(Kính tặng những người cha ở khắp mọi nơi!)
Kinh Thánh: Rô-ma 10: 15; I Phi-e-rơ 3: 15
Như chúng ta đã biết, Chúa Nhật thứ ba của Tháng Sáu hằng năm là Ngày Lễ Cha. Lễ Cha là một ngày dành để cho những người con bày tỏ lòng biết ơn người cha đã có công sinh thành dưỡng dục mình.
Với tôi, Lễ Cha là một ngày đáng yêu và đáng mong đợi trong năm.
Nhân Ngày Lễ Cha năm nay, xin được thưa chuyện với quý độc giả và thính giả về... Thân Phụ và... Quân Phụ.
Trước hết, xin được thưa chuyện về... Thân Phụ.
Thân Phụ là người cha đã... sinh ra mình. Người Việt mình thường nói câu “Cha sinh mẹ đẻ” là... có lý lắm vậy. Thực ra thì cha chẳng thể nào... sinh được như mẹ; nhưng sở dĩ người ta thường nói “cha sinh mẹ đẻ” là để cho ta biết rằng cả cha lẫn mẹ đều góp phần... hình thành nên ta. Một mình cha hay một mình mẹ đều không thể nào... làm nên ta được, phải là cả hai. Từ rất lâu nay, tôi chỉ nghe người ta nói là “Cha sinh mẹ đẻ”, chứ chưa nghe ai nói ngược lại là “Cha đẻ mẹ sinh”. Không biết vì sao???
Từ “Phụ” có nghĩa là Cha (nói đến người đàn ông); nhưng... phụ nữ thì lại là... đàn bà. Cũng không hiểu tại sao lại... ngược đời như thế không biết nữa?
Tình phu phụ thì có nghĩa là tình chồng vợ.
Ca Dao có câu: “Mình về tôi cũng về theo
Sum vầy phu phụ (chồng vợ), giàu nghèo có nhau."
Cũng có câu “Phu quý phụ vinh”, nghĩa là chồng được phú quý, sang trọng thì vợ cũng được vinh hiển, danh giá.
Thật thú vị khi có hai chữ “phụ” được dùng rất nhiều trong tiếng Việt, thì một chữ được dùng để chỉ về... người đàn ông, một chữ lại dùng để chỉ về... người đàn bà.
Người ta gọi anh ruột của cha là... bá phụ, em ruột của cha là... thúc phụ, (bá là anh, thúc là em). Cha dượng thì gọi là... kế phụ( tức là người chồng thứ hai của mẹ). Còn... phụ lão là để chỉ những người lớn tuổi.
Còn từ "phu phụ" nghĩa là chồng vợ, phu là chồng và phụ là vợ. Chữ "phụ" ở đây lại chỉ người đàn bà.
Chữ Nho có câu “Phu xướng phụ tùy” (nghĩa là chồng xướng vợ theo)
Ngôn ngữ tiếng Việt mình nghe cũng... rối rắm, chứ không phải dễ để... thông thạo cho hết được đâu!
Thân Phụ và Thân Mẫu thì người ta gọi là song thân, nghĩa là cả cha lẫn mẹ đều góp phần... hình thành nên ta như đã nói ở trên.
Thân Phụ của bạn có còn sống không? Thân Phụ tôi thì đã qua đời về trước “Miền Phước Hạnh” trên trời cách nay đã hơn hai mươi năm rồi. Mỗi lần đến Ngày Lễ Cha là lòng tôi trào dâng bao cảm xúc bồi hồi khó tả, khi nhớ về Người.
Thân Phụ tôi là một Mục Sư và là một Mục Sư lãnh đạo. Ông là một Mục Sư lãnh đạo mạnh mẽ, và có tính quyết đoán. Trong những tình huống khó khăn, nan giải, Thân Phụ tôi thường đưa ra được những quyết định dứt khoát và đúng đắn, làm thay đổi được tình thế một cách tốt đẹp.
Tính tình Thân Phụ tôi có những nét... đặc biệt mà tôi rất... ấn tượng. Người rất nhanh nhẹn, mau mắn trong công việc cũng như trong ăn uống. Thành ngữ “Chậm như rùa” có lẽ không hợp với tính cách của Thân Phụ tôi. Còn nhớ có lần, Thân Phụ tôi đi công việc với người con rể, đến trưa, khi về, ghé vào quán bún bên đường, hai cha con cùng ăn trưa. Vừa kêu hai tô bún ra, sau khi cầu nguyện xong, hai cha con vừa ăn vừa nói chuyện. Người con rể ăn mới được đâu nửa tô, thì Thân Phụ tôi đã ăn xong tự hồi nào rồi, ông uống nước, gọi tính tiền và... ngồi chờ anh con rể ăn cho xong để đi về. Là con trong nhà, nên chúng tôi hiểu được tính nhanh nhẹn của Thân phụ mình, nên mỗi khi vào quán ăn với Người, anh em chúng tôi đều lo... tích cực ăn để đi, chứ không để Thân phụ chờ. Thân Phụ tôi ít khi nào... cà kê dê ngỗng, dây cà dây muống. Việc gì Người cũng may mắn cả.
Những ngày đầu năm mới, Thân phụ tôi thường đi thăm tín đồ, những gia đình người ngoại ở gần những gia đình tín đồ cũng mong muốn Thân phụ tôi ghé thăm họ dịp đầu năm, có lẽ họ nghĩ rằng người có tính may mắn như Thân phụ tôi mà ghé thăm thì cả năm họ sẽ được... may mắn, ăn nên làm ra, mua mau bán đắt chăng???
Ngoài Thân phụ ra, tôi còn có một Quân phụ (tức cha chồng) nữa.
Quân Phụ tôi sở hữu một mái tóc bạc phơ đẹp tuyệt và một nụ cười thật nhân hậu. Nhớ đến Người, tôi nhớ đến mái tóc và nụ cười ấy biết bao!
Quân Phụ tôi sống thanh bạch, giản dị, thật thà, không cầu kỳ, se sua. Tôi thích tính cách ấy của Người, và tính cách ấy có lẽ cũng đã ảnh hưởng đến chồng tôi rất nhiều cho đến ngày hôm nay.
Nhớ đến Quân Phụ tôi, tôi nhớ nhất là đức tin nơi Chúa của Người.
Cha chồng tôi tin Chúa một cách chân tình, và hết mình, không chút màu mè, kiểu cách. Có thể nói, đối với Quân Phụ tôi, không có gì quý báu, quan trọng với Người bằng Chúa cả. Chúa là trước hết và trên hết.
Dù cuộc sống còn nghèo khó, nhưng Quân Phụ tôi quyết định chỉ làm việc để lo cho cuộc sống bốn đến năm ngày một tuần thôi. Những ngày còn lại, Thứ Năm thì ông thường dành để đi rao giảng Tin Lành ở các địa phương trong Huyện Thăng Bình (Tỉnh Quảng Nam) cùng với các con cái Chúa khác trong Hội Thánh. Có thể nói “bàn chân rao truyền Tin Lành”của Quân Phụ tôi đã đặt hầu như khắp nơi trong địa bàn Huyện Thăng Bình thân yêu. Thứ Bảy, ông dành thì giờ đến Nhà Thờ để quét dọn, lau chùi Nhà Thờ cho sạch sẽ, chuẩn bị cho buổi thờ phượng Chúa ngày hôm sau được tươm tất. Ngày Chúa Nhật, thì dành cho Chúa để thờ phượng Ngài và nghỉ ngơi về thể xác.
Tôi rất vui khi thỉnh thoảng cùng chồng đi ra các nơi trong Huyện Thăng Bình chia sẻ Tin Lành cho bà con tại địa phương, thì người ta thường hay hỏi “Có phải đạo Tin Lành mà ông cụ tóc bạc phơ thường hay đi nói đó không?”
Có thể nói tinh thần rao giảng Tin Lành của Quân Phụ tôi thật đáng nể đối với tôi, vì Người đi hầu như khắp vùng Huyện Thăng Bình, sẵn sàng giới thiệu về Chúa cho tất cả mọi người, bất kể người đó là ai mà không sợ hãi gì hết, đúng như tinh thần của câu Kinh Thánh: “Hãy tôn Đấng Christ là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ” (Sách Phi-e-rơ thứ nhất, chương 3, câu 15).
Mỗi khi nhớ đến câu Kinh Thánh “Những bàn chơn kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao!” (Sách Rô-ma, chương 10, câu 15) là tôi nhớ đến bàn chân rao giảng Tin Lành của Quân Phụ tôi, một đôi bàn chân chai sạm; nhưng đó là đôi bàn chân đẹp biết bao!
Học theo gương làm chứng về Chúa của Quân Phụ ngày xưa, ngày hôm nay, chồng tôi cũng nhờ ơn và sức của Chúa, ra đi rao giảng Tin Lành cho đồng bào của mình ỏ nhiều nơi nhiều chỗ từ gần đến xa.
Ước ao Chúa cho ngày càng có nhiều tôi, con Chúa ở khắp mọi nơi có tình thần sẵn sàng rao giảng Tin Lành, không sợ hãi gì hết để có thêm người biết đến Chúa và tin nhận Ngài, hầu hưởng được sự sống đời đời.
Cảm tạ Chúa đã ban cho cha chồng có một tấm lòng như thế!
Cả Thân Phụ và Quân Phụ tôi đều đã được Chúa đem về “Miền Phước Hạnh” hơn hai mươi năm qua rồi.
Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi có được một Thân Phụ và Quân Phụ thật đáng kính, để lại cho tôi nhiều bài học quý báu trên linh trình theo Chúa và hầu việc Ngài!
Nhân Ngày Lễ Cha, nhắc lại những nét tính cách đẹp đẽ của hai người Cha (Thân Phụ, người sinh ra tôi, và Quân Phụ, người sinh ra... nhà có tóc (chồng) của tôi) để biết ơn hai Người Cha, và cũng để nhớ về hai người Cha kính yêu. Ước chi hai người Cha của tôi còn sống cho đến ngày hôm nay thì tôi sẽ hạnh phúc, sung sướng biết bao nhiêu!
Những ai còn Thân Phụ và Quân Phụ sống với mình thì đó là điều rất quý. Hãy biết tận dụng thời gian để ở gần với họ, làm những việc hữu ích để bày tỏ lòng hiếu kính với họ ngay khi họ còn sống bên cạnh mình.
Cảm tạ Cha trên trời (Thiên Phụ) từ ái đã ban cho tôi và bạn có Thân Phụ và Quân Phụ trong cuộc đời nầy để nuôi nấng, dạy dỗ mình cũng như chồng mình nên người, và lập gia đình cho chúng ta trong tình yêu thương!
Tình yêu của Thân Phụ và Quân Phụ dù có lớn lao như núi, như Ca Dao đã nói “Công cha như núi Thái Sơn”, cũng không thể nào sánh nổi với tình yêu vĩ đại của Thiên Phụ dành cho con người được. Nếu tình yêu của Thân Phụ và Quân Phụ được ví cao lớn như núi Thái Sơn, thì tình yêu của Thiên Phụ bao la, cao sâu hơn cả vũ trụ, trời đất nầy gấp nhiều lần. Tình yêu của Thiên Phụ dành cho loài người là vô hạn vậy!
Cầu xin Chúa ban nhiều niềm vui và bình an cho tất cả những người cha (Thân Phụ, người sinh ra mình, và Quân Phụ, người sinh ra chồng mình) nhân ngày Lễ Cha năm nay!
California, Tháng 6/ 2024!
Happy Father’s Day!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu