Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 601

Quan Điểm Kinh Thánh Thay Đổi Tệ Đoan Xã Hội

Vào thế kỷ 16 khi William Wilberforce 25 tuổi và là một chánh trị gia người Anh trẻ tuổi, ông kinh nghiệm được một "sự thay đổi lớn". Ông nghe giảng về Phúc Âm, đáp ứng lại bằng đức tin và được tái sanh. Theo nhà tiểu luận Cơ đốc Os Guinness, ban đầu người thanh niên trẻ tuổi này muốn từ bỏ sự nghiệp chính trị của mình và bước vào chức vụ phục vụ trọn thời gian với tư cách là một mục sư. Guinness giải thích "Cũng như suy nghĩ của hàng triệu người trước đó và hiện nay, anh ta nghĩ rằng vấn đề thuộc linh thì quan trọng hơn nhiều so với những vấn đề thế tục như là chính trị".

Thật may, mục sư John Newton, tác giả của bài thánh ca Amazing Grace (Ân điển lạ lùng), người trước khi trở thành một Cơ đốc nhân là một tay buôn nô lệ, đã khích lệ Wilberforce cầu nguyện cẩn thận về quyết định trên. Newton viết cho Wilberforce rằng "Thật hi vọng và tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đã đẩy anh lên vì sự tốt đẹp của dân tộc này".

Sau nhiều suy nghĩ và lời cầu nguyện, Wilberforce đồng ý. Ông thay đổi ý định của mình và quyết định ở lại làm chính trị với tư cách một thành viên Cơ Đốc tận tâm của nghị viện Anh. Không bao lâu sau đó, vào ngày chủ nhật 28 tháng 10 năm 1787, Wilberforce viết lại trong nhật ký của mình rằng ông nhận được khải tượng về công việc Đức Chúa Trời muốn ông làm. "Đức Chúa Trời toàn năng đã đặt ra trước mắt tôi hai mục tiêu lớn, việc chận đứng việc buôn bán nô lệ và Phong trào cải cách".

Sau đó ông phát biểu trước Hạ viện Anh "Thật tàn ác, thật ghê gớm, thật sai lầm, việc buôn bán nô lệ đã làm cho tâm trí tôi hoàn toàn xác quyết rằng phài hủy bỏ nó. Hậu quả có như thế nào cũng được nhưng kể từ giờ phút này tôi sẽ không ngơi nghỉ cho đến chừng nào tôi đạt được việc hủy bỏ chế độ nô lệ thì thôi".

Và ông đã không ngừng nghỉ. Vào thời điểm Wilberforce đặt niềm tin nơi Chúa và được Chúa kêu gọi, việc buôn bán các nô lệ Châu Phi hình thành nên một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế Anh Quốc. Chỉ có một số ít người nghĩ rằng điều đó là sai trái và kinh khủng. Những người có những quyền lợi kinh tế bất di bất dịch quá to lớn cũng như một số những người Anh danh tiếng và hầu hết các gia đình quí tộc đã kịch liệt chống lại Wilberforce. "Vào năm 1791, khi Wilberforce đưa ra dự luật đầu tiên của mình về việc bãi bỏ việc buôn bán, dự luật đã dễ dàng bị phủ quyết bởi 163 phiếu so với 88 phiếu. Nhưng Wilberforce đã không chịu đầu hàng. Cùng với những người theo chủ nghĩa bãi nô khác, ông đã tiếp tục gây áp lực để đòi chấm dứt việc buôn bán nô lệ và hơn nữa là cuối cùng tiến tới đòi quyền tự do hoàn toàn cho mọi người nô lệ. Wilberforce qua đời ngày 29 tháng 7 năm 1833. Một tháng sau đó, Nghị viện thông qua Đạo Luật Bãi Bỏ Chế Độ Nô Lệ đem lại sự tự do cho mọi nô lệ trên toàn thể Đế Chế Anh".

Cuộc đời của William Wilberforce là một ví dụ minh họa cách Đức Chúa Trời sử dụng những người xác quyết theo quan điểm Kinh thánh để biến đổi cả một xã hội. Wilberforce hiểu rằng lẽ thật Kinh thánh không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực "thuộc linh" của đời sống. Nó còn phải được thấm nhuần vào trong ý tưởng. Giả như Wilberforce lúc đó bước vào trong chức vụ hầu việc Chúa trọn thời gian có thể ông cũng đã là một mục sư tốt nhưng ông đã không thể là "muối và ánh sáng" (Mathiơ 5:13-16) trong Nghị viện Anh quốc và việc bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ có lẽ đã không thực hiện được.

Dẫu Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta nên thánh và biệt riêng ra, Ngài cũng đồng thời kêu gọi chúng ta ở trong thế gian như những khâm sai của Ngài (II Côrinhtô 5:20). Đức Chúa Giê-su nói "Con chẳng cầu xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian" (Giăng 17:15-16). Những lời này thiết lập nên một sự cân bằng mỏng manh. Chúng ta ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta giống như một con thuyền, ở trên mặt nước nhưng lại ngăn cách với nước từ bên ngoài. Nhiệm vụ của chúng ta là môn đệ hóa muôn dân (Mathiơ 18:18-20) và để làm điều này chúng ta phải gia nhập vào trong thế gian. Cũng vậy, chúng ta được biệt riêng ra khỏi thế gian bởi tinh thần kiên định trung tính với quan điểm Kinh thánh.

Để xây dựng quan điểm Kinh thánh trong đời sống của bạn, hãy bắt đầu ngay từ chỗ bạn đang ở. Một số người có thể nghĩ rằng quan điểm này đòi hỏi họ phải từ bỏ công việc "trần gian" của mình để bước vào một "chức vụ phục vụ Chúa trọn thời gian". Đức Chúa Trời có kêu gọi một số người vào chức vụ quan trọng này nhưng sự thật của Ngài thì cần thiết ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, mọi thành phần của xã hội. Khi Đức Chúa Giê-su truyền bảo những kẻ theo Ngài "đi dạy dỗ muôn dân" (Mathiơ 28:19) Ngài cũng ngụ ý rằng chúng ta phải mang quan điểm Kinh thánh vào trong chính nền văn hóa của chúng ta. Bắt đầu từ công việc và chỗ ở hiện tại của chúng ta, chúng ta có thể mang lẽ thật vào trong nơi chợ búa và những nơi công cộng. Khi chúng ta làm như vậy thì những người láng giềng, cộng đồng, thể chế xã hội và cuối cùng là luật pháp và cấu trúc xã hội cũng sẽ thay đổi.

Quan điểm Kinh thánh có uy quyền biến đổi đời sống và toàn thể dân tộc. Đấng Christ kêu gọi chúng ta nắm lấy quan điểm kỳ diệu này, mang nó vào đời sống kẻ lân cận, cộng đồng và các dân tộc.

Darrow Miller, Robert Moffitt & Sott Allen (Theo Thế Giới Quan Về Nước Trời)