Cầu nguyện là yếu tố rất quan trọng trong tất cả các cuộc Phục Hưng, vì hễ có Phục Hưng là có các buổi cầu nguyện sống động nóng cháy và tín hữu cầu nguyện từ giờ nầy qua giờ khác. Họ cầu nguyện cho người chưa được cứu bằng cách nêu đích danh từng người, đem những người nầy trình dâng lên ĐỨC CHÚA TRỜI, và họ nói như Gia-cóp : con không để Chúa đi đâu ! Họ cầu nguyện cách thiết tha cấp bách. Và ĐỨC CHÚA TRỜI nhậm lời cầu nguyện của họ. Những người được các tín hữu cầu thay bắt đầu hỏi : Cái gì vậy? rồi họ đến nhà thờ và có được cùng một kinh nghiệm mà những người cầu thay cho họ đã có. Hàng ngàn vạn người đã được Chúa cứu cách đó. Có khi cả vùng được ĐỨC THÁNH LINH thăm viếng. Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi và người chưa tin được Chúa cứu trong các cuộc nhóm họp, nhưng cũng có người được cứu khi đang đi đường, trước khi họ bước chân vào nhà thờ. Có người được cứu khi đang ở sở làm, khi đang ở dưới hầm mỏ, khi đang ở trên núi. Có người được Chúa thức tỉnh khi đang nằm ngủ trên giường để tíếp nhận Chúa. Vào đầu hôm, những người nầy lên gìường như thường lệ, nhưng thình lình họ thức giấc vì cảm biết tội lỗi mình cách xấu xa, và họ phải dậy, cầu xin ĐỨC CHÚA TRỜI thương xót và tha thứ. Lúc đó không có người nào nói chuyện với họ cả, nhưng chính ĐỨC THÁNH LINH đã làm việc, Ngài cầm quyền chủ trị trên cả vùng và đụng đến mỗi người.
Đó là những điều đã xảy ra trong cuộc Phục Hưng năm 1859 và cũng đã xảy ra trong các cuộc Phục Hưng khác. Chúng ta có thể nói rằng khi THÁNH LINH giáng xuống tràn trề, Ngài ban cho những kinh nghiệm rất kỳ lạ, nhiều khi như tương phản. Như người được thăm viếng vừa được thuyết phục sâu xa mạnh mẽ về tội lỗi vừa được sự vui mừng siêu nhiên tràn ngập lòng mình; vừa có sự sợ sệt run rẩy khi đứng trước sự hiện diện của Chúa vừa được Chúa ban cho tinh thần hăng say tạ ơn tôn vinh Chúa. Trong nơi nhóm họp có người kêu la khắc khoải vì sự thuyết phục của THÁNH LINH, đồng thời cũng có người lớn tiếng ca ngợi Chúa về sự cứu rỗi vô cùng vĩ đại của Ngài. Các buổi nhóm đông đảo nầy cứ kéo dài, vì không ai còn nhớ đến thời gian nữa. Tất cả dường như đã được bước vào cõi đời đời. Các buổi nhóm họp có thể bắt đầu đúng 6 giờ rưỡi chiều, nhiều khi chỉ chấm dứt sáng sớm hôm sau vì không ai chú ý coi đồng hồ. Họ chẳng cần cà-phê hay món gì khác để giải lao, vì một khi ĐỨC THÁNH LINH nắm quyền chủ động, người ta không còn để ý đến thời giờ, và cũng không lo nghĩ đến các nhu cầu của thể xác nữa.
Với tinh thần đó, Phục Hưng chính là những ngày trời trên đất. Chúng tôi xin trích ra đây một đoạn do Jonathan Edwards, một sứ giả Phục Hưng, đã viết về sự thăm viếng của ĐỨC THÁNH LINH tại một thị trấn nhỏ, tên là Northampton, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, vào năm 1735, như sau :
"Công việc của ĐỨC THÁNH LINH đã đem lại một sự thay đổi kỳ diệu đến nổi suốt mùa Xuân và mùa Hạ năm đó, cả thị trấn đều đầy dẫy sự hiện diện vinh hiển của ĐỨC CHÚA TRỜI. Cả thị trấn đều tràn ngập tình thương, sự vui mừng và đồng thời cũng đầy dẫy sự đau đớn về tội lỗi do quyền năng thuyết phục của ĐỨC THÁNH LINH. Mỗi nhà đều có dấu hiệu Chúa thăm viếng và gia đình nào có người mới được cứu rỗi đều mừng rỡ vô cùng. Cha mẹ vui mừng vì con cái được tái sanh, chồng vui mừng vì vợ, vợ vui mừng vì chồng được Chúa cứu. Bàn tay quyền năng của ĐỨC CHÚA TRỜI bày tỏ rõ ràng tại nơi thờ phượng. Ngày của Chúa là ngày vui mừng, nhà của Chúa là nhà đáng yêu mến. Các giờ nhóm họp thờ phượng thật là tốt đẹp vì cả hội chúng đều có sức sống tuôn tràn. Ai nấy đều sốt sắng tham dự các giờ thờ phượng, ai nấy đều khát khao để "uống" lời Chúa phán qua miệng các tôi tớ Ngài. Trong hội chúng thường có tiếng khóc khi Lời Chúa được rao giảng, có người khóc với tấm lòng ăn năn đau đớn vì tội lỗi, có người khóc vì vui mừng và vì yêu thương, cũng có người khóc vì lưu tâm đến những linh hồn chưa biết Chúa".
` Trên đây là những việc ĐỨC THÁNH LINH đã làm trong các cuộc Phục Hưng. Chúng ta nhắc lại để trả lời câu hỏi : Phục Hưng có ý nghĩa gì ? cũng như khi ĐỨC CHÚA TRỜI bảo Giô-suê dựng mười hai tảng đá và trả lời cho người hỏi : các tảng đá nầy có ý nghĩa gì ? Phục Hưng là công việc của ĐỨC CHÚA TRỜI, là sự thăm viếng phi thường của ĐỨC THÁNH LINH. Chúng ta đã biết những đìều nầy chưa ? Chúng ta có muốn được Chúa thăm viếng và lưu tâm đến những việc Chúa làm không? Chúng ta có được cảm động khi nghĩ đến Phục Hưng không ? Chúng ta có nhận thấy rằng nếu Chúa thăm viếng và ban cho chúng ta Phục Hưng hôm nay, tất cả các vấn đề của chúng ta đều được giải quyết không ?
Phục Hưng là ĐỨC CHÚA TRỜI thăm viếng dân Ngài, là ngày trời trên mặt đất, là quyền chủ trị tuyệt đối của ĐỨC THÁNH LINH, là sức sống không giới hạn mà ĐỨC CHÚA TRỜI ban cho dân của Ngài. Khi biết được các điều nầy, chúng tôi tin rằng chẳng những các bạn sẽ nói : Ước ao Chúa ban cho chúng ta Phục Hưng, mà còn khẩn thiết cầu xin Chúa thăm viếng chúng ta cách phi thương.
D. Martyn Lloyd Jones