Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 366

Chuyện Về... Mẹ Chồng Nàng Dâu

(Kính tặng tất cả những người Mẹ ở khắp mọi nơi!)

Kinh Thánh: Phục Truyền 23: 3; Ru-tơ 1; Lu-ca 12: 53; Ê-phê-sô 3: 18

Ngày Lễ Mẹ đáng yêu hằng năm lại trở về với sự mong chờ háo hức của nhiều người, nhất là những người làm con.

Nhân Ngày Lễ Mẹ năm nay, xin được nói chuyện về đề tài...mẹ chồng nàng dâu.

Ca Dao có khá nhiều câu nói về mẹ chồng nàng dâu.

Trong xã hội, chúng ta thấy mẹ chồng nàng dâu thì thường không thuận thảo với nhau:

- Bà già mặc áo bông chanh,
Ngồi trong đám hẹ nói hành nàng dâu.

- Thật thà cũng thể lái trâu,
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

- Mẹ anh như mẹ người ta,
Thì anh có cửa, có nhà từ lâu,
Mẹ chồng đối với nàng dâu,
Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ.

- Cô kia đội nón đi đâu?
Tôi là phận gái làm dâu mới về,
Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê,
Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi.

- Thương chồng phải luỵ mụ gia,
Chớ tui với bả có bà con chi!

Mẹ chồng nàng dâu là một đề tài được người ta đề cập đến khá nhiều. Kinh Thánh cũng có nói đến đề tài nầy. Thế thường, khi con người phạm tội với Đức Chúa Trời, con người muốn đi theo đường riêng mình, làm việc theo ý riêng mình, nên có nhiều xung đột xảy ra giữa vòng họ, ngay cả trong môi trường gia đình. Đặc biệt trong thời kỳ cuối cùng của thế giới nầy, sự xung đột đó càng gia tăng bội phần:

Bởi vì con trai sỉ nhục cha, con gái nổi lên nghịch với mẹ của nàng, con dâu nghịch cùng bà gia, và những kẻ thù của một người chính là người nhà của mình” (Sách Mi-chê, chương 7, câu 6).

Cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha; mẹ nghịch cùng con gái, con gái nghịch cùng mẹ; bà gia nghịch cùng dâu, dâu nghịch cùng bà gia.” (Sách Lu-ca, chương 12, câu 53).

Dầu bức tranh mẹ chồng nàng dâu không thuận thảo, hay xung đột lẫn nhau là bức tranh chung trong xã hội loài người; nhưng Kinh Thánh có ghi lại một câu chuyện mẹ chồng nàng dâu ngược hẳn với bức tranh chung đó.

Có dịp đọc Kinh Thánh, chắc chắn bạn sẽ rất thích thú khi đọc câu chuyện về...mẹ chồng nàng dâu được ghi chép lại trong sách Ru-tơ.

Câu chuyện nói về gia đình bà Na-ô-mi, một gia đình người Do-thái, gồm bốn người là vợ chồng bà và hai con trai.

Khi trong xứ Do-thái bị đói kém, gia đình bà đi đến xứ Mô-áp để sinh sống. Sau khi đến nơi xứ người chưa được bao lâu, thì chồng bà chết. Hai con trai bà cưới vợ tại xứ Mô-áp. Hai nàng dâu của bà tên là Ọt-ba và Ru-tơ. Họ sống với nhau được mười năm, thì cả hai người con trai của bà cũng chết, để lại Na-ô-mi không chồng, không con, chỉ còn có... hai người con dâu mà thôi. Một tình cảnh thật đáng thương!

Khi bà nghe tại quê hương bà nạn đói đã qua rồi, bà bèn đứng dậy cùng hai dâu mình trở về Bết-lê-hem. Bà nói cùng hai dâu rằng, hai con hãy trở về nhà của mình đi, đừng đi theo mẹ làm chi.

Hai nàng dâu không muốn quay về nhà mình mà muốn đi theo mẹ chồng. Nhưng bà bảo đừng theo mẹ làm chi nữa, đời mẹ cay đắng lắm. Ọt-ba hôn bà và quay về nhà cha mẹ mình, còn Ru-tơ quyết tâm đi với mẹ chồng.

Kinh Thánh ghi lại cụ thể:

Hai nàng lại cất tiếng lên khóc. Đoạn, Ọt-ba hôn và từ biệt bà gia mình; còn Ru-tơ không chịu phân rẽ người. Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ rằng: Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi. Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi! Na-ô-mi thấy nàng quyết định theo mình, nên không nói nữa. Vậy, hai người đi đến Bết-lê-hem. Khi hai người đến, cả thành đều cảm động. Các người nữ hỏi rằng: Ấy có phải Na-ô-mi chăng? Người đáp: Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm. Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn năng khiến tôi bị khốn khổ, vậy còn gọi tôi là Na-ô-mi làm chi? Na-ô-mi và Ru-tơ, người Mô-áp, dâu của Na-ô-mi, từ ở xứ Mô-áp trở về là như vậy. Hai người đến Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch” (Sách Ru-tơ, chương 1, câu 14-22).

Dù Na-ô-mi muốn cho hai dâu trở về nhà cha mẹ họ, nhưng Ru-tơ thì quyết tâm đi theo mẹ chồng, nhất quyết không chịu phân rẽ.

Hãy nghe lại lời hứa nguyện không rời mẹ chồng chắc như đinh đóng cột của Ru-tơ:

“Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!”

Đây quả là một trong những lời hứa nguyện thật tuyệt vời.

Vì sao mà Ru-tơ lại có một lời hứa nguyện hiếm thấy nơi một nàng dâu dành cho mẹ chồng như thế?

Câu trả lời có thể được tìm thấy là do sự đối xử tử tế của mẹ chồng dành cho cô. Nếu Na-ô-mi không đối xử tử tế thì... còn lâu Ru-tơ mới có một quyết tâm theo mẹ chồng đến cháy bỏng như vậy.

Theo thế thường thì mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu hiếm khi nào thuận thảo, thương yêu nhau; nhưng mối quan hệ giữa mẹ chồng Na-ô-mi và nàng dâu Ru-tơ ở đây thì khác với thế thường. Họ yêu thương nhau thật sự.

Người ta nói “Dâu hiền hơn con gái, rể hiền hơn con trai”. Ở đây, có lẽ hai nàng dâu của Na-ô-mi là hai người phụ nữ hiền lành, đạo đức, nên mới được mẹ chồng thương yêu như con gái vậy.

Dù biết mẹ chồng không còn gì cả (chồng và con đều đã chết hết) và cũng chẳng có tương lai gì xán lạn; nhưng Ru-tơ vẫn quyết định đi theo mẹ chồng về quê với bà. Phải chăng, trong quá trình sống với mẹ chồng, Ru-tơ nhận biết mẹ chồng có một điều đáng quý, đó là bà đang tôn thờ một Đức Chúa Trời, Đấng có quyền ban phước, giáng họa, “Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được bình yên ở nơi nhà chồng mới! Rồi người ôm hôn hai nàng, còn hai nàng cất tiếng lên khóc” (Sách Ru-tơ, chương 1, câu 9); nên Ru-tơ quyết định theo mẹ chồng để được tôn thờ Đức Chúa Trời như mẹ chồng mình đã tôn thờ?

Bởi đức tin kiên định đặt nơi Đức Chúa Trời của mẹ chồng, cũng là Đức Chúa Trời của chính nàng, nên Ru-tơ đã kinh nghiệm được ân sủng dư dật của Ngài dành cho cuộc đời của mình, dù nàng chỉ là người nữ ngoại bang. Qua đây, chúng ta thấy được ân sủng rộng lớn diệu kỳ của Đức Chúa Trời vượt qua bất cứ luật lệ nào của con người: “Dân Am-môn và dân Mô-áp sẽ không được phép vào hội Đức Giê-hô-va, dầu đến đời thứ mười cũng chẳng hề bao giờ vào được” (Sách Phục Truyền, chương 23, câu 3).

Có thể nói, phước hạnh lớn nhất trong cuộc đời của Ru-tơ không phải là có được một người chồng giàu có và quyền thế như Bô-ô; nhưng phước hạnh lớn nhất ấy là nàng được Chúa cho gia nhập vào dân thánh của Ngài, và tên của cô được ghi vào trong gia phổ của Chúa Giê-su. Nàng đã trở thành tổ mẫu của Chúa Giê-su, như được chép: “Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Đức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai. Các người đàn bà nói cùng Na-ô-mi rằng: Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên! Nó sẽ an ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai. Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó. Những người nữ lân cận đặt tên cho nó là Ô-bết, mà rằng: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi. Ô-bết là cha của Y-sai, ông của Đa-vít” (Sách Ru-tơ, chương 4, câu 13-17). Còn gì phước hơn như thế!

Thật diệu kỳ!

Có đến bốn phụ nữ dân ngoại trong gia phổ Chúa Giê-su. Ta-ma và Ra-háp là người Ca-na-an, Ru-tơ người Mô-áp và Bát-sê-ba là người Hê-tít. Hầu hết không phải là người đạo đức. Ta-ma và Ra-háp là gái điếm. Bát-sê-ba phạm tội ngoại tình. Chỉ có Ru-tơ là một người nữ hiền đức (“cả dân sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền đức”, Sách Ru-tơ, chương 3, câu 11), nhưng bà lại thuộc dân tộc thù nghịch với dân sự Ngài.

Tại sao Ðức Chúa Trời lại dùng bốn người nữ như thế? Ngài muốn cho con người “hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của tình yêu thương của Ngài là thể nào” (Sách Ê-phê-sô, chương 3, câu 18). Chúa Giê-su đã phán “Ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội” (Sách Ma-thi-ơ, chương 9, câu 13) là như vậy!

Thật cảm động khi chúng ta đọc câu chuyện mẹ chồng nàng dâu rất thuận thảo trong sách Ru-tơ, vì qua đó, chúng ta thấy được tình yêu lớn lao và ân sủng diệu kỳ của Đức Chúa Trời dành cho con người tội lỗi, xấu xa như chúng ta.

Nàng dâu Ru-tơ là một người nữ không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mà nàng còn có một vẻ đẹp bên trong nữa. Ru-tơ là một người thuộc... phái yếu, nhưng nàng có một đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời, đáng cho cả những người đàn ông là những người thuộc... phái mạnh noi theo luôn.

Ước ao Hội Thánh của Chúa có được thật nhiều những mẹ chồng nàng dâu như Na-ô-mi và Ru-tơ, thì Hội Thánh sẽ được phước biết bao nhiêu!

Kính chúc tất cả những người làm Mẹ và làm dâu một ngày Lễ Mẹ được nhiều ân sủng tốt lành từ Thiên Chúa!

California, Mừng Ngày Lễ Mẹ 2024!

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu