Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 310

Ngày Lễ Cha, Nói Chuyện Về... Thân Phụ Và... Thiên Phụ

Kinh Thánh: Giê-rê-mi 33: 3; Giăng 1: 12; Giăng 17: 3; Phi-líp 1: 21

Vậy là ngày đáng yêu và đáng mong chờ của mọi người cha nói riêng, và mọi người hàng năm lại đến. Đó là ngày Lễ Cha.

Với ai thì không biết, nhưng với tôi, tháng Năm, tháng Sáu hằng năm là những tháng rất đáng yêu, vì có ngày Lễ Mẹ (Chúa Nhật thứ 2 của tháng Năm), và ngày Lễ Cha (Chúa Nhật thứ 3 của tháng Sáu). Hai ngày đáng yêu trong hai tháng đáng yêu đó cho tôi có nhiều thì giờ hơn để nhớ về cha mẹ mình và để suy gẫm về thiên chức làm cha làm mẹ mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người chúng ta.

Nhân ngày Lễ Cha năm nay, xin được chia sẻ với bạn đọc về... thân phụ và... Thiên Phụ.

...

Thân phụ là gì? Không khó để trả lời phải không bạn?

Thân phụ, từ Hán Việt để chỉ người cha thân yêu của mình, người đã góp phần sinh thành, dưỡng dục nên mình.

Tiếng Việt mình rất phong phú trong cách gọi người cha người mẹ.

Trong Hán Việt: Thân phụ, có nghĩa là cha ruột; kế phụ là cha ghẻ, cha kế; nghĩa phụ, dưỡng phụ là cha nuôi; nghĩa phụ cũng là cha đỡ đầu; bá phụ là ông bác (anh cha); thúc phụ là ông chú (em cha); quân phụ là cha chồng, và nhạc phụ là cha vợ.

Còn Thân mẫu, có nghĩa là mẹ ruột; kế mẫu là mẹ ghẻ; thứ mẫu là vợ bé của cha; dưỡng mẫu là mẹ nuôi; nhạc mẫu là mẹ vợ; quân mẫu là mẹ chồng.(*)

Không dễ để có thể nhớ và nói cho đúng những từ như thế trong thời hiện đại nầy phải không bạn? Nhưng đó là những từ ngữ xưng hô của người xưa có tính cách trang trọng để bày tỏ sự tôn kính những người bề trên, thiết nghĩ chúng ta cũng nên ghi nhớ và sử dụng trong cuộc sống cho thêm phần phong phú.

Mỗi một người trong chúng ta đều được Tạo Hóa ban cho có thân phụ là người đã sinh ra mình, trưởng dưỡng mình nên người.

Thân phụ của tôi là một người rất bình dị, yêu thương vợ con, và sống chan hòa, gần gũi với mọi người trong xóm, trong làng. Người sẵn sàng mở lòng giúp đỡ người khác khi có cần, nhất là những người nghèo khó, mồ côi, góa bụa, dù cuộc sống của ông cũng khó khăn như nhiều người khác. Dù nhà ông... chật, nhưng lòng ông không... chật. Sống trong tinh thần ban cho là lối sống mà thân phụ tôi... chọn để sống. Tôi cảm tạ Chúa vì thân phụ tôi đã chọn lối sống đó là lối sống mà Chúa Giê-su đã dạy, để ngày nay, anh em chúng tôi được noi theo lối sống ấy của Người. Thân phụ tôi cũng là người sống ngay thật, thẳng thắn, không xu nịnh, không luồn cúi, ghét bất công, áp bức. Ông thường hay binh vực những người thân cô thế cô. Anh em chúng tôi cũng thích tính cách nầy của thân phụ tôi, và tính cách ấy đã ảnh hưởng trên anh em chúng tôi rất nhiều. Điều đặc biệt nhất mỗi khi nghĩ về thân phụ tôi mà tôi nhớ đến, đó chính là ông có một lòng tin chí quyết đặt nơi Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của ông, không hề nao núng đức tin trước những sự tấn công, chỉ trích, dèm pha của người vô thần, vô tín. Dường như thân phụ tôi đã học được đức tin sắt son đó nơi thánh Phao-lô thì phải: “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.” (Sách Phi-líp, chương 1, câu 21); “Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự.” (Sách Cô-lô-se, chương 3, câu 11). Đức tin sắt son ấy của thân phụ tôi đã để lại một ảnh hưởng rất lớn trên dòng dõi của Người ngày hôm nay. Ấy là tất cả con cháu của thân phụ tôi hiện nay đều được ở trong Chúa và được góp phần hầu việc Ngài trong nhiều phương diện khác nhau ở trong nhà của Ngài.

Cảm tạ Chúa đã cho tôi có được một thân phụ tuyệt vời, nhất là trong niềm tin đặt nơi Chúa!

...

Ngoài thân phụ đáng yêu, tôi còn có một... người Cha nữa, đó là... Thiên Phụ!

Thân phụ là người đã sinh thành dưỡng dục mình nên người. Còn Thiên Phụ là Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng nên kiền khôn vũ trụ và con người chúng ta.

Thân phụ là người, còn Thiên Phụ là Trời. Thân phụ thì được tạo dựng nên từ bụi đất, ở dưới đất thấp hèn; còn Thiên Phụ thì hiện hữu từ ban đầu, và ngự trên Thiên Đàng vinh hiển. Thân phụ thì được sinh ra; còn Thiên Phụ là “Đấng tự hữu và hằng hữu” (tức tự có và hằng có mãi mãi), (Sách Xuất Ê-díp-tô ký, chương 3, câu 14). Thân phụ thì hữu hạn và chóng qua; nhưng Thiên Phụ thì vô hạn và vĩnh hằng. Thân phụ là tội nhân, như bao con người khác, và cần nhận được sự cứu rỗi trong danh Chúa Giê-su để được tha thứ tội lỗi; nhưng Thiên Phụ là Đấng thánh khiết, trọn lành, nên có quyền tha thứ tội lỗi cho con người, và cũng có quyền đoán phạt tội nhân nữa.

Đối với thân phụ, chúng ta phải hiếu kính, vì đó là điều Kinh Thánh dạy; còn đối với Thiên Phụ,chúng ta phải tôn thờ, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa trên hết muôn loài vạn vật.

Chúng ta thường hay nghe câu nói: "Trời sinh Trời dưỡng." Nghĩa là Đức Chúa Trời không những là Đấng Tạo Hóa của chúng ta, mà Ngài còn là Thiên Phụ của chúng ta nữa.

Trong thời Quân chủ ở các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam... người ta thường gọi các vị vua cai trị đất nước là Thiên Tử, tức con của Trời. Điều nầy cũng có một hàm ý là xem Ông Trời là Thiên Phụ của mình vậy.

...

Làm thế nào để một người có thể trở thành... Thiên Tử (con Trời), và Ông Trời trở thành... Thiên Phụ của mình?

Kinh Thánh cho chúng ta biết cách để một người được trở thành... Thiên Tử như sau: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (Chúa Giê-su), thì Ngài ban cho quyền phép để trở nên con cái Đức Chúa Trời (Thiên tử), là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” (Sách Giăng, chương 1, câu 12)

Tiếp nhận Chúa Giê-su làm Chúa, làm Chủ đời sống mình là bạn sẽ trở thành... Thiên Tử, và Đức Chúa Trời trở thành... Thiên Phụ của bạn.

Trong cuộc nói chuyện giữa vị Giáo Sư từ trời là Chúa Giê-su với vị Giáo Sư từ đất là Ni-cô-đem, Đức Chúa Giê-su đã cho Ni-cô-đem biết cách để ông có thể trở thành... Thiên tử: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.” (Sách Giăng, chương 3, câu 3)

Để trở thành... Thiên tử, một người phải “sanh lại”, có nghĩa là phải tin nhận Ngài làm Cứu Chúa. Sự sanh ra lần thứ nhất từ cha mẹ mình là sự sanh ra bởi thể huyết khí, bởi tình dục. Sự sanh ra đó cho bạn được làm con trong một gia đình ở dưới đất nầy. Còn sự sanh lại (tức sanh ra lần thứ hai), là sự sanh ra bởi Đức Thánh Linh. Sự sanh ra nầy cho bạn địa vị được làm... Thiên tử ở trong gia đình của Đức Chúa Trời ở trên trời.

Một câu Kinh Thánh khác nữa xác quyết cách mà một người được trở thành... Thiên tử: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là Đấng Cha đã sai đến.”(Sách Giăng, chương 17, câu 3)

Ai nhìn biết Cha (tức tin nhận, tôn thờ Đức Chúa Trời), và Chúa Giê-su Christ, thì người ấy sẽ được trờ thành... Thiên tử, và Đức Chúa Trời trở thành... Thiên Phụ của người ấy vậy.

Ngay từ khi bạn mở lòng tin nhận Chúa Giê-su là bạn sẽ được sống trong mối liên hệ cha con mật thiết với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ không còn xa lạ với bạn nữa. Người Việt mình khi gặp nỗi niềm oan ức nào đó, đi kêu cứu khắp nơi; nhưng không ai quan tâm, giải quyết, thì thường nói “ngắn cổ kêu không thấu Trời”. Khi bạn trở nên... Thiên tử rồi, thì bạn sẽ... kêu thấu Trời, và Ông Trời (Thiên Phụ) sẽ lắng nghe lời kêu cầu của bạn. Chính Đức Chúa Trời đã phán: “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho. Ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” (Sách Giê-rê-mi, chương 33, câu 3)

Đó quả thật là một điều tuyệt diệu cho những ai được làm... Thiên tử, và được gọi Đức Chúa Trời là... Thiên Phụ!

Có một bài hát rất hay nói về việc được làm con Vua Thánh trên trời thật phước hạnh như sau:

“Làm con Vua Thánh trên trời. Tình yêu ấy không hề phai. Đức nhân từ, thương xót có dư dật luôn. Dầu tôi đi tới nơi nào. Đường giông tố hay hiểm nguy, cánh tay Ngài dẫn đưa an toàn nào sai... ” (Thánh Ca mới, số 848)

...

Thật phước hạnh cho những ai được nhận làm... Thiên tử, và được gọi Đức Chúa Trời là... Thiên Phụ, vì người đó sẽ được ở trong sự bảo vệ, che chở tuyệt vời của Cha Thiên Thượng, khi còn sống trên đất; và sẽ được về Thiên Đàng tuyệt diệu ở mãi với Thiên Phụ từ ái sau khi kết thúc cuộc đời nầy.

Ước mong ngày càng có nhiều người Việt thân yêu của tôi sẽ nhận biết được Đức Chúa Trời là Thiên Phụ của mình, và được trở thành Thiên tử ở trong nhà Ngài!

Kính chúc mọi người một ngày Lễ Cha thật an vui và hạnh phúc trong ơn lành của Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.

Mừng Ngày Lễ Cha 2023!

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu

(*) Vương Trung Hiếu, Cách xưng hô và thứ bậc trong gia tộc, xã hội thời xưa, www.vanchuongviet.org