Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Danh Nữ Truyền Giáo - Ann Hasseltine Judson (1789-1826)

Người Phụ Nữ Hoa Kỳ Đầu Tiên Đi Ra Nước Ngoài Truyền Giáo

Ann Hasseltine Judson cùng chồng, ông Adoniram Judson, là những người Mỹ đầu tiên thiết lập mục vụ truyền giáo tới vùng Viễn Đông. Trước khi kết hôn với ông Judson, chính bà Ann đã cảm nhận được sự kêu gọi của Chúa để đến những cánh đồng truyền giáo, đặc biệt là truyền giáo ra nước ngoài. Bà đã dâng cuộc đời mình cho Chúa để phục vụ bất cứ nơi nào mà Ngài có thể gọi Bà đến đó.

Bà Ann Hasseltine được sinh ra ở thành phố Bradford, tiểu bang Massachusetts vào năm 1789. Bà tin Chúa vào năm 16 tuổi. Khi còn trẻ, Bà đã dành nhiều thời gian đọc những quyển sách tôn giáo và cầu nguyện. Bà Ann đã dự phần vào sự phấn hưng tôn giáo ở New England vào năm 1806, cũng vào thời điểm này bà đã quyết tâm dâng trọn đời mình cho Chúa. Bà đã cầu nguyện với Chúa rằng: "Xin hướng dẫn con trong sự hầu việc Ngài, và con sẽ không cầu xin điều gì nữa. Con sẽ không chọn chức vụ làm việc cho mình, hoặc nơi làm việc. Chỉ cho con biết ý muốn của Ngài, và con sẽ sẵn sàng thực hiện."

Bà Ann học tại Học Viện Bradford và bắt đầu giảng dạy khi bà 18 tuổi. Năm 21 tuổi, trong một buổi họp về Những Mục Vụ Truyền Giáo được tổ chức tại nhà bà, do ba của Bà hướng dẫn, thì bà gặp ông Adoniram Judson là một mục sư quản nhiệm hội thánh. Sau đó họ đã đính hôn và đã thành hôn vào ngày 05 tháng 2 năm 1812. Ngày hôm sau, họ đã lên tàu ra khơi để đến Ấn Độ truyền giáo. Chuyến đi mất bốn tháng và họ đã đến ở Calcutta, Ấn Độ vào ngày 18 tháng 6, năm 1812.

Trong chuyến hành trình trên biển bà Ann và ông Adoniram đã đọc quyển sách "Cuộc Sống Của Các Thánh Tử Đạo và Thánh," cùng với một số sách về việc phép Báp-tem; và khi đến nơi, họ đã gia nhập Giáo Hội Báp-tít và họ đã được làm phép Báp-tem bằng cách dìm mình trong nước tại một nhà nguyện Calcutta. Họ đã viết thư về nhà để chia sẻ về sự thay đổi của họ trong niềm tin, mà đã gây ra một số lời chỉ trích, nhưng cũng có một điều tốt đến từ sự thay đổi này. Gia đình Judsons là công cụ dẫn đến sự thức tỉnh nhà thờ Báp-tít ở Mỹ để làm nhiệm vụ của họ, đó là thực hiện công việc truyền giáo tại nước ngoài. Do ảnh hưởng của ông bà Judsons, Hội Đoàn Báp-tít tại Philadelphia được thành lập vào năm 1814, trong đó ông bà Judsons được bổ nhiệm trong chức vụ là những nhà truyền giáo Báp-tít và được sự tự do lựa chọn nơi mà họ muốn đến truyền giáo.

Một thời gian ngắn sau khi đến Ấn Độ, họ đã bị chính phủ Ấn Độ ra lệnh phải rời khỏi Ấn Độ và trở về Mỹ. Vì vậy ông bà Judsons đã chuyển công việc truyền giáo của họ đến Miến Điện, là xứ nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Họ định cư tại Ragoon, là bến cảng chính của Miến Điện, và họ bắt đầu học tiếng Miến Điện. Không bao lâu, họ đã nhận ra rằng sẽ rất khó khăn để rao giảng Cơ Đốc Giáo bằng một ngôn ngữ thiếu những từ như Đức Chúa Trời, Thiên Đàng, và Đời Đời. Vì thế họ đã tiến hành để dịch Kinh Thánh sang tiếng Miến Điện. Họ bắt đầu với sách Giô-na, mà đặc biệt thu hút tâm trí người Miến Điện.

Bà Ann đã sớm quen thuộc với trang phục Miến Điện - Đó là cái áo dài màu sáng của nó, có gạc sáng màu, cùng một chiếc váy lụa sáng, xẻ khe ở mắt cá chân. Là một người truyền giáo dâng trọn đời mình, bà Ann đã hình thành một tổ chức của những phụ nữ bản xứ để họ gặp nhau vào những ngày Chúa Nhật cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, và bà cũng dạy các lớp học cho phụ nữ. Sự đóng góp lớn nhất của bà vào sự nghiệp của phụ nữ và những mục vụ đó là những bài viết đầy khích lệ của bà. Bà đã viết những câu chuyện đầy thu hút về cuộc đời trên cánh đồng truyền giáo và những sự đấu tranh mà bà phải đối mặt, nhất là khi chồng bà bị bắt giam ở nhà tù Miến Điện trong gần hai năm. Bà cũng đã viết những bài tường thuật bi thảm về những cuộc hôn nhân của đứa trẻ, trẻ sơ sinh nữ, và những thử thách của người phụ nữ Miến Điện mà hầu như không có chủ quyền gì ngoài trừ những quyền mà chồng của họ cho phép họ làm. Bà Ann cảm thấy tệ hơn khi nhìn những phụ nữ Miến Điện sống trong sự thiếu hiểu biết của họ. Những phụ nữ Miến Điện đã không được dạy dỗ nên họ đã sống những ngày không có ý nghĩa. Bà Ann đã làm việc để khắc phục tình trạng này và kêu gọi sự giúp đỡ của những phụ nữ ở tại Hoa Kỳ.

Giống như hầu hết những phụ nữ truyền giáo, bà Ann đã trải qua tình trạng thiếu sức khỏe trên cánh đồng truyền giáo. Bà phục vụ trong 13 năm tại Miến Điện trước khi bà qua đời lúc 37 tuổi, vào ngày 24 Tháng 10 năm 1826. Bà được chôn cất tại Amherst dưới một gốc cây trong khi những tín hữu Miến Điện đã khóc trên mộ bà. Trong những thập niên sau cái chết của bà Ann, rất nhiều những bài tiểu sử và bản phác thảo tiểu sử đã được viết về bà Ann Hasseltine Judsons và bà đã trở thành một gương sáng cho tất cả phụ nữ Cơ Đốc trẻ noi theo.

Chúng ta có thật sự biết Chúa và tương giao với Ngài một cách cá nhân chưa? Chúng ta có đang sống để có thể tiếp cận và chạm vào một người nào đó trong một cách tương tự như bà Ann Judson đã sống chưa? Chúng ta có dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa sử dụng theo ý của Ngài chưa? Chúng ta có đặt lòng tin trọn vẹn tin vào quyền năng và chương trình của Chúa đã dành sẵn cho chúng ta chưa? Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng ban cho chúng ta sức mạnh của đức tin mà giao trọn mọi sự cho Ngài, để Ngài hướng dẫn chúng ta sống theo đường lối ngài, để đời sống chúng ta giúp ích cho nhiều người, nhất là những người chưa tin Chúa; xin Ngài giúp chúng ta làm "ánh sáng của thế gian và muối của đất", hầu cho họ có thể nhìn thấy Chúa qua đời sống và việc làm của chúng ta đối với họ! Cầu xin Chúa cho chúng ta rao giảng Tin Lành cho người lân cận chúng ta còn đang trong tối tăm! A-men!

Ngọc-Huỳnh-Bích

Tài liệu tham khảo:

www.wholesomewords.org/biography/biorpannjudson.html

www.historyswomen.com/womenoffaith/AnnJudson.htm