Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 386

Chuyện... Nổ

Kinh Thánh: Châm Ngôn 8: 13; 29: 23; Lu-ca 17: 7-10; 18: 9-14; Khải Huyền 3: 7, 8

“Nổ” được nói đến ở đây không phải là tiếng nổ vật lý mà là... một căn bệnh.

Bệnh “nổ” chắc đã có từ lâu, nhưng không biết là từ khi nào? Bệnh xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều đại lục, nhất là ở những nước còn nghèo nàn, lạc hậu. Sở dĩ bệnh phát triển nhiều ở những nước còn nghèo nàn, lạc hậu là vì ở những nước đó, người dân còn nghèo quá, nên... nổ cho... quên đi cái nghèo, và nổ cho người ta tưởng mình cũng đâu có... thua gì ai.

Khi nói đến tiếng nổ là ta biết chắc chắn nó sẽ gây ra tiếng ồn ào cả một vùng, khiến ai cũng... để ý và... lo lắng, vì tưởng có chuyện gì... nguy hiểm đang xảy ra.

Bệnh nổ cũng gây ra những... hệ quả tương tự, khiến nhiều người e ngại, tránh xa cho khỏi bị... văng miểng.

Nguyên nhân của bệnh nổ, như đã nói ở trên là do mặc cảm tự ti, thấy mình thua kém người khác, nên muốn tìm cách... thể hiện để cho người khác biết mình cũng không phải... thứ thường.

...

Hình ảnh trái pháo, một phát minh của người Trung Quốc là hình ảnh tiêu biểu về tiếng nổ, trước khi người ta phát minh ra thuốc súng.

Tiếng pháo nổ nghe thật sướng tai, nhưng sau đó pháo nhà ta tan xác, chỉ còn là đống rác đỏ lòm lom nằm bẹp dí dưới đất.

Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-1788), một Nhà Quân Sự và Nhà Thơ của Việt Nam, có bài thơ “Vịnh cái pháo” rất hay như sau:

Xác không vốn những cậy tay người,
Bao nả công trình, tạch cái thôi!
Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi

Pháo nổ càng to thì bản thân càng tan tành xác pháo. Bạo phát thì thường đi liền với bạo tàn.

Người mắc bệnh nổ cũng giống như trái pháo, nổ rất to; nhưng rốt cuộc chỉ là một tiếng “tạch” nghe vui tai một chút mà thôi, chứ chẳng làm nên được công trạng gì đáng kể cho người khác.

Thành Ngữ Việt Nam có nhiều câu diễn tả... bệnh nổ rất chính xác như sau:

- Một tấc đến Trời

- Thùng rỗng kêu to

- Ăn đằng sóng nói đằng gió

- Ăn xuôi nói ngược

- Ăn cò nói leo

- Ăn ốc nói mò

- Mười voi không được bát nước xáo

Cũng có những câu Danh Ngôn nói về... bệnh nổ rất đáng ghi nhớ:

- Người biết ít thường nói nhiều, trong khi người biết nhiều thường nói ít.

- Cái vỏ rỗng tạo ra âm thanh lớn nhất.

- Tự khiêm thì người ta càng phục, tự khoe thì người ta càng khinh.

- Người nào hay nói về mình là người chỉ nghĩ đến mình và người chỉ nghĩ đến mình là người thiếu giáo dục, dù học vấn của họ đến đâu chăng nữa.

- Phô tài là hại mình vì có kẻ ghen ghét. Phô sắc là hại mình vì có kẻ cưỡng đoạt. Phô của là nguy vì có kẻ cưỡng đoạt.

Tôi đọc được bài thơ về... bệnh nổ của Nguyễn Văn Giai nghe cũng xứng tầm... nổ:

Ta con ông Cống, cháu ông Nghè*,
Nói có trên trời dưới đất nghe.
Sức khoẻ Hạng Vương** cho một búng,
Cờ cao Đế Thích*** chấp đôi xe,
Nhảy ùm xuống biển lôi tàu lại,
Chạy tốc lên non bắt cọp về,
Độ nọ vào chơi trong nội phủ,
Ba ngàn công chúa phải lòng mê.
Nổ như thế khó có người bằng!

Bên ngoài thế gian, người ta nổ là chuyện thường ngày; nhưng bên trong Hội Thánh của Chúa, cũng có không ít người mắc... bệnh nổ khá nặng.

Không nhiều thì ít, bạn cũng như tôi đã từng nghe có những người tự khoe về bằng cấp, học vị mình học trường nầy, trường nọ, ở nước nầy nước kia; các chức vụ mà mình đã từng nắm giữ; các nước mà mình đã từng đi đến; các công việc mà mình đã từng làm và kết quả tốt đẹp như thế nào, cốt là để cho người nghe biết là họ... giỏi ra làm sao! Và rốt cuộc, chẳng thấy Chúa đâu trong họ cả, mà chỉ thấy chính họ là... chúa mà thôi!

Cũng có những người thì khoe về con cái mình học giỏi như thế nào? Tiền lương hằng tháng khủng ra làm sao!

Rồi cũng có người thì khoe về áo quần, xách bóp thời thượng, nhà cửa sang trọng, xe hơi hiệu đắt tiền ít người có được.

Có người thì để trước tên mình hàng loạt các chức danh nào là Mục Sư Hội Trưởng Kiêm Viện Trưởng, Mục Sư Giáo Sư Tiến Sĩ...

Nếu có dịp lướt “phây-búc” trên mạng, ta dễ dàng thấy người ta khoe đi ăn nhà hàng sang trọng nầy, nhà hàng cao cấp nọ; khoe con cái tốt nghiệp với văn bằng loại giỏi ở những trường nổi tiếng. Ôi thôi, đủ thứ... khoe, đủ thứ... nổ, nghe thấy mà... ngao ngán cho thói hợm mình của nhiều người.

Tôi bất ngờ đọc được trên “phây-búc” của một Mục Sư, và là một Mục Sư lãnh đạo của một Giáo Hội nữa, một dòng trạng thái của ông viết như sau:

“Giảng bồi linh sáng nay. Tạ ơn Chúa cho mọi người đáp ứng sứ điệp mạnh mẽ.”

Mục Sư mà lại... tự nổ như thế nghe... kỳ kỳ làm sao ấy!

Không biết ông Mục Sư đó có đọc câu Kinh Thánh nầy chưa?

Hãy để cho kẻ khác khen ngợi con, miệng con chẳng nên làm; Để cho một người ngoài tán mỹ con, môi con đừng làm” (Châm Ngôn, chương 27, câu 2).

Nói chung là... bệnh nổ của một số người trong Hội Thánh cũng không... thua gì những người bên ngoài thế gian là bao!

Kinh Thánh nói về... bệnh nổ như sau:

Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lu-ca, chương 18, câu 9 đến 14).

Người Pha-ri-si trong ví dụ Chúa Giê-su kể nầy là hạng người... nổ có hạng, khoe khoang có hạng, khó có ai bằng. Còn người thâu thuế thì ngược lại, biết thân phận xấu xa, không ra chi của mình, nên không dám ngước lên nhìn Chúa, chỉ dám đấm ngực đau đớn với tội lỗi của mình.

Chúa Giê-su kết luận: Người thâu thuế trở về được xưng công bình chứ không phải người Pha-ri-si khoe khoang, hay... nổ kia.

Chúa Giê-su đã phán với Hội Thánh Lao-đi-xê ngày xưa rằng:

Vả, ngươi nói, ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ. Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của Ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có; mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi khỏi lộ ra; lại mua thuốc xức mắt đặng thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thấy được” (Khải Huyền, chương 3, câu 17, 18).

Hội Thánh Lao-đi-xê nầy cũng... tự cao tự đại, cũng... nổ to như pháo: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa. Nhưng Chúa chỉ họ biết, họ thật sự khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ, chứ không như họ... nổ đâu.

...

Chúa chúng ta đang thờ phượng là Chúa của sự khiêm nhường, nên Ngài ghét những ai kiêu ngạo, khoe khoang.

Ta ghét sự kiêu ngạo, xấc xược, con đường ác và sự gian tà” (Châm Ngôn, chương 8, câu 13).

Sự kiêu ngạo của người sẽ làm hạ người xuống. Nhưng ai có lòng khiêm nhượng sẽ được tôn vinh” (Châm Ngôn, chương 29, câu 23).

Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Phi-e-rơ thứ nhất, chương 5, câu 5).

Chúng ta cần ghi nhớ Lời Chúa dạy rằng, mọi việc chúng ta làm là điều chúng ta phải làm, và điều chắc phải làm, vì chúng ta chỉ là những đầy tớ của Ngài, và Chúa mới là Chủ của chúng ta:

Ai trong các ngươi có đầy tớ đi cày hoặc đi chăn, khi ở ngoài đồng về, biểu nó rằng: Hãy đến ngay mà ngồi ăn, hay sao? Trái lại, há không biểu nó rằng: Hãy dọn cho ta ăn, thắt lưng hầu ta, cho đến chừng nào ta ăn uống xong, rồi sau ngươi sẽ ăn uống sao? Đầy tớ vâng lịnh mà làm, thì chủ có biết ơn gì nó chăng? Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm” (Lu-ca, chương 17, câu 7 đến 10).

Phao-lô là người được Chúa dùng một cách đặc biệt hơn hết trong Hội Thánh của Ngài; nhưng ông luôn luôn biết sống trong tinh thần khiêm nhường và tôn cao Chúa trong đời sống, vì ông biết tất cả những gì ông làm được cho Chúa là nhờ ơn và sức của Chúa ban cho mà thôi, chứ ông chẳng có gì cả, và chẳng là gì cả.

Phao-lô đã xác nhận: “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi” (Cô-rinh-tô thứ nhất, chương 15, câu 10).

Xin Chúa thương xót mỗi một chúng ta là tôi tớ, con cái của Ngài, cho chúng ta nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là đầy tớ phục vụ Ngài mà thôi. Chúng ta chẳng có gì để... nổ, để khoe khoang cả. Hãy phục vụ Chúa cách hết lòng và để Chúa được tôn cao qua đời sống của mỗi một chúng ta! Amen!

California, Đầu Tháng 9/ 2024!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu

*Ông Cống, Ông Nghè: Hương Cống và Ông Nghè là hai học vị Cử Nhân và Tiến Sĩ trong Kỳ Thi Chữ Hán ngày xưa ở nước ta.

**Hạng Võ (tức Hạng Tịch) là vua nước Sở, có sức mạnh vô địch.

***Đế Thích là vị tiên chơi cờ cao tay có hạng, khó ai bì.