Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 90

Phục Hồi Địa Vị

Từ bài giảng luận "Tin Lành của Cơ Hội Thứ Hai"

CN April 07, 2013 - Hội Thánh North Hollywood

Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi. (ICô-rinh-tô 15:10)

(Đọc Giăng đoạn 21, chú ý phân đoạn từ câu 15 đến câu 19)

Câu gốc nêu trên là lời tự bạch của sứ đồ Phao-lô như một góp thêm cho câu chuyện của Phi-e-rơ được ghi chép lại trong Phúc âm theo Giăng đoạn 21. Đoạn Kinh Thánh mang nhiều điều thú vị về sự kiện, về phép lạ, về những con số mang tính chất thần học, về tương lai của vài nhân vật; nhưng nổi bật hơn hết là Chúa Phục Sinh đã phục hổi địa vị cho Si-môn Phi-e-rơ. Từ đó bài giảng luận đặt lại một vấn đề vô cùng tế nhị vẫn hay xảy ra giữa Hội Thánh ngày nay: Hội Thánh nói chung, tôi nói riêng, cần xét lại thái độ của mình đối với những anh em phạm tội, sa ngã. Ân điển của Chúa là dư dật, tội cho dù lớn đến đâu Chúa vẫn có thể tha thứ cho. Hội Thánh của Chúa là kết hợp của tình yêu nên có lòng độ lượng với những anh em lạc lối không phải là chuyện Hội Thánh không thể làm. Thế nhưng, trong thực tế hình như không còn chỗ cho những người đó và họ hầu như cần được mọi người quên lãng. Đó là chủ ý của tựa đề bài giảng luận.

Tôi phải suy nghĩ một chút về vấn đề này.

Tôi có đọc trong thư Hê-bơ-rơ như sau: (Hêb. 10:26) "Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa", và hơn thế nữa: (Hêb. 6:4-6) "Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường".

Tôi được dạy về một tình yêu thương tuyệt vời với những điều được nhắc đi nhắc lại như vầy: (ICôr. 13:4,7) "Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ ... Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự", nhưng hiếm khi nghe nhấn mạnh vài điều ở khoảng giữa đó như: "chẳng làm điều trái phép, ... chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật".

Vấn đề đối xử với nhau không phải bằng luật pháp cứng nhắt, nhưng bằng tình yêu thương trong tinh thần tha thứ nhau như Chúa đã tha thứ tôi trong Đấng Christ (Êph. 4:32). Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản mà cần đến sự nhúng tay trực tiếp của Đức Chúa Trời Ba Ngôi để xoá án. Hãy xem lại trường hợp của Phi-e-rơ.

Phi-e-rơ đã chối Chúa nhưng được phục hồi địa vị, trong khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt vẫn là kẻ tội đồ muôn thuở, bởi Giu-đa đã tự kết liễu đời mình để đi vào con đường hư mất, trong khi đó, Phi-e-rơ vẫn sống và gặp lại Thầy của mình để được tha thứ và tiếp tục hầu việc có hiệu quả trong sự mệnh được giao. Anh em có vấn đề của tôi thường ra đi vì sự im lặng đáng sợ của Hội Thánh hay tự tìm lấy một lối thoát cho mình nhằm tránh ảo tưởng về búa rìu dư luận. Có mấy ai dám kiên trì ở yên tại chỗ như Phi-e-rơ và chờ đợi sự tha thứ của mọi người, nhất là sự tha thứ của Chúa được tỏ rõ?

Chính Chúa Phục Sinh đã phục hồi địa vị cho Si-môn, con Giô-na trước mặt anh em. Làm sao tôi biết được điều đó trong thời đại này? Ai là người có thẩm quyền quyết định một cách công minh trong một vấn đề vượt thẩm quyền của mình? Chính Chúa Thánh Linh đã đóng ấn trên Phi-e-rơ, làm biến đổi từ một người không có nhiều khả năng, khiếm khuyết và hay lỡ lầm; để trở thành một người rao giảng Tin Lành có quyền năng nổi trội. Ngày nay và nhất là trong cái xã hội tự do này, tôi không còn nghe đến bốn chữ "dứt phép thông công", nhưng tôi hiếm thấy có người được Chúa phục hồi, chỉ thường thấy anh em tự dứt phép thông công mình với Hội Thánh. Tôi biết làm sao khi họ đã từng là những người trên trước nhưng để lại gương xấu cho tôi. Thời gian sẽ là câu trả lời chính xác.

Tôi thử đặt mình vào địa vị một người phạm tội. Nếu tôi không trông chờ một sự tha thứ từ nơi Chúa mà cứ đòi hỏi một thái độ tôi cho rằng Hội Thánh cần phải có dành cho tôi, thì có hợp lý không? Giả sử như Hội Thánh vẫn chấp nhận tôi trong mọi sinh hoạt, bởi vì tôi là người còn có ích trên phương diện nào đó cho Hội Thánh, liệu tôi có dám chắc rằng những ơn mà Chúa ban cho vẫn còn tồn tại trong tôi và tôi đủ tư cách để không làm cho bất cứ một ai vấp phạm vì cớ tôi?

Vì vậy, tôi không muốn dựa vào một sự kiện riêng tư của Phi-e-rơ để đòi hỏi ở anh em tôi một cái gì đó. Chỉ có một mẫu số chung ở đây: tôi có còn bám theo Chúa và chờ đợi chính Chúa, không ai khác, sẽ phục hồi lại địa vị cho tôi khi tôi đã vì lầm lạc để vuột mất? Tôi có biết tự kỷ luật mình trước mặt Chúa, để Chúa nhìn thấy sự ăn năn của tôi, chứ không phải tôi cố bày ra để mọi người định giá và thương hại?

Điều tốt hơn hết, lời cầu nguyện "Xin chớ để chúng con bị cám dỗ, mà cứu chúng con khỏi điều ác" sẽ nhắc nhớ tôi mỗi ngày để tôi không phạm tội cùng Chúa.