Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 14: 26-28; Truyền Đạo 12: 3-5; Ê-sai 40: 29-31
Sức lực là một điều rất quan trọng cho con người chúng ta để sống và làm việc.
Một người không có sức lực thì khó có thể làm được việc gì cho kết quả tốt đẹp được.
Sức lực sẽ tăng và giảm theo thời gian.
Khi còn nhỏ thì sức lực còn yếu, khi đến tuổi trưởng thành là lúc sức lực sung sức nhất; và khi tuổi về già thì sức lực lại giảm dần.
Vua Sa-lô-môn đã viết những lời so sánh rất hình ảnh sau đây về tuổi già: “Trong ngày ấy (lúc tuổi già), kẻ giữ nhà run rẩy, những người mạnh sức cong khom, kẻ xay cối ngừng lại bởi vì số ít, những kẻ trông xem qua cửa sổ đã làn mắt, hai cánh cửa bên đường đóng lại, và tiếng xay mỏn lần. Lúc ấy, người ta nghe tiếng chim kêu bằng chờ dậy, và tiếng con gái hát đều hạ hơi; lại người ta sợ sệt mà lên cao, và hãi hùng lúc đi đường. Lúc ấy cây hạnh trổ bông, cào cào trở nên nặng, và sự ước ao chẳng còn nữa, vì bấy giờ người đi đến nơi ở đời đời của mình, còn những kẻ tang chế đều đi vòng quanh các đương phố” (Sách Truyền Đạo, chương 12, câu 3 đến 5).
Tôi nhớ mới ngày nào đây, khi mình còn ở trong tuổi thanh tráng niên, sức lực rất sung mãn, cường tráng, làm việc không biết mệt mỏi. Ấy vậy mà, giờ đến tuổi già, tôi thấy sức lực mình giảm đi thấy rõ, làm việc chi một chút là đã thấy mệt rồi.
Thế thường, con người chúng ta hay cậy vào sức lực của mình để làm việc nầy việc kia, vì nghĩ rằng mình thông minh, mạnh mẽ và đầy năng lực.
Tôi nhớ có một Nhà Thơ đã viết những vần thơ thật kiêu ngạo:
Bàn tay ta làm ra tất cả,
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Cho đến nay, đã mấy chục năm kể từ khi tôi được người ta dạy cho những câu thơ nầy trong trường học, tôi thấy dân mình vẫn còn nghèo khổ, đất nước mình vẫn còn lạc hậu so với mặt bằng chung của cả thế giới. Nếu quả đúng như lời thơ của Nhà Thơ kia, thì với bàn tay, với sức người mạnh mẽ thì dân mình đã giàu, nước mình đã hùng cường, có thể sánh vai ngang hàng với Mỹ, với các nước văn minh bên trời Tây từ lâu rồi.
Tôi bỗng nhớ đến câu Kinh Thánh: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau. Vá tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Sách Châm Ngôn, chương 16, câu 18).
Kinh Thánh ghi lại câu chuyện về Vua Rô-bô-am của nước Do-thái ngày xưa là một người... điển hình về việc tin cậy vào sức lực mình hơn là nương cậy nơi sức Chúa:
“Xảy ra khi nước của Rô-bô-am vừa được lập vững bền, và người được cường thạnh, thì người và cả Ysơraên liền bỏ luật pháp của Đức Giêhôva. Vì chúng có phạm tội cùng Đức Giê-hô-va, nên xảy ra trong năm thứ năm đời vua Rôbôam, Sisắc, vua Êdíptô, kéo lên hãm đánh Giêrusalem; có dẫn theo một ngàn hai trăm cỗ xe và sáu vạn lính kỵ; lại có dân Liby, dân Suri, và dân Êthiôbi từ Ê-díp-tô kéo lên với người, số không thể đếm đặng... Sisắc, vua Êdíptô, kéo lên hãm đánh Giê-ru-sa-lem, đoạt lấy các bửu vật của đền Đức Giêhôva và cung vua: Người đoạt lấy hết thảy; cũng đoạt lấy những khiên bằng vàng mà Sa-lô-môn đã làm.”( Sách Sử Ký thứ nhì, chương 12, câu 1 đến 9)
Là vị vua cai trị dân Chúa, đáng lẽ ra Rô-bô-am phải biết nương cậy nơi sức của Đức Chúa Trời để lãnh đạo dân sự Ngài, đằng nầy, ông chỉ tin nơi sức mình mà thôi, hậu quả ông phải lãnh sự phẫn nộ của Đức Chúa Trời, khi Ngài dùng quân Ê-díp-tô đánh chiếm Do-thái, đoạt lấy đi mất những bửu vật của hoàng cung, và cả những khiên bằng vàng trong đền Đức Chúa Trời mà Salômôn đã làm.
Trước Vua Rô-bô-am nhiều năm, Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện về Môi se, khi nương dựa vào sức lực riêng của mình, ông chỉ giết được có một người Ê-díp-tô mà thôi: “Vả, đương lúc đó, Môi se đã lớn khôn rồi, ra đi đến cùng anh em mình, xem thấy công việc nhọc nhằn của họ; cũng thấy một người Ê-díp-tô đánh một người Hê-bơ-rơ trong vòng anh em mình; ngó quanh quất chẳng thấy ai, bèn giết người Ê-díp-tô đem vùi trong cát” (Sách Xuất Ê-díp-tô Ký, chương 2, câu 11 và 12).
Sau sự kiện Chúa chịu chết và chôn trong mộ, các Sứ Đồ trở nên chán chường, thất vọng, Phi-e-rơ tuyên bố trở về nghề cũ để sinh sống. Các Sứ Đồ khác cũng đồng một lòng, hiệp một ý với ông mà đi đánh cá: “Si-môn Phi-e-rơ nói rằng: Tôi đi đánh cá. Các người kia trả lời rằng. Chúng tôi đi với anh. Các người ấy ra đi xuống thuyền, nhưng trong đêm đó chẳng được chi hết” (Sách Giăng, chương 21, câu 3).
Là những ngư phủ lão luyện, họ dùng hết sức lực và sự khôn ngoan của mình để đánh cá cả đêm mà chẳng được một con nào. Thật lạ!
Đó là chuyện... sức người.
Và sau đây là chuyện về... sức Chúa!
Cũng là Môi se đó, nhưng khi ông nương cậy vào sức toàn năng của Chúa, ông đã vùi lấp được cả đạo binh rất hùng mạnh của kẻ thù xuống biển sâu: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra trên biển, nước sẽ trở lấp người Ê-díp-tô, binh xa và lính kỵ của chúng nó. Môi se bèn giơ tay mình ra trên biển, lối sáng mai, nước trở lấp phải đáy biển lại, người Ê-díp-tô chạy trốn bị nước chận. Vậy, Đức Giê-hô-va xô họ xuống giữa biển. Thế thì, nước trở lai bao phủ binh xa, lính kỵ của cả đạo binh Pha-ra-ôn đã theo dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, chẳng còn sót lại một ai” (Sách Xuất Ê-díp-tô ký, chương 14, câu 26 đến 28).
Cũng là Phi-e-rơ và những con người đó, cũng là chỗ đánh cá đó, nhưng khi họ vâng lời Chúa và nhờ cậy nơi Ngài, thì họ đã thành công đến không ngờ. Sáng sớm hôm sau, Chúa phục sinh hiện ra với họ và phán: “Hỡi các con, không có chi ăn hết sao? Thưa rằng: Không! Ngài phán rằng: Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì các ngươi sẽ được. Vậy, các người ấy thả lưới xuống, được nhiều cá đến nỗi không thể kéo lên được” (Sách Giăng, chương 21, câu 5, 6)
Thật kỳ diệu!
Có rất nhiều câu Kinh Thánh dạy chúng ta phải biết nương cậy nơi sức toàn năng của Chúa.
“Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi. Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (Sách Thi-thiên, chương 46, câu 1).
Lời Chúa cho biết người nào nhờ cậy nơi Đức Chúa Trời, thì người đó sẽ được Ngài giúp sức: “Vì con mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (Sách Sử Ký thứ nhì, chương 16, câu 9).
“Đức Giê-hô-va là sức lực và là bài ca của ta. Ngài trở nên sự cứu rỗi ta” (Sách Thi-thiên, chương 118, câu 14).
“Vả, Chúa Giê-hô-va là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Các ngươi sẽ được rỗi là tại trở lại và yên nghỉ; các ngươi sẽ được sức mạnh là tại yên lặng và trông cậy” (Sách Ê-sai, chương 30, câu 15).
“Đức Giê-hô-va là Chúa, là sức mạnh của tôi. Ngài làm cho chân tôi giống như chân con hươu, khiến tôi đi trên các nơi cao của mình” (Sách Ha-ba-cúc, chương 3, câu 19).
“Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (Sách Ê-phê-sô, chương 6, câu 10).
Sức của con người rất là nhỏ bé và giới hạn, cho dù chúng ta có mạnh mẽ đến đâu chăng nữa. Mạnh như Sam-sôn nhưng rồi cuối cùng cũng trở nên yếu đuối như... cây chuối trên đùi của một thiếu nữ xinh đẹp người Phi-li-tin là nàng Đa-li-la (Sách Các Quan Xét, chương 16, câu 19). Mạnh như gã khổng lồ Gô-li-át, nhưng rồi cuối cùng cũng chết chỉ bằng cái trành ném đá bẻ nhỏ của Đa-vít, khi Đa-vít biết nhờ cậy nơi quyền năng tuyệt đối của Đức Chúa Trời mình mà chiến đấu với tên khổng lồ đó (Sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương 17, câu 50).
Sức lực của Đức Chúa Trời mới là sức lực không bao giờ mòn mỏi, mệt nhọc, vì chính Ngài là Đấng chẳng mỏi chẳng mệt, sự khôn ngoan Ngài không thể dò: “Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức. Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi, mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã. Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Sách Ê-sai, chương 40, câu 29 đến 31)
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thôi nhờ cậy sự khôn ngoan, sức lực riêng của mình để đem lòng nương cậy nơi sự khôn ngoan và sức toàn năng của Ngài để hầu việc Ngài. Nếu nhờ cậy vào sức lực của riêng mình, thì chúng ta sẽ hầu việc Chúa chẳng được bao lâu cả, vì sức lực chúng ta rất giới hạn, chúng ta sẽ mỏi mệt, sờn lòng ngay. Nhưng khi biết nương cậy nơi sức toàn năng của Đức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ hầu việc Ngài cách lâu dài và mạnh mẽ, và chúng ta mới có thể “đi tới và thấy sức lực lần lần thêm” lên chẳng sai, cho đến khi chúng ta được gặp Ngài trên Thiên Đàng vinh hiển trong tương lai.
California, Tháng 4/ 2024!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu