Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 36

Thoát Hiểm

Từ bài giảng luận "Tránh Sự Trói Buộc"

CN March 18, 2012 – Hội Thánh North Hollywood

1 Hỡi con, nếu con có bảo lãnh cho kẻ lân cận mình, Nếu con giao tay mình vì người ngoại, 2 Thì con đã bị lời miệng mình trói buộc, Mắc phải lời của miệng con. 3 Hỡi con, bởi vì con đã sa vào tay kẻ lân cận con, Hãy làm điều nầy và giải cứu mình con: Hãy đi hạ mình xuống, nài xin người lân cận con; 4 Chớ để cho hai mắt con ngủ, Hoặc mí mắt con chợp lại; 5 Hãy giải cứu mình khỏi người như con hoàng dương thoát khỏi tay thợ săn, Như con chim thoát khỏi tay kẻ đánh rập. (Châm Ngôn 6:1-5)

Châm ngôn giả đinh một tình huống đã rồi xãy đến cho tôi vì tôi đã có một quyết định không khôn ngoan. Tôi mượn nợ cho một ai đó và tôi trở thành con nợ, dù rằng không thấy nói đến người mượn nợ kia bỏ trốn hoặc không chịu, hay không trả được nợ. Lý do rất đơn giản, tôi đứng ra bảo lãnh đồng nghĩa với tôi đã mắc nợ. Tôi bị vướng mắc và tự trói buộc mình bởi lời cam đoan của chính mình. Tôi trở thành con mồi trong tay kẻ săn, khi người thợ săn đã quyết tâm thì con hoàng dương làm sao thoát khỏi, đã mắc vào bẫy rập thì con chim chỉ còn chờ chết. Người chủ nợ, dù là người lân cận của tôi, cũng khó lòng mà thông cảm cho nỗi khổ của tôi trong trường hợp này. Châm ngôn chỉ dẫn cho tôi một cách để thoát hiểm, nhưng than ôi, tôi đọc đi đọc lại bao lần, rõ ràng là bách phân thành công không lấy gì làm khích lệ. Chỉ như là một giải pháp ở bước đường cùng, làm hao tâm tổn sức, nhưng kết quả thì không do sự hạ mình nhẫn nhịn của tôi.

Vậy thì việc tôi phải làm là đừng bao giờ để mình phải bị bủa vây trong hoàn cảnh thảm hại đó. Có một lời dạy của Thánh Kinh: "Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình, ấy là đã làm trọn luật pháp" (Rôma 13:8). Tôi phải làm sao đây? Khi anh em tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn nhờ tôi giúp đỡ thì tôi làm ngơ sao đành. Thánh Kinh đặt tôi ở một ngã ba đường và tôi không có quyền thối lui? Tôi phải chọn hoặc làm trọn yêu thương để ôm lấy gánh nặng về phần mình, hoặc tôi an nhiên tự tại và cứ bỏ mặc anh em tôi, vì ai có riêng phần nấy mà?

Châm ngôn là sách của sự khôn ngoan, không phải khôn ngoan theo cách của người thế gian, nhưng là một cách khôn ngoan được ban cho từ thiên thượng. Châm ngôn hôm nay chỉ ra cho tôi những khó khăn gần như nan giải để tôi phải thận trọng khi ra một quyết định, quyết định phải khôn ngoan, trong trường hợp này là mượn nợ. Khi tôi hành xử bằng tình yêu thương, kết quả phải là thỏa lòng chứ không phải đem lại cho tôi sự ràng buộc, tù túng hay nghi ngờ, ân hận. Tôi phải có quyết định khôn ngoan từ lúc khởi đầu vấn nạn chứ không phải đợi đến lúc đã lâm vào bế tắc rồi mới kêu xin Chúa mở đường hay cho con thêm sự khôn sáng để tìm ra cách tự cởi trói cho mình.

Trở lại vấn đề. Chỉ cần dựa vào một điều kiện để tôi có thể ra quyết định khôn ngoan: tôi có đủ khả năng để hoàn trả số nợ mà tôi đứng ra bảo lãnh cho người anh em đó không? Thế thôi, đó là một bảo đảm an toàn để tôi dù ở trong tình huống nào, tôi cũng có thể giải quyết ổn thỏa vấn đề. Đó cũng là quyết định của chính tôi, tôi không "giao tay mình" cho ai khác và dù cho rằng tôi làm điều đó với "người ngoại", người lạ, người không thân thuộc, ngay cả đối với người không mấy tin cậy. Trong trường hợp này, sao tôi lại phải đứng ra bảo lãnh? Tôi có thể là chủ nợ trực tiếp của người anh em đó mà. Tôi có thể lường trước được rằng phần vật chất mà tôi giao cho anh em vì một lý do nào đó sẽ không được hoàn trả và như vậy tôi vẫn vui lòng vì đã trả được một món nợ yêu thương.

Trường hợp ngược lại, tôi không có đủ một bảo đảm như nói ở trên, tốt hơn hết là đừng xiêu lòng mà gánh lấy tai họa. Đừng hoang tưởng rằng mình chỉ chịu trách nhiệm cho mượn uy tín, một lời nói giúp không đáng gì, một sự tỏ mình cao thượng ... rồi sau này phải ăn không ngon ngủ không yên như lời dạy của châm ngôn.

Thêm một vấn đề phát sinh. Sự thận trọng quá đỗi sẽ làm cho tôi e ngại thái quá và hạn chế việc giúp đỡ cho anh em. Đó cũng là một tai hại. Cho nên, tôi phải tự nhắc nhở mình cần sự khôn ngoan của Chúa ban, hầu cho tôi biết chắc phải làm thế nào trong những trường hợp tôi phải ra quyết định yêu thương. Tôi không tự mình làm khổ mình trong công tác yêu thương, và tôi cũng không có gì phải áy náy khi buộc lòng phải từ chối một lời yêu cầu nào đó. Tôi biết rõ việc tôi làm và tôi chịu trách nhiệm với những quyết định khôn ngoan của chính mình.