Trên nền tảng của Đức Chúa Giê-su Christ, những người tin Ngài là "những hòn đá sống" kết lại thành một "ngôi nhà thuộc linh". Chữ "xây" là một từ ngữ xây dựng. Nó chỉ về việc tập trung những phần khác nhau lại và gắn chúng thành một khối. Đó là diều mà người thợ nề hay thợ mộc thường làm. Người ấy lấy những vật liệu xây dựng khác nhau và ráp chúng lại thành một tổng thể.
Và đó cũng là hình ảnh của Hội Thánh -- người từ mọi ngành nghề, thành phần trong cuộc sống được liên hiệp bằng tình yêu thương và sự tận hiến cho Chúa Cứu Thế Giê-su. Điều nầy cho thấy Hội Thánh là một Cộng đồng, và một cá nhân chỉ có thể tìm được chỗ đứng thật sự của mình khi người ấy trở nên một phần trong cộng đồng ấy.
Viên gạch nằm riêng lẻ thì hóa ra vô dụng. Chỉ khi nào nó được dùng để xây nhà thì nó mới làm trọn mục đích của người làm ra nó. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta được cứu từng người một, nhưng một người thì không thể làm nên Hội Thánh, cũng giống như viên gạch không thể làm nên một tòa nhà. Vậy thì chúng ta phải được liên kết với nhau trong mối tương quan với Đấng Christ, là nền tảng của Hội Thánh, và với người khác.
Giả sử trong thời chiến tranh, có người nói, "Tôi muốn phục vụ đất nước của tôi và đánh đuổi kẻ thù, nhưng tôi không thích gia nhập quân đội". Nếu nguời ấy cố gắng thực hiện quyết tâm ấy một mình thì anh ta chỉ làm được rất ít. Chỉ có bước vào hàng ngũ quân đội, anh ta mới thực hiện được điều mình ước ao. Một người nếu muốn đứng ra bảo vệ và ủng hộ một chính nghĩa nào đó thì anh ta phải tìm những người có đồng một lý tưởng với mình. Hội Thánh cũng vậy.
Vì vậy chúng ta phải tìm chỗ của mình trong Hội Thánh và lấp đầy khoảng trống ấy. Thỉnh thoảng, tôi thấy một số người nói họ là Cơ đốc nhân, họ tin Chúa Giê-su, nhưng trong đời sống họ không có chỗ cho Hội Thánh. Kinh Thánh không hề nói gì đến một Cơ đốc nhân không có Hội Thánh.
Lại có một số người chỉ có mối liên hệ hờ hững với Hội Thánh. Giám Mục Jakes Pike nói mối quan hệ giữa những người như thế với nhà thờ là mối quan hệ "lắc rắc" : chút nước vẩy khi chịu Báp-têm, chút hoa rẫy trong tiệc cưới, và một nắm đất rắc ở lễ tang. Hội Thánh đối với họ chẳng khác nào một tổ chức.
Cũng có một số người khác tham dự Hội Thánh chỉ để tìm được một điều gì đó cho mình. Họ chỉ suy nghĩ được như thế. Nhưng còn chúng ta, chúng ta phải kết hiệp với Hội Thánh không phải vì điều chúng ta sẽ nhận được mà là vì điều chúng ta sẽ mang đến đó. Chúng ta đến nhà thờ để thêm lời cầu nguyện của mình vào lời cầu nguyện trải qua nhiều thời đại của thánh. Chúng ta đến nhà thờ để góp tiếng hát của mình vào những bản thánh ca ngợi khen Đức Chúa Trời được cất lên từ tuần này đến tuần khác. Chúng ta đến nhà thờ để thêm lời làm chứng của mình về ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời, cũng như thêm vào lời làm chứng của những người đã bởi đức tin mà tuân đạo. Chúng ta đến nhà thờ để góp ảnh hưởng của chúng ta vào ảnh hưởng của hàng triệu người nhóm họp vào ngày của Chúa. Chúng ta có thể chỉ là một viên gạch, nhưng nhờ từng viên gạch được chồng lên nhau mà bức tường được xây lên.
Chúng ta phải làm hết sức mình để bảo vệ sự hiệp nhất của Hội Thánh. Sự đối chọi và phân rẽ nhau chính là sự rủa sả trên Hội Thánh trải qua bao năm tháng. Chúng ta phải làm hết năng lực mình có để việc ấy không xảy ra. Làm sao chúng ta có thể công bố cho thế giới biết mình đang phục vụ một Đức Chúa Trời yêu thương nếu như chúng ta không yêu thương và không sống hòa thuận với nhau ?
Herb Bullock, một người bạn mục sư của tôi kể với tôi câu chuyện khi ông mới bắt đầu chức vụ. Một hôm, có một vị mục sư già đến nói với ông rằng, "Này con ơi, con đừng bao giờ làm mục sư ở một Hội Thánh có mang chữ Harmony (Hòa Hợp), Fellowship (Thông Công) hay Friendship (Hữu Nghị)". Bạn có đoán tại sao không ? Đó là vì đằng sau những cái tên như thế thường có đủ những hình thức chia rẽ và xung đột.
Khắp nước Mỹ có những Hội Thánh lấy tên "Harmony Baptist Church" (Hội Thánh Báp-Tít Hòa Hợp). Nếu bạn lái xe đi xa hơn thì có thể bạn sẽ thấy một tấm bảng khác đề, "New Harmony Baptist Church" (Hội Thánh Báp-Tít Tân Hòa Hợp). Rồi lại có một tấm bảng khác đề "Greater Harmony Baptist Church" (Hội Thánh Báp-Tít Hòa Hợp Hơn Nữa). Khi thấy như vậy, bạn có thể biết chắc rằng thường không có nhiều sự hòa hợp lắm đằng sau những cái tên như thế.
Tính hẹp hòi của con người là điều gây nên tổn thất và đổ vỡ nhiều nhất trong Hội Thánh. Trong quyển Wittenberg Door (December 1984/85), Mike Yaconelli viết, "Nan đề của Hội Thánh ngày nay không phải là tham nhũng, không phải là thể chế. Không, vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với việc vị mục sư cùng người chơi đàn organ bỏ trốn để sống với nhau. Vấn đề chính là lòng dạ hẹp hòi. Một sự nhỏ nhen trắng trợn".
Mục sư Tiến sĩ Vance Havener quá cố đã nói về điều đó như vậy. "Chưa bao giờ Hội Thánh phải chịu đau đớn đến thế, không phải bởi những con chim gõ kiến bên ngoài nhưng bởi sự đục phá của những con mối, con mọt bên trong." Đừng bao giờ dự phần trong sự chia rẽ và hủy phá đền thờ sống của Đức Chúa Trời chúng ta.
Ý của tôi không phải là chúng ta nhất nhất phải đồng tình với nhau về mọi việc. Một ai đó nói, "Một Hội Thánh không thể tạo nên một bản hòa tấu nếu như mọi người đều hát cùng một nốt nhạc." Vì vậy, chúng ta có thể hát ở những cao độ khác nhau, nhưng chúng ta cố gắng hát trong sự hài hòa với những người khác.
Paul W. Powell