Chúng ta phải hiệp một trong Đấng Christ. Trong tất cả những sự so sánh về Hội Thánh – nàng dâu, tòa nhà, gia đình, đạo quân, thân thể - "sự hiệp nhau" chính là chìa khóa.
Binh lính hiệp nhau thành quân đội. Cô dâu chú rể hiệp một trong hôn nhân.
Người thân thích hiệp nhau thành gia đình. Những viên gạch liên kết thành tòa nhà. Và nhiều người hiệp một trong Đấng Christ tạo nên Hội Thánh.
Một người lính không làm nên đạo quân, một người không thể khiến cho hôn nhân thành tựu, chỉ một người thân không làm nên gia đình, một viên gạch không xây nên tòa nhà, một chi thể không làm nên thân thể. Vậy Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su phải có sự hiệp nhau lại như thế thì mới trở nên một thân thể được.
Các bộ phận trong thân thể của tôi dầu khác nhau nhưng tất cả đều làm việc với nhau cách nhịp nhàng. Tôi cầm thức ăn bằng tay. Tôi nhai bằng răng. Bao tử tôi giúp tiêu hóa thức ăn. Giữa chúng tôi không có sự ganh đua. Tất cả đều cùng nhau vận hành để đáp ứng mọi nhu cầu của tôi. Mỗi chi thể thì khác nhau, nhưng đều quan trọng và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng không hề ghen tương hay tranh cạnh với nhau.
Cũng vậy, Hội Thánh là thân thể Đấng Christ gồm có nhiều thành viên. Mỗi thành viên đều đuợc ban cho các ân tứ thuộc linh để sử dụng vì lợi ích của toàn thân thể. Và cũng như cơ thể con nguời, mỗi thành viên đều quan trọng như nhau. Không có phần nào là vô dụng trong thân thể của Đấng Christ. Một vài bộ phận nổi bật và dễ nhận thấy hơn các phần khác trong cơ thể, nhưng tất cả đều quan trọng. Sứ đồ Phao-lô liệt kê một số các ân tứ trong Rô-ma 12:6-8. Đó là ân tứ nói tiên tri (rao giảng), ân tứ làm chức vụ (giúp người có nhu cầu), ân tứ dạy dỗ, ân tứ khuyên bảo (khả năng cảm hóa và khích lệ người khác), ân tứ bố thí (ngụ ý nói người có khả năng làm ra tiền), ân tứ cai trị (khả năng lãnh đạo), ân tứ thương xót (có trái tim cảm thông và đi ra an ủi kẻ khác).
Việc thăm viếng người già cả trong viện dưỡng lão thì không dễ nhìn thấy như việc hát trong ca đoàn. Nhưng tầm quan trọng của các công việc thì ngang nhau. Và việc điều hành một ban ngành thì không nổi bật bằng việc giảng cho 1.000 người hay dạy lớp Trường Chúa Nhật của thiếu nhi; tuy vậy, đó là việc rất có giá trị. Có một số công tác ở "tiền tuyến" và một số công tác ở "hậu phương", nhưng tất cả đều cần thiết cho một thân thể Hội Thánh khỏe mạnh.
Phao-lô viết về điều ông đã làm với những ân tứ thuộc linh này bởi vì chúng tôi đã gây nên sự cãi lẫy trong Hội Thánh. Một số tín hữu ghen tỵ với những người khác bởi vì họ không có các ân tứ đáng chú ý. Một số thì lên mình kiêu ngạo vì cảm thây mình cao siêu hơn những người có ân tứ kém nổi bật. Phao-lô đã quở trách những Cơ-đốc nhân này; ông nói họ không nên có sự tranh cạnh trong Hội Thánh
(I Cô-rinh-tô 12:25). Các ân tứ đếu được ban cho bởi ân điển Chúa; và mục đích của chúng không phải để chia rẽ chúng ta, nhưng để hiệp chúng ta lại làm một. Chúng ta cần phải nhận lãnh và quản trị các ân tứ thuộc linh với một tinh thần khiêm tốn và trong sự hòa thuận chứ không phải với lòng kiêu ngạo hay sự khoe khoang. Nếu được như thế thì cả cơ thể sẽ cùng thực hiện chức năng của mình và mọi nhu cầu sẽ được đáp ứng.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là mỗi chúng ta cần tìm ra chỗ đứng của mình trong thân thể và làm trọn chức năng ấy. Chúng ta cần khám phá ra ân tứ của mình là gì, rồi phát triển tối đa ân tứ ấy và dâng hiến cho Đức Chúa Trời.
Nhiều năm trước đây, tại San Angelo, Texas, tôi có gặp một người hầu việc Chúa tình nguyện tên là Melvin Shook. Lúc còn trẻ, ông đã mua lại từ hai người bạn một công ty sản xuất lốp xe với giá 300 đô-la và một giấy tay. Cuối cùng nó đã phát triển thành nơi phân phối vỏ xe lớn nhất miền tây Texas.
Trong thời kỳ suy thoái, một mình ông Shook đã ủng hộ cho toàn bộ công việc truyền giáo của Ủy Ban Truyền giáo Quốc Ngoại trực thuộc Giáo Hội Báp-tít Nam Phương đóng cơ sở tại thung lũng Amzone ở Brasil. Ông đã dâng hiến không biết bao nhiêu triệu đô-la cho công tác truyền giáo và giáo dục cho thanh thiếu niên Cơ-đốc thông suốt những năm ấy.
Khi tiến sĩ Jerold McBride đến làm Mục-sư tại Hội Thánh. Ông Shook nói rằng, "Thưa Mục sư, tôi là người chỉ có độc một ân tứ, đó là tôi không làm được gì hơn ngoài việc kiếm tiền. Nhưng đồng tiền của tôi thuộc về Đức Chúa Trời. Cho nên nếu ông nhận thấy có nhu cầu nào cần tôi giúp thì xin cứ cho tôi hay. Nếu ông không cảm thấy khó chịu khi tôi từ chối, thì tôi cũng sẽ không thấy khó chịu khi ông yêu cầu sự giúp đỡ của tôi".
Mặc dầu là một nhà triệu phú nhưng ông Shook chỉ đi một chiếc xe trung bình. Trong nhiều năm, vị Mục sư của ông khuyên ông nên mua một chiếc xe đẹp hơn, nhưng ông luôn từ chối và nói "Thưa Mục sư, tôi không làm điều đó được ! Đây không phải là tiền của tôi. Chiếc xe mới sẽ mắc hơn 5.000 đô-la so với chiếc xe cũ mà tôi đang đi. Trong khi đó, tôi biết có nhiều nơi cần 5.000 đô-la hơn là tôi cần nó để mua một chiếc xe sang trọng".
Ông Shook không thể dạy một lớp Trường Chúa Nhật, hay hát trong ca đoàn, hay làm được nhiều việc trong Hội Thánh, nhưng Chúa đã ban cho ông một ân tứ ấy là làm ra tiền và dâng hiến. Ông đã trung tín và thực hành ơn đó. Có nhiều người khác trong Hội Thánh không thể dâng hàng triệu đô-la, nhưng họ có thể hát và dạy dỗ. Nếu mọi người đều làm điều mình có thể làm thì tất cả mọi nhu cầu của thân thể sẽ được đáp ứng. Ý nghĩa của việc trở nên thân thể của Đấng Christ là như thế - chúng ta không chỉ có sự đáp ứng với Đấng Christ mà thôi, nhưng chúng ta cũng sống thuận hòa trong Ngài nữa.
Paul W. Powell