Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 125

Yêu Nhau

Từ bài giảng luận "Cội Nguồn Yêu Thương"

CN Dec 08, 2013 - Hội Thánh North Hollywood

Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương. (1Giăng 4:8)

(Đọc 1Giăng 4:7-21)

Xưa nay, thế gian đã tốn biết bao nhiêu giấy mực, để lại cho đời những án văn chương thi phú ca ngợi tình yêu. Nguồn cảm hứng đó cứ tuôn chảy theo cuộc sống luôn đổi thay này, dù đa phần chỉ nói đến tình yêu của hai con người. Nếu nói về tình yêu của Thiên Chúa thì lại càng thênh thang hơn, như trong một bài hát thuộc dòng nhạc thánh có câu: "Thế gian chứa sao hết đức ái nhân giăng cao khắp mọi phương trời". Thế thì, tôi là ai mà dám cả gan góp tiếng về tình yêu; cho dù tôi đã, đang và vẫn còn yêu, cũng như được yêu? Bài giảng luận mở ra cho tôi một khe nhìn để tôi duyệt xét lại góc nhỏ tình yêu của chính tôi.

Trong bức thư của Phao-lô gửi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô có một phân đoạn vỏn vẹn chỉ 13 câu, nhưng phân tích hết sức tỉ mỉ về tình yêu; một tình yêu đích thực, không thay đổi và có hiệu lực qua mọi thời đại. Với bản Thánh Kinh truyền thống tiếng Việt, ba từ quan trọng đi liền với nhau và được nhắc đi nhắc lại trong khuôn mẫu đó là: TÌNH YÊU THƯƠNG. Có thể một vài bản dịch sau này tóm gọn cụm từ mang vẻ bình dân hơi thô kệch này thành thanh nhã gãy gọn, nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn đặt căn bản trên ba từ đó khi tôi đọc phân đoạn Kinh Thánh nêu ở đầu bài, từ bức thư của sứ đồ Giăng, người được Chúa yêu, gửi cho các Hội Thánh.

Cái "TÌNH" mà Đức Chúa Trời dành cho tôi được mô tả như sau: "sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời" "vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương" (1Giăng 4:7,8). Tôi được sanh ra từ Yêu Thương và tôi biết thế nào là Yêu Thương. Cảm tình đó được Đức Chúa Giê-xu dạy cho các môn đồ mình trong bài cầu nguyện có mở đầu là "Lạy Cha chúng con ở trên trời". Đó không là một thứ tình cảm nhất thời hời hợt mà là tình phụ tử, cha với con, không thể bứt rời, dầu phải trải qua bất cứ sóng gió nào trong cuộc sống phù du này. Với tình cảm đó, Đức Chúa Trời sẵn sàng cho tôi tất cả, kể cả Ngôi Hai Thiên Chúa: "Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống" (câu 9). Dù tôi phạm tội đáng chết đời đời, nhưng Đức Chúa Trời không bỏ mặc tôi, "nhưng Ngài đã yêu tôi, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội tôi" (câu 10), để tôi được sống, sống trong Tình Yêu.

Từ chữ "TÌNH" vô biên trên bước sang chữ "YÊU" của Đức Chúa Giê-xu Christ, tình yêu được minh chứng bằng hành động. "Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian. Ví bằng có ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người, và người ở trong Đức Chúa Trời" (câu 14.15). Đức Chúa Giê-xu đã tóm tắt toàn bộ luật pháp trong hai điều lớn hơn hết: "Kính mến Chúa và yêu người như yêu mình", chẳng phải là gồm tóm tất cả trong một chữ YÊU? Điều răn mới mà Đức Chúa Giê-xu muốn các môn đồ phải giữ là: "các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy" (Giăng 13:34). Còn đây là tình yêu Đức Chúa Giê-xu Christ dành cho tôi: "Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng" (Giăng 13:1). Tình yêu này làm thay đổi con người, cuộc đời và cả tương lai của tôi; bởi đó tôi cũng phải dành cả cuộc đời mình để có một tâm tình y như Đấng Christ (Phi-líp 2:5), bởi vì "Chúa thể nào thì tôi cũng thể ấy trong thế gian nầy" (câu 17).

Tôi không thể tự mình làm được điều đó, may mắn thay Đức Thánh Linh được ban xuống để tôi thật sự kết quả yêu thương, "chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta" (câu 13). Chữ "YÊU" cao sang biến thành chữ "THƯƠNG" dung dị gần gũi và bày tỏ từ trong tâm. Dấu ấn để thế gian nhận biết tôi và anh em tôi thuộc về Chúa là yêu nhau (Giăng 13:35). Ấn chứng đó là công việc của Chúa Thánh Linh, Ngài dẫn tôi vào lẽ thật của tình yêu và tình yêu thành hình dần rõ nét trong tôi. Điều được nhắc đến đầu tiên trong kết quả của một đời sống có Chúa là "lòng yêu thương" (Galati 5:22). Chẳng những biết sự yêu thương, thấy yêu thương mà tôi còn phải có lòng yêu thương. Nghĩa là, không được phép yêu bằng môi miếng, yêu bằng đầu môi chót lưỡi; mà là với cả tấm lòng, tận đáy lòng rồi từ đó biến nên những hành vi yêu thương nhau chân thành, cho dù có lắm lúc phải đau thương.

Tôi nhìn lại ba chữ "TÌNH YÊU THƯƠNG", thêm một nét đẹp cho tiếng Việt mến yêu của tôi, ba từ đó bắt đầu với "T"-"Y"-"T". Phải chăng đó là hình ảnh của thập tự giá đã được con người chọn làm dấu hiệu của tình thương, tình thương của Đấng Vô Tội phải giang tay ra cách đớn đau, nhục nhã, và chết trên Gô-gô-tha xưa kia, vì cả thế gian tội lỗi này, vì chính tôi?

Thế thì, tại sao tôi lại không thể yêu anh em tôi? Hai chữ yêu nhau của đề tựa chỉ nhằm mục đích kích hoạt sự suy tư của tôi về vấn đề không đơn giản trong đời sống Cơ-đốc: "YÊU MẾN LẪN NHAU". "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau" "Vì có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được. Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình" (1Giăng 4:1,20,21). Tôi ơi! Người của TÌNH YÊU THƯƠNG ơi! Hãy luôn yêu mến lẫn nhau!