Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 383

Tâm Thức Thờ Trời Của Người Việt Nam (Phần 4)

Kinh Thánh: Công Vụ Các Sứ Đồ 24: 45

(Tiếp theo phần 3)

Trời đối xử với người... khắc nghiệt như vậy, nên không lấy làm lạ khi đọc thấy trong Truyện Kiều những câu thơ chán ngán buồn thảm đành chịu buông trôi cuộc đời theo định mệnh được coi như Thiên Mệnh:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu!

Hay:

Biết thân chạy chẳng khỏi Trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh

Nguyễn Du rất có lý khi cho rằng, hễ Ông Trời còn cho sống thì mới còn có hiện tại để làm việc nọ việc kia, nếu không thì ta đâu có thể làm gì được:

Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Nguyễn Du tin rằng Ông Trời báo phục rất đúng đắn và chính xác:

Đạo Trời báo phục chỉn ghê,
Khéo thay một mẻ, tóm về đầy nơi!

Trời cao có mắt, khi mình hại người, thì Trời sẽ cho người lại hại mình:

Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao!
Hại nhân nhân hại sự nào tại ta.

Nguyễn Công Trứ Thi Sĩ có một bài thơ với lời than trách “ông xanh” (tức Ông Trời) nghe thật đáng thương:

Ngồi buồn lại trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thời trèo với thông.

Nữ Thi Sĩ Hồ Xuân Hương, được mệnh danh là Bà Chúa Thơ Nôm, có khá nhiều những câu thơ khen tài tạo dựng cảnh đẹp của Ông Trời (Tạo Hóa):

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen Ai khéo tạc cảnh cheo leo.
(Đèo Ba Dội)

Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa,
Khen Ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ.
(Cảnh Thu)

Khéo khéo bầy trò Tạo Hoá công,
(Ðá ông chồng bà chồng)

Hóa Công xây đắp đã bao đời,
Nọ cảnh Sài Sơn có chợ Trời.
(Chợ Trời chùa Thầy)

Khen thay Con Tạo khéo khôn phàm,
(“Khéo khôn phàm” tức là quá khôn ngoan.)
(Hang Thanh Hoá)

Quả thật, nhìn vũ trụ và muôn loài vạn vật, không ai không thốt lên lời là Ông Trời thật đúng là một “kỹ sư tinh xảo” bật nhất, không một kỹ sư nào sánh bằng. Chính vì vậy mà Nữ Sĩ tài danh Hồ Xuân Hương đã khen tài năng của Ông Trời là phải lắm vậy!

Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc nổi tiếng cũng đề cập khá nhiều về Ông Trời trong tác phẩm của mình, và sau đây là vài câu tiêu biểu:

- Thôi thôi ngảnh mặt làm thinh,
Thử xem Con Tạo gieo mình nơi nao?

Hay:

- Quyền phúc họa Trời tranh mất cả,
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai

Nhà Thơ tài danh Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng có những vần thơ viết về Ông Trời khá chuẩn xác:

Giang sơn còn nặng gánh tình,
Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi,
Bao giờ Trời bảo thôi đi,
Giang sơn cất gánh ta thì nghỉ ngơi

Tản Đà xem thân thể con người như một giang sơn quý báu mà Ông Trời đã ban cho. Khi Trời còn cho sống (chưa cho nghỉ) thì cứ hoạt động, làm việc giúp người, giúp đời (cứ đi). Cho đến khi nào Trời “gọi” (Trời bảo thôi đi), Trời lấy hơi sống lại, thì “giang sơn cất gánh” (tức thân thể trở về với cát bụi, còn linh hồn trở về nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó (ý từ Sách Truyền Đạo, chương 12, câu 7), thì đó là lúc con người được... nghỉ ngơi, tức không còn phải lo toan, vất vả chi nữa.

Nhà Thơ cũng xác nhận nguồn gốc của con người mình là do Ông Trời sinh ra:

Trời sinh ra bác Tản Đà,
Quê hương thời có cửa nhà thì không,
Nửa đời nam, bắc, tây, đông,
Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly,
Túi thơ đeo khắp ba kỳ,
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng...

Tản Đà cũng đã có những câu thơ than thở với Ông Trời về nỗi sầu trong lòng mình nghe thật thống thiết:

Trời hỡi Trời hôm nay ta chán hết,
Những sắc màu, hình ảnh của trần gian!

Nhà Thơ mù Nguyễn Đình Chiểu cũng tin vào số mạng của con người tùy thuộc vào Ông Trời:

Có Trời thầm dụ trong lòng,
Trăm năm nhờ mạng, trong thân có Trời

Nguyễn Bính Thi Sĩ thì xác nhận Ông Trời là Đấng làm mưa làm nắng:

Nắng mưa là chuyện của Trời,
Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng

Chuyện làm mưa làm nắng là chuyện vĩ mô, con người không thể nào làm chi được, và điều chi con người không làm được, thì Ông Trời quyền năng làm vậy.

Ở đây, tư tưởng của Nhà Thơ bác học giống y tư tưởng của cha ông ta đã được thể hiện trong Ca Dao:

Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu,
Công lênh chẳng quản bao lâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.

Nhà Thơ Huy Cận, là “vua” của thơ sầu trong thơ ca Việt Nam hiện đại đã có những vần thơ về Ông Trời nổi tiếng mà nhiều người biết đến:

Hỡi Thượng Đế, tôi cúi đầu trả lại,
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang,
Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái,
Nhận tôi đi, dầu Địa Ngục, Thiên Đàng.

Khi con người buồn chán, không lối thoát thì con người thường tìm đến với Ông Trời để giải tỏa nỗi niềm của lòng mình vậy.

Phan Khôi, Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhà Báo và là Dịch Giả, người đã góp phần tham gia dịch Kinh Thánh của người Tin Lành ra Việt ngữ vào năm 1926 cũng có những bài viết nói đến vai trò của Ông Trời trong cuộc sống con người, như đoạn trích sau, Phan Khôi tin rằng nhờ Ông Trời mở trí cho mình:

“Vào khoảng năm 1920, tôi ở Hà Nội, khi nói chuyện với một nhà văn, tôi đem hai chữ ấy mà hỏi ông ta. Tôi hỏi: “chữ những và chữ các giống nhau hay là khác nhau? Nếu khác nhau thì khác nhau ở chỗ nào? Làm văn thì khi nào nên dùng chữ những, khi nào nên dùng chữ các?

Ông ấy trả lời: Đại để hai chữ giống nhau, khi nào nói các nghe xuôi thì nói các, khi nào nói những nghe xuôi thì nói những.

Số là ông nầy vừa mới diễn thuyết ở hội quán kia. Bấy giờ có Trời mở trí cho tôi. Hỏi tiếp ông ta một câu rằng: “Sao bữa trước, khi ông diễn thuyết, ông nói “Thưa các ngài”? Ông ta đáp: “Ấy, tôi đã nói, khi nào nói các nghe xuôi thì nói các. Nói “Thưa các ngài nghe xuôi thì nói “Thưa các ngài” chứ sao?”

Hay như trong bài thơ “Tình Già” nổi tiếng, nói về mối tình già của ông, ông cũng nhắc đến vai trò của Ông Trời trong chuyện tình cảm trai gái, vợ chồng:

Hay nói mới bạc làm sao chớ!
buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy,
chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,
mà tính chuyện thuỷ chung!

Có thể nói còn khá nhiều những câu thơ nói về Ông Trời trong các sáng tác của các nhà thơ Việt Nam mà chúng ta không đủ thì giờ để dẫn ra ở đây; cũng như còn nhiều những câu Ca Dao, Tục Ngữ khác nói về Ông Trời chưa được nêu ra vậy.

(Còn tiếp)

California, Tháng 8/ 2024!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu