Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 3: 19; Ê-sai 29: 6
Hầu như bất cứ người Việt nào cũng kêu “Trời ơi!”, dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù học thức hay bình dân...
Có người đã nhận xét:
“Dân Việt Nam là dân hữu thần, sống rất gần gũi với Trời. Từ khi chào đời tới khi qua đời, người ta nói rất nhiều tới Trời xanh cao cả trên đầu, qua trời xanh đó, người ta nhận rằng có Đấng tối cao dựng nên trời đất, cai quản vũ trụ, nhất là loài người”
Có thể nói, thờ Trời là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu của tất cả các dân tộc trên thế giới từ xưa cho đến nay.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao con người lại có nhu cầu thờ Trời?
Câu trả lời không lấy gì làm khó khăn, ấy là tại vì chính Ông Trời đã sáng tạo nên con người cũng như muôn loài vạn vật.
Giống như con cái thì phải hiếu kính cha mẹ, mà không cần phải thắc mắc hay lý luận gì cả, bởi vì cha mẹ là người đã sinh thành, dưỡng dục mình; thì đã sinh ra làm người, con người phải thờ Trời là lẽ đương nhiên vậy.
Có một điều rất dễ thấy trong cuộc sống, cho dù bạn là ai, thuộc dân tộc nào trên thế giới nầy và đang theo một tôn giáo nào đi chăng nữa, khi gặp tai nạn hay chuyện gì bất trắc nguy hiểm đến tính mạng, thì tự nhiên người đó sẽ bật kêu lên mấy tiếng “Trời ơi, cứu tôi!”, chứ không kêu một ai khác. Vì sao? Câu trả lời cũng rất tự nhiên là vì chính Ông Trời đã tạo nên mình.
Tiếng kêu “Trời ơi!” và tâm thức thờ Trời đã được người Việt Nam thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
I. TÂM THỨC THỜ TRỜI CỦA NGƯỜI VIỆT NAM QUA CA DAO, TỤC NGỮ:
1. Thờ Trời và Nhờ Trời:
Khi hạn hán, nắng nóng, thiếu nước để uống, để cày ruộng, thì người dân kêu cầu xin Ông Trời cho mưa xuống:
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp!
“Lạy” là nói đến một hành động của sự thờ phượng. “Lạy” là tôn cao, suy phục một đối tượng đáng tôn trọng và đầy quyền năng. Đối tượng ở trong câu hát trên chính là Ông Trời.
Người Việt tin tưởng nơi tấm lòng tốt của Ông Trời dành cho người có chí hay lam hay làm:
Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
“Hay làm thì giàu, có chí thì nên” là điều hữu lý, không ai không đồng ý.
Mặt khác, cho dù người ta có siêng năng, chăm chỉ bao nhiêu đi chăng nữa cũng không bằng Trời cho là sẽ không mấy hồi mà có của ăn của để:
Trời cho không thấy,
Trời lấy không hay.
Lý do ông cha ta dạy làm người thì phải nhờ Trời và phải thờ Trời là đây:
Con chim nó hót trên cành,
Nếu Trời không có,
có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có,
làm sao có mình?
Mượn hình ảnh con chim hót trên cành cây để qua đó thể hiện tấm lòng biết đến nguồn cội, gốc rễ của mình. Nguồn cội của con người chính là Ông Trời. Gốc rễ của con người chính là Ông Trời.
Đó chính là sự tinh tế, sâu sắc của cha ông ta!
Nhìn lên núi, nhìn xuống sông, rồi nhìn ra biển thì sẽ biết có Ông Trời là Đấng tạo dựng:
Núi kia ai đắp nên cao,
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
Hay nhìn gần hơn, nhỏ hơn, nhìn cái gai trên rừng, nhìn trái trên cây thì ta cũng biết mọi vật không thể tự nhiên mà có được như ta thấy:
Gai trên rừng ai mứt mà nhọn,
Trái trên cây ai vo mà tròn?
2. Kêu Trời:
Khi thấy có người... làm chơi mà ăn thiệt, ăn nên làm ra; có người thì làm đổ mồ hôi trán mà vẫn... thiếu ăn, người Việt than thở:
Trời sao Trời ở chẳng cân,
Kẻ ăn không hết, người lần không ra.
Đã đành rằng từ khi phạm tội, con người phải làm “đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Kinh Thánh); nhưng nên nhớ nếu Trời không cho mưa thuận gió hòa, thì cũng không có mùa màng tốt tươi, kết quả được. Và dẫu cho có mùa màng tốt tươi đó; nhưng Ông Trời làm cho một trận lụt, một cơn bão đổ xuống bất ngờ, thì cũng “của sông đổ biển” mà thôi, chỉ còn biết “giương hai mắt ếch” nhìn lên trời và... than Trời chứ còn biết làm chi hơn:
Của Trời, Trời lại lấy đi,
Giương hai mắt ếch làm chi được Trời?
Những cơn bão, những trận lụt thường đổ xuống đây đó gây thiệt hại, mất mát biết bao đồ của của con người, và cũng làm chết nhiều người nữa. Những “cơn giận” của thiên nhiên đó như những sự “thăm phạt” của Ông Trời đến với con người, vì những gì con người đã “đối xử” thiếu... nhân hậu với thiên nhiên, cây cỏ chung quanh mình:
Trời làm bão lụt mênh mông,
Sông khô hồ cạn, cá trên đồng còn chi.
Kinh Thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ dùng sấm sét, động đất, tiếng ầm, gió lốc, bão, và ngọn lửa thiêu nuốt mà thăm phạt chúng nó” (Ê-sai, chương 29, câu 6).
Khi có một sự việc gì đó xảy ra ngoài ý muốn, và vượt xa khả năng giải quyết của con người, thì người dân Việt chỉ còn nước... khóc và...giậm chân kêu đến Ông Trời giúp đỡ chứ không còn biết phải làm chi hơn:
Hai hàng nước mắt rưng rưng,
Chàng xa, thiếp cách, giậm chân kêu trời.
Thái độ đau đớn với nước mắt chảy rưng rưng, và hành động “giậm chân” thể hiện sự bất lực không thể nào giữ được người yêu mình ở lại bên mình được. Trong hoàn cảnh ấy, người ta chỉ còn biết cách giải tỏa sự đau đớn và bất lực lên Ông Trời mà thôi.
Một tác giả đã có thống kê như sau:
Ca Dao miền Trung có 4309 lời có từ chỉ thiên nhiên, trong đó có 598 lời có từ trời. Trong 598 lời ca dao có từ trời này có đến gần một nửa số lời (267 lời) mà trong đó chữ trời không phải dùng để chỉ các hiện tượng tự nhiên mà để chỉ một Đấng siêu nhiên, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến ông Trời
Qua thống kê trên, chúng ta thấy, người Việt Nam phân biệt rất rõ giữa các hiện tượng thiên nhiên, giữa bầu trời với Ông Trời; có nghĩa là giữa tạo vật với Đấng Tạo Hóa:
Trời sinh có biển có nguồn,
Có ta, có bạn, có buồn nỗi chi.
Hay:
Trời sinh cái cực mần chi,
Bán thì nỏ được, cho thì không ai xin.
“Trời sinh” là nói đến Đấng Tạo Hóa, còn “biển”, “nguồn”, “ta”, “bạn” là tạo vật của Ngài vậy.
(Còn tiếp)
California, Tháng 8/ 2024!
Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu