Kinh Thánh: Phục Truyền 9: 9-10; Thi-thiên 45:1; Giăng 8: 6-8; II Cô-rinh-tô 3: 3
Một trong những điều mà những người cầm bút thường làm mỗi khi Xuân về, Tết đến là... khai bút đầu Xuân.
Khai bút đầu Xuân, hay viết cái gì đó mở đầu cho năm mới (khai là mở đầu) là một thói quen tốt cần phát huy để ngòi bút được luôn luôn sắt nhọn, đầy bút lực.
Bạn có thích viết không? Bạn có đam mê viết không?
Viết là một công việc không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là khá khó khăn, vất vả và nhọc óc lắm lắm. Cho nên, nếu không có đam mê viết thì rất dễ... buông bút như chơi.
Như chúng ta đều biết, viết là cách quan trọng để lưu giữ lại những kiến thức cho con người. Và sách là một phương tiện quan trọng bật nhất để lưu giữ lại những kiến thức đó. Bạn thử nghĩ nếu thế giới nầy mà không có những người viết và không có sách thì đầu óc con người sẽ... trống vắng đến mức nào?
Thử tìm hiểu một chút về lịch sử của việc viết và lưu giữ sách.
Người Do Thái là một trong những người đi tiên phong trong việc giữ nghệ thuật sao chép sách để có thể lưu lại được cho đến ngày nay. Theo truyền thống Do Thái, cuốn giấy cuộn Torah đặt trong các Hội đường Do Thái giáo phải được viết bằng tay trên giấy da. 1
Ngay từ khi chữ viết đầu tiên được loài người phát triển, khoảng 3000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã viết trên nhiều bề mặt khác nhau, như kim loại, da, đất sét, đá và xương. Tới thế kỷ 4 trước Công Nguyên, người Ai Cập đã biết sử dụng bút sậy để viết trên các cuộn giấy cói làm từ những cây lau sậy mọc nhiều ở vùng thung lũng sông Nile. 2
Đó là vài nét về lịch sử của việc viết và lưu giữ sách cho con người.
Tôi thích viết, tôi cũng đam mê viết nữa, nên mới còn giữ được ngòi bút trên tay cho đến nay, chứ nếu không thì cũng... xếp bút nghiên từ lâu rồi.
Kinh Thánh đề cập nhiều đến tầm quan trọng của việc viết lắm.
Còn nhớ, khi Môi se lên núi theo lệnh của Đức Chúa Trời để lãnh hai bảng Luật Pháp được viết trên đá, thì Kinh Thánh ghi lại như sau:
“Khi ta đi lên núi đặng lãnh hai bảng đá, tức là hai bảng về sự giao ước mà Đức Giê-hô-va đã lập cùng các ngươi, ta ở trên núi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, chẳng uống nước; và Đức Giê-hô-va trao cho ta hai bảng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra” (Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 9 câu 9 và 10).
Chúng ta không biết Đức Chúa Trời viết bằng cách nào, vì Ngài là Thần, đâu có tay chân, thân thể như con người chúng ta; nhưng Kinh Thánh cho biết chính Ngài đã viết ra hai bảng đá đó và đưa cho đầy tớ Ngài là Môi se. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc viết là dường nào!
Khi đọc Thi-thiên, đến chương bốn mươi lăm, tôi rất ấn tượng với con cháu Cô-rê, khi họ viết những dòng nầy: “Lòng tôi tràn đầy những lời tốt. Tôi nói điều tôi vịnh cho Vua. Lưỡi tôi như ngòi viết của văn sĩ có tài” (Sách Thi-thiên chương 45 câu 1).
Khi trong lòng tràn đầy những điều tốt lành, thì phải bày tỏ ra bên ngoài mà thôi. Có nhiều cách bày tỏ ra, như nói, hát hoặc viết. Ở đây, con cháu Cô-rê chọn cách bày tỏ là viết ra thành thơ để ca ngợi Chúa, vì họ được Chúa ban cho ơn tứ viết văn, làm thơ. Họ là những Văn Sĩ, Thi Sĩ có tài của người Do-thái, và những bài thơ của họ còn được lưu lại cho đến ngày nay cho chúng ta được đọc và thưởng thức.
Tôi ước ao và cầu xin Chúa cho ngòi bút của tôi cũng như ngòi bút của các Văn Nhân, Thi Sĩ Cơ-đốc sẽ như ngòi bút của văn sĩ có tài để viết văn, làm thơ ca ngợi Vua của các vua, Chúa của các chúa là Đức Chúa Giê-su Christ.
Tôi cũng rất... tò mò khi đọc phần đầu của sách Giăng, chương 8 nói về người đàn bà tà dâm.
Khi người ta dẫn đến cho Chúa Giê-su một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm để thử xem Ngài sẽ xử lý như thế nào với người đàn bà tội lỗi nầy?
“Họ nói vậy để thử Ngài, hầu cho có thể kiện Ngài. Nhưng Đức Chúa Giê-su cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người. Rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết trên mặt đất” (Sách Giăng chương 8 câu 6 đến câu 8).
Đứng trước tình thế... bất ngờ nầy, Chúa Giê-su biết hết ý tưởng, mưu đồ xấu xa của họ (Thầy Thông Giáo và người Pha-ri-si), Ngài chưa vội đáp gì cả, chỉ cúi xuống lấy tay viết viết trên đất. Sau đó, Ngài ngước lên phán với họ “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người”, rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết tiếp trên đất (Có lẽ dịch là “trên nền” thì chuẩn hơn chăng, vì các bản Tiếng Anh đều dịch là “on the ground”?)
Kinh Thánh không tiết lộ cho chúng ta biết Ngài đã viết những gì trên đất, nhưng Nhà Thơ Tường Lưu rất có lý khi ông... đoán rằng Chúa Giê-su đã viết chữ “THA”:
Chúa ôi, lòng Chúa thật bao la,
Chúa đã thương con lượng hải hà,
Con đến cùng Ngài bao tội lỗi,
Ngài thương, Ngài viết mãi chữ “tha”...
Vâng, luật pháp thì định tội và chỉ cho con người biết họ là tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời; nhưng ân điển là tha thứ và chữa lành như Kinh Thánh đã dạy: “Luật pháp đã ban cho bởi Môi se, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà đến” (Sách Giăng chương 1 câu 17).
Sứ Đồ Giăng được mệnh danh là vị Sứ Đồ của tình yêu và ông được Chúa dùng để viết ít nhất năm sách trong Kinh Thánh. Năm sách đó là sách Tin Lành Giăng, các Thơ tín Giăng thứ nhất, thứ nhì và thứ ba, và sách Khải Huyền.
Trong phần kết của sách Giăng, vị Sứ Đồ đã viết:
“Đức Chúa Giê-su đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách nầy. Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Sách Giăng chương 20 câu 30 và 31).
Rồi trong phần cuối của Thơ Giăng thứ nhất, Sứ Đồ cũng viết:
“Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời” (Sách Giăng thứ nhất chương 5 câu 13).
Mục đích của các sách Sứ Đồ Giăng viết ra là để đem người ta đến chỗ tin nhận danh Con Đức Chúa Trời (là Chúa Giê-su) và khi họ tin nhận Danh ấy, thì họ biết mình có sự sống đời đời.
Có thể nói đó cũng chính là mục đích của cả Kinh Thánh vậy!
Như chúng ta đã biết, Phao-lô là người đã được Chúa dùng để viết nhiều sách trong Kinh Thánh nhất. Có ít nhất là mười ba sách trong Tân Ước là do Sứ Đồ Phao-lô viết, từ sách Rô-ma cho đến sách Phi-lê-môn. Chưa kể sách Hê-bơ-rơ, có nhiều Học Giả Kinh Thánh cũng cho là sách của Phao-lô. Trong các sách của Phao-lô, chúng ta thường thấy trong phần kết các bức thư, Phao-lô đã cho độc giả của mình biết rằng chính ông là người đã tự tay mình viết các bức thư ấy để gởi cho họ.
“Chính tay tôi, là Phao-lô, viết lời chào thăm nầy cho anh em: ấy đó là dấu ký của tôi trong mọi thơ từ của tôi, tôi viết như vậy” (Sách Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhì chương 3 câu 17).
“Chính tay tôi, Phao-lô, viết chào thăm anh em. Hãy nhớ về xiềng xích của tôi. Nguyền xin ân điển ở cùng anh em!” (Sách Cô-lô-se chương 4 câu 18).
“Hãy xem chính tay tôi viết thư này cho anh em, chữ lớn là dường nào!” (Sách Ga-la-ti chương 6 câu 11).
Không ai có thể phủ nhận sự uyên bác của Phao-lô, và cũng không ai có thể phủ nhận ơn tứ viết sách một cách đặc biệt mà Chúa đã ban cho Phao-lô.
Phao-lô ham đọc, ham học, ham viết đến nỗi khi đang bị ở tù tại La-Mã vì rao giảng Tin Lành, ông cũng tiếp tục viết thư gởi cho các Hội Thánh , và nhờ đó mà chúng ta có được các sách rất quý giá có mặt trong Kinh Thánh như Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se và Phi-lê-môn. Phao-lô quả là một ngòi bút sáng chói mà không một người ham đọc, ham học, ham viết nào mà không biết đến.
Phao-lô quả là một tấm gương đam mê viết đáng để cho bạn và tôi noi gương biết bao!
Một trong những lời mà Phao-lô đã viết ra rất sâu sắc cho chúng ta, đó là những lời nầy: “Vả, rõ thật rằng anh em là bức thơ của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì chương 3 câu 3).
Ở đây, Phao-lô nói ông không viết bằng mực bình thường như mọi người thường dùng để viết, mà ông viết bằng một loại... mực đặc biệt là Thánh Linh. Không viết trên một loại giấy bình thường mà người ta thường dùng để viết, nhưng trên một loại... giấy đặc biệt là lòng chúng ta.
Thật là những lời viết sâu sắc, quý giá làm sao!
Trong Kinh Thánh chúng ta biết có nhiều những Tiên Tri được Chúa dùng để rao ra sứ điệp cho dân sự Ngài. Trong những Tiên Tri đó, có những Tiên Tri nói và cũng có những Tiên Tri viết sách để lại cho thế hệ mai sau còn có thể đọc được và vâng giữ. Những Tiên Tri rao ra sứ điệp của Đức Chúa Trời bằng cách nói thì có các Tiên Tri như Ê-li, Ê-li-sê, Na-than... Còn Tiên Tri rao ra sứ điệp bằng cách viết sách như các Tiên Tri Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên...
Nhờ vậy mà ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn được đọc những sứ điệp đầy ơn Chúa của họ.
Tôi đã viết bao nhiêu năm qua, đang viết hôm nay và sẽ tiếp tục viết trong tương lai, chừng nào tôi còn sống với mục đích để ca tụng Vua của các vua, Chúa của các chúa là Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng đã yêu thương tôi và phó mạng sống Ngài vì tôi, Đấng đã chết và đã sống lại và sống mãi mãi để ban cho tôi và những người tin nhận Ngài sự sống đời đời.
Xin Chúa ban phước cho ngòi bút đơn sơ nầy cũng như nhiều ngòi bút Cơ-đốc khác để góp phần tôn vinh Ngài trên đất nầy không thôi, không thôi! Amen!
California, Những Ngày Đầu Năm Mới 2024!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu
1 wikipedia.org
2 “Lịch Sử Của Sách” – tác giả James Raven (What is the History of the Book?)