Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 55

Nhận Tội

Từ bài giảng luận "Sanh Ra Trong Sự Gian Ác"

CN July 29, 2012 - Hội Thánh North Hollywood

1 Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa. 2 Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi. 3 Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi.

(Thi-Thiên 51:1-3)

Nhìn nhận tội lỗi mình đã phạm không phải là một công việc dễ làm. Không đơn giản chút nào, thử nhìn ngoáy lại những bước đầu dẫn đến tội lỗi. Rất nhiều trường hợp, những bước đầu tiên của tôi chẳng mang hơi hướm tội lỗi gì cả; bình thường, nhẹ nhàng và êm ái trôi qua đời sống tôi một cách tưởng chừng như hiển nhiên. Nếu tôi nhìn biết đó là tội thì tôi nào dám dấn thân vào. Rồi cứ thế mà tôi từ từ lún sâu hơn vào cho đến lúc không còn quay trở lại được. Vua David bắt đầu với việc vô tình nhìn thấy, và chỉ có thế thôi. Thế nhưng, vua đã không kíp dừng lại ở đó, để rồi tự chuốc lấy trọng tội đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi. Tôi luôn luôn cố gắng tránh xa tội ác, giữ mình để không làm điều gì trái lại luật pháp của Chúa, nhưng tôi không thể giữ mình toàn hảo được. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể phạm tội. Không phải làm những điều gớm ghiếc mới là tội, quá nhiều cái vụn vặt, nếu tôi không tỉnh thức, tôi mắc tội với Chúa ngay. Theo bản chất thông thường, tôi sẽ tìm cách tránh né, tôi viện ra những lý lẽ hợp lý, những tình cảnh bắt buộc, hay những tình huống chẳng đặng đừng tác động trên tôi, chứ tôi nào có muốn vậy. Đi xa hơn một chút, tôi sẽ tìm một cái gì đó hay một ai đó để đổ trách nhiệm và phủi tay. Nếu vẫn chưa yên lòng, tôi sẽ quy hết cho con người xác thịt, bản ngã, hay tốt hơn hết là tại-bị-do-bởi ... ma quỉ. Tóm lại, tôi không làm gì nên tội, tôi chỉ là người bị hại. Vua David đã không làm như vậy, người nhìn nhận tội lỗi của chính mình đã phạm. Nhận biết tội là bước đầu quay trở lại, nhìn biết tội là còn có thể cứu vãn được, bằng không, bản án không thể nào được cất khỏi. Vấn đề cũng không phải là nhận đại đi cho xong chuyện. Biết mình đã phạm tội và tội lỗi đó cứ ám ảnh làm mình không yên, cứ như lúc nào nó cũng hiện hiện trước mắt, và khổ sở vì đã làm như vậy. Đó chính là thái độ ăn năn, đó là hành vi của một lòng hối hận xót xa, đó là nhìn lại và thấy mình tệ hại quá, hết phương cứu chữa. Với lòng hối cải chân thật đó chắc chắn Chúa sẽ nhìn thấy và dủ lòng thương xót mà tha thứ cho. (Thi 51:17)

David đã xin Chúa ba điều trong lời mở đầu của thi thiên này.

Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa. Khi tôi phạm tội, dù ít hay nhiều, dù nhỏ hay lớn, với Chúa đều là tội, và có tội thì phải bị hình phạt. Chỉ có một hướng để tôi đặt hết hi vọng vào để được cứu thoát, đó là kêu xin với Chúa, kêu cầu sự thương xót của Chúa, còn nếu tôi ở trước sự công chính của Chúa thì tôi chỉ có hư hoại đời đời. Tôi biết lòng nhân từ của Chúa là lớn lắm và tôi kêu xin Ngài để được sống còn bởi sự nhân từ của Chúa. Không có gì để biện mình cả, không có gì để trả giá với Chúa và cũng không thể đối đáp với sự công minh của Chúa, nếu không mau núp dưới bóng từ ái của Ngài. Tôi thật không hiểu vì sao một người đầy từng trải trong sự chăn dắt của Chúa Giê-hô-va như vua David lại phạm tội và cứ dửng dưng cho đến khi Na-than, người của Chúa đến tuyên án mới tỉnh ngộ. Không có một sự đoán định nào ở đây, nhưng là một tiếng chuông vang dội để cảnh tỉnh tôi. Tôi dễ phạm phép gấp nhiều lần hơn con người được xức dầu đó. Tôi cũng tự nhắc mình rằng, đừng bao giờ lấy vua David ra làm bình phong để che chắn những lỗi lầm nhỏ nhích của tôi. Tôi phải học ở đây một sự nhìn biết chính mình đã làm tội, và tội đó đích thực là do tôi, chỉ mình tôi phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước mặt Chúa.

Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa. Điều tôi cần là xin Chúa xoá tội cho tôi. Không có công đức gì của tôi có thể đền tội cho tôi. Không có phương cách nào để tôi bù đắp lại những hành vi bất khiết của tôi. Không ai có thể chịu thay cho tôi trừ ra tình yêu của Chúa tẩy xoá hết mọi sự vi phạm của tôi. Thánh Kinh dùng bốn chữ "từ bi rất lớn" để mô tả tình yêu không thể ví sánh của Đức Chúa Trời có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ. Chúa là Đấng định tội và chỉ có Ngài là Đấng duy nhất có quyền tha thứ. Kỳ diệu thay! Thánh Kinh không chỉ nói "tha thứ" mà dùng từ "xoá", điều đó phải chăng có nghĩa rõ ràng là nếu tôi thật lòng ăn năn tội mình, Chúa sẽ xoá mất hắn mọi cái xấu xa trong lầm lỗi của tôi? "Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác" (IGiăng 1:9).

Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi. Một mức độ tha thứ cho đến cội nguồn của Chúa là điều Chúa muốn ban ơn cho tôi. Chỉ có như vậy tôi mới có thể tiếp tục ở trước mặt Chúa và tôn thờ Ngài. Tôi không thể hiểu hết công việc mầu nhiệm này, nhưng với tình yêu cả thể của Chúa, tôi được hoàn lại cái giá trị tuyệt đối của một con người thuộc về Chúa.

Đức Chúa Trời chí thánh và công bình tuyệt đối, nhưng Ngài vẫn sẵn mở ra cho tôi một lối thoát khi tôi phạm tội. Dù vậy, tôi không thể cứ phạm tội mãi, nhưng phải dấu mình nghiêm nhặt trong sự theo dõi của Chúa, đễ tôi sống an hưởng tình yêu của Chúa không một chút lợi dụng.