Trang Chủ :: Chia Sẻ
Bài 392
12 Kỷ Luật Tâm Linh Cần Có
"Kẻ nghe lời khuyên dạy ở trong đường sự sống; Nhưng ai quên sự quở trách phải lầm lạc." - Châm-ngôn 10:17
"Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau. Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình." - Ga-la-ti 5:13-14
Mỗi Cơ Đốc Nhân cần được tăng trưởng tâm linh của mình, hầu để có đời sống tâm linh mạnh mẽ theo Chúa, để có thể dâng mình hầu việc Chúa, môn đồ hóa, và giúp đỡ tha nhân biết đến Phúc Âm của Chúa Giê-su và tiến đến tin nhận Ngài. Nhà văn người Mỹ, ông Hilary Hinton ("Zig" Ziglar, 1926-2012) đã nói,
"Tính cách đã đưa chúng ta ra khỏi giường, sự cam kết đã thúc đẩy chúng ta hành động, và kỷ luật giúp chúng ta tuân theo."1 Do đó, chúng ta cần có những kỷ luật tâm linh để tâm linh được tăng trưởng mỗi ngày và sống đẹp lòng Chúa; giống như Lời Chúa dạy,
"Sự ngu dại buộc vào lòng trẻ thơ, nhưng con roi kỷ luật đuổi điều ấy xa khỏi nó" (Giáo Huấn 22:15 BDM). Sau đây là 12 kỷ luật tâm linh theo Kinh Thánh mà chúng ta cần thực hiện.
1.Kỷ luật cầu nguyện.2 Sự cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, ca ngợi, cảm tạ, xưng tội, tìm cầu ý Ngài, cầu thay, cầu xin cho chính mình. Đây là cách tốt nhất chúng ta có thể bày tỏ mọi sự, mọi nhu cầu với Ngài! Chúng ta phải
"bền lòng mà cầu nguyện" (Rô-ma 12:12); "Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào" (Cô-lô-se 4:2); "cầu nguyện không thôi" (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17); "… và nhân Đức Thánh Linh mà cầu nguyện" (Giu-đe 1:20). Phải cầu nguyện mỗi ngày!
2. Kỷ luật học Lời Chúa.3 Lời Chúa "ngọt như mật ong" (Thi-thiên 119:103); Lời Chúa ban sự "thông sáng" (Thi-thiên 119:104); Lời Chúa soi sáng đường lối ta đi (Thi-thiên 119:105); Lời Chúa "an ủi" chúng ta trong hoạn nạn (Thi-thiên 119:50, 52). Lời Chúa là "sự vui mừng hớn hở" (Giê-rê-mi 15:16) cho chúng ta,... Lời Chúa là thức ăn cho tâm linh chúng ta, chúng ta cần "ăn" vào để nuôi dưỡng tâm linh lớn lên và được phước lành của Chúa, như lời Chúa dạy,
"Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước" (Giô-suê 1:8).
3. Kỷ luật ghi nhớ Lời Chúa. Học biết Lời Chúa thì chúng ta cần nhớ những Lời Chúa dạy, để áp dụng vào đời sống mỗi ngày. Trước giả Thi-thiên 119 đã ghi nhớ Lời Chúa và giấu trong lòng để ông không phạm tội với Chúa (Thi-thiên 119:11). Thêm vào đó, chúng ta cần nhớ những câu gốc, những câu Kinh Thánh có ý nghĩa cụ thể, để có thể nâng đỡ, khích lệ chúng ta trong lúc khó khăn và có thể dùng để chia sẻ cho người khác, hầu cho họ cũng được sự an ủi từ Chúa.
"Lời Chúa làm cho tôi được sống lại, ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn" (Thi-thiên 119:50).
4. Kỷ luật sống theo Lời Chúa. Khi học biết Lời Chúa thì phải áp dụng vào chính đời sống chúng ta, nếu không thì giống như "nước đỗ lá môn", nghe rồi không làm, là kẻ tự lùa dối lòng mình, như sứ đồ Gia-cơ dạy,
"Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình" (Gia-cơ 1:22). Lời Chúa chỉ dạy chúng ta sống thánh khiết, để giống hình ảnh Ngài vì Chúa là Đấng thánh khiết. Chúng ta
"… phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo lời Chúa" (Thi-thiên 119:9). Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta nên chú ý những nơi nào có những lời khuyên bắt đầu bằng chữ "chớ" và "đừng", đó là những điều dạy chúng ta nên tránh.
5. Kỷ luật thi hành Đại Mạng Lệnh. Mọi Cơ Đốc Nhân cần phải biết Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 28:19-20), vì đây là ý muốn Chúa muốn mọi con dân Ngài làm. Đây là mục đích cao thượng nhất mà bày tỏ tình yêu tuyệt đối, đời đời cho loài người (Giăng 3:16)! Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta cần phải nhờ sức Chúa, dạn dĩ chia sẻ Phúc Âm cho người xung quanh đang cần sự cứu rỗi của Chúa Giê-su.
6. Kỷ luật tìm kiếm ý Chúa.4 Trong mọi vấn đề, chúng ta cần tìm Chúa trước tiên vì Chúa là Đấng toàn năng, biết hết mọi sự, và có giải pháp tốt nhất cho chúng ta. Lời Chúa phán,
"Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng" (Giê-rê-mi 29:13); "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết" (Giê-rê-mi 33:3). Hãy tập nghĩ đến Chúa trước tiên, bằng cách ngước mắt lên trời, và nhớ rằng Chúa ngự trên các từng trời và đang nghe tiếng chúng ta cầu xin! Hãy tìm kiếm ý Chúa mỗi ngày cho mọi việc chúng ta dự định làm, đến với Ngài trong sự cầu nguyện, đọc Lời Chúa, và tỉnh tâm. Chắc chắn rằng, Chúa sẽ đáp lời và ban cho chúng ta ý Ngài!
7. Kỷ luật thờ phượng Chúa. Một trong những mục đích Chúa tạo dựng nên con người chúng ta, đó là để chúng ta thờ phượng Ngài;
"Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh" (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8); "Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là lễ sa-bát của Đức Giê-hô-va trong những nơi các ngươi ở" (Lê-vi Ký 23:3). Chúng ta "là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời" (1 Phi-e-rơ 2:9); vì vậy, chúng ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời mỗi tuần, để truyền ra sự ngợi khen Ngài là Đấng mà đã đem chúng ta ra khỏi sự tối tăm và đi vào sự sáng kỳ diệu của Ngài! Sự thờ phượng đem đến cho chúng hy vọng và tầm nhìn tươi mới mỗi tuần;
"chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm" (Hê-bơ-rơ 10:25). Thêm vào đó, sự thờ phượng cho chúng ta phương cách - ngôn ngữ, để đáp lại với những gì Chúa đã làm cho chúng ta, mà chúng ta không thể bày tỏ được mỗi ngày.
"Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo hóa chúng tôi! Vì Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi: Chúng tôi là dân của đồng cỏ Ngài, và là chiên tay Ngài dìu dắt…" (Thi-thiên 95:6-7); "Khá hát cho Ngài một bài ca mới, và khéo gảy nhạc khí với tiếng vui mừng" (Thi-thiên 33:3); "Phàm vật chi thở, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia" (Thi-thiên 150:6). Bởi vì Chúa là Đấng thánh sạch và thân thể chúng ta là đền thờ Chúa ngự vào, cho nên chúng ta cần chuẩn bị, thanh tẩy tâm linh mình trước khi đến thờ phượng Ngài, phải "nên thánh" (1 Phi-e-rơ 1:16); phải "trọn vẹn" (Ma-thi-ơ 5:48); phải
"…dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ…" (Rô-ma 12:1).
8. Kỷ luật sống đơn giản. Người Truyền Đạo nói,
"Kẻ tham tiền bạc chẳng hề chán lắc tiền bạc; kẻ ham của cải chẳng hề chán về huê lợi. Điều đó cũng là sự hư không" (Truyền Đạo 5:10). Chân lý này cho chúng ta thấy, "lòng tham không đáy – con người lúc nào cũng muốn có nhiều hơn!" Nhưng trong sự quan phòng của Chúa, chúng ta không bao giờ bị thiếu thốn gì cả. Chúng ta không cần phải "tích trử" dư thừa, chúng ta không nên hơn thua với người đời, sống đua đòi với họ. Sống thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh là cách giúp chúng ta sống đơn giản. Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết, ông sống thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh,
"Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được" (Phi-líp 4:12). Điều quan trọng là,
"Thà có ít của mà kính sợ Đức Giê-hô-va, còn hơn là tài sản nhiều mà bối rối cặp theo" (Châm-ngôn 15:16); "Chớ nhờ cậy sự hà hiếp, cũng đừng để lòng trông cậy nơi sự trộm cướp, vì uổng công; nếu của cải thêm nhiều lên, chớ đem lòng vào đó" (Thi-thiên 62:10); "Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng" (1 Ti-mô-thê 6:8). Chúng ta nên cầu nguyện với Chúa rằng,
"Xin dan xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá; chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang; Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng, e khi no đủ, tôi từ chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng" (Châm-ngôn 30:8-9).
9. Kỷ luật hầu việc Chúa và phục vụ tha nhân. Chúa là Đấng yêu thương, Ngài đến thế gian để phục vụ người khác, và chịu chết vì yêu thương nhân loại và muốn cứu họ khỏi sự chết đời đời (Giăng 3:16)! Mục đích phục vụ của Ngài là vì yêu thương chúng ta, không phải vì lợi riêng cho Ngài; vì vậy, chúng ta nên bắt chước Ngài mà phục vụ tha nhân vì yêu thương họ. Chúa là Đấng xứng đáng để chúng ta hầu việc Ngài,
"Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa" (Rô-ma 12:11). Chúng ta
"chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật" (1 Giăng 3:18). Chúng ta cần kỷ luật sự phục vụ của chúng ta, bằng cách xem mục đích phục vụ của chúng ta là gì, có phải vì kính Chúa yêu người không, hay là vì lợi riêng của chúng ta. Chúng ta cần cẩn thận làm theo Lời Chúa; bởi vì
"Các đường lối của người đều là trong sạch theo mắt mình; song Đức Giê-hô-va cân nhắc cái lòng" (Châm-ngôn 16:2). Tình yêu của Chúa là tình yêu vượt xa tình yêu thế gian, chúng ta phải
"… yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ…" (Ma-thi-ơ 5:44). Nếu chúng ta biết có người cần giúp đỡ và chúng ta có thể giúp được, nhưng chúng ta lại không làm, thì khi chúng ta cần giúp đỡ "sẽ chẳng có ai đáp lại" (Châm-ngôn 21:13). Nếu tấm lòng yêu thương thành thật của chúng ta được bày tỏ qua sự phục vụ tha nhân,
"…thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta" (1 Giăng 4:13). Hãy hầu việc Chúa và phục vụ tha nhân!
10. Kỷ luật kiểm tra lời nói. Lời nói phải chân thật, "có ân hậu" giúp ích cho người nghe; như sứ đồ Phao-lô khuyên, "Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào" (Cô-lô-se 4:6). Người tin theo Chúa Giê-su không thể nói lời bừa bãi, lời nguyền rủa, chê bai, chỉ trích người khác. Lời nói cũng phải đúng lúc thì người nghe mới đáp lại thỏa lòng, vì
"Lời nói đúng lúc, khác nào trái táo vàng để trên đĩa bạc" (Châm-ngôn 11:25 BDM). "Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình" (Gia-cơ 3:2).
11. Kỷ luật chịu khổ. Khi đi theo đường lối Chúa, chắc chắn sẽ có những người không tin Chúa, họ sẽ không đồng ý với cách sống theo Lời Chúa của chúng ta. Nhất là những ai có người thân trong gia đình mà chưa tin Chúa, thì rất khó khăn để có thể sống theo Lời Chúa. Ở ngoài cộng đồng, chúng ta có thể nghe những lời dèm pha, như là "đạo Mỹ", "đạo dụ", "thánh thiện quá", mà rất khó nghe! Khi chia sẻ Phúc Âm thì cũng có người nghe và cũng có người chống đối, bắt bớ. Lời Chúa khuyên chúng ta làm những điều lành, cao hơn tiêu chuẩn loài người, như là
"yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ" (Ma-thi-ơ 5:44, Lu-ca 6:27); "Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác" (Rô-ma 12:21). Hãy "… chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ" (2 Ti-mô-thê 2:3), hãy kiên trì chịu đựng vì Danh Chúa!
12. Kỷ luật không ngừng học hỏi thêm. Vũ trụ này được Chúa tạo dựng nên và Ngài đã để lại những bằng chứng cho con người nhận biết, như được nói trong
Rô-ma 1:20, "Vì những gì của Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, kể cả quyền năng vĩnh cửu lẫn thần tính của Ngài, thì từ thuở sáng tạo vũ trụ đã được thấy rõ nhờ nhận thức về các tạo vật, nên họ không còn cách nào bào chữa được." Thật vậy, chắc không ai có thể hiểu được hết mọi sự việc trong vũ trụ, nhưng Chúa cho chúng ta có sự khôn ngoan, nhìn thấy được những tạo vật và biết rằng Chúa là Đấng tạo nên chúng, trong đó có con người chúng ta. Kỷ luật không ngừng học hỏi sẽ giúp chúng ta hiểu rõ và nhiều hơn những bằng chứng về Đức Chúa Trời và công việc của Ngài trong vũ trụ này. Có học hỏi về cơ thể con người thì chúng ta mới biết được quyền năng siêu nhiên, kỳ diệu của Chúa cao xa biết bao nhiêu khi Ngài tạo dựng con người tinh vi của chúng ta! Càng suy gẫm Lời Chúa và học thêm về những sự việc trong thế gian, thì chúng ta càng hiểu rõ về Ngài, và mới có thể khoe Chúa với mọi người chung quanh, như lời Chúa dạy,
"…Người khôn chớ khoe sự khôn mình; người mạnh chớ khoe sự mạnh mình; người giàu chớ khoe sự giàu mình. Nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất; vì ta ưa thích những sự ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy" (Giê-rê-mi 9:23-24). Học hỏi thêm sẽ giúp chúng ta biết thêm những kinh nghiệm từ những người đi trước, những kiến thức thực tế trong cuộc sống, mà chúng ta có thể áp dụng trong sự giảng dạy Lời Chúa và giúp đỡ những tín hữu khác cùng lớn lên trong Chúa. Chúng ta phải học hỏi thường xuyên trước khi có thể dạy lại cho người khác, như lời cáo trách trong Rô-ma 2:20, "vậy ngươi dạy dỗ kẻ khác mà không dạy dỗ chính mình ngươi sao?"
Con đường theo Chúa là con đường khó khăn, nhưng tràn đầy phước hạnh, và khi Chúa trở lại thì chúng ta được trở về Nước Trời vinh hiển đời đời! Do đó, mỗi Cơ Đốc Nhân chúng ta cần phải sống có những kỷ luật tâm linh, để khi gặp Chúa thì chúng ta được Chúa đẹp lòng! Tất cả những kỷ luật tâm linh này đều cần thiết cho mỗi tín hữu và người lãnh đạo Hội Thánh trong sự phục vụ Chúa cách hiệu quả và đầy ơn. Tuy nhiên, người lãnh đạo thì cần kỷ luật chính mình nghiêm khắc, hết lòng làm trọn 12 kỷ luật tâm linh này; hầu cho tâm linh được tăng trưởng vững mạnh, và hầu việc Chúa kết quả! Đối với tín hữu, chúng ta cần hết lòng, nương cậy sức Chúa giúp chúng ta kỷ luật chính mình, ít nhất là 9 kỷ luật tâm linh từ 1 đến 9; bởi vì, khi kỷ luật được 9 điều này, chúng ta có thể giúp những anh chị em yếu hơn cùng trưởng thành tâm linh trong Chúa!
Nguyện xin Đức Thánh Linh thêm sức cho chúng ta làm trọn 12 kỷ luật tâm linh này, hầu cho đời sống của chúng ta là ánh sáng chiếu ra tình yêu hằng hữu và quyền năng tuyệt đối của Đức Chúa Trời, đã thay đổi cuộc đời chúng ta trong chương trình Cứu Chuộc của ngài! Amen!
Ngọc Huỳnh Bích
________________________________
1 https://www.christianquotes.info/search/discipline
2 "VBTS-KIENTAO-TAMLINH-TEXTBOOK-chapter1-20", MS Ngô Việt Tân, trang 15
3 "VBTS-KIENTAO-TAMLINH-TEXTBOOK-chapter1-20", MS Ngô Việt Tân, trang 14
4 "VBTS-KIENTAO-TAMLINH-TEXTBOOK-chapter1-20", MS Ngô Việt Tân, trang 141