Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 726

Chúa Thích Dùng Người Yếu Đuối

Ai cũng có những yếu đuối riêng. Thật ra, bạn có đầy những thiếu sót và bất toàn về ngoại hình, về tinh thần, về mức độ thông minh và về đời sống tâm linh. Bạn cũng có thể rơi vào những hoàn cảnh ngoài tầm tay của mình làm cho mình yều đi như những hạn chế về tài chánh hay về giao tế. Vấn đề qun trọng hơn là bạn làm gì với những điểm yếu này. Thường thì chúng ta phủ nhận những yếu đuối của mình, biện hộ cho chúng, bào chữa cho chúng, che đậy chúng, và đau buồn vì chúng. Điều này ngăn trở Đức Chúa Trời sử dụng chúng theo cách Ngài muốn.

Đức Chúa Trời có một cái nhìn khác về những yếu đuối của bạn. Ngài phán: "... đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi... " cho nên Ngài thường hành động theo cách hoàn toàn trái ngược với điều chúng ta mong đợi. Chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời chỉ muốn dùng những điểm mạnh của mình, nhưng Ngài cũng muốn dùng những yếu đuối trong chúng ta cho sự vinh hiển của Ngài nữa.

Kinh Thánh chép: "Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh." Những yếu đuối của bạn không phải là tình cờ. Chúa có chủ đích khi đặt để chúng trong cuộc đời bạn nhằm bày tỏ quyền năng của Ngài qua bạn.

Khả năng tự lực tự cường của chúng ta không bao giờ khiến Chúa nể phục. Thật ra, Ngài yêu thích những người yếu đuối thừa nhận rằng mình yếu đuối. Chúa Giê-su kể thái độ nhìn nhận điều thiếu sót này là thái độ "có tâm linh nghèo khó". Đó là thái độ hàng đầu mà Ngài ban phưóc.

Không phải ai trong chúng ta cũng thông minh xuất chúng hay tài năng xuất chúng. Khi nghĩ đến thiếu sót trong cuộc đời mình, bạn có thể bị cám dỗ để kết luận rằng: "Có lẽ Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ dùng tôi." Nhưng Đức Chúa Trời không hề bị giới hạn bởi những giới hạn của chúng ta. Thật ra, Ngài thích tuôn đổ quyền năng của Ngài vào trong những bình chứa bình thường. Kinh Thánh chép: "Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi." Giống như chiếc bình đất tầm thường, chúng ta rất mong manh, không hoàn thiện và dễ vỡ. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ xử dụng nếu chúng ta để cho Ngài vận hành qua những yếu đuối của chúng ta. Để được như vậy, chúng ta phải noi theo gương Phao-lô.

Hãy thừa nhận những yếu đuối của bạn. Hãy thừa nhận những bất toàn của mình. Đừng giả đò như bạn ổn thoả trong mọi sự, và hãy chân thật về chính bạn. Thay vì cứ chối bỏ hoặc bào chữa, hãy dành thời gian xác định những yếu đuối của cá nhân bạn. Bạn có thể liệt kê ra thành một danh sách.

Có hai lời tuyên xưng trong Tân Ước minh họa điều chúng ta cần để có đời sống khỏe mạnh. Lời xưng nhận đầu tiên là của Phi-e-rơ, người nói với Chúa Giê-su rằng: "Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống." Lời xưng nhận thứ hai là của Phao-lô, người nói với đám đông đang tôn sùng ông: "Chúng ta chỉ là loài người giống như các ngươi." Nếu bạn muốn Đức Chúa Trời sử dụng mình, bạn phải biết Ngài là ai và bạn là ai. Nhiều Cơ-đốc-nhân, đặc biệt là những người lãnh đạo, quên đi lẽ thật thứ hai: Chúng ta chỉ là con người ! Nếu cần phải làm một cuộc khủng hoảng để giúp bạn thừa nhận việc này, thì Đức Chúa Trời cũng không ngần ngại đâu, vì Ngài yêu thương bạn.

Những yếu đuối của chúng ta cũng ngăn ngừa thái độ cao ngạo, khiến chúng ta phải khiêm nhường. Phao-lô nói: "Vậy nên để tôi đừng sinh lòng kiêu căng. Chúa đã cho tôi một khuyết tật để tôi thường xuyên ý thức về những hạn chế của mình." Đức Chúa Trời thường gắn sự yếu đuối lớn với sức mạnh lớn để kiểm soát bản ngã của chúng ta. Giới hạn có tác dụng như cái thắng, ngăn không cho chúng ta chạy quá nhanh và chạy trước Đức Chúa Trời, rằng chính quyền năng của Ngài giải cứu họ chớ không phải nhờ sức mạnh của họ. Những yếu đuối của chúng ta cũng khích lệ mối thông công giữa các tín hữu. Trong khi sức khỏe sản sinh tinh thần sống riêng rẽ ("Tôi không cần gì cả"),thì những giới hạn cho thấy rằng chúng ta cần lẫn nhau biết bao. Khi chúng ta dệt những sợi tơ yếu đuối của cuộc đời mình lại thì sẽ được một sợi dây thừng chác chắn biết bao. Vance Havner nói vui: "Các Cơ-đốc nhân, giống như bông tuyết, rất mong manh, nhưng nếu họ kết dính lại với nhau thì có thể làm kẹt xe."

Hơn hết, những yếu đuối làm tăng khả năng cảm thông và phục vụ của chúng ta. Chúng ta dễ dàng cảm thông và tế nhị về những yếu đuối của người khác hơn. Đức Chúa Trời muốn bạn có một mục vụ giống Đấng Christ trên trần gian. Điều đó có nghĩa là những ngưởi khác sẽ tìm được sự chữa lành trong các vết thương của bạn. Sứ điệp lớn nhất của đời sống và mục vụ hiệu quả nhất của bạn sẽ ra từ những nỗi đau sâu đậm nhất. Điều mà bạn lo buồn, xấu hổ và ngại chia sẻ nhất chính là những công cụ Đức Chúa Trời có thể dùng một cách kỳ diệu nhất để chữa lành cho những người khác.

Nhà truyền giáo lừng danh Hudson Taylor đã nói: "Tất cả những vĩ nhân của Chúa đều là những người yếu đuối." Điểm yếu đuối của Môi-se chính là sự nóng nảy của ông. Nó khiến ông giết chết một người Ai Cập, và đập vào tảng đá thay vì nói với nó, và đập vỡ Bảng Luật pháp. Nhưng Đức Chúa Trời đã biến Môi-se thành "người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian."

Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, bạn cần phải quyết định xem bạn muốn sống để loè thiên hạ hay để ảnh hưởng họ. Bạn có thể loè người từ xa, nhưng bạn phải lại gần để ảnh hưởng họ, và khi bạn làm như vậy, họ sẽ có thể thấy được những khuyết điểm của bạn. Chuyện đó không sao cả. Phẩm chất thiết yếu nhất để lãnh đạo không phải là sự toàn hảo bèn là sự tín nhiệm. Người khác cần phải tin bạn, nếu không thì họ không đi theo đâu. Bạn gây dựng sự tín nhiệm của mình bằng cách nào ? Không phải bằng cách giả bộ hoàn hảo, bèn là bằng lòng chân thật.

RICK WARREN