Một trong những nhà truyền giảng vĩ đại và các giáo sư Thánh Kinh lớn trong thời đại chúng ta, Charles Stanley, đã ban bố một sứ điệp vào một trong các buổi huấn luyện nhân sự, trong đó ông cho biết ông đã lớn lên mà không biết tình yêu của một người cha. Ông đã đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế, đi học thần đạo, và xây dựng một Hội Thánh lớn. Một ngày kia khi ông cảm thấy kiệt sức và vào lúc hy vọng sắp tàn tắt, ông đã mời một số những người tin cậy để cùng ông tham gia thì giờ hồi tưởng lại cuộc đời mình. Trong suốt nhiều giờ đồng hồ, ông kể lại câu chuyện đời mình cho họ, ông đã cảm nhận thế nào về sự không được yêu thương khi còn là một đứa trẻ, thậm chí khi đã trở thành là một người lớn, ông cũng không hề kinh nghiệm tình yêu của Chúa như thế nào.
Cuối cùng, một trong những người ấy bảo ông hãy tựa đầu trên hai cánh tay khoanh lại đặt trên bàn : "Hãy tưởng tượng Đức Chúa Trời đang vòng hai cánh tay Ngài quanh bạn trong khi bạn tập trung vào lời tuyên bố : "Chúa yêu tôi".
Khi Stanley làm như vậy, nước mắt ông bắt đầu tuôn đổ. Ông cảm thấy tình yêu của Cha Thiên Thượng tràn ngập mình lần đầu tiên trong cuộc đời. Điều đã từng là một sự thực hành khôn ngoan của đức tin đặt nơi tình yêu của Chúa đã trở nên hết sức riêng tư.
Chúa Giê-su đã hàm ý chúng ta phải yêu chính mình khi Ngài phán rằng: "Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình". Trước mắt Chúa, bạn không cần phải thông minh hơn, gầy hơn, xinh xắn hơn hoặc giàu có hơn. Đó là những tiêu chuẩn của thế gian chứ không phải của Chúa. Ngài yêu bạn và chấp nhận bạn đúng như bạn vốn có. Bạn không có lý do gì để ghét chính mình khi Đấng tạo dựng bạn bày tỏ tình yêu vô điều kiện bằng cách tha thứ cho bạn và chịu chết vì bạn. Bạn là hoàn toàn; bạn có nhân cách và giá trị không thể dò được với tư cách là con cái Đức Chúa Trời.
Chúa muốn chúng ta yêu kẻ thù.
Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ Ngài: "Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi". Điều đó thật khó, nếu không nói là không thể được, nếu không có sự trợ giúp của Đức Thánh Linh trong đời sống chúng ta.
Một người đã bày tỏ tình yêu của Chúa cho kẻ thù mình là Richard Wrumbrand, một mục sư người Rumani đã bị bỏ tù và hành hạ vì đức tin của mình. Ông mất cả cha lẫn mẹ, các chị em gái, một người em trai và con cái trong cuộc tàn sát của Đức Quốc Xã. Trong những ngày khủng khiếp ấy ông đã được giới thiệu đến một người lính Rumani là người đã khoe về cách ông ta đã giết những người Do Thái -- thậm chí những người đang bồng những đứa bé trong tay họ.
Người đàn ông nầy đã không biết Wrumbrand là một người Do Thái, bởi vì Wrumbrand là một cái tên tiếng Đức phổ thông. Ông ta là một mục sư Cơ Đốc, người lính ấy cho rằng Richard không phải là ngườI Do Thái. Trong khi người lính khoe khoang việc tàn sát những người Do Thái, Wrumbrand đã không nói một lời nào. Thay vào đó, anh đã mời người lính nầy về nhà mình. Người lính đã nhận lời mời. Khi đến nơi, Wrumbrand giải thích rằng vợ ông đang nằm trên giường bệnh. Sau khi trò chuyện cho đến chặp tối, vị mục sư nói với người lính Rumani nói rằng : "Thưa ông, tôi phải nói với ông đôi điều. Nhưng hãy hứa với tôi rằng ông sẽ im lặng lắng nghe tôi trong mười phút. Sau mười phút ông có thể nói bất cứ điều gì ông muốn". Người lính đồng ý.
Richard Wrumbrand sau đó nói rằng : "Trong căn phòng kia, vợ tôi đang ngủ. Bà là người Do Thái và tôi cũng vậy. Gia đình của nàng cũng như gia đình của tôi, bị hủy diệt trong những trại tập trung lớn của Đức Quốc Xã. Anh khoe khoang rằng anh đã giết những người trong trại tập trung đó, là nơi gia đình chúng tôi đã được đưa đến. Vì vậy tôi coi anh như là kẻ đã giết gia đình chúng tôi.
"Bây giờ tôi đề nghị anh một sự nghiệm thử. Chúng tôi sẽ đi vào phòng kia và sẽ nói với vợ tôi anh là ai. Tôi bảo đảm với anh rằng vợ tôi sẽ không nói một lời nào, sẽ không nhìn anh cách tức giận, mà sẽ mỉm cười với anh như một người khách. Nàng sẽ coi anh như một người khách được tôn trọng. Mặc dầu nàng đang bệnh, nàng sẽ đi ra và chuẩn bị cà phê cùng với bánh ngọt cho anh. Anh sẽ được tiếp nhận như bất cứ một người nào khác, nếu vợ tôi chỉ là con người, có thể làm điều đó, nếu nàng có thể yêu thương anh như vậy, sau khi biết điều anh đã làm mà vẫn có thể tha thứ cho anh, thì Chúa Giê-su, là tình yêu thương, sẽ còn yêu anh nhiều đến chừng nào?".
NgườI lính Đức cao lớn ấy đã xé áo mình và khóc lóc: "Tôi đã làm gì, tôi đã làm gì vậy ? Tôi đã phạm tội vì đổ máu quá nhiều." Người đàn ông nầy là người chưa bao giờ nghe một lời cầu nguyện trước đây đã cùng quỳ gối với vị mục sư và xin Chúa tha tội cho mình.
Sau đó, hai người đàn ông bước vào trong phòng nơi bà Wrumbrand đang nằm. Bà không hề nghe gì về điều đã xảy ra trong căn phòng bên cạnh, nhưng khi chồng bà đánh thức bà, bà đã làm đúng như điều ông đã mô tả bà sẽ làm. Khi bà nghe rằng người lính đã ăn năn tội mình, bà vòng tay ôm cổ anh ta, cả hai đều khóc. Mục sư Wrumbrand đã viết lại cảnh ấy như sau : "Thật là một quang cảnh yêu thương giống như nơi thiên đàng. Đó là điều Chúa Giê-su có thể làm. Ngài là tình yêu thương."
Khi những Cơ Đốc Nhân bắt đầu yêu Đức Chúa Trời, họ sẽ yêu những kẻ thù nghịch mình. Thế giới ngày nay, cũng như trong thế kỷ thứ nhất, sẽ kinh ngạc khi thấy thái độ và hành động yêu thương của chúng ta : "Những người Cơ Đốc nầy yêu thương nhau biết bao."
Bill Bright