Kinh Thánh: Thi-thiên 19: 1; Giăng 4: 23, 24; Rô-ma 1: 19, 20; II Ti-mô-thê 3: 16, 17
(Tiếp theo phần 4)
Người Việt là dân tộc có truyền thống tin thờ Ông Trời từ xa xưa. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong kho tàng Ca Dao, Tục Ngữ, một kho tàng văn chương bình dân sâu sắc của dân tộc Việt Nam, như một số những câu Ca Dao, Tục Ngữ đã trích trong bài viết nầy.
Ông Trời hiện lên trong kho tàng văn chương bình dân của người Việt như là Đấng Tối Cao có quyền năng trên đời sống của họ, và cũng là Đấng họ nương nhờ, tin cậy khi gặp nguy nan, khốn khó.
Hình ảnh Ông Trời cũng hiện lên trong nền văn chương bác học rất rõ ràng, không kém nền văn chương bình dân chút nào!
Qua hình ảnh Ông Trời trong văn chương bình dân và văn chương bác học, ta thấy người Việt có niềm tin vào Ông Trời rất mạnh mẽ, rất chân thật; song đó chỉ mới là một niềm tin theo lương tri, lương tâm mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong tâm hồn của con người, nói chung, và của người Việt, nói riêng, khi Ngài sáng tạo nên loài người. Đó là một niềm tin có tính cách phổ quát cho mọi dân tộc trên thế giới, như tiếng kêu “Trời Ơi!” là tiếng kêu chung của mọi dân tộc vậy!
III. MỘT SỐ NHẬN XÉT CỦA MỘT SỐ NHÀ NGHIÊN CỨU VỀ TÂM THỨC THỜ TRỜI CỦA NGƯỜI VIỆT NAM:
- Ông Trời tuy ở trên cao, có quyền năng siêu việt nhưng cũng rất gần gũi với dân gian. Đặc biệt, ông Trời còn có chức năng như vị thần công lý là khuyến thiện trừ ác. Hễ ai làm điều ác thì Trời sẽ không tha, còn ngược lại nếu làm điều thiện sẽ được Trời ban phước lành. Vì lẽ đó, ông Trời thường là đối tượng để con người hướng đến cầu cạnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, nếu gặp chuyện chẳng lành trong cuộc sống người ta đều kêu Trời để than thở, những khi ốm đau bệnh tật người ta cũng van vái Trời cao
- Người Việt Nam chúng ta phần lớn không tin ở thuyết luân hồi. Bằng cớ là nhiều người Việt thờ cúng ông bà, vì tin rằng vong linh ông bà vẫn còn đó. Mỗi năm nhân dịp Tết cổ truyền, người ta rước ông bà về vui Xuân với con cháu, rồi tiễn ông bà đi. Nếu tin ở thuyết luân hồi thì phải tin ông bà cha mẹ đã hóa kiếp thành người ngoại quốc nào khác, hoặc con thú nào đó trong rừng, hoặc một con vật nào đó trong bầy gia súc trong vườn, v.v... Nếu tin rằng ông bà đã luân hồi, đầu thai hoá kiếp, thì người ta sẽ không rước tiễn ông bà, cũng không dám ăn thịt hoặc giết chết một con vật nào. Rõ ràng là người Việt Nam chúng ta tin ở giá trị thiêng liêng và bất tử của linh hồn. Chúng ta tin ở đời sau. Chúng ta tin một cách mơ hồ rằng linh hồn của mọi người chết là về chầu Trời.
- Tín ngưỡng thờ Trời trong dân gian Việt Nam là một tín ngưỡng tự nhiên đã có từ rất lâu. Vì là tín ngưỡng tự nhiên nên mọi cung cách thờ tự trông có vẻ như đơn sơ mộc mạc, có vẻ như mông lung mơ hồ... nhưng đây là một tín ngưỡng rất đáng trân trọng trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Tuy tín ngưỡng này vẫn còn mang màu sắc bình dân nhưng không thể thiếu đối với người dân Việt Nam.
- Dân Việt Nam là dân hữu thần, sống rất gần gũi với Trời. Từ khi chào đời tới khi qua đời, người ta nói rất nhiều tới Trời xanh cao cả trên đầu, qua trời xanh đó, người ta nhận rằng có Đấng Tối cao dựng nên trời đất, cai quản vũ trụ, nhất là loài người.
- Tấm lòng kính ngưỡng Trời của người Việt xưa được thấy trong căn bản giáo dục về đạo đức. Lối giáo dục của người Việt xưa ảnh hưởng sâu đậm Khổng Giáo của Trung Hoa với học thuyết Tam Tài: Thiên-Địa-Nhân
Trong “Minh Tâm Bửu Giám”, một tác phẩm hình thành thời Tống (Trung Quốc)phổ biến rộng rãi trong giới Nho học Việt Nam, đã trở thành quyển cẩm nang của nền giáo dục đạo đức luân lý Việt Nam trước đây9, có nhiều câu dạy về tâm thức Thờ Trời rất sâu sắc:
Thuận Thiên giả tồn; nghịch Thiên giả vong
Nghĩa là: Thuận với Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên
Nghĩa là: Mưu tính sự việc thì do con người, nhưng thành bại là do nơi Ông Trời.
Bình sanh hành thiện Thiên gia phúc
Nhược thị ngu ngoan thụ họa ương
Nghĩa là: Trong cuộc sống hằng ngày, làm điều thiện thì Trời sẽ ban phước cho. Còn nếu ngu dại, ngoan cố thì sẽ bị tai ương.
Hoạch tội ư Thiên, vô khả đảo giả
Nghĩa là: Mắc tội với Trời, không thể cầu khẩn ở đâu được.
Hay: Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên
Nghĩa là: Chết sống có mạng, giàu sang bởi Trời.
Hoặc:
Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân,
Nghĩa là: Trời không phụ bạc người có lòng tốt bao giờ.
- Trong văn hóa truyền thống, hình tượng ông Trời trong tín ngưỡng tối linh của người Việt đã được cung đình hóa bằng một nghi thức trọng thể của quốc gia, đó là tế Giao (cùng với Đàn Nam Giao - tế Trời còn có Đàn Xã Tắc - tế Đất). Việc tế Giao đã được duy trì trong suốt thời kỳ phong kiến và là một nghi lễ quan trọng nhất của quốc gia, được bộ Lễ đứng ra tổ chức và nhà vua trực tiếp cử hành. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên của một vị Hoàng đế phải làm sau khi lên ngôi10.
- Việc thờ Trời, tế Trời của người Việt Nam rõ nét, cao cả và lớn lao hơn cả phải kể đến Tế Nam Giao ở kinh thành Huế. “Tế Nam Giao biểu lộ long trọng niềm tin vào Đấng Tối Cao, là hành vi thờ tự cao cả nhất của người An Nam. Trong nghi lễ Tế Nam Giao, việc thờ tự mang một vẻ long trọng, oai nghiêm xứng với sự cao cả của Đấng người ta tôn sùng, phản ánh sự thuần khiết trong niềm tin vào Đấng ấy, nói lên những tâm tình sâu xa mà Ngài khơi dậy trong tâm hồn người An Nam11.
IV. TÂM THỨC THỜ TRỜI CỦA NGƯỜI VIỆT NAM CẦN ĐƯỢC SOI SÁNG BỞI KINH THÁNH:
1.Kinh Thánh Là Quyển Sách Duy Nhất Bày Tỏ Về Ông Trời (Đức Chúa Trời ) Một Cách Đúng Đắn và Chân Thật Nhất.
Ông Trời được bày tỏ qua Kinh Thánh không phải là Ngọc Hoàng Thượng Đế của người Trung Hoa như nhiều người lầm tưởng.
Học Giả Đào Duy Anh từng có nhận xét: “Trước khi có Cơ-đốc giáo du nhập, người nước ta đồng thời sùng bái cả Trời, Phật, các thần linh ở trong vũ trụ, các quỉ thần hay là linh hồn người chết”
Chính vì vậy mà niềm tin thờ Trời của người Việt Nam cần phải được soi sáng bởi Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời thì mới đầy đủ và đẹp lòng Ngài được.
Thánh Phao-lô đã được Đức Thánh Linh dạy dỗ để viết ra những lời quý báu sau đây:
“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (Ti-mô-thê thứ nhì, chương 3, câu 16, 17).
Đức Chúa Trời đã bày tỏ về Ngài qua 4 phương diện:
Qua thiên nhiên,
Qua con người,
Qua Kinh Thánh,
Và qua Chúa Giê-su.
Người Việt cũng như nhiều dân tộc khác đều đã biết về Ông Trời (Đức Chúa Trời) qua thiên nhiên và qua con người.
Đức Chúa Trời sáng tạo nên vũ trụ, thiên nhiên để con người được sống trong đó và được hưởng.
Qua thiên nhiên, con người tự nhiên nhận biết có một Ông Trời đã làm nên vũ trụ đẹp đẽ nầy:
Núi kia ai đắp mà cao,
Sông kia ai cuốc, ai đào mà sâu?
Đây là dạng câu hỏi tu từ của cha ông ta, một dạng câu hỏi thường thấy trong văn chương. Câu hỏi tu từ là dạng câu hỏi mà không cần trả lời, hay hỏi tức là đã trả lời rồi vậy!
Đại Thi Hào Đa-vít đã nói: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi-thiên, chương 19, câu 1)
Sách Rô-ma chép:
“Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài, mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (Rô-ma, chương 1, câu 19, 20).
Qua con người, Đức Chúa Trời cũng cho con người nhận biết về Ngài:
Con chim nó hót trên cao,
Ông Trời không có làm sao có mình?
Con chim nó hót trên cành,
Ông Trời không có có mình làm sao?
Đây cũng là câu hỏi tu từ nữa được sử dụng.
Vua Đa-vít cũng đã từng nói: “Vì chính Chúa đã nắn nên tâm thần tôi. Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm” (Thi-thiên, chương 139, câu 13, 14).
Bàng bạc trong văn chương bình dân cũng như trong văn chương bác học của người Việt Nam những câu Ca Dao, Tục Ngữ, những vần thơ thể hiện tâm thức tin Trời, thờ Trời.
Con người nói chung, người Việt, nói riêng cần phải biết thờ lạy Đức Chúa Trời qua sự bày tỏ trong Kinh Thánh mới đúng và được Ngài chấp nhận.
Kinh Thánh bày tỏ về cách để con người có thể thờ phượng Đức Chúa Trời phải lẽ như sau:
“Nhưng giờ hầu đến và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng, chương 4, câu 23, 24).
“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma, chương 12, câu 1).
Cách thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời, không phải bằng bàn thờ Thiên trước nhà như người Việt Nam đã từng làm theo sự mách bảo của lương tâm mình, cũng không phải là bằng Lễ Tế Nam Giao ở Huế, một nghi lễ rất trang trọng như L. Cadière đã nhận xét: “Có lẽ việc thờ Trời được tập trung nhiều nhất trong việc Tế Nam Giao. Trong nghi lễ này, việc tế tự mang sắc thái hoành tráng uy nghi tương xứng với sự cao cả của đấng tôn thờ, thể hiện sự tinh tuyền của niềm tin vào Trời, phản ánh những tâm tình sâu lắng mà Trời khơi dậy trong tâm hồn”, mà bèn là lấy chính tấm lòng mình để thờ lạy Thiên Chúa. Hay nói cách khác là dâng đời sống mình để Chúa ngự trị, và thờ phượng, hầu việc một mình Ngài.
Kinh Thánh dạy:
“Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ là Đấng cha đã sai đến” (Giăng, chương 17, câu 3).
(Còn tiếp)
California, Tháng 8/ 2024!
Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu