Kinh Thánh: Thi-thiên 103: 6; Châm Ngôn 15: 3; Ga-la-ti 6: 7
(Tiếp theo phần 1)
3. Ý Người và Ý Trời:
Ý người không thể vượt qua ý Trời được, vì con người ở dưới đất, còn Ông Trời ở trên cao. Con người hữu hạn, còn Ông Trời là Đấng vô hạn.
Ý Trời là một trong những quan niệm của người dân Việt từ ngàn xưa. Tất cả mọi sự đều là ý Trời, do Ông Trời định đoạt, không ai có thể... vượt được quyền Tạo Hóa:
Tơi mang không cổ, nón đội không vành,
Ông Trời đã định, rách lành phải theo.
Hôn nhân vợ chồng, người Việt cũng cho rằng do Ông Trời định đoạt, do ý Ông Trời tác hợp mà thành:
Lương duyên trời định đất kề,
Lòng em khăng khắng một bề anh thương.
Hay:
Thề xưa lời đã nặng lời,
Anh cố xa em đi nữa,
Nếu chẳng phải ý trời thời cũng khó xa.
Hoặc:
Nhờ ơn cô bác giúp lời,
Chị em giúp của, Ông Trời định đôi.
Hay:
Số Trời đã định
4. Trời Sinh, Trời Dưỡng:
Người Việt có quan niệm Trời sinh ra con người rồi thì không bỏ mặc con người, nhưng luôn luôn quan tâm, chăm sóc. Có nhiều câu Tục Ngữ rất sâu sắc như sau:
- Trời sinh, Trời dưỡng
- Trời sinh voi, sinh cỏ
- Trời xanh có mắt
- Trời cho, hơn lo làm
- Trời cho ai nấy hưởng, Trời kêu ai nấy dạ
Ông Trời có con mắt, nên soi xét khắp thế gian để thưởng thiện và phạt ác:
Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức trời dành phước cho.
Kinh Thánh cũng cho biết, con mắt Đức Chúa Trời soi xét khắp cả thế gian nầy:
“Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, xem xét kẻ gian ác và người lương thiện” (Châm Ngôn, chương 15, câu 3).
5. Than Trách Trời:
Khi thấy có những bất công trong cuộc sống, con người cũng không biết làm chi hơn là... than trách Ông Trời:
- Trời sao Trời ở chẳng cân,
Kẻ ăn không hết, người mần không ra
Hay:
- Trời sao trời ở chẳng công,
người ba bốn vợ, người không vợ nào?
6. Trời Phù Hộ, Độ Trì:
Để được Ông Trời phù hộ, độ trì, người Việt Nam dựng bàn thờ Ông Thiên trước sân nhà:
Hầu như trước sân nhà người Việt Nam nào cũng có một bàn thờ Ông Thiên (Ông Trời).
Bàn thờ này thật đơn giản. Người ta đặt lên đó một bình bông, một bát nhang, và một ly nước. Chủ nhà làm lễ tế Trời với tấm lòng thành khẩn thể hiện qua sự vái lạy của họ trước bàn thờ. Sáng và chiều, gia chủ đứng trước bàn thờ để vái bốn phương và dâng lời khấn xin Ông Trời phù hộ, độ trì cho gia đình thuận hoà, êm ấm, làm ăn phát đạt.
Sự thành khẩn với Ông Trời trước bàn thờ Thiên đó của người Việt Nam được thể hiện qua Ca Dao:
Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Hay một dị bản khác:
Đêm đêm thắp ngọn đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Khi sinh con cái, ngoài việc phải lo chăm sóc con mình như nuôi nấng, bú mớm như bao người làm cha mẹ khác; nhưng việc lớn khôn hay sự bình an của con cái là ngoài tầm tay của cha mẹ. Chính vì vậy, mà cha mẹ cần đến bàn tay của Ông Trời là Đấng cao cả, quyền năng vượt trên con người để bảo vệ, phù hộ, độ trì, che chở:
Lạy Trời phù hộ ấu nhi,
Ăn no chóng lớn, biết đi biết đùa.
Xin cho có được tuổi già bình an, trường thọ:
Lạy trời cho miễn sống lâu,
Ai kêu bằng chó bằng trâu cũng ừ
Tục Ngữ có câu rất sâu sắc nói về sự tài tình của Ông Trời:
Người tính không bằng Trời tính
Trời phù hộ, độ trì cho người có lòng thành với Ông Trời; nhưng ngược lại, Ông Trời cũng sẽ trừng phạt những kẻ sống trái Đạo Trời, sai lòng người.
7. Trời Trừng Trị:
Người Việt Nam tin rằng Ông Trời sẽ trừng trị những kẻ sống dối trá, lường gạt, sống hai lòng tráo trở, ăn ở thất đức:
- Anh mà có nói dối ai,
Thì Trời đánh chết dây khoai ngoài đồng.
- Em mà ăn ở hai lòng,
Trời tru đất diệt không mong thấy chàng.
Hoặc:
- Ai mà ở bạc có Trời,
Lòng em khăng khẳng một lời như xưa.
Hay:
- Thiên bất dung gian,
Người gian dối, lọc lừa, Ông Trời sẽ không dung tha.
Giáo Sư Nguyễn Văn Huyên đã nhận xét: “Ông giời, đối với người dân quê Việt Nam là nguồn gốc mọi sự sống và mọi lẽ công bằng. Đấy không phải là một vị thần trừu tượng và không thể hiểu. Người ta xem ông như một con người, vua của các vua. Ông có một triều đình, ông điều khiển tất cả cuộc sống trên trời và dưới đất. Ông trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt”
Nhận xét nầy khá đúng với Kinh Thánh.
Kinh Thánh cho biết, Đức Chúa Trời là Đấng công bình, chẳng vị nể ai cả.
Tác giả Thi-thiên thứ 103, câu 6 cho biết: “Đức Giê-hô-va thi hành sự công bình và sự ngay thẳng cho mọi người bị hà hiếp”
Sứ Đồ Phao-lô cho biết: “Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu, vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti, chương 6, câu 7).
Chữ Nho cũng có câu:
Vi thiện giả, Thiên báo chi dĩ phúc,
Vi bất thiện giả, Thiên báo chi dĩ họa
Nghĩa là: Người làm điều tốt, thì Trời báo lại cho điều tốt. Người làm điều không tốt, thì Trời báo cho lại điều không tốt vậy.
Một câu khác:
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Cao phi viễn tẩu giả nan tàng
Nghĩa là: Điều thiện hay điều ác cuối cùng rồi cũng sẽ có báo trả, cho dù có cao bay xa chạy cũng không thoát được.
(Còn tiếp)
California, Tháng 8/ 2024!
Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu