Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 677

Quyền Sở Hữu Tối Thượng Của Đức Chúa Trời

Ngày nay, khi sống trong một kỷ nguyên công nghệ thông tin (IT), người ta có khuynh hướng nghĩ rằng họ là chủ của những gì họ sở hữu. Những phát minh của loài người có mặt khắp nơi – vô số các máy móc hiện đại trong nhà, các máy điện toán phi thường ở văn phòng, các cổ máy cừ khôi như xe ô tô, máy bay phản lực, hỏa tiễn và phi thuyền. Các phi hành gia đã xây dựng một trạm không gian khổng lồ trên không để tưo4ng lai những người giàu có thể nghỉ ngơi ở đó.

Hết thảy những sản phẩm nhân tạo kỳ diệu như thế này có khuynh hướng làm cho con người tin rằng con người có đủ tất cả. Thoạt nhìn, con người dường như có đủ mọi điều họ cần, họ có khả năng làm ra mọi thứ họ muốn, con người là chủ của chính mình. Một kết luận tự nhiên ở đây là con người không cần Đức Chúa Trời; không hề có một Đấng Tạo Hóa nào khác ngoài ra họ.

Thế giới quan này là hệ quả của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa nhân văn thế tục - những suy nghĩ triết lý nổi trội vào thế kỷ XX – và hiện đang rất thịnh hành. Theo từ điển Thần Học, chủ nghĩa thế tục là "Một sự khẳng định tính tự tại của những thực tế trong thế giới này đồng thời phủ nhận hay loại trừ tính siêu việt của những thực tế trong thế giới khác... đó là sự tiếp cận phi tôn giáo đối với đời sống mỗi cá nhân cũng như xã hội". Theo định nghĩa trên, con người là thước đo của tất cả mọi việc và là chủ của tất cả mọi thứ.

Trong thế giới quan thế tục, thật khó để nhận thức và chấp nhận tín lý Cơ Đốc: Đức Chúa Trời là tối thượng, là Đấng Tạo Hóa của trời và đất, là Đấng Sở Hữu tất cả tạo vật.

Người nông dân giàu có trong câu chuyện ngụ ngôn được Chúa Giê-xu kể (Luca 12:16-21) đã có một mùa gặt bội thu. Anh ta nghĩ rằng đó là thành quả của chính sức lao động của mình: anh đã làm việc cật lực và đã quản lý tốt mọi thứ. Anh không biết ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho anh đất tốt, cho mưa thuận gió hòa, nếu như không có những điều đó thì vụ mùa không thể bội thu.

Ngày nay nhiều người ở thành phố, đặc biệt là các nhà quản lý và thương gia, làm việc cật lực và chăm chỉ. Họ có khuynh hướng suy nghĩ giống như người nông dân giàu có này, người mà Chúa Giê-xu đề cập đến như "một người giàu ngu dại". Họ nghĩ rằng tất cả những thứ họ có được là kết quả của việc lao động chăm chỉ và có chuyên môn của mình. Trong nhận định của họ, Đức Chúa Trời không hề tồn tại.

Nhưng theo lẽ thật Kinh Thánh là Thần Học, Đức Chúa Trời là Chúa và là Đấng Sở Hữu tất cả mọi tạo vật. Ngài tuyên bố một cách rõ ràng rằng :

"Cả thế gian đều thuộc về Ta" (Xuất 19:5).

"Vạn vật dưới vòm trời đều thuộc về Ta" (Gióp 41:11).

Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình đối với vật sở hữu, phải hiểu rõ và chấp nhận những lời giáo huấn của Kinh Thánh rằng : chúng ta là những quản gia của Đức Chúa Trời, được Ngài ủy thác cho trọng trách quan tâm và quản lý tiền bạc lẫn tài sản của mình. Tâm trí của chúng ta phải được thay đổi, biến hóa, thái độ của chúng ta đối với sự giàu có của mình phải được định hướng lại để công nhận Đức Chúa Trời là Đấng Sở Hữu tối thượng và chúng ta là người được Đức Chúa Trời ủy thác, để đồng công với Ngài trong việc hoàn tất mục đích cũng như kế hoạch cứu rỗi cho toàn nhân loại thông qua công tác truyền giáo và chứng đạo của Hội Thánh.

John Wesley, người đầy tớ tận hiến của Đức Chúa Trời, đã nhận thức được một cách khéo léo những điều cốt lõi và những yếu tố cần thiết của cương vị lãnh đạo Cơ Đốc. Trong bài giảng của mình về "Người Quản gia Tốt", ông viết :

"Chúng ta không được tự do sử dụng những gì Đức Chúa Trời đặt để trong lòng bàn tay mình khi chúng ta muốn, nhưng chỉ sử dụng khi Ngài muốn, vì chỉ có chính Ngài là Đấng sở hữu cả trời và đất, và là Chúa của tất cả mọi tạo vật. Chúng ta không có quyền tự do sử dụng bất cứ điều chúng ta có nhưng phải theo ý muốn của Ngài, và thấy được rằng chúng ta không phải là người sở hữu chúng. Tất cả những điều chúng ta có thuộc về một người khác, không có một điều gì là "của riêng chúng ta" trên đất mà chúng ta đang bộ hành... Ngài đã ủy thác cho chúng ta những điều đó theo điều kiện đặc biệt này, để chúng ta sử dụng chúng như những hàng hóa của Thầy chúng ta và theo những phương hướng nhất định mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Lời Ngài. Trong điều kiện này Ngài đã trao cho chúng ta linh hồn và thân thể, những hàng hóa và bất cứ những ta-lâng gì khác mà chúng ta đã nhận lãnh được."

John Wesley không chỉ bền bỉ nói về ý nghĩa của cương vị quản gia Cơ Đốc, nhưng ông đã sống rất nhất quán theo lời giáo huấn ấy suốt cả cuộc đời. Như đã diễn giải ở phần trước, ông là tấm gương nổi bật về người quản gia tốt của Đức Chúa Trời. Thực sự, John Wesley, người đã sống theo những nguyên tắc của cương vị lãnh đạo tốt, đã ban cho hết mình đồng thời đã trở nên một nguồn phước lớn lao cho hàng triệu người trong hệ phái Giám Lý và xa hơn thế nữa.

Chúng ta, những Cơ đốc nhân - phải nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Sở Hữu Tối Thượng và phải sống như là người được Đức Chúa Trời ủy thác.

G.W.T.SOO

(Theo Tiền Bạc Của Bạn Hay Của Ngài ?)