Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 56

Nhờ Cậy Chúa

Từ bài giảng luận "Cây Ôlive Xanh Tươi"

CN Aug 05, 2012 - Hội Thánh North Hollywood

Kìa, là người không nhờ Đức Chúa Trời làm sức lực mình, song nhờ cậy nơi sự giàu có hiếm hiệm mình. Làm cho mình vững bền trong sự ác mình! Còn tôi khác nào cây ô-li-ve xanh tươi trong nhà Đức Chúa Trời; tôi nhờ cậy nơi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đến đời đời vô cùng.

(Thi-thiên 52:7,8)

Tôi không bao giờ muốn làm điều ác, tôi cũng không hề nghĩ rằng tôi có thể đứng chung danh sách của những người bị xem là gian ác. Tuy nhiên, có nhiều khi tôi không thiện trong cách tôi nhờ cậy Chúa. Một vài điểm trong hai câu thơ trên làm tôi nhìn lại mình. Tôi đang nhờ cậy Đức Chúa Trời để Ngài là sức lực của tôi, hay tôi chỉ muốn Chúa ban cho tôi những phương tiện, nói chung là sự giàu có để tôi thấy rằng mình có khả năng giải quyết mọi vấn đề, mọi kế hoạch trong đời sống tôi? Miệng thời lớn tiếng nói nhờ cậy Chúa, nhưng lòng luôn tin rằng có tiền là mọi sự đều thành ra dễ dàng như trở bàn tay. Đó là do tôi có thể cầm nắm vật chất mà tôi muốn Chúa đặt vào tay tôi, chứ nói đến một sức mạnh trừu tượng, cho dù lớn lắm nhưng tôi không cảm nhận được thời tôi thấy khó mà hiểu cho thấu. Tôi nhớ lại lời dạy của Chúa Giê-xu về sự lo lắng trong các sách Phúc Âm. Tôi không muốn làm tôi Ma-môn, nhưng hỡi ơi! Thế giới này không thể sống nổi nếu không đề cập đến tiền bạc. Chính vì thế cho nên dù biết phải dành chỗ quan trọng nhất trong lòng mình cho Chúa, nhưng sao tôi cứ phải đương đầu mỗi ngày với nhu cầu vật chất, nghĩa là lúc nào cũng phải nghĩ đến tiền, làm sao để có tiền, rồi đâm ra cứ lo nghĩ đến nó nhiều hơn thứ khác. Thánh Kinh dạy cho tôi rất rõ về sự nhờ cậy Chúa, Hội Thánh luôn nhắc tôi kính mến Chúa trước hết. Tôi hoàn toàn tin, tin chắc chắn như vậy, nhưng mức độ tôi nhờ cậy Chúa và chấp nhận để Đức Chúa Trời làm sức lực mình có là điều thực sự được thể hiện trong đời sống theo Chúa của tôi?

Tôi phải là cây ô-li-ve xanh tươi trong nhà Đức Chúa Trời. Tôi không hiểu Thánh Kinh muốn nói gì khi nhắc đến cây ô-li-ve và tôi phải đi tìm lời giải thích. Đây là điều tôi phát hiện:

Cây ô-li-ve. Trong Kinh Thánh, bắt đầu từ khi nước lụt, cây ô-li-ve thường làm hình bóng về sự bình yên. Ở xứ Pha-lê-tin, thứ cây nầy có nhiều và rất tốt. Thân và nhành nó ngòng ngoèo. Lá nó mặt trên xanh, mặt dưới có lông. Dưới ánh mặt trời và trước làn gió thổi, sắc trắng loang loáng một màu như bạc. Cây ô-li-ve mọc lên chậm, song sống lâu lắm. Kinh Thánh thường lấy cây ô-li-ve làm hình bóng về sự thịnh vượng và ơn phước Chúa; hoặc sự tốt đẹp và sức lực của người bền lòng nhờ cậy Chúa, cứ ở trong nhà Ngài.

Muốn trồng cây ô-li-ve, trước phải gây cây ô-li-ve rừng đã, đợi nó lớn lên, bấy giờ mới đem nó tiếp lấy cây ô-li-ve nhà. Trồng được ba năm, nó mới lác đác sanh trái; đến ngoài mười năm thì trái sai quấn quít, đầy cây. Trái nó chín vào khoảng cuối mùa đông. Khi hái rồi, phải rung cây ô-li-ve cho trái còn lại rụng xuống. Dầu ô-li-ve tốt lắm. Người ta giày đạp trái ô-li-ve dưới chân hoặc cho vào một chậu dưới một bánh xe mà ép, hoặc ép trong máy ép riêng để lấy dầu. Mỗi cây lớn sanh trái có thể lấy được ngàn cân dầu. Cây ô-li-ve hoang thì nhỏ, trái nó không dùng được mấy. (Vnbaptist.org/tudien).

Tôi hiểu rồi! Nếu tôi không thật sự nhờ cậy Chúa, tôi chỉ là một cây ô-li-ve hoang. Tôi có khả năng sống, cũng có khả năng kết quả, làm được điều này điều kia, nhưng dù có thành đạt đến cỡ nào thì đối với Đức Chúa Trời cũng chỉ là vô ích. Tôi được Chúa tiếp vào nhà Chúa để được nhận một nguồn sinh lực mới, mạnh mẽ, tăng trưởng từ từ, để rồi tôi kết quả trong Chúa, đem lại sự vinh hiển cho chính ông Chủ Nhân Từ của tôi. Thứ dầu mà Chúa thấy được trong đời sống tôi lại trở nên sức mạnh cho chính tôi, và tôi thấy hảnh diện khi ở trong nhà Đức Giê-hô-va với lòng mong muốn được ở đó cho đến đời đời vô cùng.

Nếu tôi nhờ cậy nơi lòng nhân từ của Chúa, tôi sẽ là cây ô-li-ve xanh tươi trong sự chăm sóc của Chúa, tôi sẽ sống hữu ích bằng tình yêu của Chúa, tôi không còn quan trọng hoá chính mình nữa mà làm tất cả để Chúa được vừa lòng. Nếu tôi cứ để lòng tìm kiếm nơi Chúa thứ sức mạnh mà đời này luôn mơ ước, tôi sẽ chỉ vững bền trong sự không đẹp lòng Chúa, đồng nghĩa với điều ác, theo cách định nghĩa của Chúa chứ không theo cách diễn dịch của con người tôi, và kết quả không tránh khỏi là để dành cho lửa.

Tôi còn phải học nhiều lắm trong sự nhờ cậy Chúa.