Trong thế giới vô tín, người ta cho rằng người làm lớn nhất là người cai trị trên nhiều người khác. Một cá nhân càng có nhiều quyền lực và ảnh hưởng, thì càng có nhiều người ở dưới sự kiểm soát của cá nhân đó.
Nhưng trong vương quốc của Đức Chúa Trời thì không như vậy. Giữa vòng Cơ đốc nhân, người lớn nhất là người phục vụ nhiều nhất. Chúng ta cần phải cẩn thận kẻo chúng ta áp dụng vào Hội Thánh những tiêu chuẩn trần gian mà không phải là tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.
Nhưng có người đọc bản Kinh Thánh King James nói cụm từ đặc biệt về các chấp sự, "mà chúng ta chỉ định đảm nhiệm các công việc" đã tranh luận rằng, "Xem này, các chấp sự đã được chọn để làm mọi công việc trong Hội Thánh." Tôi đồng ý rằng những chấp sự đầu tiên đã được chọn để coi sóc các công việc trong Hội Thánh chừng nào chúng ta nhận biết "công việc" thật sự của Hội Thánh là gì. Đó là một sự phục vụ. Những chấp sự đầu tiên đã được chọn để quản trị chương trình từ thiện của Hội Thánh một cách công bình và hợp lý, và việc đó giúp cho các sứ đồ được tự do, chuyên tâm trong việc cầu nguyện và giảng đạo như Chúa muốn. Họ không bao giờ được chỉ định trong công việc của một thành phần cai trị.
Sự phàn nàn và chia rẻ trong Hội Thánh đã làm thiệt hại cho Cơ đốc giáo từ thời kỳ đầu tiên. Có lẽ đó là lý do tại sao Phao-lô viết, "Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự" (Phi-líp 2:14). Từ Hy-lạp của "lằm bằm" mô tả tiếng kêu vù vù của đôi cánh con ong khi nó nổi điên. Nó gợi ý về tiếng "lằm bằm", làu bàu nhỏ trong họng. Đó là tiếng thầm thì, càu nhàu và phàn nàn. "Cãi nhau" sẽ càng nhiều hơn và dẫn đến xung đột. Cả hai đều cản trở nghiêm trọng công việc Hội Thánh.
Nhiều năm trước đây, tôi nhận được một lá thư của một Mục sư ở Phi châu mà tôi đã từng gặp trong một chuyến truyền giáo. Ông viết, "Chúng tôi cần người cầu nguyện cho những chuyện tồi tệ tại miền đất này. Ma quỉ đang làm việc cách mạnh mẽ để lôi kéo những người đầu tiên làm việc ở đây lìa bỏ Tin lành và qua đó nảy sinh nhiều cãi vả. Và như anh biết, nơi nào có cãi vả, nơi đó có ma quỉ."
Tôi xin nhắc lại các bạn rằng cằn nhằn và cãi vả không phải là ân tứ của Đức Thánh Linh. Không cần phải có nhiều khả năng âm nhạc để lãi nhãi luôn về một chuyện gì đó. Vì thế đừng để nó tháp tùng trong đời sống mình. Hãy nhớ rằng khi nghe tiếng kít của bánh xe, không phải lúc nào bạn cũng phải tra dầu mỡ. Đôi khi bánh xe cần phải được thay thế.
Công việc bận bịu trong Hội Thánh đầu tiên đã làm đổi hướng các sứ đồ khỏi nhiệm vụ ban đầu của họ. Vì thế họ xin hội chúng chọn lựa các chấp sự, như họ nói. "Còn chúng ta cứ chuyên lo về cầu nguyện và chức vụ giảng đạo."
Lời tuyên bố này mãi mãi thiết định công việc ưu tiên của vị Mục sư. Đó là giảng Lời Chúa. Ông là người "nắm giữ Đấng Christ và thập tự giá trước mọi người." Nói như vậy không có nghĩa là những điều khác kém quan trọng. Nhưng những điều khác không thể đứng hàng đầu. Phải có điều gì đó là ưu tiên trong cuộc đời chúng ta. Và công việc đầu tiên của vị Mục sư là nắm giữ Đấng Christ và thập tự giá trước mọi người.
Hội Thánh chúng ta ngày nay cần sự phân chia lao động tốt hơn. Hầu hết các Mục sư và các nhân viên thường làm việc quá sức và bỏ sót nhiều điều. Họ làm quá nhiều hàng trăm việc nhỏ nhặt và bỏ qua những kêu gọi căn bản của sự cầu nguyện, giảng, huấn luyện, trang bị nhân sự cho công tác của Hội Thánh.
Tiên tri Giô-na bị con cá voi nuốt vào bụng còn nhà tiên tri của thời đại tân kỳ hôm nay thì bị rúc rỉa đến chết bởi hàng ngàn con cá tuế (một loại cá chép nhỏ) của sự gián đoạn. Giải pháp cho vấn đề là : Hãy để vị Mục sư là một giám thị, một đốc công và mở rộng công việc Hội Thánh ra giữa vòng các tín hữu, đặc biệt là những chấp sự.
Các chấp sự cần nhìn thấy mình như là những người bạn, người giúp đỡ, và bạn đồng công, chứ không phải là người đối kháng lại với vị Mục sư. Một ngày kia, một người giảng đạo trẻ đã điện thoại cho tôi và nói rằng ông gặp rắc rối với bốn người trong ban chấp sự. Bốn người chấp sự này đã khiến bốn vị Mục sư tiền nhiệm phải rời khỏi Hội Thánh và giờ đây họ đang gây khó khăn cho ông. Ông ấy nói, "Tôi phải làm gì ? Tôi có nên cải vã và chống cự với họ không ? Tôi có nên ăn miếng trả miếng với họ không ?"
Tôi bảo ông ấy rằng hãy hết sức nhẫn nại, mềm mại, và tử tế. Thời gian sẽ giải quyết mọi sự.
Quả nhiên như vậy, sau đó ông gặp tôi và thuật lại mọi điều đã xảy ra. Ông kể rằng một trong những chấp sự đó đã thình lình bị nhồi máu cơ tim và qua đời khi đang làm việc trong sân nhà vào một ngày thứ bảy. Ông nói ông đã giảng lễ an tang và ba người chấp sự còn lại đó làm những người phụ tang. Rồi vài tuần sau đó, người chấp sự thứ hai khi lái xe đi làm đã đụng phải một xe mười tám bánh và chết ngay lập tức. Ông nói ông đã giảng lễ an táng và hai người chấp sự còn lại làm người phụ tang.
Kế đến, ông kể rằng người chấp sự thứ ba được bác sĩ cho biết đang bị ung thư cấp tính và đã chết chỉ trong vài tuần lễ. Ông nói ông đã giảng lễ an táng và người chấp sự duy nhất còn lại đó là người phụ tang.
Sau lễ an táng cuối cùng đó, người chấp sự còn lại đã chờ ông về nhà thờ. Trong sự trò chuyện ông ấy đã nghiêng người qua và nói, "Thưa mục sư, tôi muốn ông biết rằng tôi luôn ở bên cạnh ông."
Công việc của Đức Chúa Trời sẽ tiến triển tốt nhất khi các Mục sư và chấp sự nhận biết họ đang đứng cùng phía với nhau, như là cùng nhau phục vụ cộng đồng Hội Thánh. Một đàng là ưu tiên cho nhu cầu thuộc linh và một đàng là lo cho nhu cầu thuộc thể.
Sam Rayburn là nghị viên Quốc hội Mỹ trong 48 năm; không ai có thâm niên ngồi trên ghế ấy như ông. Có người hỏi ông đã từng phục vụ dưới bao nhiêu đời Tổng thống rồi.
Rayburn sửa lại khi đáp, "Tôi không phục vụ dưới Tổng thống nào cả, tôi chỉ phục vụ ‘với’ tám vị Tổng thống thôi."
Đó là cách nên tiến hành trong Hội Thánh. Đấy không phải là vấn đề của một người hành quyền trên những người khác mà là vấn đề của việc sát cánh bên nhau cùng làm việc cho Đức Chúa Trời.
PAUL W. POWELL (Theo Hội Thánh Ngày Nay)