Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 2: 24
(Tiếp theo phần 2)
8. Ơn Trời, Đạo Trời:
Người Việt Nam phần đông sống bằng nghề nông, nên rất cần Ông Trời ban cho mưa nắng thuận hòa để mùa màng tươi tốt, kết quả. Và thế là họ cầu xin ơn Trời:
Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu,
Công lênh chẳng quản bao lâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Khi người mẹ sinh con, họ cầu Trời cho sinh được “mẹ tròn, con vuông” là không còn chi hạnh phúc hơn:
Lọt lòng nghe tiếng u oa,
Ơn Trời,ơn Phật mừng đà xiết bao.
Người Việt Nam tin vào lòng tốt của Ông Trời, tin vào sự phù hộ của Ông Trời ở trên cao:
- Ở hiền gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.
Hoặc:
Làm ơn ắt hẳn nên ơn,
Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ
Làm người thì phải sống sao cho đúng đạo làm người và cho hợp Đạo Trời:
Khi yêu nhau, lấy nhau thành vợ thành chồng thì không bao giờ xa nhau, ấy là trọn Đạo Trời:
Lấy nhau cho trọn đạo trời,
Đổ chùa Thiên Mụ mới rời xa nhau.
Và dù nghèo khổ cũng không hề bỏ nhau:
Theo nhau cho trọn đạo trời,
Dẫu mà không chiếu, trải tơi mà nằm.
Hoặc một dị bản khác:
Thương nhau cho trọn đạo trời,
Dù mà không chiếu nằm tơi cũng đành.
Đạo vợ chồng là mầu nhiệm, không hiểu được. Dù không phải bà con, thân thiết gì, chỉ là... người dưng nước lã; nhưng một khi đã phải lòng nhau, yêu nhau rồi, thành vợ thành chồng rồi là trở nên như một thịt, thương yêu nhau còn hơn cả cha mẹ là người đẻ ra mình nữa:
Cha mẹ bú mớm nâng niu,
Tội Trời đành chịu, không yêu bằng chồng
Kinh Thánh cho biết: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng Thế Ký, chương 2, câu 24)
Có thể nói, đối với người Việt Nam, Ông Trời là vị thần linh tối cao, dù họ chưa biết rõ, và không thấy được Ngài. Nhưng Ông Trời vẫn luôn hiện hữu cùng dân tộc Việt Nam qua kho tàng văn chương bình dân rất độc đáo và sâu sắc, nhất là kho tàng Ca Dao, Tục Ngữ được truyền tụng rộng khắp đất nước và vẫn trường tồn với chiều dài lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc.
II. TÂM THỨC THỜ TRỜI TRONG VĂN CHƯƠNG BÁC HỌC:
Trong văn chương bình dân, tâm thức thờ Trời thể hiện rất rõ ràng và sâu sắc vô cùng. Tâm thức ấy được thể hiện trong văn chương bác học ra sao?
Danh Tướng của Việt Nam và cũng là Nhà Thơ Lý Thường Kiệt (1019-1105) có bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” nổi tiếng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư4.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch:
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận ở sách trời,
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.,
(Trần Trọng Kim)
Hay một bản dịch khác:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
(Hoàng Xuân Hãn)
Bài thơ nầy của Lý Thường Kiệt được xem như là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nước Việt Nam.
Qua bài thơ, chúng ta thấy, Lý Thường Kiệt nhận thức rất rõ về Ông Trời là Đấng có quyền trong việc phân định ranh giới, bờ cõi của các nước trên thế gian nầy, mà các nước khác không được quyền xâm phạm. Vì điều thiêng liêng ấy đã được ghi vào “Sách Trời” từ lâu rồi. Một khi nước nào đó đi xâm phạm bờ cõi nước khác một cách bất hợp pháp thì chắc chắn “sẽ bị đánh tơi bời”, bởi đó là một việc làm phi nghĩa, Ông Trời không chấp nhận.
Nguyễn Trãi, Nhà Thơ lớn của dân tộc Việt Nam có những vần thơ nói về Ông Trời rất đáng để ý:
- Sang cùng khó bởi chưng Trời,
Lăn lóc làm chi cho nhọc hơi.
- Ðược thua, phú quý đều Thiên Mệnh,
Chen chúc làm chi cho nhọc thân.
Không phải con người muốn làm gì là được nấy đâu, nhưng “được” hay “thua, “phú quý” hay nghèo hèn đều do quyết định ở Ông Trời (Thiên Mệnh).
Nhà Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có một niềm tin vào Ông Trời khá mạnh mẽ
Trời sinh, Trời ắt đã dành phần,
Tu hãy cho bền, dạ có nhân.
Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ,
Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần.,
Bạo hung chỉn đã gươm mài đá,
Phúc Đức rành hay cỏ đượm xuân,
Chớ có hại nhân mà ích kỉ,
Giấu người, khôn dấu được Linh-Thần.
Ở một bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết công việc làm của Tạo Hóa là mầu nhiệm, không hiểu nổi:
Ðồ thư một quyển nhà làm của,
Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền,
Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế,
Cơ mầu Tạo Hóa mặc tự nhiên
Đại Thi Hào Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều đã dành rất nhiều câu thơ nói về Ông Trời hơn các nhà thơ khác và được nhiều người biết đến:
Gẫm hay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao,
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Danh xưng Ông Trời được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Truyện Kiều. Có thể nói, Nguyễn Du đã đề cập đến Ông Trời hầu như trong suốt tác phẩm của mình. Những câu thơ thâm trầm, sâu sắc nhất trong Truyện Kiều dường như là những câu thơ có liên hệ đến Ông Trời:
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
“Mệnh Trời” là một trong những chủ đề chính của Truyện Kiều, cũng như tư tưởng của cha ông ta qua Ca Dao:
Đi đâu cho khỏi lưới Trời,
Ở đâu cho hạp mệnh Trời thì êm
Con người dù làm gì, tài năng, xinh đẹp thế nào, cũng không vượt qua khỏi sự định đoạt của Ông Trời. Mỗi một con người đều có số mệnh khác nhau, không ai giống ai.
Ông Trời rất công bằng (không thiên vị một ai), chẳng lấy đi của ai quá thứ gì, cũng chẳng cho ai thừa thải cả. Nàng Kiều đã được Ông Trời cho một nhan sắc tuyệt trần, và một tài năng hơn người:
Thông minh vốn sẵn tính Trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm,
thì nàng phải mang nỗi khổ của cánh hồng nhan bạc mệnh vậy.
(Còn tiếp)
California, Tháng 8/ 2024!
Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu