Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 367

Ngày Lễ Mẹ, Nói Chuyện Về... Thân Mẫu Và... Nhạc Mẫu

Kinh Thánh: Ê-sai 49: 15; Ma-thi-ơ 8: 14, 15; 16: 21-23

Như người ta đã quy định, Chúa Nhật thứ hai của Tháng Năm hằng năm là Ngày Lễ Mẹ.

Như vậy, Ngày Lễ Mẹ năm 2024 nầy nhằm vào Chúa Nhật Ngày Mười Hai Tháng Năm.

Nhân dịp Lễ Mẹ năm nay, xin được nói chuyện với quý độc giả, thính giả về... Thân Mẫu và Nhạc Mẫu.

Trước hết, xin nói về Thân Mẫu.

Thân Mẫu là người đẻ ra mình mà chúng ta thường hay gọi bằng một từ ngắn gọn, thân thương nhất, đó là MẸ. Ai trong chúng ta cũng có Thân Mẫu cả. Chính Thân Mẫu là người đã mang nặng đẻ đau ra mình. Chính Thân Mẫu cũng là người đã bú mớm, chăm sóc mình từ khi mình vừa mới chào đời cho đến khi lớn khôn, và cũng luôn dõi theo suốt cuộc đời của mình nữa. Có thể nói, về phương diện con người, không có ai quan tâm, thương yêu mình hơn chính Thân Mẫu mình cả.

Kinh Thánh xác nhận điều đó: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Sách Ê-sai, chương 49, câu 15).

Thân Mẫu tôi đã qua đời từ khi tôi mới mười một tuổi, nên tôi thiếu đi tình thương của Thân Mẫu, và vì vậy, tôi nhớ thương Mẹ tôi nhiều vô kể. Mỗi khi nói đến Thân Mẫu là lòng tôi trào dâng bao cảm xúc sâu lắng về Người. Có thể nói, không có sự thiếu thốn nào của người con lớn cho bằng sự thiếu thốn tình cảm của người Mẹ. Không có sự mất mát nào lớn hơn đối với người con là mất mát tình thương người Mẹ.

Những ai đang có Thân Mẫu còn sống với mình, đó là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn trong cuộc đời. Hãy biết trân quý và dành cho Thân Mẫu mình những gì tốt đẹp nhất mà mình có thể, khi còn có cơ hội, dịp tiện; để một ngày nào đó khi Thân Mẫu mình có qua đời, mình sẽ không hối tiếc là đã không trân quý, thương yêu Thân Mẫu như đáng phải làm.

Bên cạnh Thân Mẫu, phần lớn những người nam còn có Nhạc Mẫu nữa, trừ một số ít người không lập gia đình thì không nói.

Nhạc Mẫu là gì? Từ nầy có lẽ hơi... lạ đối với một số người.

Theo sách vở cho biết, thì nguồn gốc của từ Nhạc Mẫu như sau:

“Nhạc” có nghĩa là đỉnh núi hay dãy núi cao.

Tại Trung Quốc có Ngũ Nhạc (Năm Ngọn Núi Cao) là:

Đông Nhạc tức núi Thái Sơn là "Ngọn núi tĩnh lặng" ở tỉnh Sơn Đông.

Tây Nhạc tức núi Hoa Sơn là "Ngọn núi lộng lẫy" ở tỉnh Thiểm Tây.

Nam Nhạc tức núi Hành Sơn là "Ngọn núi cân bằng", ở tỉnh Hồ Nam.

Bắc Nhạc tức núi Hằng Sơn là "Ngọn núi vĩnh hằng", ở tỉnh Sơn Tây.

Trung Nhạc tức núi Tung Sơn là "Ngọn núi cao ngất", ở tỉnh Hà Nam.

Trên Núi Thái Sơn có một ngọn núi tên là Trượng Nhân Phong (vì hình giống như một ông già). Người Trung Quốc thường quen gọi bố vợ là Trượng Nhân, mà núi Trượng Nhân lại ở dãy Đông Nhạc, nên người ta mới dùng chữ Nhạc thay cho chữ Trượng Nhân để chỉ nhà vợ; như Nhạc Gia là Nhà Vợ, Nhạc Phụ là Cha Vợ, Nhạc Mẫu là Mẹ Vợ.” 1

Cha vợ mà chết rồi, ta không gọi là Nhạc Phụ mà gọi là Ngoại Khảo. Còn mẹ vợ mà chết rồi không gọi là Nhạc Mẫu mà gọi là Ngoại Tỷ. Thế đấy, xem ra việc xưng hô trong gia đình cho đúng và phải phép cũng không phải là... chuyện dễ dàng chút nào.

Nhạc Mẫu là người đã đẻ ra... vợ mình. Chính bà đã nuôi nấng, chăm sóc vợ mình từ khi mới lọt lòng cho đến khi khôn lớn, chuẩn bị tất cả một cách tốt nhất để rồi sẵn sàng trao cô con gái yêu của bà cho mình làm vợ. Bạn thấy có ai tốt như Nhạc Mẫu của mình không? Không tốt sao được, khi nuôi con hết hơi, hết sức, hết tiền, hết bạc, rồi đến khi con gái khôn lớn đến thời điểm đẹp đẽ nhất, viên mãn nhất thì bà lại sẵn sàng để cho bạn... rước về nhà mình làm vợ. Còn có ai tốt hơn thế nữa bạn ơi?

Nhạc Mẫu của bạn còn sống không? Nhạc Mẫu của tôi, Ông Trời cho vẫn còn sống, đến nay bà đã gần bước vào tuổi 90 rồi. Dầu sức khỏe không còn được như xưa, đó là điều tất yếu; nhưng Nhạc Mẫu tôi vẫn còn nghe được, nói được, ăn được, ngủ được, vui chơi, đùa giỡn với con cháu được. Đó là một niềm vui lớn cho con cho cháu trong gia đình.

Cầu xin Chúa cho Nhạc Mẫu tôi được khỏe và sống thêm với con với cháu một thời gian nữa để nhìn thấy dòng dõi mà Chúa đã ban cho mình.

Cho đến nay, Nhạc Mẫu của tôi đã có một đàn hậu duệ lên đến hơn bảy chục người, gồm cả con, dâu, rể, cháu, chắt.

Thật cảm tạ Chúa về “dòng giống được lựa chọn” ấy!

Kinh Thánh có nói đến Nhạc Mẫu của một Sứ Đồ nổi tiếng, đó là Sứ Đồ Phi-e-rơ như sau:

Đức Chúa Giê-su vào nhà Phi-e-rơ, thấy bà gia (Nhạc Mẫu) người nằm trên giường, đau rét. Ngài bèn rờ tay người bịnh, rét liền mất đi; rồi người đứng dậy giúp việc hầu Ngài” (Sách Ma-thi-ơ, chương 8, câu 14, 15).

Sau khi Đức Chúa Giê-su chữa lành cho đứa đầy tớ của một Thầy Đội được lành bịnh bại liệt, thì Ngài vào nhà Phi-e-rơ, thấy bà gia (Nhạc Mẫu) của ông đang đau rét nằm trên giường. Ngài lấy tay mình rờ vào tay Nhạc Mẫu Phi-e-rơ, thì bịnh rét của bà liền mất đi. Khi thấy mình khỏi bịnh rét rồi, Nhạc Mẫu của Phi-e-rơ liền đứng dậy hầu việc Chúa.

Câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành bịnh rét cho Nhạc Mẫu của Phi-e-rơ được Kinh Thánh ghi lại ở đây, cho chúng ta thấy rõ ràng rằng, Sứ Đồ Phi-e-rơ là người đã lập gia đình, bằng chứng là ông có bà gia (tức mẹ vợ, hay còn gọi là Nhạc Mẫu). Hơn nữa, hôn nhân là do chính Đức Chúa Trời thiết lập như đã được ghi lại trong Sách Sáng Thế Ký, chương 2, từ câu 18 đến 25. Vậy mà có Giáo Hội dám “vượt qua lời đã chép” cấm hàng Giáo Phẩm của họ không được lấy vợ mới lạ chứ?

Đi xa Kinh Thánh hơn nữa, Giáo Hội đó còn tin rằng, Phi-e-rơ là không sai lầm, nên đưa ra quan niệm rằng người lãnh đạo tối cao của Giáo Hội đó là vô ngộ (tức không sai lầm). Trong khi đó, Kinh Thánh ghi lại việc làm sai lầm trầm trọng của Phi-e-rơ như sau: “Từ đó, Đức Chúa Giê-su mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu! Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phi-e-rơ rằng: Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta” (Sách Ma-thi-ơ, chương 16, câu 21-23).

Với việc can ngăn Chúa Giê-su lên thập tự giá, Phi-e-rơ tưởng làm như thế là thể hiện mình thương Chúa, yêu Chúa, không bao giờ muốn Chúa đi đến chỗ chết. Nhưng Chúa Giê-su đã quở trách ông rất nặng.

Một chỗ khác, Kinh Thánh cũng có ghi lại một việc làm không đúng khác của Phi-e-rơ: “Nhưng khi Sê-pha (tức là Phi-e-rơ) đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng: nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa?” (Sách Ga-la-ti, chương 2, câu 11-14).

Rõ ràng, Sứ Đồ Phi-e-rơ không phải là người vô ngộ như nhiều người đã quan niệm một cách sai lầm, với mục đích để biện minh cho quan điểm muốn tôn sùng người lãnh đạo tối cao của Giáo Hội đó là không sai lầm. Thật là một quan điểm không thể chấp nhận được.

Là người tin Chúa, xin Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta nhận biết được lẽ thật nầy: Chỉ có một mình Đức Chúa Trời Ba Ngôi là Đấng vô ngộ (tức không sai lầm) mà thôi. Còn tất cả mọi người đều là tội nhân trước mặt Chúa và đầy dẫy những sai lầm, thiếu sót, cần được Chúa thương xót và ban ơn.

Nhân Ngày Lễ Mẹ năm nay, cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tất cả những người Mẹ: Thân Mẫu (Người sinh ra mình), Nhạc Mẫu (Người sinh ra vợ mình), Quân Mẫu (Người sinh ra chồng mình), Tức Phụ (Con dâu, người sinh ra cháu mình), và cả những người chuẩn bị làm Mẹ một ngày Lễ Mẹ thật nhiều niềm vui và bình an từ Thiên Chúa ban cho.

California, Mừng Ngày Lễ Mẹ 2024!

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu

1 facebook.com/vuihocchuhan