(Kính Tặng Những Người Hầu Việc Chúa Ở Khắp Mọi Nơi, và Riêng Tặng Những Bạn Đồng Lao Yêu Dấu Của Tôi Nhân “Tháng Biết Ơn Mục Sư” Năm 2024.)
Kinh Thánh: I Tê-sa-lô-ni-ca 4: 12, 13; I Ti-mô-thê 5: 17, 18; I Phi-e-rơ 5: 2-4
Tháng 10 hằng năm, từ mấy chục năm trước, ở xứ Mỹ và ở nhiều quốc gia phương Tây văn minh được người ta chọn làm “THÁNG BIẾT ƠN MỤC SƯ”, trong đó, Chúa Nhật thứ 2 của Tháng được gọi là “NGÀY BIẾT ƠN MỤC SƯ”
Lời kêu gọi dành một tháng, đặc biệt là một ngày để ghi nhớ công ơn của vị lãnh đạo thuộc linh như Mục Sư, Giám Mục, Trưởng Lão, Giáo Sĩ có thể bắt nguồn từ thời Sứ Đồ Phao-lô.
Trong các Thư Tín của mình, Sứ Đồ Phao-lô thường khuyên các Hội Thánh nên dành “đãi ngộ gấp đôi” cho các lãnh đạo Hội Thánh, là những người chăm lo công việc “rao giảng và dạy dỗ”, hãy kính trọng họ, yêu thương họ, và vâng phục họ:
“Các Trưởng Lão khéo cai trị Hội Thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhứt là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ. Vì Kinh Thánh rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đương đạp lúa; và người làm công thì đáng được tiền công mình” ( Ti-mô-thê thứ nhứt 5, câu 17 và 18)
“Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dân và dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ, vì cớ công việc họ làm” (Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhất 4, câu 12, 13).
“Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em” (Hê-bơ-rơ 13, câu 17).
Vào năm 1994, tổ chức Cơ đốc giáo Hoa Kỳ mang tên “Tập trung vào Gia đình bắt đầu quảng bá Tháng Tri Ân Mục Sư như một tháng lễ Quốc Gia”. Trong công tác thúc đẩy Tháng Tri Ân Mục Sư, tổ chức này đã tìm cách khuyến khích các tín hữu công khai thể hiện lòng biết ơn của họ đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo trên bình diện Quốc Gia.
Từ Tháng Tri Ân Mục Sư đã nảy sinh ý tưởng nhấn mạnh một ngày cụ thể để tri ân các Mục Sư. Ngày này được gọi là “NGÀY TRI ÂN MỤC SƯ”. Ngày này thể hiện lòng biết ơn của cả đất nước đối với những người hầu việc Chúa được tổ chức vào Chúa Nhật thứ Hai của Tháng Mười.
Tháng 10 năm nay đã và đang về với chúng ta. Bên ngoài, thời tiết se se lành lạnh, như báo hiệu cho một mùa Đông rét mướt sắp về, có nghĩa là Mùa Yêu Thương sắp đến.
Tháng 10 về, là một người hầu việc Chúa, lòng tôi cũng cảm nhận được sự ấm áp trong tâm hồn, khi tự mình đi tìm những bài ca viết về Người Hầu Việc Chúa.
Ba trong nhiều bài ca viết cho người hầu việc Chúa mà tôi đã từng nghe hát có lời rất hay và cảm động, và tôi tin rằng nhiều người hầu việc Chúa cũng rất cảm động khi nghe hai ca khúc nầy.
Nhân NGÀY BIẾT ƠN MỤC SƯ năm 2024, xin mời bạn cùng tôi dành một chút thì giờ để cảm nhận lời của ba ca khúc khá hay nầy.
Ca khúc thứ nhất là ca khúc “HÁT CHO NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA” của Nhạc Sĩ Trương Đoàn Nhật Bảo. Toàn bộ lời của ca khúc ấy như sau:
“Một người đi ra truyền rao, mang tình yêu đến cho muôn người.
Một đời hy sinh tận hiến cho niềm tin.
Và thời gian dẫu có qua mau, và mái tóc dẫu có bạc màu,
Thì người vẫn đi mang chân lý đến mọi nơi.
Hầu việc Cha trên trời cao, là niềm vui sướng trong cuộc đời.
Lời người luôn luôn dạy khuyên tôi nào quên.
Hầu việc Chúa dẫu lúc gian truân, nhờ cậy Chúa chớ có nản lòng.
Và luôn vững tin tạ ơn Chúa trong mọi điều.
Tôi sẽ hát lên cho tấm lòng người hầu việc Chúa.
Tôi sẽ hát lên vì trần gian còn nhiều tội nhân.
Tôi sẽ hát lên cho tấm lòng người hầu việc Chúa.
Trọn cuộc đời dựng xây vương quốc Chúa Trời.
Tôi quyết mãi khắc ghi, lời dạy dỗ trong trái tim này,
Nguyện xin Chúa Cha luôn ban phước cho người bình yên.”
Dưới tựa đề bài hát, Nhạc Sĩ có lời đề tặng: “Kính tặng Mục Sư Võ Quang Hân”
Lời ca khúc thật cảm động, diễn tả được tấm lòng của người hầu việc Chúa với công việc mà Chúa giao cho thật lớn lao; nhưng thật vinh quang.
Người hầu việc Chúa là một người tận hiến cuộc đời mình cho Chúa và cho Vương Quốc của Ngài, cho niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giê-su. Khi một người đã tận hiến cuộc đời để hầu việc Đấng yêu thương mình và lấy huyết rửa sạch tội lỗi mình, thì dẫu thời gian có qua đi, mái tóc có bạc màu, tuổi Xuân không còn nữa, người hầu việc Chúa cũng không ngại ngần, mà cứ tiếp tục rao truyền Tin Lành, đem chân lý của chúa đến cho mọi người ở tất cả mọi nơi.
Chúa Giê-su đã tuyên phán: “Tin Lành nầy về Nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân, lúc bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến” (Sách Ma-thi-ơ 24, câu 14). Chính vì vậy mà bất cứ con dân Chúa nào, bất cứ người hầu việc Chúa nào cũng đều có khao khát và đều phải góp phần rao truyền Tin Lành của Chúa Giê-su đến được cho thật nhiều người.
Được hầu việc cho một vị Tổng Thống ở dưới đất nầy đã là một vinh dự lớn lao, huống hồ gì được hầu việc cho Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa thì còn vinh dự nào lớn hơn, vui sướng nào lớn hơn.
Người hầu việc Chúa không thể nào tránh khỏi những lúc khó khăn, gian truân trong chức vụ; nhưng Lời Chúa dạy “hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy cứ hầu việc Chúa cách dư dật luôn” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhất 15, câu 58), nên họ không nãn lòng, mà cứ vững tin nơi sự chăm sóc, bảo vệ của Chúa quyền năng, tiếp tục tiến tới trên linh trình hầu việc Ngài, cho đến khi gặp Ngài, chứ không bao giờ chùn bước, thối lui.
Người hầu việc Chúa là người đã dâng cuộc đời mình cho Ngài, thì họ sẽ dành trọn cuộc đời của họ để xây dựng Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Cụm từ “Tôi sẽ hát lên” được lặp đi lặp lại trong ca khúc đến ba lần, tác giả như muốn nhắc nhở, khích lệ mọi người hãy hát lên, trước hết để ca ngợi Đức Chúa Trời, và thứ đến là để khích lệ những người đang dâng đời sống mình hầu việc Ngài.
Cảm ơn Nhạc Sĩ Trương Đoàn Nhật Bảo đã sáng tác nên ca khúc đáng yêu nầy với lời rất sâu lắng và cảm động, để bày tỏ lòng biết ơn những Mục Sư, Truyền Đạo, những Trưởng Lão, những Giáo Sĩ là những con người đã tận hiến cuộc đời mình cho Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Ca khúc thứ hai viết về người hầu việc Chúa được nhắc đến ở đây là ca khúc “BÀN CHÂN NGƯỜI TRUYỀN ĐẠO” của Nhạc Sĩ Thiên Kiều Giang.
Sau đây là lời của ca khúc ấy:
“Có những bàn chân rất âm thầm.
Đi trong đêm khuya, đi trong bão dông,
Đi trong lạnh lùng, cô đơn thiếu vắng,
Đi trong mịt mùng chông gai nước mắt,
Có những bàn chân đi khắp miền xa,
Biền biệt tha phương biết đâu là nhà.
Ôi! Bàn chân người truyền đạo,
Ôi! Bàn chân thanh cao, bàn chân đẹp biết bao!
Bàn chân ấy đi đến từng người,
Bàn chân đi xây dựng cuộc đời,
Bàn chân đi chia sớt yêu thương đẹp ngời,
Bàn chân loan tin Chúa vào đời,
Đấng hy sinh cam chết vì người,
Bàn chân đi rao truyền tin vui,
Có những bàn chân rất khiêm nhường,
Hy sinh riêng tư đi gieo mến thương,
Một đời vì Chúa không nao,
Phục vụ không kể gian lao,
Bàn chân ấy cao đẹp biết bao,
Một đời vì Chúa không nao,
Phục vụ không kể gian lao,
Bàn chân ấy cao đẹp biết bao!”
Lời ca khúc bày tỏ tình cảm rất chân tình dành cho những con người ra đi rao truyền Tin Lành của Chúa Giê-su cho mọi người.
Cụm từ “Có những bàn chân” được lặp đi lặp lại đến ba lần trong ca khúc làm nổi bật đặc điểm của người rao truyền Tin Lành là đi khắp đó đây. Bàn chân người rao truyền Tin Lành thường đi trong âm thầm và đi trong mọi lúc (đêm khuya), mọi nơi (thiếu vắng, vắng vẻ) và trong mọi hoàn cảnh (bão giông, mịt mùng, chông gai).
Bàn chân người truyền đạo thường hay đi xa nhà (đi khắp miền xa), tha phương (biền biệt tha phương) để rao giảng Tin Lành cho mọi người.
Đó là bàn chân thanh cao, bàn chân đẹp biết bao!
Kinh Thánh khẳng định: “Những bàn chân kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao!” (Sách Rô-ma 10, câu 15).
Một khi đã dâng mình để làm người hầu việc Chúa, rao giảng Tin Lành thì họ chấp nhận hy sinh chuyện cá nhân, riêng tư để đem mến thương gieo vào đời. Một khi đã dấn thân vào trong chức vụ thì người truyền đạo không kể gian lao, và không hề nao núng trước mọi nghịch cảnh.
Khi đọc đến những dòng:
“Bàn chân ấy đi đến từng người,
Bàn chân đi xây dựng cuộc đời,
Bàn chân đi chia sớt yêu thương đẹp ngời.”
Tôi chợt nhớ đến hình ảnh Chúa Giê-su khi còn ở thế gian, bàn chân Ngài cũng đã “đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh” (Sách Ma-thi-ơ 9, câu 36).
Chúa Giê-su là gương mẫu tuyệt vời cho hết thảy mọi người theo Chúa và hầu việc Ngài noi theo trong cuộc đời của mình.
Theo gương Chúa Giê-su, hàng ngàn năm qua, bàn chân những người theo Ngài cũng đã ra đi đem Tin Lành đến cho mọi người trên khắp hoàn vũ để hoàn thành Đại Mạng Lịnh của Ngài đã để lại: “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người” (Sách Mác 10, câu 15).
Có thể nói ca khúc “BÀN CHÂN NGƯỜI TRUYỀN ĐẠO” của Nhạc Sĩ Thiên Kiều Giang không chỉ viết dành khích lệ những người dâng trọn đời mình để hầu việc Chúa, mà còn cho tất cả mọi người đã được Chúa cứu, vì rao giảng Tin Lành là trách nhiệm của mọi người tin Chúa vậy.
(Còn tiếp)
California, Tháng 10/ 2024!
Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu