Hội Thánh là nơi Chúa ngự. Khi chúng ta lập nền trên Chúa Cứu thế Giê-xu là liên hiệp với nhau trong tình yêu thương, chúng ta trở nên một đền thờ thiêng liêng để Chúa ngự vào. Phao-lô đã diễn tả điều này khi ông viết, "Anh em đã được... dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh" (Ê-phê-sô 2:20).
Sir Christopher Wren là kiến trúc sư của Đại Thánh Đường Saint Paul ở Luân Đôn (Thánh đường lớn đứng hàng thứ hai trên thế giới). Một hôm, ông đi giữa những công nhân đang làm việc và hỏi từng người, "Anh đang làm gì vậy?" Người thứ nhất trả lời, "Tôi đang đẽo đá." Người thứ hai nói, "Tôi kiếm được 3 đồng shilling một ngày." Còn người thứ ba trả lời, "Thưa ông, tôi đang xây ngôi Đại Thánh Đường."
Đó là ý nghĩa của Hội Thánh. Chúng ta không chỉ dạy các lớp học Kinh Thánh, hướng dẫn tín hữu vào chỗ ngồi, hoặc hát các bản thánh ca. Nhưng bởi sự thờ phượng của chúng ta, sự truyền giảng, sự phục vụ và tình yêu thương, chúng ta đang xây dựng một Thánh Đường lớn, một ngôi đền sống để bày tỏ sự vinh hiển và ân sủng của Đức Chúa Trời.
Đức Thánh Linh không ngự ở nơi nào khác nhưng ngự trong chúng ta (Công vụ 7:48-50). Ngài ở trong tấm lòng của những người tin cậy Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 6:19-20). Trong thời Cựu Ước, người ta tin rằng đền thờ chính là nơi Đức Chúa Trời ngự giữa. Nhưng ngày nay chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời ngự giữa dân sự Ngài.
Trước đây, Ngài có một đền thờ cho dân sự mình. Còn giờ đây, Ngài có một dân cho đền thờ của Ngài. Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời ở trên chúng ta. Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Trời bên cạnh chúng ta. Ngày nay, Ngài ở trong chúng ta. Chúa ở trên ta! Chúa ở cạnh ta! Chúa ở trong ta!
Ngày nay, cá nhân và tập thể chúng ta đều là đền thờ của Đức Chúa Trời trên đất. Với ý nghĩa đó, mọi Hội Thánh cần thông công trong sự "đầy dẫy Đức Thánh Linh." Mỗi một Hội Thánh đều có thể nói lớn rằng mình "đầy dẫy Đức Thánh Linh" và quả thật chúng ta nên nói như thế.
Dấu hiệu của một Hội Thánh đầy dẫy Đức Thánh Linh không phải là tiếng lạ hoặc phép lạ mà thôi, nhưng là tình yêu thương, lòng vui mừng và sự thánh khiết. Như một trong những thần học gia lớn của chúng ta, Tiến sĩ W.T. Conner từng nói, "Điều quan hệ không phải là bạn nhảy cao bao nhiêu khi bạn nhận lãnh Đức Thánh Linh, nhưng ở chỗ bạn có đi thẳng hay không khi bạn xuống đất trở lại."
Việc nhận thức được rằng mình là đền thờ của Chúa sẽ trở nên một sự khích lệ vô cùng to lớn để chúng ta sống một nếp sống thanh sạch. Chúng ta là đền thờ Chúa ngự vì Linh của Ngài cư trú trong chúng ta, và thân thể của chúng ta là thiêng liêng (1 Cô-rinh-tô 6:19-20).
Có một lần, thánh Augustine bị cám dỗ quay lại lối sống trước đây của mình, và ông đã tự quở mình rằng, "Ngươi quả thật ngu dại, ngươi không biết rằng Đức Chúa Trời đang ngự trong mình sao?" Ông nói đúng. Nếu bạn là Cơ Đốc nhân thì Đức Chúa Trời đang hiện diện trong bạn.
Chúng phải cẩn thận để không dập tắt Đức Thánh Linh trong lòng mình, thay vào đó cuộc đời chúng ta được Ngài kiểm soát và hướng dẫn. Chúng ta không cần một tòa nhà chứa đầy những có tâm linh trống rỗng. F.B. Myer là một nhà truyền đạo nổi tiếng ở thế hệ trước. Ông kể trong một giấc mơ của mình, ông thấy Chúa đến với ông và nói, "Này F.B., con hãy đưa cho ta tất cả các chìa khóa của đời sống con." Ông nói, vậy là "tôi thấy mình bỏ tay vào túi và đưa cho Ngài một chùm chìa khóa." Thế rồi Chúa hỏi, "Còn cái nào nữa không?" Ông Myer đáp, "Không, thưa Chúa, đấy là tất cả ngoại trừ một căn phòng nhỏ trong cuộc đời con. Nhưng nó rất nhỏ và chẳng quan trọng gì mấy."
Rồi ông Myer kể tiếp, trong giấc mơ, Chúa đưa lại chùm chìa khóa cho ông và nói, "Nếu con không trao chìa khóa nhỏ đó, Ta không cần cái nào cả." Sau này, ông Myer nói, "Đấng Christ hiện diện trong một số người. Ngài nổi bật trong một số người khác. Và đối với một số người khác thì Ngài thật sự quan trọng cuộc đời họ. Khi Ngài trở nên quan trọng trong chúng ta thì chúng ta sẽ trở nên Hội Thánh, nhà của Ngài trong ý nghĩa trọn vẹn của từ ngữ ấy."
Trong 1 Phi-e-rơ có sự tương phản trong điều Đức Chúa Trời muốn nói về kẻ tin và kẻ không tin. Đối với kẻ không tin, Ngài là hòn đá bị loại ra (Ma-thi-ơ 21:42). Ngài đã không đáp ứng sự mọng mỏi của họ, nên họ đã đóng đinh Ngài (1 Phi-e-rơ 2:4). Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết và khiến Ngài trở thành hòn đá quan trọng nhất trong toàn thể cấu trúc của vương quốc Ngài. Vậy là, đối với kẻ chẳng tin, Ngài bị loại ra. Nhưng đối với chúng ta, Ngài đã chọn lựa và được tôn trọng. Những ai tin cậy Đấng Christ và tôn quý Ngài như Đức Chúa Trời yêu quý thì sẽ chẳng bao giờ bị hổ thẹn (1 Phi-e-rơ 2:6), nhưng được chia sẻ sự vinh hiển Đức Chúa Trời đã ban xuống cho Đấng Christ (câu 7a). Những ai khước từ Đấng Christ sẽ bị chính hòn đá ấy làm cho vấp ngã và rơi vào chỗ diệt vong (câu 8).
Paul W. Powell