*Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 15: 26; 23: 25; Ê-sai 53: 5; Ma-thi-ơ 9: 35; Gia-cơ 5: 15
Chúng ta thường nghe câu nói khá quen thuộc nói về đời người là “Sinh, lão, bịnh, tử”. Câu nầy có lẽ bắt nguồn từ triết lý nhà Phật.
Sinh, lão, bịnh, tử đó là thế thường của con người, thế thường của một đời người.
Con người sinh ra, sống một thời gian rồi già đi (lão), khi về già thì thường hay đau bịnh và cuối cùng là sự chết chờ đợi.
Vua Tự Đức thời triều Nguyễn cũng là Nhà Thơ nổi tiếng đã nói:
Sự đời ngẫm nghĩ nghĩ mà ghê,
Sống gởi rồi ra thác lại về,
Khôn dại cùng chung ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê.
“Sống gởi rồi ra thác lại về” là một ý niệm có từ trong dân gian xa xưa của cha ông ta “Sống gởi thác về”.
Người ta thường nói sống, chết là một quy luật không ai tránh khỏi. Điều đó đúng nhưng cần biết là ai đã định ra quy luật ấy cho con người, thì không biết có sách vở nào nói đến không, nhưng Kinh Thánh thì cho biết rất rõ: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 9, câu 27).
Chết là luật định của Đức Chúa Trời dành cho con người khi họ phạm tội với Ngài. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Sách Rô-ma, chương 3, câu 23).
Nhà Thơ Văn Thiên Tường của Trung Quốc cũng đã nói: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” (nghĩa là người sinh ra đời xưa nay ai mà không chết).
Trong khoảng thời gian từ sinh đến tử, con người còn phải trải qua sự đau ốm, bịnh tật nữa.
Có ai trong đời mà không bị đau bịnh một vài lần?
Khi đau bịnh, thông thường con người cần đi Bác Sĩ để khám bịnh, rồi uống thuốc để mong bịnh được lành.
Với người tin thờ Chúa Giê-su, thì khi đau ốm, bịnh tật, họ cầu nguyện với Chúa trước hết để xin sự chữa lành theo ý muốn của Ngài dành cho họ.
Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước đều nói đến sự chữa lành từ Thiên Thượng.
Sự chữa bịnh đầu tiên được nói đến là trường hợp Vua A-bi-mê-léc: “Áp-ra-ham cầu xin Đức Chúa Trời thì Ngài chữa bịnh cho Vua A-bi-mê-léc, vợ cùng các con đòi người; vậy, họ đều có con” (Sách Sáng Thế Ký, chương 20, câu 17).
Trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, chương 15, câu 26 ghi lại lời chính Chúa đã phán về sự chữa bịnh, “Nếu ngươi chăm chỉ nghe Lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, làm sự ngay thẳng trước mặt Ngài, lắng tai nghe các điều răn và giữ mọi luật lệ Ngài, thì Ta chẳng giáng cho ngươi một trong đó các bịnh nào mà Ta đã giáng cho xứ Ê-díp-tô; vì Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi.”
Cũng trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký nhắc đến Đức Chúa Trời là Đấng tiêu trừ bịnh tật cho chúng ta: “Ngươi hãy hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài sẽ ban ơn cho vật ăn uống của ngươi và tiêu trừ các bịnh hoạn giữa vòng ngươi” (Sách Xuất Ê-díp-tô Ký, chương 23, câu 25).
Đây là những lời hứa có điều kiện, nếu chúng ta lắng nghe, vâng giữ Lời Ngài, sống ngay thẳng và hầu việc Ngài, thì Ngài sẽ chữa lành bịnh tật và tiêu trừ mọi bịnh hoạn của chúng ta.
Sách Ê-sai chương 53 cũng đề cập đến sự chữa bịnh của Đấng Mết-si-a: “Nhưng Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người chúng ta được lành bịnh” (Sách Ê-sai, chương 53, câu 5).
Có người cho rằng sự lành bịnh được nói đến ở câu Kinh Thánh nầy (cũng như trong sách Phi-e-rơ thứ nhứt, chương 2, câu 23) là nói đến sự chữa lành tâm linh mà thôi. Dĩ nhiên là như thế, nhưng tôi nghĩ cũng không có gì... sai nếu chúng ta tin rằng, nó cũng nói đến sự chữa lành thuộc thể nữa.
Vua Đa-vít đã đề cập đến sự chữa lành đến từ Chúa: “Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bịnh tật ngươi” (Sách Thi-thiên, chương 103, câu 3).
Vua Ê-xê-chia cũng được Kinh Thánh ghi lại là Chúa đã chữa bịnh cho ông cách đặc biệt: “Ta có nghe lời cầu nguyện ngươi, thấy nước mắt của ngươi, nầy Ta sẽ chữa lành cho ngươi, đến ngày thứ ba ngươi sẽ đi lên đền của Đức Giê-hô-va...Ê-sai bèn biểu: Hãy lấy một cái bánh trái vả. Người ta lấy nó đắp trên mụt ung, thì vua được lành” (Sách Các Vua thứ nhì, chương 20, câu 5, câu 7).
Trong Tân Ước, Kinh Thánh ghi lại trong khi thi hành chức vụ trên đất, Chúa Giê-su đã chữa lành mọi thứ bịnh tật: “Đức Chúa Giê-su đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành nước Đức Chúa Trời và chữa lành các thú tật bịnh” (Sách Ma-thi-ơ, chương 9, câu 35).
Bàng bạc trong bốn sách Tin Lành những hình ảnh về sự chữa lành cách siêu nhiên của Chúa Giê-su. Ngài đã chữa lành bịnh phung, bịnh rong huyết, Ngài làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ què được đi, thậm chí Ngài đã kêu kẻ chết sống lại (xem sách Ma-thi-ơ, chương 8, 9, cũng như những câu chuyện tương tự trong các sách Tin Lành khác)
Chúa Giê-su chữa lành người bệnh bằng nhiều phương cách khác nhau như bằng lời phán, bằng đưa tay rờ, bằng nắm tay...
Chúa Giê-su cũng đã ban quyền phép cho các Sứ Đồ để chữa bịnh: “Đức Chúa Giê-su gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma và chữa các thứ tật bịnh” (Sách Ma-thi-ơ, chương 10, câu 1).
Các Sứ Đồ cũng đã thi hành phép lạ chữa bịnh cho nhiều người. Phi-e-rơ đã chữa lành người què chân từ lúc mới sanh ra; kêu Ta-bi-tha sống lại (Sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 3, câu 1 đến câu 8; chương 8, câu 36 đến 40). Phao-lô cũng chữa lành người què từ lúc mới sanh; kêu kẻ chết sống lại; chữa lành bịnh cho cha của Búp-li-u và nhiều người khác (Sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 14, câu 8 đến câu 10; chương 20, câu 9 đến câu 12 và chương 28, câu 8 đến câu 10)...
Điều kiện để được chữa lành, ấy là phải có đức tin.
Đức Chúa Giê-su đã khen thầy đội có một đức tin lớn: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy...Hãy về, theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy. Và chính trong giờ ấy, đứa đầy tớ được lành” (Sách Ma-thi-ơ, chương 8, câu 10 và câu 13).
Chúng ta còn nhớ, khi Đức Chúa Giê-su trở về Na-xa-rét, quê hương của Ngài. Tại đó, Ngài không làm nhiều phép lạ, vì dân sự không có lòng tin (Sách Ma-thi-ơ, chương 13, câu 58).
Thánh Gia-cơ cũng cho biết: “Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội cũng sẽ được tha” (Sách Gia-cơ, chương 5, câu 15).
Chúng ta cần luôn nhớ, sự chữa lành đến từ Chúa chứ không phải đến từ con người. Con người cần có đức tin nơi Chúa nhưng sự chữa lành là do Chúa và theo ý Chúa, chứ không phải là do người và theo ý người.
Chúng ta cũng đừng quên rằng, có nhiều khi Chúa... không chữa lành mà Ngài lại thêm sức để người bịnh có thể đủ sức để chịu đựng, như Phao-lô bị cái dằm xóc vào người, dù ông đã cầu nguyện đến ba lần, xin Chúa chữa lành cho ông nhưng Ngài...không chữa: “Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì, chương 12, câu 8 và 9).
Chúng ta cũng cần nhớ rằng, mặc dù Chúa chính là Đấng chữa lành nhưng không vì thế mà chúng ta lên án việc dùng thuốc men. Chúa có thể chữa lành người bịnh bằng cách siêu nhiên, không cần thuốc men gì cả, nhưng nhiều khi Chúa cũng chữa lành người bịnh qua thuốc men, qua các thầy thuốc.
Hãy nhớ rằng trong phái đoàn truyền giáo của Phao-lô, có thầy thuốc Lu-ca đi theo: “Lu-ca là thầy thuốc rất yêu dấu, chào anh em” (Sách Cô-lô-se, chương 4, câu 14).
Chúng ta cần cẩn thận trong vấn đề chữa lành, nếu không sẽ dễ đi đến chỗ cực đoan, sai trật, không đúng với Lời Chúa dạy. Có không ít tôi, con Chúa quá mấu khi cho rằng người bịnh mà dùng thuốc men hay đi đến thầy thuốc để chữa bịnh là...yếu đuối, là thế nầy, là thế kia. Ngược lại, có nhiều người tin Chúa rồi mà không tin vào quyền năng chữa lành của Chúa, hễ bị bịnh là lo chạy đến thầy thuốc, lo uống thuốc, chứ chẳng lo gì đến việc cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho mình trước tiên.
Còn nhớ Vua A-sa thời Cựu Ước, khi bị đau đã không tìm kiếm, cầu xin Chúa chữa lành mà chạy đến thầy thuốc và cuối cùng đành chết trên... đống thuốc: “A-sa bị đau chân, đến đỗi nặng lắm; trong cơn bịnh người không tìm kiếm Đức Giê-hô-va, nhưng tìm kiếm những thầy thuốc. A-sa an giấc cùng tổ phụ người, băng hà năm thứ bốn mươi mốt đời người trị vì. Người ta chôn người nơi mồ mả chính người đã đào cho mình trong thành Đa-vít, để người nằm trên một cái giương đầy thuốc thơm, chế theo phép hòa hương. Đoạn người ta xông hơng cho người rất nhiều” (Sách Sử Ký thứ nhì, chương 15, câu 12 đến 14).
Có một sự thật là có một số người có đời sống tin kính Chúa tốt vẫn bị đau khổ, bịnh tật và chết, trong khi những kẻ ác thì lại sống khoẻ mạnh, sung sướng suốt cả cuộc đời của họ. Là con người hữu hạn, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được đường lối cao sâu, mầu nhiệm của Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Sách Ê-sai, chương 55, câu 8, 9).
Xin Chúa ban cho con dân Ngài có lòng tin cậy Chúa trước hết trong mọi sự, đừng để cho lòng tin cậy nơi xác thịt yếu đuối, hữu hạn của con người làm quên đi lòng tin cậy nơi Chúa là chúng ta đáng tội với Ngài!
California, Tháng 11/ 2023!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu