*Kinh Thánh: Gióp 6: 6; Ma-thi-ơ 23: 37; Ma-thi-ơ 26: 31, 33-35
Tiếng gà gáy là điều rất quen thuộc với tất cả những người dân sống ở miền thôn quê Việt Nam, vì gà là loại gia cầm được hầu hết người dân quê nuôi trong nhà. Thịt gà là thức ăn ngon và bổ dưỡng của người dân Việt, nói riêng và của nhiều dân tộc khác trên thế giới, nói chung.
Con gà vì vậy đã đi vào ca dao của ông cha ta từ thời xa xưa:
- Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
- Con gà con chó có lông,
Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai
- Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở, dắt trâu ra cày.
- Gà ba lần vỗ cánh mới gáy,
Người ba lần ngẫm nghĩ mới nói
- Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua,
Gà trắng chân chì mua chi giống ấy
Thành ngữ về gà cũng rất nhiều:
- Gà trống nuôi con
- Con gà tức nhau tiếng gáy
- Gà què ăn quẩn cối xay
Ở thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, có Nhà Thờ Con Gà là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút rất đông khách đến tham quan. Ở đó, người ta đặt con gà lên trên đỉnh cao nhất của Nhà Thờ. Mỗi lần có dịp đi qua trước cổng Nhà Thờ Con Gà, tôi ngước nhìn vô Nhà Thờ và không quên nhướng mắt lên nhìn... con gà, và thắc mắc, không biết... con gà có... công trạng gì lớn lao mà lại được... tôn kính đến thế??? (tôn kính đến độ thập tự giá cũng phải... ở dưới con gà)
Có một số sự giải thích về tượng con gà đặt bên trên thập tự giá của nhà thờ là để làm... cột thu lôi chống sấm sét; để thức tỉnh mọi người rằng đêm đã qua, ngày gần đến và Chúa Giê-su sắp trở lại; và cũng để nhắc nhở chúng ta nhớ đến bài học chối Chúa của Phi-e-rơ.1
Trên thế giới, có lẽ Pháp là quốc gia... yêu gà, nhất là gà trống hơn cả. Bởi vì, ngoài tên là Pháp Quốc, nước Pháp còn có biệt danh thân thương khác nữa là xứ sở của Chú Gà Trống Goloa? Sở dĩ có tên nầy là vì tổ tiên của người Pháp ngày nay là người Goloa, và từ Goloa trong tiếng La-tinh cũng có nghĩa là con gà trống. Như vậy, biệt danh Chú Gà Trống Goloa có từ đó. Ở trên đỉnh cao nhất của nhiều nhà thờ tại Pháp, thường có hình con gà trống đứng rất... chễm chệ, oai vệ.
Chuyện câu hỏi lẩn quẩn về con gà có trước hay cái trứng có trước đã được đưa ra từ hàng chục thế kỷ qua để... bắt bẻ niềm tin của người tin Chúa. Câu hỏi tưởng có vẻ... hóc xương gà, nhưng thực ra chẳng phải thế. Kinh Thánh có câu trả lời rất dễ dàng cho chúng ta là con gà phải có trước, vì Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có con gà (Sách Giăng, chương 1, câu 3). Sau khi dựng nên con gà rồi thì Ngài khiến con gà đẻ ra trứng. Đức Chúa Trời không tạo nên trứng để đẻ ra con gà, mà Ngài tạo nên con gà để rồi nó đẻ ra trứng. Chính Ngài cũng khiến con gà ấp trứng để cho nó nở ra con gà, chứ có ai bắt được con gà phải ấp hai mươi mốt ngày sau khi đẻ trứng được đâu?
Nghe nói gần đây các nhà khoa học Anh mới tìm ra chất protein có ở trong buồng trứng của con gà mái, chính chất nầy đã hình thành nên vỏ quả trứng gà trong bụng con gà. Từ phát hiện nầy, các nhà khoa học đi đến kết luận là con gà có trước cái trứng, chứ cái trứng không thể có trước con gà.2 Thế là từ đây, người ta mới chịu tin là con gà có trước cái trứng. Phải chi, họ tin vào Kinh Thánh thì thắc mắc... dễ ợt ấy đã được giải quyết từ lâu rồi. Đâu có cần phải mất bao nhiêu thời gian dài để nhiều người phải... nhức đầu,... nhức óc cho mệt.
Trong Kinh Thánh, gà được nhắc đến khá nhiều.
Gióp có lẽ là người đầu tiên nhắc đến trứng gà trong Kinh Thánh: “Vật chi lạt lẽo, người ta nào ăn chẳng bỏ muối? Còn trong tròng trắng trứng gà, đâu có mùi lai gì?” (Sách Gióp, chương 6, câu 6). Khi ông gặp nhiều đau khổ như mất con cái, mất gia tài, rồi bị bệnh tật khủng khiếp, vợ ruồng bỏ, bạn bè hiểu lầm. Cuộc sống của ông lúc đó... nhạt nhẽo vô cùng, nhạt nhẽo như... tròng trắng trứng gà vậy.
Chính Chúa đã dùng hình ảnh ‘gà mái ấp con mình dưới cánh’ để bày tỏ tấm lòng yêu thương vô bờ bến của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên, nhưng họ vẫn... làm ngơ. Cuối cùng, họ phải lãnh hậu quả đáng sợ là bị quân thù đến xâm chiếm xứ sở và làm tản lạc họ ra khắp bốn phương trời trong mười chín thế kỷ, đến năm 1948, họ mới được trở về lập quốc.
“Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các Đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng” (Sách Ma-thi-ơ, chương 23, câu 37).
Chúa Giê-su cũng dùng hình ảnh ‘gà gáy’ để nhắc con cái Ngài phải tỉnh thức, sẵn sàng để đón chờ đợi ngày Chúa trở lại: “Vậy, các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai” (Sách Mác, chương 13, câu 35).
Khi nói đến... chuyện gà gáy, chắc chắn rằng không ai trong những người tin Chúa mà lại không liên tưởng đến một vị sứ đồ nổi tiếng của Chúa Giê-su, có liên quan đến... con gà, đặc biệt là... tiếng gà gáy; đó chính là Phi-e-rơ.
Phi-e-rơ được mệnh danh là một sứ đồ... nhanh miệng, can đảm và trực tính hơn hết trong mười hai sứ đồ. Phi-e-rơ có những tuyên bố hùng hồn, nghe... rất “sốc”.
Có lần, trước khi chuẩn bị lên thập tự giá để chịu chết chuộc tội cho nhân loại, Chúa Giê-su đã báo trước cho các sứ đồ rằng: “Đêm nay, các ngươi sẽ đều vấp phạm vì cớ Ta... Phi-e-rơ cất tiếng thưa rằng: Dầu mọi người vấp phạm vì cớ Thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy. Đức Chúa Giê-su phán rằng: Quả thật, Ta nói cùng ngươi, chính đêm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối Ta ba lần. Phi-e-rơ thưa rằng: Dầu tôi phải chết với Thầy đi nữa, tôi chẳng chối Thầy đâu. Hết thảy môn đồ đều nói y như vậy” (Sách Ma-thi-ơ, chương 26, câu 31, và câu 33 đến 35).
“Tôi chắc chắn không chối Thầy. Dầu phải chết với Thầy, tôi cũng không chối Thầy”. Phi-e-rơ đã tuyên bố rất hùng hồn và mạnh mẽ như thế đó. Ấy vậy mà chỉ vài giờ sau, khi Chúa Giê-su bị bắt thì Phi-e-rơ và hết thảy môn đồ đều bỏ trốn. Rồi sau đó, Phi-e-rơ đi theo Ngài xa xa, và chối Ngài lia lịa đến ba lần trước lúc gà gáy, đúng như lời Chúa Giê-su đã bảo trước cho ông.
Có Nhà Nghiên Cứu Kinh Thánh cho rằng: Nguyên ngữ Hy-lạp của từ ngữ “gà gáy” là chỉ về một ‘âm thanh’, và âm thanh có thể phát ra từ bất cứ nguồn nào: người ta, con vật, hoặc dụng cụ âm nhạc v.v... Vì vậy, tiếng ‘gà gáy’ ở đây là tiếng thổi kèn của lính canh La-mã, lúc đổi phiên gác. Khi nghe tiếng thổi kèn, người ta biết đó là khoảng 3 giờ sáng.3
Không biết điều nầy chính xác đến mức độ nào; nhưng thôi, ta cứ cho rằng tiếng gà gáy Kinh Thánh nói ở đây chính là tiếng gáy của một con gà cho dễ hiểu vậy.
Tiếng gà gáy chắc chắn có một sự nhắc nhở đối với Phi-e-rơ kể từ cái đêm hôm ông chối Chúa ba lần, vì ngay sau đó thì con gà cất tiếng gáy. Có lẽ ông khó mà quên được tiếng gà gáy của cái đêm... đặc biệt ấy. Tiếng gà gáy đó cũng là lời thức tỉnh, nhắc nhở cho Phi-e-rơ, nói riêng, và cho chúng ta, nói chung về bản chất yếu đuối của con người. Thay vì để lòng tin cậy vào Chúa thì ông lại tin cậy vào chính mình. Thay vì nương cậy vào sức toàn năng của Chúa thì ông lại quá tự tin vào sức mình. Cho nên, ông đã... vấp ngã, và ông đã khóc lóc một cách đắng cay về sai lầm của mình. Đó là một bài học nhớ đời không những cho Phi-e-rơ mà còn cho mỗi một chúng ta là những người theo Chúa Giê-su.
Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Sách Châm Ngôn, chương 3, câu 5, 6).
Xin Chúa dùng bài học về tiếng gà gáy mà Ngài đã cảnh báo Phi-e-rơ khi xưa để nhắc nhở, thức tỉnh mỗi một chúng ta ngày hôm nay trên linh trình theo Chúa và hầu việc Ngài. Amen!
Tháng 10/ 2023!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu
(1): lavangtravel.com; maihoanggroup.vn
(2): trithucvn.org
(3): gianggiaithanhkinh.net