*Kinh Thánh: Lu-ca 2: 15-20; I Cô-rinh-tô 3: 6-8
Vậy là mùa Giáng Sinh vừa trôi qua với tất cả những gì mà mỗi một người trong chúng ta (là những con dân Chúa) đã làm để góp phần tôn vinh, ca ngợi Chúa Cứu Thế, Đấng đã xuống thế làm người để cứu con người ra khỏi tội.
Từ khi tin Chúa đến bây giờ, mỗi một chúng ta đều đã tham dự khá nhiều lần Lễ Kỷ Niệm Chúa Giê-su giáng sinh rồi, và chắc chắn không nhiều thì ít, ai trong chúng ta cũng đều nhận được những phước hạnh và niềm vui từ Chúa giáng sinh ban cho chúng ta.
Ngay từ những ngày đầu của Tháng Mười Hai, con dân Chúa ở khắp nơi đều đã chuẩn bị để góp phần lo cho Lễ Giáng Sinh từ gia đình đến Hội Thánh của mình được diễn ra cách tốt đẹp nhất có thể.
Chúng ta thấy có nhiều Hội Thánh giàu có đã dành một số tiền khá lớn để chi cho Lễ Giáng Sinh hầu góp phần làm cho buổi Lễ thật sôi động, thu hút thật nhiều người đến với Lễ Giáng Sinh của Hội Thánh mình. Những Hội Thánh giàu có ấy, không nhiều thì ít, chắc trong lòng cũng có chút... tự hào về Lễ Giáng Sinh của Hội Thánh mình thật... ấn tượng. Chúng ta cũng thấy có không ít Hội Thánh nghèo nên chỉ dám chi một số tiền nho nhỏ để trang trí cho Lễ Giáng Sinh cho có... không khí Giáng Sinh với người ta mà thôi. Những Hội Thánh nghèo nầy, không nhiều thì ít cũng có chút gì đó... tự ty mặc cảm trong lòng, vì Lễ Giáng Sinh của Hội Thánh mình... nhỏ quá, đơn sơ quá. Ấy là tôi tự... suy bụng tôi ra bụng người như thế thôi, không biết có đúng không? Nhưng dù trang trí cho Lễ Giáng Sinh như thế nào đi chăng nữa, tôi xin mượn ý của Phao-lô mà nói như thế nầy: “Song có hề gì! Dẫu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Đấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó, tôi đương mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa.” (Sách Phi-líp 1: 18).
Bạn và tôi đều vừa trải qua Lễ Kỷ Niệm Chúa Giê-su giáng sinh tại nơi mình ở, với gia đình của mình, hoặc với một Hội Thánh mà mình đang sinh hoạt cùng với những niềm vui của mùa Giáng Sinh, kèm theo một số những nỗi niềm ưu tư nào đó về mùa Lễ, như sức khỏe không được tốt của mình hay của người, số thân hữu (người chưa tin Chúa) đến tham dự Lễ ít quá (hay không có), và không có người nào tin Chúa trong dịp Lễ... v... v... và... v... v...
Về phần tôi, Giáng Sinh năm nay, tôi được tham dự Lễ Giáng Sinh ở bốn Hội Thánh trong vùng Nam California. Tôi tham dự Lễ ở Một Hội Thánh Trưởng Nhiệm, tôi được mời đọc Thơ Giáng Sinh ở một Hội Thánh Baptist Ân Điển, và tôi được mời giảng Lời Chúa ở hai Hội Thánh (một Hội Thánh Baptist và một Hội Thánh Độc Lập). Ở Hội Thánh Độc Lập, Chúa cho có một người tin nhận Chúa. Tất nhiên, người tin nhận Chúa nầy là công khó của nhiều người góp phần vào, chứ không phải chỉ do tôi giảng mà họ đến với Chúa đâu. Đặc biệt là bởi quyền năng của Đức Thánh Linh cáo trách tội lỗi của tội nhân và khiến người ấy đến với Chúa Giê-su vậy! Tự nhiên, tôi nhớ đến Lời Chúa nhắc nhở rằng: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm” (Sách I Cô-rinh-tô 3: 6-8).
Chính Đức Chúa Trời mới là Đấng bắt phục tội nhân ăn năn, đem họ đến với Ngài và làm cho họ lớn lên. Chúng ta không làm được điều đó, chúng ta chỉ là người trồng, người tưới mà thôi, và mong chờ được Chúa ban thưởng trong tương lai.
Tại Hội Thánh Độc Lập mà tôi được góp phần giảng Lời Chúa trong Lễ Giáng Sinh, tôi thấy có một sức sống mới từ nơi Hội Thánh nầy. Từ tinh thần phục vụ Chúa và phục vụ nhau, đến tinh thần làm chứng, mời thân hữu, đến tinh thần thờ phượng, ca ngợi Chúa, đến tinh thần thông công thân ái sau giờ Lễ, đều có sự nhịp nhàng, tay trong tay, và tim đến tim. Tôi có một niềm tin rằng, Hội Thánh nầy sẽ trưởng thành và lớn mạnh với một sức sống thuộc linh mới trong tương lai.
Cầu xin Chúa ban phước cho người chăn và bầy chiên của Chúa tại Hội Thánh nầy cách dư dật, tràn trề! Xin Chúa ban cho “các vựa lẫm của Hội Thánh nầy sẽ đầy dư dật, và các thùng của Hội Thánh nầy sẽ tràn rượu mới” từ Thánh Linh của Ngài theo như Lời Chúa trong Châm Ngôn 3: 10 vậy.
Thường thì sau Lễ Giáng Sinh, tất cả mọi người đều cảm thấy rất mệt mỏi, từ Mục Sư cho đến tín đồ, vì tất cả đều đã dành sức lực để lo cho Lễ, nên Lễ xong rồi, thể xác ai nấy đều mỏi mệt là chuyện bình thường, không có gì ngạc nhiên cả. Tôi cũng cảm thấy mỏi mệt và muốn được nghỉ ngơi một hai ngày cho lại sức.
Chúa Giê-su khi còn thi hành chức vụ trên trần gian nầy, trong thân xác con người, Ngài cũng mỏi mệt cơ mà, thì chúng ta là ai mà dám nói rằng mình... không mỏi mệt sau một thời gian dài làm việc cơ chứ: “Vậy, Ngài đến một thành thuộc về xứ Sa-ma-ri, gọi là Si-kha, gần đồng ruộng mà Gia-cốp cho Giô-sép là con mình. Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Nhân đi đường mỏi mệt, Đức Chúa Giê-su ngồi gần bên giếng; bấy giờ độ chừng giờ thứ sáu” (Sách Giăng 4: 5, 6).
Trở về sau Giáng Sinh, thể xác mệt mỏi cần phải được nghỉ ngơi là điều tốt, không có gì sai trật; nhưng tấm lòng của mỗi một người trong chúng ta, trở về sau Giáng Sinh thì cần như thế nào?
Tôi chợt nhớ đến các anh chăn chiên ngày xưa trong đêm Chúa giáng Sinh, các anh được Thiên Sứ loan báo về Tin Mừng trọng đại đó; các anh đã hăm hở, hăng hái vội vàng lên đường tham dự Lễ Giáng Sinh, tìm kiếm Chúa, tôn thờ Chúa, và ca ngợi Chúa. Và rồi, sau Lễ Giáng Sinh, các anh trở về, thì Kinh Thánh ghi lại: “Bọn chăn chiên trở về, làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều mình đã nghe và thấy y như lời đã bảo trước cùng mình” (Sách Lu-ca 2: 20).
Chắc chắn các anh chăn chiên ngày xưa cũng như chúng ta ngày hôm nay, thể xác cũng rất mệt mỏi sau khi tham dự Lễ Giáng Sinh; nhưng chúng ta thấy tấm lòng của các anh thì khác, các anh trở về sau Lễ Giáng Sinh vẫn giữ tấm lòng làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều các anh đã nghe và đã thấy trong Lễ Giáng Sinh.
...
Rất nhiều lần, không biết bạn thì sao, chứ riêng tôi đã trở về sau Lễ Giáng Sinh, không còn giữ được tấm lòng làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời như các anh chăn chiên ngày xưa.
Trước Giáng Sinh và trong Giáng Sinh, có thể chúng ta rất hăng say cất tiếng ngợi khen Chúa; nhưng sau Giáng Sinh, khi trở về nhà rồi, chúng ta rất dễ... tắt tiếng ca, không chỉ bằng giọng nói mà còn cả bằng tấm lòng. Không chỉ thể xác mệt mỏi, mà tấm lòng của chúng ta cũng mỏi mệt luôn, không còn sức lực thuộc linh để làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời nữa.
Lý do của mọi lý do khi trở về sau Giáng Sinh, chúng ta không còn sức lực cả thể xác lẫn thuộc linh để làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời nữa, là vì trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã nghe và thấy những điều... râu ria, xung quanh Lễ Giáng Sinh, chứ không phải những điều chính yếu, trọng tâm của Lễ Giáng Sinh. Sở dĩ các anh chăn chiên ngày xưa trở về sau Giáng Sinh vẫn tiếp tục giữ được tinh thần làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời, là vì trong Lễ Giáng Sinh các anh đã nghe và thấy được những điều trọng tâm của Lễ Giáng Sinh, đó chính là nghe được Lời Chúa phán qua các Thiên Sứ và thấy được chính Chúa Giê-su là linh hồn của Lễ Giáng Sinh. Mặc dù, các anh vẫn nghe thấy những tiếng nói khác từ những người khác như từ Giô-sép và Ma-ri, và thấy Giô-sép, thấy Ma-ri, thấy máng cỏ, thấy cả những còn lừa nữa... ; nhưng các anh không để những điều đó lấn át việc nghe Lời Chúa và thấy được Chúa Giê-su. Các anh không chú tâm để tai để mắt đến những điều xung quanh Lễ Giáng Sinh, mà chú tâm để tai, để mắt đến những điều trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là Lời Chúa và chính Ngài vậy.
Lạy Chúa, xin giúp con mỗi lần dự Lễ Giáng Sinh biết ghi nhớ hai điều trọng tâm nầy như bài học mà các anh chăn chiên trong Lễ Giáng Sinh đầu tiên đã để lại; để chúng con có thể trở về sau Giáng Sinh mà vẫn giữ được tấm lòng làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời trong cuộc đời theo Chúa của mỗi một chúng con!
Xin đừng để những bận rộn của đời sống, những lo lắng trong cuộc đời tạm bợ nầy làm tắt lịm đi tinh thần ca hát, ngợi khen Chúa trong trái tim của mỗi một chúng con! Amen!
California, Kỷ Niệm Mùa Giáng Sinh 2023!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu