Cách đây ít năm, một cô gái Nhật nhờ tôi và vợ tôi cầu nguyện cho lưng của cô được chữa lành. Chúng tôi đã đặt tay trên lưng cô và xin Chúa chữa lành cho cô. Sau đó tôi đã tìm cách tránh gặp cô bởi vì tôi không chắc phải giải thích thế nào với cô, lý do cô không được chữa lành. Một ngày kia cô ta đến ngay lối rẽ và tôi không thể tránh cô được. Và tôi nghĩ chỉ vì lịch sự mà phải hỏi thăm một câu thật đáng sợ : "Lưng cô thế nào ?".
Cô trả lời : "Ồ, nó đã lành hoàn toàn sau khi ông cầu nguyện cho tôi".
Tôi không hiểu vì sao tôi lại ngạc nhiên quá đỗi như vậy, nhưng đó lại chính là thái độ của tôi.
Khi John Wimler cùng với một đội ngũ từ Hội Thánh của ông là hội Vineyard Christian Fellowship đến thăm Hội Thánh chúng tôi, ông đã giảng vào một ngày Chúa Nhật về vấn đề chữa lành. Vào thứ hai ông đến một buổi nhóm của những người lãnh đạo. Chúng tôi đã được nghe các cuộc nói chuyện về chữa lành trước kia, và cảm thấy rất vui vẻ những gì ông nói đến trong vấn đề đó. Lúc bấy giờ chúng tôi còn rất xa lạ với vấn đề nầy. John Wimler nói rằng đội ngũ của ông đã có khoảng mười hai "lời nói có tri thức" dành cho những người trong phòng. Ông cho chúng tôi biết bởi một "lời có tri thức" (I Côrinhtô 12:8), ông có ý nói một sự mặc khải siêu nhiên về các sự kiện có liên quan đến một người hoặc một tình huống mà những nỗ lực của trí khôn tự nhiên không học biết được mà chỉ được hiểu biết bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Điều đó có thể nằm dưới dạng của một hình ảnh, một lời được thấy hoặc nghe trong tâm trí, hoặc một sự cảm nhận được kinh nghiệm về mặt thuộc thể. Sau đó ông nêu danh sách của tất cả những người ấy và cho biết ông sẽ mời một số người tiến lên phí trước để ông cầu nguyện cho. Tôi là một trong số đó, là người nghi ngờ nhất về toàn bộ những điều nầy.
Khi từng người một trả lời về tình trạng của mình trước những lời tri thức được ông mô tả rất chi tiết (theo tôi nhớ thì một trong số những điều đó là "một người đã bị thương ở lưng trong khi bổ củi vào năm mười bốn tuổi"), mức đức tin trong phòng bắt đầu dâng cao. Mỗi một "lời tri thức" đều được hưởng ứng. Một trong những lời đó có liên quan đến tình trạng vô sinh. Chúng tôi đều biết rõ nhau và đều cảm thấy chắc chắn là lời ấy không thể ứng dụng cho người nào trong số chúng tôi cả. Tuy nhiên có một phụ nữ không thể có thai được, cô đã can đảm tiến lên phía trước. Cô được ông cầu nguyện và chin tháng sau đó, cô đã có đứa con đầu tiên, rồi lại có thêm bốn đứa nữa !
Thái độ của tôi trong suốt buổi chiều đó phản ánh nỗi sợ hãi và nghi ngờ mà nhiều người trong chúng tôi trong thế kỷ thứ hai mươi nầy thường có đối với vấn đề chữa lành. Tôi quyết định đọc lại Kinh Thánh để cố tìm hiểu Kinh Thánh nói gì về sự chữa lành. Càng đọc tôi càng được thuyết phục rằng ngày nay chúng ta phải trông đợi Chúa chữa lành bằng phép lạ. Tất nhiên, Ngài cũng chữa lành qua sự hiệp tác của các bác sĩ, các y tá và toàn bộ ngành y dược.
Việc chữa lành trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước chúng ta thấy những lời Chúa hứa sẽ đem lại sự chữa lành và sự khỏe mạnh cho dân sự nếu họ vâng lời Ngài (xem Xuất 23:25-26; Phục truyền 28; Thi thiên 41). Thật vậy, tâm tánh Ngài là muốn chữa lành vì Ngài phán rằng : "Ta là Đức Giêhôva, Đấng chữa bệnh cho ngươi" (Xuất 15:26). Chúng ta cũng thấy nhiều ví dụ về sự chữa lành bằng phép lạ (I Các Vua 13:6; II Các Vua 4:8-37; Êsai 38).
Một phần tư các sách Phúc âm liên quan đến sự chữa lành. Mặc dầu Chúa Giê-su không chữa lành cho hết thảy những kẻ bệnh trong vùng Giuđê, chúng ta vẫn thường đọc thấy Ngài chữa lành cho những cá nhân hoặc các nhóm người (Mathiơ 4:23; 9:35; Mác 6:56; Luca 4:40; 6:19; 9:11). Đó là một phần hoạt động thông thường của nước trời.
Không những chính Ngài đã làm công việc nầy, mà Ngài còn ủy thác cho các môn đồ để họ cũng làm giống như vậy. Trước hết Ngài ủy thác cho mười hai môn đồ. Điều nầy được trình bày rõ trong sách Phúc âm Mathiơ. Mathiơ cho chúng ta biết "Chúa Giê-su đi khắp xứ Galilê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin lành của nước Đức Chúa Trời và chữa lành mọi thứ tật bệnh trong dân" (Mathiơ 4:23).
Mathiơ cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su kế đó đã sai mười hai môn đồ ra đi để làm công việc giống như Ngài đã làm. Ngài bảo họ hãy đi và rao giảng sứ điệp giống như vậy : "Nước thiên đàng gần rồi". Hãy chữa lành cho kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung và trừ các quỷ... (Mathiơ 10:8). Các sứ mạng của Ngài không những đã đưọc giao cho mười hai sứ đồ và bảy mươi hai môn đồ. Chúa Giê-su mong muốn hết thảy môn đồ Ngài đều làm giống như vậy. Ngài phán cùng các môn đồ rằng : "Hãy đi và môn đệ hóa muôn dân, dạy họ vâng giữ mọi điều ta đã truyền cho các ngươi" (Mathiơ 28:18-20). Ngài không bảo : "Tất cả mọi điều, dĩ nhiên là ngoại trừ việc chữa bệnh".
Trong Phúc âm Giăng chúng ta cũng thấy những lời tương tự. Chúa Giê-su đã phán trong phạm vi của các phép lạ : "Kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm, lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha !" (Giăng 14:12). Rõ ràng là không ai có thể, thì thế các phép lạ có chất lượng lớn hơn Chúa Giê-su, song đã từng có một số lượng lớn hơn từ khi Chúa Giê-su về cùng Cha Ngài. Một lần nữa chính "Những người nào tin ta". Đó chính là các bạn và tôi. Những mạng lệnh và những lời hứa nầy không có chỗ nào giới hạn cho riêng một thành phần Cơ Đốc Nhân đặc biệt nào cả.
Chúa Giê-su đã chữa lành : Ngài bảo các môn đồ hãy làm giống như vậy và họ đã làm. Trong sách Công vụ các sứ đồ chúng ta thấy sự tiến triển của nhiệm vụ nầy. Các môn đồ đã tiếp tục rao giảng và dạy dỗ, song chữa lành cho kẻ bệnh, khiến sống kẻ chết và đuổi các quỷ (Công vụ 3:1-10; 4:12; 5:12-16; 8:5-13; 9:32-43; 14:3; 8:10; 19:11-12; 20:9-12; 28:8-9). Rõ ràng là từ I Côrinhtô 12:14 Phaolô đã không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng sự chữa lành chỉ giới hạn trong một giai đoạn đặc biệt nào đó của lịch sử. Trái lại, chữa là một trong những dấu hiệu của nước Trời đã được bắt đầu bởi Chúa Cứu Thế Giê-su và còn tiếp tục cho đến ngày nay. Vì vậy chúng ta phải mong đợi Chúa tiếp tục chữa lành bằng phép lạ như là một phần của hoạt động nước Trời ngày nay.
Khi Đức Chúa Trời chữa lành bằng phép lạ cho ai đó, chúng ta có được một cái nhìn thấp thoáng của tương lai là khi sự cứu chuộc sau cùng của thân thể chúng ta sẽ xảy ra (Rôma 8:23). Không phải hễ chúng ta cầu nguyện cho ai thì người ấy cũng nhất thiết được chữa lành. Tất nhiên, không một con người nào thoát khỏi sự chết cuối cùng. Thân thể chúng ta đang hư nát. Ở một thời điểm nào đó có lẽ chuẫn bị người ấy cho cái chết thì thích đáng hơn là cầu nguyện cho họ được lành. Chúng ta cần phải nhạy bén đối với sự hướng dẫn của Thánh Linh.
Sau khi đã cầu nguyện cho sự chữa lành điều quan trọng là phải tái bảo đảm với người ấy tình yêu Chúa dành cho họ bất kể họ có được lành hay không, và hãy để họ tự do trở lại để được cầu thay một lần nữa. Chúng ta phải tránh đặt các gánh nặng lên họ, chẳng hạn như cho rằng vì họ thiếu đức tin nên đã ngăn trở sự chữa lành xảy ra. Chúng ta hãy luôn luôn khích lệ họ tiếp tục cầu nguyện và bảo đảm với họ rằng sự sống của họ đã được đâm rễ trong cộng đồng chữa lành của Hội Thánh – là nơi chữa lành dài hạn rất thường xuyên xảy ra.
Nicky Gumbel
(Theo Những Thắc Mắc Về Đời Sống)