Kinh Thánh: Thi-thiên 16: 2; Truyền Đạo 11: 9; 12: 1, 6, 7 và 13
Mỗi khi năm mới đến là ta được thêm một tuổi, và có nghĩa là đời ta lại xích gần đến tuổi già hơn. Tuổi già là điều phải đến, nếu ông Trời còn cho chúng ta sống trên trần gian nầy.
Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ chừng nào cho mình đến được tuổi già cho... oai nhỉ? Chắc là lâu lắm, năm, sáu chục năm nữa kia. Ôi, hơn nửa thế kỷ sau, biết bao giờ mới tới! Và thế là không ít người trẻ tuổi cứ tưởng đời mình còn dài lắm, nên cứ thế ăn chơi cho “đã” tấm thân nầy, theo những gì mình ưa muốn và theo quan niệm “không ăn cũng uổng, không chơi cũng thừa”.
Vua Sa-lô-môn đã viết: “Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích; nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét” (Sách Truyền Đạo, chương 11, câu 9).
Nhưng nào ngờ, thoáng một cái, ta thấy tuổi hoa niên đi qua nhanh như chớp, nhanh đến độ ta không ngờ là mình đã qua thời hoa niên lúc nào không hay luôn.
Tuổi hoa niên là tuổi nào?
Người ta cho biết, tuổi hoa niên là độ tuổi từ 13 đến 19. Vì trong tiếng Anh, các con số từ 13 đến 19 đều có tiếp vỹ ngữ “tin” (teen), nên người ta còn gọi là... “tuổi tin”.
Còn nhớ Nhạc Sỹ Phạm Duy có bài hát dành cho tuổi “tin” nầy thật hay, có đoạn lời như sau:
“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
Em ước mơ em là, em được là tiên nữ,
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người,
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời,
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ tiên!...”
(Tuổi Mộng Mơ – Phạm Duy)
Tuổi hoa niên là tuổi của mộng mơ. Tuổi hoa niên mà không lo học hành, chỉ lo chơi bời cho thỏa thích, vì cứ nghĩ rằng thời gian còn dài, học hành làm chi cho mệt, thì khi nó... bay đi rồi, có nuối tiếc cũng đã muộn.
Tôi cảm tạ ơn Chúa đã cho tôi dù sinh ra trong gia đình nhà nghèo, cha mẹ tôi phải “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi” (Trần Tế Xương); nhưng tôi đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn để học hành, và nhờ đó mà ngày nay cũng có được... một ít chữ trong bụng để sống với người ta.
Tuổi hoa niên qua đi nhanh chóng, nhường chỗ cho tuổi thanh niên, tráng niên là độ tuổi sung sức nhất của đời người.
Tuổi thanh niên, tráng niên là tuổi lập gia đình, có con cái, xây dựng cuộc sống riêng tư cho gia đình mình, cũng như đóng góp công sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
Tuổi thanh niên, tráng niên rồi cũng qua đi nhanh chóng, nhường chỗ cho tuổi trung niên.
Tuổi trung niên, ở quê Quảng Nam tôi gọi là độ tuổi sồn sồn. “Sồn sồn” có nghĩa là trẻ thì không còn trẻ nữa, mà già thì mới gần tới, chứ chưa già.
Đây có thể là lứa tuổi có sự hiểu biết khá chín chắn, nắm bắt được thời cuộc, thế sự khá rõ ràng, vì đã thu hoạch được ít nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống.
Sau tuổi trung niên là đến... tuổi già.
Người Á Đông quan niệm rằng một người Trời cho sống đến được một hoa giáp (5 lần của chu kỳ 12 con giáp), tức 60 tuổi, thì được kể là thọ, tức là bước vào được chiếu... tuổi già.
Tôi vừa được bước vào chiếu... tuổi già được 3 năm.
Cảm ơn Chúa về sự ban cho của Ngài!
Tôi nhớ câu thơ nầy từ khi còn trẻ:
Mới vừa chị chị anh anh đó,
Nay đã ông ông, cụ cụ rồi.
Thật vậy, mới ngày nào người ta gọi tôi là thằng cu, nay thì chẳng ai dám gọi tôi là... thằng cu nữa, mà gọi là ông, vì hiện tôi đã là... ông nội của ba đứa cháu rồi.
Đúng là thời gian trôi nhanh không thể tưởng!
Cuộc đời một con người thường được chia ra làm những giai đoạn nào?
Theo Khổng Tử, thì cuộc đời con người có 6 giai đoạn như sau:
- “Thập hữu ngũ nhi chi vu học” (15 tuổi thì để hết tâm trí vào việc học): Tuổi thiếu thời con người cần tập trung vào việc học để tích lũy kiến thức cho mình.
- “Tam thập nhi lập” (30 tuổi thì tự lập): Lo gây dựng sự nghiệp cho mình, xác định một chỗ đứng trong xã hội.
- “Tứ thập nhi bất hoặc” (40 tuổi có thể hiểu được mọi sự, không nghi ngờ): Tuổi 40 là tuổi có chính kiến rõ ràng, kiên định, không dễ chao đảo, nghi ngờ (bất hoặc)
- “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (50 tuổi thì có thể hiểu được mệnh Trời): Tuổi 50 là tuổi nắm được các quy luật của tự nhiên và xã hội, hiểu được thời cuộc, thế sự trước mắt.
- “Lục thập nhi nhĩ thuận” (60 tuổi thì điều gì cũng nghe thuận tai): Tuổi 60 thì không còn thấy gì cũng chướng tai gai mắt như khi còn trẻ. Hiểu biết nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và khoang dung hơn trước những việc xảy ra trong đời.
- “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ” (70 tuổi thì đạt đến tình trạng xử thế tốt đẹp, nề nếp, quy củ): Tuổi 70 luôn biết giữ gìn khuôn khổ, mực thước (bất du củ là không vượt ra ngoài quy tắc, nề nếp)
Đó cũng là một cách chia thời gian của đời người khá hợp lý và ý nghĩa.
Mác-Tuên, Nhà Văn vĩ đại của Mỹ và cả thế giới đã nói: “Chúng ta hãy sống như thế nào để ngay cả người phu đào mộ cũng thương tiếc ta.”
A-léc-xan-đơ Đu-ma, một Nhà Văn lớn của Pháp thì nói: “Có ba điều giúp con người có thể đạt được hạnh phúc: Thân thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn, và trái tim trong sạch.”
Những câu nói thật ý nghĩa và đáng để ý, nhưng không dễ để sống được một cuộc đời như thế.
Vua Đa-vít của người Do-thái ngày xưa có một câu nói mà tôi đọc đi đọc lại thấy thật sâu sắc, và nay đến tuổi già, lại càng thấy chính xác:
“Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi. Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác” (Sách Thi-thiên, chương 16, câu 2).
Đa-vít không nói ngai vàng ông đang có là phước, mà ông nói Đức Chúa Trời là phước duy nhất cho cuộc đời của ông. Trừ Ngài ra thì ông không có phước gì khác nữa.
Điều đó có nghĩa là có Chúa trong cuộc đời là có phước, và ngược lại, không có Chúa trong cuộc đời là không có phước gì hết.
Sống được đến tuổi già trong mạnh khỏe và bình an với con với cháu, đó là một trong những ơn phước Trời cho. Điều đó không ai muốn mà được, nhưng nó đến từ Đức Chúa Trời.
Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi sống được đến... tuổi già như ngày hôm nay.
Còn bao nhiêu năm nữa trong cuộc đời còn lại, tôi không biết, nhưng Đức Chúa Trời biết, và tôi yên tâm khi bước đi với Ngài mà không lo sợ gì hết, vì Ngài là Cha thiêng liêng của tôi, luôn yêu thương và chăm sóc cuộc đời của tôi từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến ngày Ngài đưa tôi về với Ngài trên Thiên Đàng vinh hiển trong tương lai.
Nhưng thưa bạn,
Cuộc đời con người có giá trị hay không, không tùy thuộc vào độ dài của đời sống mà vào ý nghĩa của nó. Không phải là bạn sống bao lâu mà bèn là bạn sống như thế nào?
Dưới ánh sáng của Thánh Kinh, chúng ta biết rằng cuộc đời con người chỉ có ý nghĩa khi chúng ta sống trong mối tương quan đúng đắn với Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo nên chúng ta và ban cho chúng ta cuộc sống nầy và mọi sự trong đó để chúng ta được hưởng.
Kinh Thánh cho biết: “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng... Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa trước khi dây bạc đứt và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng, và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó... Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài, ấy là trọn phận sự của ngươi” (Sách Truyền Đạo, chương 12, câu 1, 6, 7 và 13).
Nếu trong thời tuổi trẻ (thơ ấu), bạn đã tưởng nhớ (tin nhận) Đấng Tạo Hóa mình, thì thật là tốt đẹp thay! Nếu trong tuổi hoa niên, bạn chưa tưởng nhớ đến Ngài, thì hôm nay, ngay khi Ông Trời còn cho có hơi thở trong lỗ mũi (trước khi dây bạc đứt và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng, và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó), hãy tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa. Đừng bao giờ quên điều đó.
Người khôn ngoan không chờ đến tuổi già mới tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa, vì chưa chắc mình có thể sống đến tuổi già. Người khôn ngoan là tin Chúa ngay khi có cơ hội, dịp tiện, hoặc ngay lúc còn thơ ấu (tuổi trẻ) thì thật là quý báu.
Thời điểm tin Chúa là ngay ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai, vì ngày mai chưa chắc sẽ đến với chúng ta, và không ai trong chúng ta biết ngày mai sẽ sanh ra điều gì?
Kinh Thánh dạy: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện. Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì, chương 6, câu 2).
Tôi tạ ơn Chúa, vì tôi đã tin nhận Ngài từ khi còn thơ ấu, tuổi hoa niên và trung tín theo Ngài cho đến tuổi già hôm nay. Tôi cầu xin Chúa cho tôi trung tín theo Ngài cho đến khi được vào trong Thiên Đàng vinh hiển tuyệt vời trong tương lai.
Hỡi các bạn còn trẻ tuổi, hãy tin Chúa ngay khi còn tuổi trẻ, đừng chờ đợi ngày mai hay tương lai, vì ngày mai không thuộc về chúng ta.
Hỡi những người tuổi già, xin mời quý vị sớm quyết định tin nhận Chúa Giê-su ngay hôm nay, khi còn có cơ hội, khi sự chết chưa đến.
Xin mượn lời của Vua Đa-vít ngày xưa để khích lệ mọi người đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ lìa bỏ bất cứ người nào có lòng tin nhận Ngài:
“Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình (người tin Chúa) bị bỏ, hay là dòng dõi người đi ăn mày” (Sách Thi-thiên, chương 37, câu 25).
Chúa Giê-su đang chờ quý vị và các bạn đến với Ngài, và tôi, tôi cũng mong chờ điều đó!
Cầu xin Đức Chúa Trời nhớ đến mỗi một chúng ta và làm ơn cho chúng ta trong năm mới nầy! A men!
California, Tháng 1/ 2024
Mục Sư Nguyễn – Đình – Liễu