(Viết nhân hiện tượng Thầy Tu Phật Giáo Thích Minh Tuệ ở Việt Nam đang làm dậy sóng cộng đồng mạng xã hội hiện nay)
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 7: 21; Công Vụ Các Sứ Đồ 16: 31; Rô-ma 2: 28, 29; Gia cơ 2: 1-9
Những ngày vừa qua, tại Việt Nam, rộ lên một hiện tượng làm... nóng cả mạng xã hội, thu hút được rất nhiều người quan tâm, theo dõi.
Hiện tượng ấy là có một người đàn ông, tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, tại Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh, được người ta gọi là thầy Thích Minh Tuệ, mặc áo thầy tu kiểu mới (đủ màu, chứ không phải chỉ màu vàng, hay màu đà như chúng ta thường thấy trong truyền thống của các thầy tu trong Phật Giáo), để đầu trần, đi chân đất, ôm bình bát bằng nồi cơm điện, khất thực từ Nam ra Bắc để tu hành theo những lời Phật Thích ca dạy, mong tìm được sự... giải thoát cho mình.
Nếu xem trên mạng xã hội, bạn sẽ dễ dàng thấy có khá nhiều người cùng đi theo người thầy tu nầy.
Thầy Minh Tuệ đi đến đâu thì có người ra đón chào thầy và cho thức ăn, nước uống đến đó (ngôn ngữ nhà Phật gọi là “cúng dường”). Thầy cho biết chỉ ăn một bữa trong ngày, và không nhận tiền của ai. Rất nhiều người cảm mến thầy, tôn trọng thầy, và đặc biệt có nhiều người già có, trẻ có, nam có, nữ có, sang trọng có, nghèo hèn có còn... tôn thờ thầy nữa. Họ đến trước mặt thầy quỳ mọp người xuống đất thành kính vái lạy thầy ba, bốn lạy, như là vái lạy một vị... thánh sống vậy. Có người còn... tạc tượng thầy bằng đất, rồi có người còn tạo tượng thầy một cách trang trọng trên đầu tóc của mình nữa.
Ngược lại với sự cảm mến, tôn trọng, tôn thờ thầy như... Phật sống giữa thời buổi nhiễu nhương nầy, thì cũng có không ít người (trong đó có nhiều thầy tu ở các chùa Phật Giáo) lại lên tiếng chế giễu, chê bai, nhục mạ, thậm chí có những lời lẽ chống đối ra mặt những hành động tu hành của thầy.
Nghe đâu, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng vừa ra văn thư chính thức lên tiếng không công nhận thầy là tu sĩ Phật Giáo. Sao lạ vậy nhỉ???
Tại sao có nhiều người cảm mến, tôn trọng, thậm chí tôn thờ thầy như... Phật sống? Có lẽ người ta thấy thầy... hiền lành, có tấm lòng chân thành, không tham lam tiền bạc, của cải (thầy không nhận tiền cúng dường), không sân si?
Thầy Minh Tuệ thường khẳng định với mọi người mến mộ mình là thầy không phải sư, cũng không thuộc môn phái nào, không thuộc chùa nào cả. Thầy tự nguyện đi khất thực để tu luyện theo lời Phật Thích Ca dạy, mong tìm được... sự giải thoát cho bản thân mình mà thôi.
Từ câu chuyện của người thầy tu nầy, xin có vài suy nghĩ tản mạn về... thầy tu và chiếc áo.
Có câu nói rất hay rằng: “Một chiếc áo không làm nên thầy tu.”
Thầy Minh Tuệ đi tu mà không có một chiếc áo tu giống như nhiều thầy tu truyền thống khác đã có; nhưng thầy lại được nhiều Phật tử cũng như nhiều người khác ngưỡng mộ, tôn trọng, thậm chí thờ lạy nữa.
Thật đúng là, “một chiếc áo không làm nên thầy tu”; nhưng chính việc thực hành sự tu luyện mới làm nên một... thầy tu thực sự. Người ta không ngưỡng mộ thầy khi nhìn thấy chiếc áo tu của thầy; nhưng ngưỡng mộ thầy vì cách tu của thầy là làm theo lời Phật dạy.
Dầu “một chiếc áo không làm nên thầy tu” là đúng; nhưng mặt khác, người ta cũng nói, “đã là thầy tu thì phải có cái áo”. Vâng, thầy Minh Tuệ cũng có một... chiếc áo thầy tu rất đặc trưng theo cách của thầy.
Vì thầy Minh Tuệ tu theo phái “khổ hạnh đầu đà” (nghĩa là tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm), nên trên hành trình đi bộ, thầy thường tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho, thầy sẽ không nhận. Chính vì vậy mà chiếc áo tu của thầy có nhiều màu khác nhau, rất lạ, chứ không phải một màu vàng hay đà như áo của các các thầy tu truyền thống mà ta thường thấy.
Thế thường, con người chúng ta hay có tâm lý đánh giá một con người dựa vào vẻ bề ngoài như áo quần, giày dép, xe cộ, theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong”. Đó là cách đánh giá không chính xác, nếu không muốn nói là... sai trật. Chúng ta thấy trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều người ăn mặc rất bình dân, nhưng lại có một tâm hồn cao thượng đáng nể. Ngược lại, có những người ăn mặc rất bảnh bao, sang trọng, nhưng lại có một nhân cách rất thấp hèn. Chính vì thế nên người ta mới nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu” là vậy.
Kinh Thánh có đề cập đến cách đánh giá sai lầm của con người chúng ta khi nhìn vào vẻ bề ngoài: “Hỡi anh em, anh em đã tin đến Đức Chúa Giê-su Christ, là Chúa vinh hiển chúng ta, thì chớ có tây vị người nào. Giả sử có người đeo nhẫn vàng, mặc áo đẹp, vào nơi hội anh em, lại có người nghèo, quần áo rách rưới, cũng vào nữa; nếu anh em ngó kẻ mặc áo đẹp, mà nói rằng: Mời ngồi đây, là chỗ tử tế; lại nói với người nghèo rằng: Hãy đứng đó, hoặc ngồi dưới bệ chân ta, thế có phải anh em tự mình phân biệt ra và lấy ý xấu mà xét đoán không? Hỡi anh em rất yêu dấu, hãy nghe nầy: Đức Chúa Trời há chẳng lựa kẻ nghèo theo đời nầy đặng làm cho trở nên giàu trong đức tin, và kế tự nước Ngài đã hứa cho kẻ kính mến Ngài hay sao? Mà anh em lại khinh dể kẻ nghèo! Há chẳng phải kẻ giàu đã hà hiếp anh em, kéo anh em đến trước tòa án sao? Há chẳng phải họ phạm thượng đến danh tốt đã lấy đặt cho anh em sao? Thật vậy, nếu anh em vâng giữ cho trọn vẹn luật pháp tôn trọng, theo như Kinh Thánh rằng: Hãy yêu người lân cận như mình, thì anh em ăn ở tốt lắm. Nhưng nếu anh em tây vị người ta, thì phạm tội, luật pháp bèn định tội anh em như kẻ phạm phép” (Sách Gia-cơ, chương 2, câu 1 đến 9).
Tâm lý thông thường của con người là chúng ta hay trọng những người giàu sang, ăn mặc đẹp đẽ, dành cho họ chỗ ngồi vinh dự; và xem thường những người nghèo khổ, ăn mặc rách rưới, dành cho họ chỗ ngồi thấp kém hơn. Tự chúng ta cố tình phân biệt và thiên vị, phân cấp thứ hạng giàu nghèo, sang hèn. Kinh Thánh cho biết khi làm như thế là chúng ta đã mắc tội với Chúa rồi.
Kinh Thánh cũng cho biết: “Vì người nào chỉ bề ngoài là người Giu-đa, còn phép cắt bì làm về xác thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt bì; nhưng bề trong là người Giu-đa mới là người Giu-đa, phép cắt bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng liêng, không theo chữ nghĩa mới là phép cắt bì thật” (Sách Rô-ma, chương 2, câu 28 và 29).
Bi kịch của người Do Thái, ấy là việc họ hãnh diện vào dấu hiệu cắt bì theo phần xác bên ngoài, thay vì phép cắt bì bên trong của tấm lòng. Một người Do Thái thật là người từng trải kinh nghiệm thuộc linh với Chúa trong lòng, chớ không chỉ là sự phẫu thuật của thân thể bên ngoài.
Chúa Giê-su cũng nói “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên Đàng đâu; nhưng chỉ kẻ nào làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi” (Sách Ma-thi-ơ, chương 7, câu 21).
Quả thật vậy, người theo Chúa, tin Chúa thật sự không dựa vào vẻ bề ngoài của họ với danh hiệu là Cơ-đốc nhân; nhưng dựa vào cách thực hành đức tin của người ấy với Chúa, dựa vào cách người ấy có vâng giữ, làm theo Lời Chúa dạy hay không?
Còn nhớ, Chúa Giê-su có lần đã từng phán: “Khi Đức Chúa Giê-su còn phán cùng dân chúng, thì mẹ và anh em Ngài đến đứng ngoài, muốn nói cùng Ngài. [Có người thưa cùng Ngài rằng: Đây nầy, mẹ và anh em thầy ở ngoài, muốn nói cùng thầy.] Ngài đáp rằng: Ai là mẹ ta, ai là anh em ta? Ngài giơ tay chỉ các môn đồ mình, mà phán rằng: Nầy là mẹ ta cùng anh em ta! Vì hễ ai làm theo ý muốn Cha ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em ta, cùng là mẹ ta vậy” (Sách Ma-thi-ơ, chương 12, câu 46 đến 50).
Người thực sự là anh em, chị em và là mẹ của Chúa không phải là mối liên hệ huyết thống về xác thịt, mà bèn là mối liên hệ về thuộc linh, qua việc làm theo ý muốn của Cha Ngài ở trên trời.
Chúa không đánh giá con người dựa vào hình thức, vóc dáng, diện mạo bên ngoài; nhưng Ngài nhìn thấy tận nơi sâu thẳm trong lòng con người chúng ta.
Lời Chúa phán: “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem, loài người xem bề ngoài; nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (Sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương 16, câu 7).
Cách đây mấy năm, trong kỳ đại dịch Covid 19, đã từng có một hệ phái Tin Lành cũng công khai tuyên bố rằng Hội Thánh nọ không phải là Hội Thánh Tin Lành, trong khi những người đó cũng cùng niềm tin nơi Chúa Giê-su như mình.
Họ có thể nói Hội Thánh đó không thuộc hệ phái của họ thì đúng; chứ làm sao họ lại dám tuyên bố Hội Thánh đó không phải là Hội Thánh Tin Lành, không phải là Hội Thánh của Chúa?
Thật đáng buồn cho một lời tuyên bố sai trật như thế!
Lại nói về chuyện người thầy tu tên Thích Minh Tuệ,
Phải công nhận, Thích Minh Tuệ là người có tấm lòng với Phật Thích Ca-một Giáo Chủ mà thầy ngưỡng mộ, muốn rời bỏ sự ham muốn tiền bạc, giàu sang ở đời để đi khất thực suốt đời, tu luyện theo lời Phật dạy, hầu mong “giải thoát” bản thân khỏi mọi sự tham, sân, si.
Không biết rồi đường tu của thầy tới đâu và sẽ được bao lâu? Cho đến chừng nào thầy mới được... giải thoát để thân tâm được an lạc như lòng mong ước của thầy cũng như của nhiều tín đồ Phật Giáo ao ước???
Thánh Kinh cho chúng ta biết: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá; và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi” (Sách Ê-sai, chương 64, câu 6).
“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Sách Rô-ma, chương 3, câu 23).
Hầu như tất cả các tôn giáo của thế gian nầy đều lấy việc tu hành, công đức để làm cho mình được trở nên công bình, xứng đáng, và rồi hy vọng sẽ được... giải thoát.
Người xưa có câu “Chung thân hành thiện thiện du bất túc, nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư” (Nghĩa là cả đời làm lành, lành không đủ; một ngày làm ác, ác dư thừa)
Tin Lành của Đức Chúa Trời là Đạo của Đức Tin, Đạo của Ân Điển, chứ không phải là Đạo của tu hành, công đức.
Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết, công bình, còn loài người là tội nhân đáng chết trước mặt Ngài, con người với bản chất yếu đuối, xấu xa, làm sao có khả năng làm lành đủ để được Đức Chúa Trời chấp nhận? Vả lại, mọi việc làm lành, tu thân, hành xác của con người trước mặt Đức Chúa Trời chỉ như một chiếc áo nhớp không hơn, không kém.
Đức Chúa Trời biết con người bất lực hoàn toàn trong sự tự giải thoát chính mình khỏi tội lỗi, nên Ngài đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giê-su xuống thế làm người để chịu chết đền tội cho chúng ta hai ngàn năm qua. Ngài đã bị chôn trong mồ mả ba ngày, sau đó sống lại và sống đời đời, để ban sự cứu rỗi cho những ai tin nhận Ngài.
Chúa Giê-su là giải pháp duy nhất cho vấn đề tội lỗi của con người. Không có con đường nào khác để được cứu rỗi, để được giải thoát, ngoài Chúa Cứu Thế Giê-su!
Kinh Thánh khẳng định: “Hãy tin Đức Chúa Giê-su thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi” (Sách Công Vụ, chương 16, câu 31).
Kinh Thánh không dạy “tu” để được cứu mà dạy tin Chúa Giê-su thì sẽ được cứu rỗi!
Ước chi có ai đó tặng cho thầy Thích Minh Tuệ một quyển Kinh Thánh Tân Ước, hoặc thầy có dịp được đọc Kinh Thánh để nhận biết Chúa Giê-su là con đường giải thoát duy nhất; hầu đem lòng tin trọn vẹn nhận lấy Ngài, thì thầy sẽ được Ngài tha thứ tội lỗi, được làm con cái của Ngài, và cuộc đời của thầy sẽ bình an, phước hạnh biết bao!
Cầu xin Đức Chúa Trời ban ơn giải cứu cho nhiều người Việt Nam thân yêu, hầu danh Chúa Giê-su được tôn cao trên khắp quê hương Việt Nam!
California, Tháng 5/ 2024!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu