Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 378

Chuyện... Luật Pháp Và... Ân Điển

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 18: 23-35; Ga-la-ti 3: 24; 5: 18

Luật pháp và ân điển là hai thuật ngữ thần học được bày tỏ trong Kinh Thánh.

Luật pháp nói đến những luật lệ và phép tắc mà con người phải tuân theo để được sống bình yên và vui vẻ. Hầu như quốc gia nào cũng có hiến pháp và luật pháp để người lãnh đạo điều hành đất nước và giữ gìn trật tự, kỹ cương của xã hội. Một trong những bộ luật lâu đời nhất trên thế giới là luật của Môi se được ghi lại trong Kinh Thánh Cựu Ước. Nhiều quốc gia đã dựa trên bộ luật quan trọng nầy để làm ra luật pháp cho quốc gia của mình, trong đó có nước Mỹ.

Có thể nói, nước Mỹ là một quốc gia ngay từ khi thành lập đã đặt luật pháp của quốc gia mình trên nền tảng là Kinh Thánh. Nước Mỹ được mệnh danh là “Một Quốc Gia Dưới Quyền Đức Chúa Trời”

Ở trên đồng tiền đô-la của mình, nước Mỹ đã cho in trang trọng dòng chữ IN GOD WE TRUST (Nghĩa là CHÚNG TÔI TIN CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI). Không có đồng tiền của quốc gia nào đặc biệt như thế! Điều đó nói lên tấm lòng biết nhờ cậy Đức Chúa Trời của người Mỹ, cũng như người Do-thái luôn luôn biết tin cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ vậy.

Luật pháp của người Do-thái được ghi lại trong Kinh Thánh có ít nhất 613 điều mà con người phải tuân giữ và làm theo để cuộc đời của họ được bình yên và phước hạnh, trong đó có 248 điều nên làm, và 365 điều không nên làm.

Còn Ân điển là nói đến đặc ân, hay phước hạnh đặc biệt mà Đức Chúa Trời ban cho người không xứng đáng nhận lại được nhận. Hay nói cách khác, ân điển là khi Chúa chọn ban phước cho chúng ta thay vì đoán phạt chúng ta vì những tội lỗi của mình. Đó chính là sự nhân từ lớn lao của Đức Chúa Trời đối với những tội nhân đáng chết. Đặc ân hay phước hạnh đặc biệt đó là gì? Đó chính là món quà cứu rỗi được ban cho không điều kiện trong Đấng Christ khi tội nhân đón nhận nó bằng đức tin.

Khi nói đến luật pháp là nói đến Môi se, còn khi nói đến ân điển là nói đến Chúa Giê-su. Kinh Thánh cho biết: “Luật pháp đã ban cho bởi Môi se, còn ơn (ân điển) và lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà đến” (Sách Giăng, chương 1, câu 17).

Luật Môi se chỉ cho con người thấy tội lỗi và cho họ biết họ cần phải có Đấng Christ. Nếu không có luật pháp thì con người không thấy tội lỗi. Luật pháp chỉ cho con người biết họ là tội nhân. Chúa Giê-xu đã tuyên bố Ngài đến không phải để phá hủy nhưng làm cho trọn luật pháp. Điều nầy rất quan trọng, bởi vì có nhiều người nghĩ rằng việc giữ luật pháp Môi-sẽ có thể mang đến sự cứu rỗi cho họ; nhưng Kinh Thánh cho biết sự cứu rỗi chỉ đến bởi đức tin mà thôi: “Áp ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người” (Sách Sáng Thế Ký, chương 15, câu 6).

Cũng một thể ấy, hệ thống của tế lễ trong luật pháp Môi se không thể xóa sạch tội lỗi như Kinh Thánh đã chép: “Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 10, câu 4). Nó chỉ là hình bóng về sự gánh tội của Đấng Christ mà thôi. Tự bản thân luật pháp không có vấn đề, vì luật pháp là tốt lành vì được ban cho bởi Đức Chúa Trời: “Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành” (Sách Rô-ma, chương 7, câu 12); nhưng Luật pháp không có khả năng để ban cho con người sự sống mới, và trên một phương diện khác, con người với bản chất yếu đuối của mình, cũng không đủ sức để làm theo Luật pháp một cách trọn vẹn được: “Vì người nào giữ trọn luật pháp mà phạm một điều răn, thì cũng đặng tội như đã phạm hết thảy” (Sách Gia-cơ, chương 2, câu 10).

Nhưng có một Tin Mừng cho con người chúng ta, đó là Đức Chúa Giê-su Christ đã được “sinh ra dưới luật pháp để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp” là chúng ta (Sách Ga-la-ti, chương 4, câu 4).

Sứ Đồ Phao-lô đã từng viết: "Nhưng nếu anh em được Thánh Linh dắt dẫn thì chẳng ở dưới luật pháp đâu, nhưng ở dưới ân điển" (Sách Ga-la-ti, chương 5, câu 18). Nhờ đặt đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ, chúng ta không còn ở dưới luật pháp nữa, nhưng trái lại, luật pháp đang “ở dưới” chúng ta vậy.

Nói như thế thì luật pháp có còn cần thiết cho chúng ta nữa không? Cần chứ!

Luật pháp giống như chiếc gương soi chỉ cho chúng ta thấy tội lỗi. Khi chúng ta soi mặt mình vào gương, chúng ta thấy vết nhơ. Tấm gương chỉ cho chúng ta thấy vết nhơ, chứ không làm sạch vết nhơ cho chúng ta được.

Tương tự, luật pháp chỉ cho chúng ta thấy tội lỗi, chứ không làm sạch tội lỗi chúng ta được. Luật pháp dẫn chúng ta đến với Đấng Christ, Đấng duy nhất có thể làm sạch mọi tội lỗi chúng ta: “Luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình” (Sách Ga-la-ti, chương 3, câu 24).

Nếu luật pháp chỉ tội chúng ta, thì Đấng Christ tha tội chúng ta.

Chúng ta yếu đuối, không thể làm trọn luật pháp được, thì Đấng Christ đến để làm trọn luật pháp thay cho chúng ta. Đức Chúa Trời biết điều đó, nên Ngài làm điều mà con người không làm được: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Sách Rô-ma, chương 5, câu 8).

Thật đúng như lời Kinh Thánh đã chép: “vì luật pháp đã ban cho bởi Môi se, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà đến”( Sách Giăng, chương 1, câu 17).

Chúa Giê-su Christ đã ban ân điển cho chúng ta. Bởi ân điển đó, Ngài đã buông tha cho chúng ta được tự do rồi. Cho nên, chúng ta không còn phục dưới luật pháp nữa, nhưng phục dưới ân điển của Ngài.

Hãy biết rõ điều đó để được sống tự do, vui mừng và bình an trong ân điển của Đức Chúa Giê-su Christ, đừng để gánh nặng luật pháp đè nặng cuộc đời chúng ta nữa, sau khi chúng ta đã thuộc về Chúa Giê-su Christ và ở trong ân điển vô lượng vô biên của Ngài.

Không ít người đã được cứu nhờ ân điển bởi đức tin nơi Chúa Giê-su rồi lại còn cứ muốn trở về giữ luật pháp mới cảm thấy yên tâm về sự cứu rỗi của mình. Nếu chúng ta làm như thế là chúng ta đang làm cho Chúa buồn lòng, và xem thường sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Phao-lô khẳng định: “Tôi không muốn làm cho ân điển Đức Chúa Trời ra vô ích; vì nếu bởi luật pháp mà được sự công bình, thì Đấng Christ chịu chết là vô ích” (Sách Ga-la-ti, chương 2, câu 21).

Nhân nói chuyện về luật pháp và ân điển, chợt nhớ đến câu chuyện Chúa Giê-su kể như sau:

Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. Bởi vì người chẳng có gì mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết! Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho. Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta! Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ. Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy” (Sách Ma-thi-ơ, chương 18, câu 23 đến 35).

Câu chuyện có ý nghĩa thật sâu sắc.

Nhiều người trong chúng ta dầu đã được Chúa tha thứ hết tội lỗi rồi, nhưng vẫn còn sống trong tinh thần luật pháp với anh em của mình, đối xử với anh em mình... nặng mùi của luật pháp.

Chúa đã tha thứ hết mọi tội lỗi xấu xa của chúng ta. Ngài quăng nó khỏi xa chúng ta như phương Đông xa cách phương Tây vậy, không nhớ đến tội lỗi chúng ta nữa; nhưng chúng ta thì lại không tha thứ những lỗi lầm nhỏ của anh em mình. Chúng ta thường hay bắt tội anh em mình từng những sai phạm nhỏ nhặt trong đời sống.

Nhiều người trong chúng ta muốn người khác đối xử cách nhân từ, ân điển với mình khi mình phạm lỗi với họ; nhưng rồi mình lại đối xử với anh em mình theo cách luật pháp khi họ phạm lỗi gì đó với mình.

Đó là điều Chúa không vui lòng chút nào!

Chúa muốn chúng ta là con cái Ngài: “Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Sách Ê-phê-sô, chương 4, câu 32).

Nếu chúng ta không chịu tha thứ cho anh em mình thì chúng ta sẽ bị Chúa xét đoán. Chính Chúa đã phán: “Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy. Các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy” (Sách Ma-thi-ơ, chương 7, câu 2).

Xin Chúa thương xót và cho mỗi người trong chúng ta biết sống và đối xử với nhau trong ân điển và trong lẽ thật của Ngài, chứ đừng lúc nào cũng đem luật pháp ra mà chỉ trích nhau và lên án nhau nữa!

California, Tháng 7/ 2024!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu