Kinh Thánh: Giăng 11: 25, 26; 12: 24; I Cô-rinh-tô 15: 13-50
Mùa Phục Sinh 2024 đang về với mọi người trên khắp hành tinh nầy.
Mỗi năm một lần, toàn thể nhân loại, nhất là những tín nhân của Chúa Giê-su đều hân hoan, long trọng kỷ niệm sự sống lại của Chúa Cứu Thế vào dịp tháng Ba hoặc tháng Tư.
Cũng giống như Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh từ lâu đã trở thành ngày lễ của cả thế giới, chứ không chỉ riêng của những người tin Chúa Giê-su mà thôi.
Lễ Phục Sinh năm nay nhằm vào ngày Chúa Nhật 31 Tháng Ba.
Mỗi khi đến Lễ Phục Sinh, những người tin Chúa dành nhiều thì giờ để hát mừng ca ngợi Đấng Phục Sinh, và đặc biệt dành thì giờ để đọc, học, suy gẫm những Lời Kinh Thánh đã dạy về sự sống lại vinh hiển, quyền năng và kỳ diệu của Chúa Giê-su. Tôi cũng không là ngoại lệ!
Nói về chuyện phục sinh (tức chuyện chết rồi mà sống lại) thì thời nào cũng có người cho là chuyện... hoang đường, là điều không thể tin được. Chính vì vậy mà Thánh Phao-lô đã dành nguyên chương 15 trong sách Cô-rinh-tô thứ nhứt của mình để luận giải về sự sống lại, đặc biệt là sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-su cho chúng ta được rõ.
Sau khi luận về sự sống lại vinh hiển của Chúa Giê-su để làm cho vững đức tin của con dân Chúa lúc bấy giờ, Phao-lô tiếp tục dùng hình ảnh hột giống để làm minh họa cho sự chắc chắn của sự sống lại:
“Nhưng có kẻ sẽ nói rằng: Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại? Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo, ấy không phải là chính hình thể sẽ sanh ra, chẳng qua là một cái hột, như hột lúa mì hay là hột giống nào khác. Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình thể riêng. Mọi xác thịt chẳng phải là đồng một xác thịt; nhưng xác thịt loài người khác, xác thịt loài thú khác, loài chim khác, loài cá khác. Lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau. Vinh quang của mặt trời khác, vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao khác; vinh quang của ngôi sao nầy với vinh quang của ngôi sao kia cũng khác. Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng; ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống. Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, ấy là thể huyết khí; rồi thể thiêng liêng đến sau. Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai bởi trời mà ra. Người thuộc về đất thể nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy; người thuộc về trời thể nào, thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời. Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhất, chương 15, câu 13 đến 50).
Quy luật của sự sống của muôn loài là phải trải qua sự chết thì mới có sự sống lại tươi mới, vinh diệu được. Giống như hột giống phải được gieo xuống đất và phải chết đi thì mới mọc lên cây mới xinh đẹp và kết quả.
Mỗi loại hột giống đều có hình thể riêng của nó, “Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình thể riêng”, như Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên từ buổi ban đầu: “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy. Đất sanh cây cỏ: cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ ba” (Sách Sáng Thế Ký, chương 1, câu 11 đến 13).
Mỗi loài xác thịt cũng khác nhau, “mọi xác thịt chẳng phải là đồng một xác thịt; nhưng xác thịt loài người khác, xác thịt loài thú khác, loài chim khác, loài cá khác”, như Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên từ buổi đầu tiên: “Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ năm. Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại; thì có như vậy. Đức Chúa Trời làm nên các loài thú rừng tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, và các côn trùng trên đất tùy theo loại, Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành” (Sách Sáng Thế Ký, chương 1, câu 21 đến 25).
Cũng có các hình thể khác nhau trong cõi vũ trụ mà Đức Chúa Trời đã đặt để, và vinh quang của mỗi hình thể ấy cũng khác nhau, “lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau. Vinh quang của mặt trời khác, vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao khác; vinh quang của ngôi sao nầy với vinh quang của ngôi sao kia cũng khác”, như lời Chúa đã chép trong sách Sáng Thế Ký:“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm; lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; thì có như vậy. Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao. Đức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời, đặng soi sáng đất, đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với sự tối. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ tư” (Sách Sáng Thế Ký, chương 1, câu 14 đến 19).
Những lý luận của Phao-lô ở đây nhằm xác định một chân lý rằng, muôn loài vận vật hiện hữu trong cõi vũ trụ nầy là do chính Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên từ buổi ban đầu, chứ nó không tự nhiên mà có, cũng không phải nhờ quá trình tiến hóa nào đó mà thành; và cũng không đến từ một nguồn vô tri, vô giác nào khác như nhiều giả thiết đã đặt ra nhằm chối bỏ Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa.
Từ hình ảnh hột giống ấy, Phao-lô cho biết sự sống lại của kẻ chết cũng như thế:
“Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng; ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống. Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, ấy là thể huyết khí; rồi thể thiêng liêng đến sau. Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai bởi trời mà ra. Người thuộc về đất thể nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy; người thuộc về trời thể nào, thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhứt, chương 15, câu 42 đến 48).
Và rồi, Phao-lô kết luận: “Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời. Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhứt, chương 15, câu 49 và 50).
Sự luận giải rất lo-gic của Phao-lô về sự sống lại của thân thể chắc chắn bắt nguồn từ sự giảng dạy của Chúa Giê-su dành cho các môn đồ trước đó.
Chúa Giê-su đã từng phán: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều” (Sách Giăng, chương 12, câu 24).
Chúa Giêsu dùng hình ảnh hột lúa thật gần gũi với dân chúng thời bấy giờ để áp dụng cho cuộc đời của Ngài, Đó là hạt giống sau khi được gieo xuống đất thì phải chết đi, trước khi phát triển thành một cây mới tươi đẹp, kết quả. Ngài muốn nói về chính Ngài sẽ phải chết và sau đó sẽ sống lại cách vinh hiển, khải hoàn.
Phao-lô khẳng định, Chúa Giê-su đã sống lại thì những người thuộc về Ngài cũng sẽ sống lại, đó là điều dĩ nhiên phải xảy ra, vì Ngài đã trở nên trái đầu mùa của sự sống lại rồi.
Tôi thật sự thích thú và thêm lòng tin chắc vào Chúa Giê-su, Đấng đã chết và sống lại từ trong kẻ chết, và sống đời đời, mỗi khi đọc và suy gẫm chương cuối cùng của sách Cô-rinh-tô thứ nhất nầy.
Không có ai yêu thương bạn và tôi như Chúa Giê-su đã yêu thương, vì Ngài đã chết trên thập tự giá để cứu bạn và tôi ra khỏi bàn tay độc ác của Sa-tan!
Không có ai quyền năng như Chúa Giê-su, vì Ngài là Đấng duy nhất chiến thắng sự chết và sống lại, nhờ đó nên bạn và tôi tin Ngài, chúng ta được hưởng sự sống đời đời!
Chúa Giê-su đã sống lại sau khi chết, bạn và tôi cũng vậy, khi bạn và tôi chết đi; đến ngày Ngài trở lại, Ngài sẽ kêu bạn và tôi sống lại để được cất lên trời ở với Ngài trong niềm phước hạnh tuyệt vời! Còn nếu chúng ta sống cho đến ngày Ngài trở lại, thì Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt nầy ra giống như thân thể vinh hiển của Ngài!
Chúa Giê-su đã phán: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?” (Sách Giăng, chương 11, câu 25 và 26).
Đó chính là phước hạnh tuyệt vời của những người thuộc về Chúa!
Đó cũng chính là niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển được của những người tin nhận Chúa Giê-su!
Ước mong những ai chưa đọc chương cuối cùng của sách Cô-rinh-tô thứ nhứt, hãy dành thì giờ để tìm đọc phần Kinh Thánh cực kỳ quý báu nầy ngay. Tôi tin rằng, bạn sẽ được vững vàng thêm trong đức tin đặt nơi Đấng Sống là Chúa Cứu Thế Giê-su. Và nếu bạn chưa tin Ngài, thì mong bạn cũng sẽ sớm mở lòng ra tin Chúa Giê-su để được hưởng sự sống đời đời như chúng tôi đã được hưởng.
Chúa Giê-su là Đấng duy nhất đã chết và sống lại và sống đời đời, mới có thể cứu bạn ra khỏi bàn tay độc ác của Sa-tan và ban cho bạn sự sống đời đời mà thôi! Ngài Ngài ra, chắc chắn không ai có thể làm được điều đó cho bạn!
Chúc mọi người một Lễ Phục Sinh tràn đầy tin yêu và hy vọng trong Chúa Phục Sinh!
California, Mùa Phục Sinh 2024!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu