Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 25: 30; Giăng 15: 1-6; Rô-ma 8: 1; Ê-phê-sô 1: 3, 7
Trong và ngoài là hai khái niệm chỉ về hai không gian, nơi chốn khác biệt nhau, hay nói đúng hơn là đối lập nhau.
Kinh Thánh nói khá nhiều đến... hai nơi chốn đối lập nhau nầy.
Khi một người tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa cho đời sống mình rồi, thì người đó được kể là ở trong Chúa. Còn một người chưa tin Chúa, thì gọi người ấy là đang ở ngoài Chúa.
Ở trong Chúa và ở ngoài Chúa khác nhau một trời một vực, và đối lập nhau hoàn toàn.
Người ở trong Chúa sẽ được hưởng đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho những người thuộc về Ngài. Thánh Phao-lô đã viết những dòng đầy phước hạnh như sau: “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.” (Sách Ê-phê-sô, chương 1, câu 3)
Sách Ê-phê-sô được xem như là sách Giô-suê của Tân ước. Nếu sách Giô-suê của Cựu Ước nói đến việc chiếm đất hứa Ca-na-an đượm sữa và mật, thì Ê-phê-sô nói về những phước hạnh thuộc linh ở các nơi trên trời, mà người ở trong Đấng Christ nhận được.
Thư tín Ê-phê-sô là một thư tín rất sâu nhiệm về thần học, là một thư tín bày tỏ những điều phước hạnh tuyệt diệu của những người ở trong Chúa Cứu Thế. Do đó, cụm từ chìa khóa trong thư tín quý báu nầy là “Trong Đấng Christ”. Và câu chìa khóa của sách là ở trong đoạn 1, câu 7: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội theo sự dư dật của ân điển Ngài.”
Nếu “Trong Đấng Christ”, con người được cứu chuộc, được tha tội, thì... ngoài Đấng Christ, con người không được cứu chuộc, không được tha tội, họ vẫn còn ở trong tội lỗi mình. Và một khi một người còn ở trong tội lỗi mình thì người ấy còn ở dưới sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, còn ở dưới cơn thạnh nộ kinh khiếp của Đức Chúa Trời vậy.
Thánh Phi-e-rơ cũng đã xác nhận chân lý nầy: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Sách Công Vụ Các Sứ đồ, chương 4, câu 12)
Sự cứu chuộc và sự tha tội chỉ có ở trong Chúa Giê-su mà thôi. Ngoài Chúa Giê-su, con người không thể tìm được sự cứu chuộc và sự tha tội ở bất cứ danh nào khác đến từ con người.
“Trong Đấng Christ” và “Ngoài Đấng Christ”, hay “Trong Chúa Giê-su” và “Ngoài Chúa Giê-su” là hai nơi rất khác biệt, khác biệt nhau một trời một vực. “Trong Đấng Christ” thì được phước; ngược lại, “Ngoài Đấng Christ” thì bị họa. “Trong Đấng Christ” thì được bình an; ngược lại, “Ngoài Đấng Christ” thì ở trong sự bất an. “Trong Đấng Christ” thì có hy vọng; ngược lại, “Ngoài Đấng Christ”, thì chỉ có tuyệt vọng. “Trong Đấng Christ” thì có sự sống đời đời; ngược lại, “Ngoài Đấng Christ”, thì ở trong sự chết đời đời...
Có một bài Thánh Ca với lời nói về ở trong và ở ngoài Thiên Đàng rất rõ ràng như sau: “Duy một cửa vô Thiên Đàng mà chia hai phía rất khác. Phía trong với phía ngoài, bạn đứng bên phía nào? Duy một cửa vô Thiên Đàng mà chia hai phía rất khác. Chính tôi đứng phía trong. Bạn đã đứng bên nào?”
Đứng ở phía trong cửa vô Thiên Đàng hay đứng ở ngoài cửa vô Thiên Đàng là hai chỗ đứng khác biệt nhau hoàn toàn, đối lập nhau hoàn toàn.
Nếu bạn đang đứng ở phía trong cửa vô Thiên Đàng, thì đó là một điều phước hạnh tuyệt vời cho bạn, vì bạn sẽ không còn bị sự đoán phạt nào từ Đức Chúa Trời dành cho bạn nữa. Bởi bạn đã có Chúa Giê-su làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình.
Kinh Thánh khẳng định: “Cho nên, hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-su Christ.” (Sách Rô-ma, chương 8, câu 1)
Nhưng nếu bạn đang đứng phía ngoài của vô Thiên Đàng, thì đó là một đại họa, vì bạn đang đứng trước cơn thạnh nộ kinh khiếp của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh cho biết: “Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 25, câu 30)
Sự khác biệt giữa những người “ở trong Đấng Christ” và những người “ở ngoài Đấng Christ” là sự khác biệt giữa người được cứu và người chưa được cứu.
Chính Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh gốc nho và nhánh để diễn tả mối liên hệ mật thiết giữa người thật sự ở trong Đấng Christ với người “giả vờ” ở trong Ngài: "Ta là gốc nho thật, Cha Ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong Ta mà không kết quả, thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Các ngươi đã được trong sạch vì lời Ta đã bảo cho. Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các ngươi. Như cành nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được. Cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong họ, thì sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta, thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho, nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa thì nó cháy.” (Sách Giăng, chương 15, câu 1-6). Nếu bạn không có sự kết nối sống còn với Đấng Christ, (thực sự ở trong Đấng Christ), thì bạn sẽ không thể có sự sống. Và bạn sẽ bị quăng vào lửa đời đời.
Khi luận giải về sự sống lại, Phao-lô đã nói: “Như trong A-đam, mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ, mọi người đều sẽ sống lại.” (Sách Cô-rinh-tô nhất, chương 15, câu 22)
“Trong A-đam”, có nghĩa là ở ngoài Đấng Christ, thì mọi người đều sẽ bị hư mất, và sẽ bị đoán phạt. Ngược lại, “trong Đấng Christ”, thì bạn sẽ hưởng được sự cứu rỗi, và sự sống đời đời.
“Ở trong Đấng Christ” hay “Ở ngoài Đấng Christ”, thực sự là một điều vô cùng hệ trọng. Một bên là phước hạnh miên viễn, còn một bên là đau khổ đời đời.
Bạn đang “Ở trong Đấng Christ”, hay đang “Ở ngoài Đấng Christ”?
Tôi cảm tạ Chúa, bởi ơn thương xót của Ngài, tôi đã được “Ở trong Đấng Christ” từ mấy chục năm qua, và tôi cảm nhận được một cuộc đời thật sự bình an, phước hạnh và thỏa lòng.
Tôi ước mong bạn cũng sẽ là người “Ở trong Đấng Christ” như tôi đã “Ở trong Đấng Christ” để chúng ta cùng được hưởng sự cứu rỗi và hưởng Thiên Đàng phước hạnh tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho những người thuộc về Chúa Giê-su!
California, Tháng 7/ 2023!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu