếm trãi điều này thật phước hạnh và tốt lành.
KHÓC PHỤ THÂN
******
Chiều nay ai tín bay về
Cha tôi ơi hỡi! đã lìa trần gian
Mười năm khổ hận ly tan
Ðoàn viên mộng ấy khăn tang liệm rồi
Cõi người mây nước mù khơi
Cõi lòng tắt lửa mặt trời Mùa Ðông
Rưng rưng mắt ướt ngùi trông
Dậm về khuất lấp cuồng phong ngút ngàn
Ðất quê một nắm xương tàn
Cha ơi con đã chẳng lần được thăm!
Ôi đời sao lắm oái oăm
Sinh ly tử biệt cho ngầm tim đau
Mẹ ơi! Mẹ bớt ưu sầu
Thiên đàng lại gặp, Chúa lau lệ buồn
Lời Kinh an ủi sớm hôm
Nguyện xin Chúa giúp vượt cơn thảm sầu.
Linh Cương.
******************************************